DONALD TRUMP VÀ ĐẾ CHẾ TRUMP ĐÃ ĐẠT ĐẾN ĐỈNH CAO QUYỀN LỰC NHƯ THẾ NÀO?
Donald Trump thấu hiểu cách nước Mỹ và thế giới vận hành trước khi chúng ta thực sự hiểu những suy nghĩ đặc biệt của ông
Trong suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ, hiếm có một nhân vật nào gây tranh cãi và thu hút sự chú ý như Donald Trump. Từ một cậu thanh niên ngỗ nghịch để rồi trở thành doanh nhân bất động sản giàu có cho đến Tổng thống thứ 47 Hoa Kỳ, con đường vươn tới quyền lực của ông là một câu chuyện đầy màu sắc của tham vọng, mưu lược và nhiều điều tai tiếng.
Donald Trump thấu hiểu cách nước Mỹ và thế giới vận hành trước khi chúng ta thực sự hiểu những suy nghĩ đặc biệt của ông. Trong bài viết này, hãy cùng nhau khám phá hành trình vươn đến đỉnh cao quyền lực và danh vọng của đế chế Trump nhé.
I. NHỮNG VIÊN GẠCH ĐẦU TIÊN
Muốn hiểu ngọn ngành về Donald Trump, chúng ta cần quay ngược thời gian về cuối thế kỷ 19. Xuất thân từ một ngôi làng nhỏ sản xuất rượu vang ở Đức, ông nội của Donald Trump là Friedrich Trump di cư tới Hoa Kỳ vào thời điểm những năm 1885. Điểm đến Friedrich Trump hướng tới là thị trấn Monte Cristo, nơi đang sôi động với cơn sốt đào vàng.
Tuy nhiên, với tầm nhìn khác biệt và tư duy kinh doanh nhạy bén, Friedrich Trump không chọn con đường tìm vàng như bao người. Thay vì vậy, ông quyết định “đào mỏ” từ chính những người đi đào mỏ bằng việc mở một khách sạn cung cấp các dịch vụ ăn uống, lưu trú và giải trí. Trong đó, có một khu vực riêng mang tên “Phòng dành cho các quý cô” để ám chỉ đến dịch vụ mại dâm.
Khi một cơn sốt vàng khác bùng nổ ở Yukon từ năm 1896, Friedrich Trump một lần nữa chứng tỏ khả năng kinh doanh của mình. Ông tận dụng những xác ngựa chết rải rác dọc theo con đường đi tìm vàng. Sau đó, gom lại và mở một nhà hàng phục vụ thịt ngựa cho đám đông đổ về đây. Friedrich tiếp đến lại mở một khách sạn và nhà hàng của riêng mình tại thị trấn Bennett, nơi sớm trở thành điểm dừng chân phổ biến cho những người có giấc mơ tìm vàng. Chưa biết họ có đổi đời nhờ vàng hay không nhưng chắc chắn là nhờ những người này mà Friedrich Trump đã thật sự đổi đời.
Sau những năm tháng kinh doanh phát đạt, ông trở về Đức và kết hôn với một người phụ nữ đồng hương tên Elizabeth Christ. Hai vợ chồng sau đó quay lại Mỹ và định cư tại quận Queens, New York, nơi Friedrich quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản. Họ sinh được một cậu con trai và đặt tên là Fred Trump. Nhưng không may biến cố ập đến khi Friedrich qua đời vào năm 1918 trong đại dịch cúm Tây Ban Nha, để lại đứa con mới 12 tuổi và những dự án bất động sản còn dang dở.
Dẫu vậy, Fred Trump đã không hề suy sụp mà sớm trưởng thành trong giới kinh doanh. Ông là người cứng rắn, quyết đoán, luôn chăm chỉ và đặc biệt có tài đàm phán. Giữa thời kỳ Đại suy thoái tại Mỹ vào những năm 1930, Fred Trump nhanh nhạy nắm bắt cơ hội từ chính sách phát triển nhà ở giá rẻ của chính phủ. Cụ thể, thông qua những khoản vay được bảo lãnh, ông đã xây dựng hàng nghìn căn nhà giá rẻ một cách hiệu quả đến mức được mệnh danh là "Henry Ford của ngành xây nhà ở". Những thành công ban đầu này đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển sau này của đế chế bất động sản của dòng họ Trump.
II. DONALD TRUMP - TUỔI THƠ VÀ THỜI NIÊN THIẾU
Nhân vật chính của chúng ta, Donald Trump được sinh ra vào năm 1946 trong bối cảnh gia đình Trump khi ấy đã là một trong những gia đình giàu có nhất nước Mỹ.
Không chỉ thừa hưởng gia sản mà Donald Trump còn thừa hưởng một lối tư duy đặc biệt từ người cha Fred Trump. Theo đó, thế giới chỉ tồn tại kẻ thắng và người thua. Tử tế và thành thật là những điểm yếu không thể tha thứ. "Các con hãy là những kẻ giết người và các con là những vị vua". Lớn lên trong tư tưởng giáo dục đặc biệt này, Donald Trump đã sớm hình thành một tư duy mạnh mẽ về việc phải giành chiến thắng bằng mọi giá. Đây sẽ là kim chỉ nam định hình toàn bộ con đường kinh doanh và chính trị của ông sau này.
Bên cạnh đó, Donald Trump đã sớm bộc lộ tính cách nổi loạn và khó kiểm soát ngay từ nhỏ. Ông thường xuyên gây rối và nghịch ngợm tại trường học khiến nhiều giáo viên phải đau đầu. Mức độ bất tuân của Trump càng trở lên đáng ngại khi ông đấm một giáo viên dạy âm nhạc. Đỉnh điểm của sự nổi loạn là khi Fred Trump phát hiện con trai mình đã tự ý mua những con dao bấm. Trước những biểu hiện ngông cuồng ngày càng leo thang, Fred Trump quyết định có biện pháp mạnh. Donald Trump lập tức bị gửi đến Học viện Quân sự New York, với hy vọng môi trường kỷ luật nghiêm khắc ở đây sẽ giúp uốn nắn tính cách của cậu con trai 13 tuổi.
Thời gian tại Học viện Quân sự đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển tính cách của Donald Trump. Tại đây, những đặc quyền và lối sống xa hoa mà ông từng quen thuộc ở nhà hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là một môi trường khắc nghiệt và đầy rẫy những hành vi bạo lực, từ việc bắt nạt đến những cuộc ẩu đả thường xuyên. Mềm yếu, ngại va chạm hay sự tử thế hoàn toàn có thể trở thành điểm yếu chí mạng.
Trong bối cảnh ấy, Donald Trump lại tỏ ra phù hợp và thể hiện khả năng thích ứng đáng kinh ngạc. Ông tự tạo ra tầm ảnh hưởng và vươn lên trở thành một trong những thủ lĩnh của các học viên. Hình ảnh ông dẫn đầu đoàn diễu hành học viên vào ngày lễ Columbus năm 1963 đã trở thành một minh chứng sống động cho sự vươn lên mạnh mẽ này.
Có thể nói, chính những năm tháng tại học viện quân sự, cá tính cứng rắn, không ngại đối đầu và sẵn sàng xung đột của Donald Trump đã được định hình rõ nét. Đây cũng chính là những điểm đặc trưng sẽ trở thành thương hiệu trong phong cách lãnh đạo của ông.
Tuy vậy vào thời điểm đó, những phẩm chất này dường như chưa gây được nhiều chú ý trong kế hoạch thừa kế của gia đình. Fred Trump dành sự ưu ái cho một nhân vật khác. Đó là người con trai cả Fred Trump Jr. - một chàng trai thông minh, ưa nhìn, có khiếu hài hước và luôn mang đến không khí vui vẻ cho mọi người xung quanh. Thế nhưng, trong lĩnh vực kinh doanh, Fred Jr. lại không thể hiện được năng lực và sự quyết đoán cần thiết để đáp ứng những kỳ vọng khắt khe của cha. Tình thế này đã tạo ra cơ hội lớn cho Donald Trump vươn lên.
Đầu thập niên 1970, Fred Trump đánh dấu sự chuyển giao quyền lực chính thức bằng việc bổ nhiệm Donald Trump làm chủ tịch của Trump Organization. Trong khi đó, Fred Jr. đã chọn con đường riêng của mình khi rời xa gia đình để theo đuổi ước mơ trở thành phi công. Thế nhưng, cuộc sống của ông dần rơi vào vòng xoáy của chứng nghiện rượu nặng và kết thúc đầy bi kịch khi qua đời ở tuổi 42. Từ câu chuyện của anh trai, Donald Trump càng thêm tin tưởng rằng sự mềm yếu, dễ tổn thương và không chịu được áp lực là những điểm yếu chí mạng cần tránh xa.
III. KHỞI ĐẦU Ở NEW YORK
Donald Trump có xuất phát điểm thuận lợi khi bước vào thương trường với việc thừa kế đế chế bất động sản trị giá hàng triệu đô la tại Queens và Brooklyn. Tuy vậy, ngay từ những bước khởi đầu, ông đã vướng phải một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Năm 1973, chính phủ liên bang đã đệ đơn kiện trực tiếp Trump Organization về hành vi phân biệt chủng tộc. Đây được xem là một trong những vụ kiện phân biệt đối xử lớn nhất thời bấy giờ. Cụ thể, tập đoàn này bị cáo buộc đã sử dụng ký hiệu "C" (viết tắt của từ "Colored" - người da màu) để đánh dấu các đơn đăng ký thuê nhà của người da đen. Chính phủ đã có những bằng chứng xác thực khi nhiều nhân viên của Trump Organization thú nhận họ được chỉ đạo thực hiện những thủ thuật để gián tiếp ngăn cản người da đen thuê nhà. Trước tình hình đó, các luật sư của Donald Trump đã khuyên ông nên giải quyết vụ việc một cách thỏa đáng và tuân thủ những yêu cầu pháp lý để sớm khép lại vụ việc.
Nhưng Donald Trump không hài lòng với kiểu lời khuyên này. Ông bèn tìm đến một luật sư nổi tiếng ở Manhattan có tên Roy Cohn. Đây là một nhân vật nổi tiếng với phong cách hung hăng và không khoan nhượng trong suốt 20 năm hành nghề. Lời khuyên của Cohn hoàn toàn trái ngược với các luật sư khác: Đừng bao giờ thừa nhận lỗi. Chiến đấu và phủ nhận mọi thứ - bạn sẽ đánh bại họ. Bị thu hút bởi tư duy này, Trump ngay lập tức thuê Cohn làm luật sư cố vấn. Cả hai không chỉ phủ nhận mọi cáo buộc phân biệt đối xử mà còn phản đòn bằng một vụ kiện ngược lại Bộ Tư pháp để đòi bồi thường 100 triệu Đô La Mỹ. Mặc dù cuối cùng vụ kiện ngược lại thất bại và Trump phải âm thầm dàn xếp, nhưng Roy Cohn vẫn tuyên bố đây là một chiến thắng và Trump đã được minh oan.
Chiến lược hung hăng này của Roy Cohn thực sự để lại cho Donald Trump một bài học sâu sắc về sức mạnh của dư luận và hiệu quả của việc phản công quyết liệt. Thậm chí, nó đã trở thành kim chỉ nam trong cách Trump điều hành kinh doanh và tham gia chính trị: luôn đáp trả mạnh mẽ khi bị tấn công, không bao giờ thừa nhận sai lầm và sẵn sàng chiến đấu một cách tiểu xảo nếu cần thiết.
Đầu những năm 1980, sau những thất bại ban đầu trong phân khúc bất động sản bình dân, Donald Trump đã đặt cược vào thị trường bất động sản cao cấp ở Manhattan – nơi được xem như trung tâm của giới thượng lưu New York. Bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi này chính là dự án khách sạn Grand Hyatt.
Để hiện thực hóa tham vọng, Trump đã thao túng các cuộc đàm phán bằng cách đưa ra những con số và cam kết không hoàn toàn chính xác. Với Penn Central - công ty sở hữu khu đất và tòa nhà được nhắm đến, Trump nói rằng mình đã có sự đồng ý của khách sạn Hyatt. Ngược lại, với Hyatt, ông khẳng định đã thỏa thuận xong với Penn Central.
Tương tự, với các bên ngân hàng, Trump tuyên bố đã có được sự ủng hộ từ chính quyền thành phố về các ưu đãi thuế. Trong khi với chính quyền thành phố, ông lại khẳng định đã có sự hỗ trợ tài chính vững chắc từ các ngân hàng. Thực tế, tất cả những hứa hẹn trên đều chưa được đảm bảo tại thời điểm đó.
Chiến lược này ấy vậy mà đã thành công mỹ mãn. Trump không chỉ huy động được vốn mà còn đạt được một ưu đãi chưa từng có. Đó là việc miễn thuế trong 40 năm từ thành phố New York, điều chưa từng có tiền lệ vào thời bấy giờ. Khách sạn Grand Hyatt sau đó đã được xây dựng, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của Donald Trump sang thị trường bất động sản cao cấp ở Manhattan.
Được tiếp thêm động lực từ thành công của Grand Hyatt, Trump quyết định thực hiện một dự án tham vọng hơn nhiều, đó là một tòa nhà mang chính tên mình giữa trung tâm Manhattan. Không dễ dàng gì để biến giấc mơ này thành hiện thực. Ông phải vượt qua làn sóng phản đối gay gắt từ từ chính quyền cho đến các nhóm bảo tồn di sản trong thành phố, những người lo ngại tòa nhà 58 tầng này sẽ phá vỡ cảnh quan khu vực. Đặc biệt gây tranh cãi hơn cả là mối quan hệ giữa Trump với John Cody - một trùm mafia có tiếng, người được cho là đã giúp ông giải quyết nhiều vấn đề nhạy cảm trong quá trình xây dựng.
Bất chấp dư luận trái chiều và những cáo buộc về các hoạt động mờ ám, Trump Tower vẫn được hoàn thành vào năm 1983 và nhanh chóng trở thành biểu tượng của sự xa hoa cùng quyền lực. Sau đó, tòa nhà trở thành nơi cư ngụ của nhiều nhân vật tai tiếng: từ Verina Hixon - người phụ nữ bí ẩn sở hữu 6 căn hộ trị giá 10 triệu đô mà không có nguồn thu nhập rõ ràng, đến Robert Hopkins - thành viên băng đảng mafia điều hành đường dây cờ bạc bất hợp pháp, hay Joe Weichselbaum - trùm ma túy sau này trở thành đối tác kinh doanh của Trump trong lĩnh vực vận tải trực thăng.
Thành công của Trump Tower không chỉ đưa tên tuổi Donald Trump lên một tầm cao mới mà còn giúp ông nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Đây được xem như một bài học then chốt định hình phong cách kinh doanh của Trump trong những năm sau đó.
IV. XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU DONALD TRUMP
Thập niên 1980 chứng kiến sự trỗi dậy của Donald Trump không chỉ với tư cách một nhà kinh doanh bất động sản mà còn là một bậc thầy về xây dựng hình ảnh. Ông hiểu rõ sức mạnh của truyền thông và cách thức tác động vào tâm lý đám đông.
Trump từng chia sẻ về triết lý xây dựng thương hiệu của mình:
"Tôi đùa giỡn với sự tưởng tượng của mọi người. Mọi người có thể không phải lúc nào cũng nghĩ lớn cho bản thân, nhưng họ vẫn có thể rất hào hứng với những người làm như vậy. Đó là lý do tại sao sự cường điệu nhỏ không bao giờ gây hại. Mọi người muốn tin rằng điều gì đó là lớn nhất, vĩ đại nhất và ngoạn mục nhất."
Ngoài những hoạt động móc nối và kiểm soát giới báo chí, Trump còn tự mình thực hiện nhiều nước đi táo bạo. Điển hình vào năm 1984, trong một cuộc điện thoại với phóng viên Forbes đang thực hiện danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ, Trump đã giả giọng và tự xưng là John Barron với cương vị Phó Chủ tịch Tài chính của Trump Organization. Trong cuộc gọi này, "Barron giả” khẳng định Donald Trump nắm giữ hơn 90% cổ phần trong công ty gia đình, một con số được thổi phồng khác hoàn toàn thực tế.
Chiến thuật này phát huy hiệu quả khi Forbes cuối cùng đưa Trump vào danh sách những người giàu có với ước tính tài sản lên tới hàng trăm triệu đô la, trong khi thực tế tài sản của ông thời điểm đó chỉ dừng lại ở con số khoảng 5 triệu. Không rõ vì sao một tạp chí nổi tiếng như Forbes lại không phát hiện sớm điều này. Chỉ biết rằng nếu không lọt vào danh sách của Forbes, Donald Trump đã không thể vay được số tiền lớn phục vụ cho việc xây dựng đế chế kinh doanh của mình.
Sau này Trump đã thừa nhận việc sử dụng tên giả trong một phiên tòa. Qua sự việc, chúng ta đều nhận ra triết lý kinh doanh kỳ lạ và ấn tượng của ông. Khi mà sự giàu có, hào quang và chiến thắng không đồng nghĩa với việc trở thành người giỏi nhất theo cách thông thường, mà là khả năng tạo ra nhận thức rằng bản thân đã chiến thắng, bất kể thực tế có như vậy hay không.
Năm 1987 đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong chiến lược xây dựng thương hiệu của Donald Trump với sự ra đời của cuốn sách "Nghệ thuật Đàm phán". Ban đầu, Trump dự định viết một cuốn tự truyện, nhưng Tony Schwartz - người sau này trở thành đồng tác giả đã thuyết phục ông chuyển hướng sang chủ đề đàm phán kinh doanh. Quyết định này hóa ra lại là một nước cờ khôn ngoan.
Cuốn sách không chỉ đạt best seller mà còn trở thành tấm danh thiếp hoàn hảo đưa Trump lên sóng truyền hình quốc gia với hình ảnh của một doanh nhân thành đạt, một bậc thầy đàm phán trong mắt công chúng Mỹ. Thông điệp về sự thành công và chiến thắng bằng mọi giá trong cuốn sách đã thu hút hàng triệu độc giả, qua đó đưa Trump từ một nhà phát triển bất động sản ở New York trở thành một ngôi sao được cả nước biết đến.
Sau liên tiếp những thành công vang dội, Donald Trump bước chân đến một trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời.
V. KHỦNG HOẢNG
Từ đầu thập niên 90, việc kinh doanh casino của Trump ở thành phố Atlantic bắt đầu lâm vào bế tắc. Do chi phí xây dựng và vận hành quá cao, cùng với sự cạnh tranh gay gắt từ các sòng bạc khác, các cơ sở kinh doanh của Trump tại thành phố Atlantic liên tục gặp khó khăn về tài chính. Đặc biệt là casino được đầu tư lớn tên Taj Mahal chỉ sau 1 năm hoạt động đã phải đối mặt với nguy cơ phá sản do không thể trả nợ đúng hạn.
Tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức Trump phải tham dự một cuộc họp khẩn cấp lúc nửa đêm với các chủ nợ và đối mặt với nguy cơ mất phần lớn tài sản, bao gồm cả những gì cha ông đã gây dựng. Cuối cùng, các chủ nợ đồng ý một thỏa thuận giãn nợ tạm thời nhưng buộc ông phải từ bỏ nhiều tài sản lớn như hãng hàng không Trump Shuttle và khách sạn Plaza.
Mặc dù Trump cố gắng giữ thể diện trước công chúng bằng cách tuyên bố mọi thứ vẫn ổn nhưng thực tế vào năm 1991, cả ba sòng bạc của ông đều phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Và thực tế là casino không phải lĩnh vực duy nhất mà Trump gặp trục trặc. Mọi thứ tiếp tục trở nên mất kiểm soát trong những năm 2000. Khi nhiều hoạt động đầu tư và kinh doanh của Donald Trump từ Trump University, Trump Vodka cho đến Trump Steaks, GoTrump.com hay Trump Mortgage đều có chung kết quả thất bại.
Từ một doanh nhân được triệu người ngưỡng mộ, giờ đây tên tuổi của Trump gắn liền với hình ảnh của một gã nhiều tai tiếng và nợ nần. Donald Trump đã tiến rất gần đến bờ vực phá sản.
Để cứu vãn tình hình, Trump buộc phải nhờ cha mình chi trả hộ các nghĩa vụ tài chính cấp bách. Song song với đó, ông vẫn cố gắng duy trì vẻ ngoài thành đạt trước công chúng bằng cách liên tục tuyên bố các thương vụ của mình vẫn phát triển ổn định.
Nhưng nước đi quan trọng nhất của ông phải kể đến quyết định niêm yết công ty trên thị trường chứng khoán Mỹ với mã DJT. Ban đầu, cổ phiếu được chào bán ở mức 14 Đô và tăng vọt lên ở mức 32 Đô. Nhờ vậy mà Trump huy động được nguồn tiền mặt dồi dào và đồng thời, có thể khéo léo chuyển giao các tài sản đang mắc nợ sang công ty đại chúng với giá cao hơn giá trị thực.
Sau đó, đã có thời điểm giá cổ phiếu DJT sụt giảm thảm hại từ 35 Đô La xuống chỉ còn 17 xu khiến nhiều các nhà đầu tư hoàn toàn mất trắng. Nhưng với Trump, đây lại được xem là món hời lớn. Bằng cách này, ông đã tạo ra một tình huống mà bản thân không phải chịu rủi ro thua lỗ cá nhân dù các dự án kinh doanh liên tục thất bại.
Sau khi dần thoát khỏi khủng hoảng, Donald Trump vẫn còn đó một thách thức lớn cần đối mặt. Đó là việc xóa đi hình ảnh gắn liền với nợ nần và thất bại. Bởi lẽ, thương hiệu cá nhân chính là nền tảng cho mọi hoạt động kinh doanh của ông. Và Trump đã giải quyết vấn đề này bằng một nước đi bước ngoặt.
VI. “NGƯỜI TẬP SỰ” VÀ CÁC CUỘC THI HOA HẬU
Vào năm 2004, một chương trình truyền hình thực tế đã làm thay đổi hoàn toàn hình ảnh của Donald Trump trong mắt công chúng Mỹ. "The Apprentice" hay dịch ra là "Người tập sự" không chỉ đơn thuần là một show giải trí, mà nó còn là một tác phẩm marketing thiên tài cho thương hiệu cá nhân của Trump. Trong suốt 14 mùa phát sóng, chương trình đã giúp Trump xây dựng hình ảnh hoàn hảo của một tỷ phú thành đạt. Trong đó, nổi tiếng là câu nói thương hiệu "You're fired" (Bạn bị sa thải).
Mặc dù nhiều yếu tố trong show được dàn dựng và mang tính giải trí, nhưng công chúng vẫn hoàn toàn bị thuyết phục bởi hình ảnh giàu có và quyền lực mà Trump đem lại. Show truyền hình này không chỉ giúp Trump thu hút được sự chú ý của hàng triệu khán giả mỗi tuần mà còn tạo nên một làn sóng người hâm mộ trung thành, những người hoàn toàn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo và tài năng kinh doanh của ông.
Bên cạnh vai trò của một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản và giải trí, Donald Trump còn củng cố danh tiếng của mình thông qua việc sở hữu các cuộc thi sắc đẹp danh giá. Trong đó, nổi bật là cuộc thi Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ). Giờ đây, không chỉ đơn thuần là một tỷ phú giàu có mà hình ảnh của Trump còn luôn được bao quanh bởi sự xa hoa, hào nhoáng và vô vàn người đẹp.
Đặc biệt, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013 tổ chức tại Moscow đã tạo cơ hội cho Trump kết nối với giới tài phiệt Nga. Đây là một mối liên hệ gây tranh cãi và sau này trở thành nguồn gốc của nhiều đồn đoán về sự hậu thuẫn của Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump.
Song song với các cuộc thi hoa hậu, đời tư của ông cũng không kém phần ồn ào với ba cuộc hôn nhân khiến báo chí tốn nhiều giấy mực. Trump kết hôn với người vợ đầu tiên Ivana Trump vào năm 1977, nhưng cuộc hôn nhân kết thúc năm 1992 sau scandal ngoại tình với Marla Maples - người sau đó trở thành vợ thứ hai của ông. Dẫu vậy, cuộc hôn nhân với Marla cũng chỉ kéo dài 6 năm. Đến năm 2005, Trump kết hôn với người mẫu Melania Knauss. Chuỗi scandal tình ái và ba cuộc hôn nhân của Trump thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo, qua đó góp phần tạo nên hình ảnh một tỷ phú tai tiếng nhưng cũng không kém phần quyến rũ trong mắt công chúng.
VII. DẤN THÂN VÀO CHÍNH TRỊ
Năm 2000, Donald Trump đã từng có ý định tranh cử tổng thống dưới tư cách ứng viên của Đảng Cải Cách nhưng cuối cùng lại rút lui khỏi cuộc đua với lý do đảng này quá chia rẽ và có nhiều thành viên cực đoan.
Tất nhiên, ý định của Trump không dừng lại tại đây. Trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, ông liên tiếp tạo ra những cuộc công kích chính trị gây tranh cãi bằng việc lan truyền thuyết âm mưu với ngụ ý rằng Obama không sinh ra ở Hoa Kỳ cùng nhiều phát ngôn đáng chú ý khác. Mặc dù nhiều người cho rằng đây là cuộc công kích lố bịch. Nhưng thực tế nhờ vấn đề này mà Trump đã khéo léo tạo ra tiếng vang liên quan đến chính trị với hàng triệu người Mỹ.
Tình huống căng thẳng lên đỉnh điểm tại một sự kiện bữa tối thường niên cho giới báo chí tại Nhà Trắng, nơi Obama có bài phát biểu và công khai chế giễu Trump đang ngồi phía dưới. Sự việc được cho là đã tác động mạnh mẽ đến Donald Trump và khiến ông quyết tâm thúc đẩy tham vọng chính trị thông qua việc tranh cử Tổng thống.
Nhưng Trump không hề nóng vội mà ông lại thực hiện các nước đi theo cách vô cùng khéo léo. Trước chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông đã thể hiện sự nhạy bén của mình thông qua việc sử dụng Twitter như một công cụ thăm dò dư luận. Trump liên tục thử nghiệm các thông điệp khác nhau để xác định những vấn đề có thể gây tiếng vang mạnh mẽ với cử tri.
Và khi chính thức bước vào đường đua, với khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" – “Make America Great Again”, Trump đã tạo được sự đồng cảm sâu sắc với nhiều cử tri. Đặc biệt, ông tập trung vào vấn đề nhập cư, một chủ đề gây tranh cãi nhưng đã thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một bộ phận không nhỏ người dân Hoa Kỳ.
Cách tiếp cận thẳng thắn, đôi khi gây tranh cãi của Trump không chỉ giúp ông thu hút sự chú ý của truyền thông mà còn tạo được sự gắn kết với những cử tri cảm thấy tiếng nói của họ chưa được lắng nghe. Họ xem Trump như một người đại diện dám đứng lên bảo vệ quyền lợi của người dân Mỹ. Chiến lược này cuối cùng đã giúp Trump đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton và chính thức trở thành Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2016.
VIII. THẤT BẠI NĂM 2020
Sau những chính sách đối nội cùng ngoại giao tương đối cứng rắn và đặc biệt, Tổng thống Donald Trump đã phải nhận thất bại lớn trong việc đối phó với đại dịch COVID-19. Cách xử lý khủng hoảng của ông đã bộc lộ những hạn chế nghiêm trọng.
Khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng tại Mỹ, Trump vẫn áp dụng chiến thuật quen thuộc: đặt mình vào vị trí trung tâm và cố gắng kiểm soát mọi thông tin theo ý muốn. Ông liên tục đưa ra những tuyên bố lạc quan không có cơ sở khoa học, như dự đoán virus sẽ biến mất như một phép màu và số ca nhiễm sẽ giảm xuống gần bằng 0.
Tuy nhiên, đây là một cuộc khủng hoảng y tế dựa trên khoa học, nơi những chiến thuật truyền thông quen thuộc của Trump không còn hiệu quả. Thay vì lắng nghe các chuyên gia y tế và đưa ra các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, ông tập trung vào việc đối đầu với giới truyền thông và những người chỉ trích. Các cuộc họp báo hàng ngày của Trump thường biến thành những màn đấu khẩu với phóng viên thay vì cung cấp thông tin hữu ích cho người dân. Nhiều chuyên gia nhận định rằng nếu Trump chịu ứng phó với đại dịch theo hướng khoa học, có lẽ ông đã có cơ hội tái đắc cử cao hơn. Thay vào đó, cách xử lý khủng hoảng COVID-19 đã trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.
Nhưng cao trào chưa dừng lại ở đây. Sau khi Joe Biden tuyên bố đắc cử Tổng thống, Donald Trump đã tạo ra một sự kiện chưa từng có trong lịch sử chính trị Mỹ khi kiên quyết từ chối thừa nhận thất bại. Thay vào đó, ông phát động một chiến dịch có hệ thống nhằm phủ nhận kết quả bầu cử và tuyên bố có gian lận. Không chỉ lan truyền những thông tin và bằng chứng qua các video và mạng xã hội, Trump còn trực tiếp gây áp lực lên các quan chức bang như ở Arizona và Georgia để thay đổi kết quả.
Đỉnh điểm của sự kiện này diễn ra vào ngày 6/1/2021, khi hàng ngàn người ủng hộ Donald Trump đã tụ tập ở Washington và tạo nên cuộc bạo loạn tại Điện Capitol. Những người biểu tình đã tấn công tòa nhà Quốc hội và áp đảo lực lượng cảnh sát.
Cuối cùng, cuộc bạo loạn được kiểm soát. Donald Trump từ chức nhưng cũng từ chối tham dự lễ nhậm chức của Tân Tổng thống Joe Biden.
Với tính cách của mình, ông đã không từ bỏ mà âm thầm lên lên kế hoạch cho sự trở lại đầy ngoạn mục.
IX. BÊ BỐI SAU NHIỆM KỲ THỨ NHẤT VÀ TÁI TRANH CỬ
Sau khi rời Nhà Trắng, Donald Trump phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc pháp lý nghiêm trọng trên nhiều mặt trận. Ở Georgia và Washington D.C., ông bị truy tố về tội danh liên quan đến nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020.
Trong các vụ kiện dân sự, Trump bị kết tội lạm dụng tình dục và bôi nhọ danh dự trong vụ việc liên quan đến một phóng viên tên E. Jean Carroll. Đế chế kinh doanh của ông cũng bị kết án về tội danh trốn thuế và nhiều vi phạm tài chính khác. Thêm vào đó, Trump còn bị buộc tội làm giả 34 hồ sơ kinh doanh liên quan đến vụ chi tiền bịt miệng cho ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels. Tổng cộng, nếu bị kết án về mọi tội danh, Trump có thể phải đối mặt với án tù lên đến 700 năm.
Tuy nhiên, đứng trước những thách thức pháp lý chưa từng có, Trump vẫn kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc. Ông tiếp tục vượt qua những thử thách, đứng ra tranh cử Tổng thống năm 2024 và giành được đề cử của Đảng Cộng hòa. Thậm chí, ngay cả khi đối mặt với liên tiếp với 2 vụ ám sát hụt, Trump vẫn thể hiện hình ảnh của một chiến binh không bao giờ chấp nhận thất bại.
X. LỜI KẾT
Cuối cùng, với chiến thắng áp đảo trước ứng cử viên của Đảng Dân Chủ là bà Kamala Harris, Donald Trump đã một lần nữa chứng minh khả năng đặc biệt của mình và quay trở lại chiến trường chính trị một cách ngoạn mục. Từ một doanh nhân, một ngôi sao truyền hình thực tế cho đến vị trí Tổng thống Mỹ đầy quyền lực. Sau đó, thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 và giờ đây lại chiến thắng vào những tháng cuối năm 2024 để tái đắc cử, cuộc đời của Donald Trump quả thực đã vượt xa mọi kịch bản của bất kỳ bộ phim chính kịch nào.
Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump sẽ diễn ra như thế nào? Với những bài học từ nhiệm kỳ đầu tiên, liệu ông có thể đưa ra những quyết sách phù hợp để giải quyết những thách thức mới mà nước Mỹ đang phải đối mặt? Những câu hỏi này chắc chắn sẽ được giải đáp trong thời gian tới, khi Donald Trump chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai và tiếp tục ghi dấu tên mình vào lịch sử Hoa Kỳ.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất