Mình viết bài này cũng được một thời gian rồi, khi mà thông tin về Hội thánh Đức Chúa Trời (Mẹ) đang tràn lan khắp nơi, rồi tẩy chay vô tội vạ. Mình không biết gì về Hội Thánh đó hết, chỉ là nhìn từ cách mọi người tẩy chay, báo đài đưa tin rất thiếu trách nhiệm. Họ không tìm hiểu gì về Cơ Đốc giáo nói chung hay các nhánh Tin Lành được công nhận khác hết mà cứ dùng những khái niệm, những nghi thức được công nhận chung ra để nhạo báng và kì thị. Thờ cúng Tổ tiên chỉ là một phần trong đó thôi.
  1. Thờ cúng ông bà tổ tiên cơ bản là gì?
Cá nhân mình nhận định, thờ cúng ông bà tổ tiên là một phong tục truyền thống hơn là một tín ngưỡng, càng không đủ phức tạp để nâng tầm thành một tôn giáo hoàn chỉnh.
Cung-to-tien-2-766x457

Và vì phong tục này vốn rất giản dị và có sự thay đổi tùy vào từng thời kì và từng khu vực nên không có sách vở chính thống mẫu mực nào giải thích cặn kẽ ông bà sau khi qua đời sẽ đi về đâu, và như thế nào. Những lý giải được thêm vào sau này dường như là  do có tiếp biến với các nền văn hóa và tôn giáo khác mới hình thành.
Về cơ bản, phong tục này cho rằng ông bà sau khi mất thân xác sẽ tan rã nhưng linh hồn vẫn còn hiện hữu trong thế giới này và có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống của con cháu. Người Việt cho rằng chết chưa phải là hết, linh hồn BẤT DIỆT và thường ngự trên bàn thờ để gần gũ và giúp đỡ con cháu, dõi theo người thân để phù hộ khi nguy khó, mừng khi họ gặp may mắn, khuyến khích họ làm điều lành và quở trách khi làm điều tội lỗi. (Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bản sắc văn hóa người Việt – Đinh Kiều Nga).
Có thể hiểu là, sau khi thân xác tiêu tan, linh hồn sẽ đến một nơi nào đó, tạm gọi là “trời” hoặc “cửu tuyền” và ngụ tại đó theo dõi người thân và sẽ tồn tại mãi, như việc chúng ta vẫn thờ cúng Hùng Vương.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý một điểm như sau. Người Việt thờ cúng ông bà tổ tiên nhưng theo truyền thống chỉ thờ cúng giõ trong vòng 5 đời được gọi là “Ngũ đại đồng đường”. Đến đời thứ 6 người chịu trách nghiệm cúng giỗ sẽ mang “thần chủ” của cụ cố 6 đời đem đi chôn mà không thờ nữa. Các vị gần hơn sẽ được nâng lên 1 đời tính từ người chịu trách nhiệm cúng giỗ. Cúng trong 5 đời vì đó là những đời gần với người sống nhất và có những kỉ niệm những liên hệ trực tiếp với những thế hệ đang sống. Truyền thống này có thể khác biệt nhỏ tùy vào từng địa phương, quan niệm, truyền thống nhưng đại loại là gần như vậy.
Lý giải về việc này, người ta cho rằng đến đời thứ 6, linh hồn sẽ trở lại nhân gian để đầu thai. Đi gọi hồn thì chỉ gọi được đến đời thứ 3-4 thôi, vì sau đó ông bà đã đi đầu thai rồi không thể gọi được nữa. Cách giải thích như trên có mâu thuẫn với quan niệm linh hồn bất diệt, linh hồn không bất diệt mà sẽ được đầu thai.
Cá nhân mình nhận định quan niệm linh hồn bất diệt mới là quan niệm gốc. Tục thờ cúng ông bà tổ tiên hay được cho là du nhập từ Trung Quốc nhưng cơ bản nó là tài sản chung của các nền văn minh nông nghiệp. Khái niệm luân hồi chủ yếu được sinh ra trong lòng các tôn giáo Ấn Độ. Dù Bà La Môn giáo và Phật giáo có được truyền sớm vào Việt Nam đến mức nào, sớm hơn cả thời kỳ Bắc Thuộc (như Chử Đồng Tử) thì giai đoạn đó cũng chưa thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến phần đông dân chúng được. Việc giải thích sau 5 đời linh hồn sẽ đầu thai dường như là sau khi Phật giáo đã được truyền bá rộng rãi.
Các bạn sẽ có thể tìm được các cách giải thích khác, đại loại như là sẽ có hai loại linh hồn, 1 linh hồn gốc sẽ tồn tại mãi mãi và linh hồn phụ mang theo nghiệp đi đầu thai, hay đại loại như vậy vì căn bản là đây không phải tôn giáo, không có bộ luật nào được duy trì để đảm bảo sự thống nhất và chính thống cả nhưng mình tin 2 quan niệm nêu trên có độ phổ cập cao hơn. Về mối quan hệ giữa phong tục này và Phật giáo mình sẽ có một ít nhận định bên dưới vì không phải vấn đề chính của bài viết lần này.
  1. Vì sao việc thờ cúng tổ tiên lại gây tranh cãi trong các dòng Cơ đốc giáo?
Trong Cơ Đốc giáo (và Do Thái giáo), giao ước đầu tiên thành văn bản của Thiên Chúa và con người chính là Mười Điều Răn (10 Commandments) mà Thiên Chúa (Chúa Cha – Giê-hô-va) đã mặc khải cho Tiên tri Moses trên núi Sinai và được khắc trên hai phiến đã. Sự việc này được ghi lại trong Kinh Thánh, sách Xuất Hành khi Moses đã dẫn đoàn người Do Thái vượt Biển Đỏ và đóng vai trò rất quan trọng trong Cơ đốc giáo (và Do Thái giáo).
Theo đó, điều răn đầu tiên cũng là điều quan trọng nhất và cũng là trọng tâm của các dòng tôn giáo độc thần Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo đó là: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của người, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC CÓ THẦN NÀO KHÁC ĐỐI NGHỊCH VỚI TA. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phái dưới mặt đất để mà thờ. Người không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi là một vị thàn ghen tuông. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông, còn với những ai yêu mến ta và giữ những mệnh lệnh của Ta thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.” (Bản tiếng Việt của Công giáo Roma)
Viết ra thì dài nhưng ý nghĩa cơ bản của điều răn thứ nhất là chỉ được THỜ MỘT VÀ CHỈ MỘT THIÊN CHÚA DUY NHẤT và cấm không được thờ bất cứ thứ gì khác. Đây chính là lý do khiến các dòng Cơ Đốc giáo khi vào Việt Nam gặp nhiều bất lợi. Các tín đồ khi đã chấp nhận đặt niềm tin nơi Thiên Chúa thì một trong những điều phải làm là gỡ bỏ bàn thờ tổ tiên trong nhà. Mà đối với người Việt, ban thờ tổ là nơi quan trọng nhất trong gia đình, thậm chí trong bộ luật Hồng Đức còn quy định ai không giữ ban thờ còn bị chém đầu. Chính vì vấn đề này mà mặc dù vua Gia Long vì nhận sự trợ giúp trước đó của Bá Đa Lộc nên có rất nhiều phần nhún nhường vị giám mục người Pháp này trong vấn đề truyền đạo nhưng cũng nhiều lần xảy ra tranh luận khi Công giáo yêu cầu tín đồ phá bỏ ban thờ tổ.
Một số giám mục khi đó tại Việt Nam vẫn kín đáo cho phép tín đồ được duy trì bàn thờ, được sinh hoạt tại các đình làng, làm lễ với Thành Hoàng, quan lại, hoàng thất được tham gia các nghi lễ cúng tổ tiên theo truyền thống. Tuy nhiên, việc này sau đó đã được truyền đến Vatican và lập tức bị cấm vì cho là các tín đồ đang thờ tà thần, ma quỷ.
Theo giáo điều Công giáo, sau khi chết linh hồn sẽ hoặc lên Thiên Đàng hoặc xuống Hỏa Ngục và dù thế nào cũng đã ly trần không thể trở về trần thế và có tác động gì đến với thân nhân còn sống được nữa.
  1. Quyết định về Lễ nghi Tôn kính Ông bà Tổ tiên của Vatican
Sau một khoảng thời gian chính thức bị cấm, các giám mục thực sự nghiêm túc tìm hiểu văn hóa bản địa tại Việt Nam và một số nước như Trung Quốc đã đấu tranh để giúp các tín đồ của mình tại đây vẫn được phép duy trì phong tục truyền thống mà không vi phạm luật Thiên Chúa.
Đến tháng 11 năm 1974, tại Hội thảo VII về Truyền bá Phúc Âm toàn quốc tại Nha Trang, các giám mục đã chấp thuận phổ biến việc thi hành nghị quyết ngày 14/6/1965 về các nghi lễ tôn kín Ông Bà Tổ Tiên như sau:
“Để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, hội nghị nhận định: Những cử chỉ thái độ, lễ nghi có tính cách thế tục lịch sự, xã giao để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ Tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động
  1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan như hồn bạch.
  2. Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ Tổ Tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
  3. Ngày giỗ cũng là ngày “kỵ nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã, và giảm thiểu cùng canh cải những lễ vật biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà, như dâng hoa trái, hương đèn.
  4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ, giường thờ Tổ Tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với Ông Bà.
  5. Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vãi theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khất cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.
  6. Đuợc tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là Phúc Thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải là mê tín dị đoan như đối với các yêu thần, tà thân.
Trong trường hợp thi hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu khích lệ, thông cảm… Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính Tổ Tiên và các vị anh hùng liệt sĩ theo phong tục địa phương là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền phải “thảo kính cha mẹ”, đó là giới răn sau việc thờ phụng Thiên Chúa”.
Nghị quyết trên có thể được tóm gọn và tạm giải thích như sau: tín độ Công giáo La Mã Roma được phép duy trì bàn thờ Tổ Tiên, được phép thắp hương, vái lạy nhưng phải hiểu một cách rõ ràng đó không phải là THỜ CÚNG (vì chỉ được “thờ cúng” một vị duy nhất là Thiên Chúa mà thôi). Và vì hành động đó chỉ mang ý nghĩa tưởng nhớ đến ông bà nên không có chuyện cúng đồ ăn thì ông bà sẽ về ăn được vì theo Công giáo linh hồn của một người đã chết có thể được vào ngay Thiên Đàng hoặc rơi vào ngay hỏa ngục => không thể nào có chuyện ông bà sẽ về ăn đồ cúng được. Như đã ghi rõ ở trên, tín đồ Công giáo chỉ được TRƯNG (không phải cúng) hoa quả mà thôi => không được ăn đồ cúng.
Nhiều nhánh Tinh Lành cũng có cách lý giải về quyết định cho phép tín đồ thực hiện các nghi lễ tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên tương tự với Công giáo.
Tuy nhiên, phải lưu ý rất rõ ràng rằng họ vẫn không được THỜ CÚNG ông bà tổ tiên mà đây chỉ là hoạt động để tưởng nhớ thôi. Họ không tin vào việc đốt vàng mã, gửi đồ cho ông bà, cầu siêu, gọi hồn, cúng đồ ăn…
  1. Vì sao không để bàn thờ tổ tiên không phải là bỏ ông bà?
Công giáo và một số nhánh Tin Lành cho phép việc duy trì bàn thờ, thắp hương nhưng cũng không có nghĩa là khuyến khích. Không phải bất cứ tín hữu Cơ Đốc nào cũng cảm thấy cần thiết phải duy trì phong tục này, vấn đề này hoàn toàn là vấn đề cá nhân. Đặc biệt cũng có một số nhánh Tin Lành ở Việt Nam không cho phép để bàn thờ và thờ cúng. Nhưng kể cả có bỏ bàn thờ không có nghĩa là họ bỏ ông bà và càng không có nghĩa họ là “tà giáo”.
Điều răn thứ 4 trong Mười Điều Răn của Thiên Chúa tại núi Sinai ghi rõ: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi.”
Nói chung là Cơ Đốc giáo dù có được phép đặt bàn thờ tổ thì cách họ tưởng nhớ cũng rất khác và không phải cách truyền thống bình thường của người Việt. Tín hữu Cơ Đốc thường có quan niệm thể hiện sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ chủ yếu khi họ còn sống mà thôi, khi họ chết thì lo chôn cất chu đáo nghiêm trang. Đấy cũng là một phương thức hiếu thảo, tôn kính tổ tiên một cách văn minh, chứ cũng không có gì xấu xa hay đáng lên án cả.
  1. Thờ cúng tổ tiên trong một số tôn giáo khác
  • Chăm Hồi giáo: Cơ bản người Chăm Hồi giáo theo dòng Hồi giáo chính thống nên tất cả các hình thức thờ cúng ngoài Thiên Chúa Allah đều bị cấm bởi cùng một lý do với Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo nghiêm cấm thờ cúng các di ảnh hay mẫu tượng (kể cả ảnh tượng của Thiên Chúa và các Tiên Tri).
  • Chăm Bà La Môn: Không lập bàn thờ tổ tiên vì họ tin vào luân hồi.
  • Chăm Bà Ni: sẽ có những hình thức thờ cúng tổ tiên nào đó nhưng khác với quan niệm của người Kinh.
  • Phật giáo Hòa Hảo: Thờ cúng tổ tiên là một nguyên tắc vô cùng quan trọng. Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thờ cúng ba ngôi hương án thì ngôi thứ nhất là Cừu Huyền Thất Tổ chính là thờ cúng tổ tiên theo đạo lý uống nước nhớ nguồn. Ngôi thứ hai là Tam Bảo nhà Phật và ngôi thứ ba là Thông Thiên (trời).
  • Cao Đài giáo: Đức Cao Đài có chỉ dạy “Chỉ có xứ Việt Nam còn duy trì được sự tôn sùng tổ phụ theo tục lệ cổ truyền” và người Cao Đài thực hiện nghi lễ thờ cúng tổ tiên theo Nho giáo.
  • Phật giáo: Phần này cần nói rõ hơn một chút tránh bị hiểu nhầm vì rất là dễ bị hiểu nhầm. Phật giáo tin vào luân hồi tức là sau khi chết đi tất cả mọi thứ sẽ tiêu tan chỉ duy nhất còn nghiệp được tái sinh. Vì Đức Phật không nói rõ là quá trình nghiệp tái sinh xảy ra khi nào nên thông thường có 2 quan niệm phổ biến như sau. Thứ nhất, quá trình luân hồi diễn ra ngay lập tức, trong vũ trụ này luôn có sẵn một chỗ phù hợp với nghiệp của mọi người và vòng luân hồi là hoàn chỉnh và không bị đắt đoạn. Đây là quan niệm của Phật giáo nguyên thủy. Khi sang đến một số nước như Trung Quốc, quá trình luân hồi được giải thích là sẽ sẽ xảy ra sau 49 ngày. Quá trình này là khoảng thời gian để xét nghiệp của người đó công tội như thế nào và tìm cho nghiệp đó một cuộc sống mới phù hợp. Cầu siêu là cầu cho người thân mình nhẹ bớt nghiệp trong khoảng thời gian này và cũng chỉ có giá trị trong 49 ngày vì sau đó người đó sẽ được đầu thai. Nhưng dù là đó tái sinh ngay lập tức hay sau 49 ngày thì cơ bản giáo lý của Phật giáo đều không thực sự ăn nhập với phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ xưa nơi linh hồn tồn tại ít nhất là lâu hơn 49 ngày như vậy. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh là Phật giáo có rất nhiều nhánh phái và không hoàn toàn thống nhất, có thể bạn cũng sẽ tìm thấy một nhánh Phật giáo nào đó có những lý giải phù hợp hơn nhưng có thể tạm khẳng định đó không phải là giáo lý của Phật giáo nguyên thủy.
 
Link Blog: Phong Trung