Chuyện xưa như trái dứng (Phần 1)
Ngày xửa ngày xưa, từ khi loài người chưa từng có chữ viết lẫn Facebook, họ đã biết cách up hình đồ ăn lên “tường” nhà mình - đó là...
Ngày xửa ngày xưa, từ khi loài người chưa từng có chữ viết lẫn Facebook, họ đã biết cách up hình đồ ăn lên “tường” nhà mình - đó là những con voi, bò, dê… được khắc trên vách những hang động; và ngồi hơ mông quanh đống lửa, kể cho nhau nghe những câu chuyện về chuyến đi săn của mình.
Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những hang động như thế, mỗi ngày chúng được nghe đi nghe lại những câu chuyện này đến thuộc lòng; khi lớn lên không có việc gì làm, chúng lại đốt lửa lên rồi bắt con cháu ngồi quanh đó để nghe những câu chuyện mà thế hệ trước đã kể cho chúng...
Dần dà việc kể đi kể lại cùng một câu chuyện khiến chúng phát chán, và rồi chúng phát minh ra chữ viết để ghi lại. Hàng đêm chúng lại đốt lửa, và phát cho mỗi đứa một cuốn sách để tự đọc. Thỉnh thoảng có những đứa bất cẩn ngủ gục, làm rớt sách vô đống lửa - khiến cho một vài tình tiết bị gián đoạn, thế hệ sau đọc vô không hiểu gì cả. Để giải quyết vấn đề này, chúng lại phát minh ra Spiderum...
Việc cứ kể đi kể lại những câu chuyện từ đời xưa như thế, người ta gọi đó là “lịch sử”. Sở dĩ người ta thích kể chuyện lịch sử bởi vì họ có thể kể đi kể lại hàng tám trăm lẻ một lần có một chuyện, mà thế hệ sau vẫn cứ phải há mồm lên lắng nghe. Và vì cuộc đời tôi không còn gì thú vị để kể nữa, cho nên hôm nay tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện của lịch sử. Mời các bạn lắng nghe series tiếp theo của tôi, được đặt tên “Chuyện xưa như trái dứng”...
Đợi chút, để tôi đốt lửa lên cái đã... (trong khi chờ đợi thì tranh thủ bấm like lấy khí thế cái đi)
Bởi vì chương đầu của hầu hết sách giáo khoa lịch sử đều kể về thời chưa có lịch sử - tức là “tiền sử” - cho nên câu chuyện của tôi cũng sẽ bắt đầu từ đây. Chắc có người sẽ hỏi “Chưa có lịch sử thì lấy gì để kể?” thì tôi đã đề cập trong "Lời nói đầu" - từ khi chưa có chữ viết và Facebook, con người sống trong hang động đã biết kể chuyện cho nhau. Mà kể mãi chuyện “hươu nai” cũng chán (chẳng ai thèm like nữa) cho nên họ mới nghĩ ra những câu chuyện khác để kể. Và một trong những câu chuyện được lắng nghe (và like) nhiều nhất là về “nguồn gốc loài người”…
Thế nhưng thời đó con người sống trong các bộ lạc có văn hóa tình dục mở - người ta còn không biết chắc ông nào là bố mình, thì làm sao biết được nguồn gốc của người khác để mà kể? Vì thế họ mới tự sáng tác ra những câu chuyện huyền thoại, và để thêm phần thuyết phục thì họ nói rằng câu chuyện này được một ai đó kể lại - như Thượng đế chẳng hạn (giống như mấy bà Tám đi buôn chuyện khắp xóm nhưng không bao giờ nhận câu chuyện là của mình). Những người này ngày nay được gọi là “nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”, còn ngày xưa thì gọi là các “bậc minh triết”, hay “đấng tiên tri” gì đó…
Tới đây các tín đồ cuồng tín đừng vội nhảy dựng lên và ném đá, gán ghép tôi là “dị giáo” hay “báng bổ thần thánh”, rồi tiện tay đem tôi đi nướng mọi… Niềm tin tôn giáo là một câu chuyện khác, và tôi sẽ kể vào một dịp khác. Còn chúng ta không thể phủ nhận có rất nhiều câu chuyện mang “màu sắc tôn giáo” được thêu dệt từ cái miệng “phàm tục” của con người, hoặc ít ra cũng trở thành “tam sao thất bổn” khi được lưu hành dưới hình thức truyền miệng (đến khi có chữ viết và Spiderum rồi mà vẫn thế). Cho nên tôi xin phép mời các thành phần cuồng tín quá khích đi ra ngoài trước khi tôi kể tiếp câu chuyện…
Rồi, xin lỗi đã gián đoạn. Tới đâu rồi nhỉ? À, trước khi có môn lịch sử, thì những câu chuyện huyền thoại này cũng từng được xem là lịch sử, và đều nhằm giải thích nguồn gốc của loài người. Thế nhưng có vấn đề là “lịch sử” mỗi nơi, mỗi bộ tộc, mỗi địa phương lại mỗi khác - có người được sinh ra từ quạ (huyền thoại của người Eskimo), được tạo ra từ đất sét (huyền thoại Nữ Oa của Trung Quốc), từ trong bọc trứng (huyền thoại con rồng cháu tiên của chúng ta), hay thậm chí từ cái Ngã của con người (huyền thoại Ấn Độ)… Bởi vì ai cũng cho rằng câu chuyện của mình mới là “chánh gốc không chi nhánh”, cho nên chiến tranh mới xảy ra triền miên. Tới khi Charles Darwin kể một câu chuyện khác về lịch sử - loài người có nguồn gốc từ vượn - thì người ta mới tạm ngừng đánh nhau, để cùng bắt tay lại "đánh" ông ta. Cho tới giờ này, mặc dù Darwin đã xuống lỗ lâu rồi, nhưng câu chuyện của ông vẫn tiếp tục được đào đi xới lại để đem ra tranh cãi. Tuy nhiên vẫn chưa có câu chuyện nào thuyết phục hơn để người ta đốt sách giáo khoa lịch sử mà in lại; cho nên chúng ta tạm thời chấp nhận giả thuyết mình là khỉ, còn hơn là tiếp tục chém giết nhau để chứng minh cho những câu chuyện “khỉ gió” khác.
May mắn cho Darwin là có nhiều nhà khảo cổ cũng hứng thú với câu chuyện của ông, cho nên họ vác cuốc đi đào (đang nghe kể chuyện mà vác cuốc đi đào thì chắc là hứng thú dữ lắm). Rồi họ lại tìm thấy vài mẩu xương người không ra người, khỉ không ra khỉ - và gọi đây là những con người đầu tiên (không hiểu sao giờ này tôi vẫn còn gặp những loại người như thế). Không dừng lại ở đó, họ còn tìm thấy những vật dụng dùng trong sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất, thi đua yêu nước (cái này chắc tìm thấy trong thời kỳ “cộng sản nguyên thủy”)… cho nên họ lại nghĩ ra một nghìn lẻ một câu chuyện để kể về cuộc sống của những con người nguyên thủy này (nhân loại đúng là thánh bịa chuyện). Bởi vì những câu chuyện sinh hoạt này nọ mang tính riêng tư cá nhân của người tiền sử, và đã được kể đi kể lại nhiều trong sách giáo khoa rồi; cho nên tôi chỉ lướt nhanh để đi qua câu chuyện tiếp theo của chúng ta...
Tới đây tôi xin tạm dừng để uống hộp sữa canxi cho xương chắc khoẻ cái đã, biết đâu sau này họ cũng khai quật xương tôi lên nghiên cứu thì sao. Mời các bạn nghỉ giải lao trong giây lát, trước khi theo dõi phần tiếp theo câu chuyện… (và đừng quên bấm like)
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất