ĐỌC SÁCH GIÚP BẠN THÔNG MINH HƠN, HAY CHỈ LÀ CÚ LỪA?
Đọc nhiều sách có thực sự đồng nghĩa với việc bạn giỏi hơn? Hay nó chỉ là một con số để khoe mẽ? Chúng ta có đang bị cuốn vào cuộc đua số lượng mà quên mất giá trị cốt lõi của việc đọc?
Chúng ta vẫn thường nghe mọi người nói về tầm quan trọng của việc đọc sách, vì thế mà bị “ám ảnh” luôn quyết tâm thay đổi, mua về một cuốn sách được đánh giá rất cao. Trong những trang đầu tiên, bản thân vẫn còn hứng thú, cảm thấy mình đang mở mang kiến thức. Nhưng rồi, chỉ sau vài chục trang, chúng ta bắt đầu mất tập trung, mắt vẫn lướt chữ nhưng đầu óc lại lang thang đâu đó. Cuối cùng, cuốn sách bị bỏ dở, xếp lên kệ với lời hứa "sẽ đọc lại sau"... nhưng cái "sau" ấy chẳng bao giờ đến.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng bắt gặp qua một tình huống như này: Từng thấy một người bạn đọc rất nhiều sách, lúc nào cũng có một danh sách dài những cuốn đã đọc qua. Thế nhưng, khi hỏi họ một bài học cụ thể, họ lại ấp úng, không thể nhớ nổi điều quan trọng nhất mà cuốn sách muốn truyền tải. Trong khi đó, lại có những người chỉ đọc vài cuốn nhưng mỗi lần đọc là một lần họ nghiền ngẫm, ghi chép, và áp dụng kiến thức vào cuộc sống một cách thực tế.
Vậy, đọc nhiều sách có thực sự đồng nghĩa với việc bạn giỏi hơn? Hay nó chỉ là một con số để khoe mẽ? Chúng ta có đang bị cuốn vào cuộc đua số lượng mà quên mất giá trị cốt lõi của việc đọc?
Giữa vô vàn quan điểm và lời khuyên về việc đọc sách, có thể bạn vẫn cảm thấy lúng túng và chưa tìm ra phương pháp phù hợp với bản thân. Vì vậy hôm nay hãy cùng khám phá cách đọc sách đúng đắn và lựa chọn những cuốn sách thích hợp nhất cho mình.
1. Sách - Kho báu của tri thức, cánh cửa của trí tuệ
Từ bao đời nay, sách luôn được xem là kho báu vô tận của nhân loại, nơi lưu giữ và truyền tải tinh hoa tri thức qua từng thế hệ. Mỗi cuốn sách chứa đựng không chỉ thông tin mà còn là những trải nghiệm, bài học và tư tưởng sâu sắc giúp con người mở rộng hiểu biết và nâng cao trí tuệ.
Sách là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giúp ta khám phá lịch sử, văn hóa, khoa học và những góc nhìn mới về thế giới. Nhờ những trang sách, ta có thể bước vào thế giới của những vĩ nhân, sống trong những thời đại xa xưa hoặc thậm chí vươn tới tương lai. Đọc sách không chỉ giúp con người thu nạp kiến thức mà còn rèn luyện tư duy phản biện, nâng cao khả năng phân tích, đánh giá và sáng tạo.
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, sách không chỉ tồn tại dưới dạng giấy mà còn có mặt trên các nền tảng điện tử, giúp tri thức trở nên dễ dàng tiếp cận hơn bao giờ hết. Có thể nói, sách chính là chìa khóa mở ra cánh cửa của trí tuệ. Ai biết trân trọng và sử dụng sách một cách đúng đắn, người đó sẽ nắm trong tay công cụ mạnh mẽ nhất để phát triển bản thân và làm giàu trí tuệ.

LÀM THẾ NÀO MÀ NHỮNG CUỐN SÁCH THÀNH CÔNG LEN LỎI VÀO CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA?
Cũng chẳng biết bắt đầu từ khi nào mà những cuốn sách xuất hiện trên đôi tay của mỗi người, trên những chiếc bàn gỗ chất đầy bút viết, trên những chiếc kệ được đóng ngay ngắn nơi góc phòng, … Phải chăng là lúc ta tò mò về sự hình thành của một cái cây? Hay là lúc ta muốn biết về diễn biến của một lịch sử hào hùng mà ông cha ta đã ngày đêm chiến đấu?
Lúc con người ta nảy ra những câu bất chợt nhưng không thể tìm thấy đáp án ở những người xung quanh thì chính là phút giây ta tìm đến những trang sách. Thế giới thì vĩ đại, tri thức thì vô hạn, ấy vậy mà con người ta lại có khả năng hữu hạn, bản thân chúng ta chỉ là những cặp mắt nhỏ bé làm sao có thể biết hết thảy các sự kiện đã trải qua mà không tìm lấy trong những trang sách. Vì lẽ ấy, sách đã đi vào cuộc sống của nhân loại bằng một cách chắc chắn và tự nhiên nhất.
Với tất cả những giá trị có thể mang lại, liệu sách có thực sự giúp cho chúng ta thông minh hơn? Hay mọi thứ vốn chỉ là một vỏ bọc nhằm đánh lừa mọi người?
ĐIỀU GÌ KHIẾN SÁCH TRỞ THÀNH “KHO BÁU” TRƯỜNG TỒN VỚI NHÂN LOẠI?
Câu trả lời nằm ở những “cuốn sách hay”, những cuốn sách không phải chỉ cần có chỉ thì đã trở thành kho báu của con người, là cánh cửa của trí tuệ. Mà nó phải là những trang giấy ghi lại những “tinh hoa tư tưởng” của nhân loại, có giá trị sâu sắc để có thể vượt qua thử thách của thời gian, trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ sau. Một cuốn sách hay không chỉ chứa khoa học kiến thức mà còn mở ra chân trời tư duy, giúp con người hiểu về chính mình và thế giới xung quanh. Thật ra sách tuyệt vời ở chỗ, bạn không chỉ biết thêm một số từ vựng, một số câu chuyện được viết lại trong tranh sách mà nó còn giúp bạn thấu hiểu được tính cách, học hỏi được kinh nghiệm sống, biết cách đối mặt với những “câu chuyện” của người viết dù cho bạn có thể sẽ không bao giờ gặp họ. Ví như các tác phẩm bất hủ “Chiến tranh và hòa bình” (Tolstoy), “Người khốn khổ” (Hugo), hay “Đắc nhân tâm” (Carnegie) không chỉ phản ánh ánh xã hội thời gian mà còn đến những giá trị nhân văn phổ thông, khiến chúng mãi mãi có sức sống trong lòng độc giả.
Đó chính là lý do vì sao dù thế giới có thay đổi, dù công nghệ có phát triển đến đâu, thì sách vẫn sẽ mãi giữ lấy vị trí quan trọng trong nền văn bản nhân loại. Những cuốn sách hay chính là chìa khóa giúp tri thức trở nên bất diệt, làm sách trở thành một kho báu thực sự, mãi mãi trường tồn tại cùng người.
2. Sách - Người dẫn đường cho những tâm hồn khát khao hiểu biết
Trong quá trình đi tìm kiếm, khám phá những điều chưa biêt, sách đã trở thành người dẫn đường tận tận, giúp những tâm hồn ham học hỏi có cơ hội tiếp cận kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Không chỉ đơn giản là những trang giấy chứa chữ viết, sách còn là người thầy vĩ đại, người bạn đồng hành và là nguồn cảm hứng không ngừng nghỉ cho những ai khao khát hiểu biết.

2.1. Đọc sách là để hiểu “mình”
Khi cầm trên tay một cuốn sách, ta không chỉ tiếp thu tri thức, mà còn soi lại bản thân, đối diện với những suy nghĩ, cảm xúc và giá trị cá nhân mà có lẽ ta chưa từng nhận ra. Những cuốn sách hay cũng giống như những tấm kính phản chiếu tâm hồn. Đọc một tác phẩm văn học sâu sắc, ta có thể nhìn thấy chính mình trong những nhân vật, nhận ra những niềm vui, nỗi buồn, khát vọng và cả những “câu chuyện” mà ta cũng đang mang theo. Những trang sách giúp ta lắng nghe tiếng nói bên trong, hiểu rõ mình là ai, mình muốn gì và mình đang tìm kiếm điều gì trong cuộc đời này.
Việc đọc sách cũng có thể coi như là một cuộc đối thoại giữa chính bản thân chúng ta với những tư tưởng lấp ló trong những câu chữ. Khi ta đọc một cuốn sách, ta không chỉ tiếp nhận cái tôi và những quan điểm của tác giả mà còn có thể đặt ra các câu hỏi, phản biện, tự vấn về những giá trị và niềm tin của chính mình. Đọc sách giúp ta đào sâu suy nghĩ, mở rộng tầm nhìn và từ đó định hình tư duy cá nhân một cách rõ ràng hơn. Theo một bài viết trên trang Trung tâm nghiên cứu Ngôn ngữ & Văn hóa các Dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, đọc sách thường xuyên giúp tăng khả năng tư duy, phân tích và mở rộng vốn từ ngữ, từ đó giúp chúng ta diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách rõ ràng (Nguồn: TRƯỜNG ĐẠI HỌC TANNU).
Có những cuốn sách không trực tiếp trả lời cho ta điều gì, nhưng lại giúp ta tự tìm ra câu trả lời. Chúng mang đến cho ta sự mở đầu, cho ta cơ hội suy ngẫm và tự trải nghiệm về cuộc sống. Và chính trong những khoảnh khắc đó, ta tăng dần hiểu mình hơn, biết mình cần gì, nên làm gì, và quan trọng nhất là ta biết cách sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn.
Bởi vậy, đọc sách không chỉ là tiếp nhận tri thức mà còn là tiến trình khám phá thân thể, là cuộc đối thoại sâu sắc nhất với chính tâm hồn mình.
2.2. Đọc sách là để hiểu “người”
Mỗi cuốn sách là một thế giới của cảm xúc, tư tưởng và số phận. Khi đọc một tác phẩm văn học, ta có thể hòa mình vào cuộc đời của những nhân vật, sống cùng niềm vui, nỗi đau, những ước mơ và cả những mất mát của họ. Ta học cách đồng cảm với những con người khác biệt, hiểu được động cơ và hoàn cảnh đã định hình nên họ. Đọc một cuốn tiểu thuyết hay giống như bước vào một cuộc đời khác, trải nghiệm những điều mà chính ta có thể chưa bao giờ đối mặt.
Sách là tấm gương phản chiếu xã hội, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tâm lý, hành vi và động lực của con người. Theo một khảo sát năm 2020 trên 2.232 độc giả thuộc các nhóm tuổi khác nhau, việc đọc sách giúp phát triển khả năng tư duy phân tích và phản biện, từ đó hiểu rõ hơn về hành vi và tâm lý con người (Nguồn: daibieunhandan).
Tại sao con người hành xử theo một cách nhất định? Điều gì chi phối cảm xúc và quyết định của họ? Những trang sách có thể giúp ta tìm ra lời giải cho những câu hỏi đó.
Có thể kế đến những cuốn tiểu thuyết kinh điển, những tác phẩm văn học lớn đã khắc họa rõ nét bản chất con người, từ những cảm xúc đơn thuần như yêu thương, giận dữ, hối hận, đến những xung đột nội tâm phức tạp. Đọc Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy, ta hiểu được những góc nhìn khác nhau về chiến tranh, lý tưởng và số phận con người. Không chỉ dừng lại ở khía cạnh cảm xúc, sách còn giúp ta hiểu về tâm lý và hành vi con người. Những tác phẩm tâm lý học như Tư duy nhanh và chậm (Daniel Kahneman) hay Sự thật về kẻ nói dối (Paul Ekman) cung cấp góc nhìn khoa học về cách con người suy nghĩ, ra quyết định và ứng xử trong cuộc sống. Từ đó, ta không chỉ hiểu về người khác mà còn biết cách thấu cảm, giao tiếp và ứng xử khéo léo hơn. Mỗi trang sách là một câu chuyện về nhân sinh, giúp ta nhìn nhận con người một cách sâu sắc hơn.
Đọc sách cũng giúp ta hiểu và trân trọng những con người xung quanh mình hơn. Khi ta đọc về những số phận khổ đau, ta biết thương cảm. Khi ta đọc về những tấm gương kiên cường, ta học cách ngưỡng mộ. Khi ta đọc về những mâu thuẫn trong xã hội, ta hiểu rằng mỗi con người đều có lý do riêng cho hành động của mình. Hiểu người chính là bước đầu tiên để biết cách cư xử khéo léo, biết cách lắng nghe, chia sẻ và kết nối với nhau trong cuộc sống. Một nghiên cứu của Đại học Toronto cho thấy việc đọc tiểu thuyết giúp tăng cường khả năng đồng cảm, giúp con người hiểu và chia sẻ cảm xúc với những người khác tốt hơn. (Nguồn: science)
Bởi vậy, đọc sách không chỉ là để mở mang kiến thức, mà còn là một hành trình giúp ta hiểu hơn về con người – từ những nhân vật trong sách, đến những người quanh ta, và rộng hơn là toàn thể nhân loại. Khi hiểu người, ta sẽ sống bao dung hơn, sâu sắc hơn và trọn vẹn hơn.
2.3 Đọc sách là để hiểu “thế giới”
Thế giới rộng lớn hơn những gì ta nhìn thấy. Có những nền văn minh xa xôi, những thời đại đã qua, những vùng đất mà ta chưa từng đặt chân đến, và vô số tri thức vượt ngoài tầm hiểu biết của con người. Chính lúc này, sách đã trở thành là cây bắt ngang dẫn lối để giúp ta vươn ra thế giới, khám phá những điều mà đôi khi cả một đời ta chưa thể tận mắt chứng kiến.
Đọc sách là cách nhanh nhất để ta hiểu về lịch sử và sự vận động của nhân loại. Theo NOP World Culture Score Index, người Ấn Độ trung bình dành 10 giờ 42 phút mỗi tuần cho việc đọc sách, cho thấy tầm quan trọng của việc đọc trong việc mở rộng kiến thức và hiểu biết về thế giới (Nguồn: HANNAHED). Những trang sách lưu giữ lại những thăng trầm của thế giới, từ những cuộc chiến tranh vĩ đại, những cuộc cách mạng làm thay đổi cả thời đại, đến những bài học đắt giá mà con người đã trả giá bằng máu và nước mắt. Nhờ những tác phẩm như Súng, Vi trùng và Thép của Jared Diamond hay Lịch sử thế giới của E.H. Gombrich, ta có thể hiểu cách mà nền văn minh phát triển, tại sao có những đế chế hùng mạnh rồi lại sụp đổ, và thế giới hôm nay đã hình thành như thế nào.
Không chỉ giúp ta hiểu những kiến thức cụ thể, sách còn mở rộng tầm nhìn của ta về cách thế giới vận động. Một cuốn sách về kinh tế có thể giúp ta hiểu sự phức tạp của thị trường, một cuốn sách về chính trị giúp ta nhìn nhận sự vận hành của quyền lực, một cuốn sách về xã hội học giúp ta hiểu về những quy tắc ngầm chi phối cộng đồng. Nhờ đó, ta không còn nhìn thế giới một cách đơn giản mà có cái nhìn toàn diện, đa chiều hơn.
Đặc biệt sách còn mở ra cho ta cánh cửa để khám phá những nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Một cuốn sách về Nhật Bản sẽ giúp ta hiểu tinh thần Samurai, tư tưởng Thiền và lối sống tối giản. Một cuốn sách về Ấn Độ sẽ đưa ta vào không gian huyền bí của Hindu giáo và những triết lý cổ xưa. Đọc Ngàn mặt của anh hùng (Joseph Campbell), ta nhận ra rằng dù sống ở đâu, con người đều có chung những câu chuyện về hành trình khám phá và trưởng thành. Sách cũng giúp ta tiếp cận những thành tựu khoa học, hiểu được quy luật vận hành của vũ trụ. Từ những lý thuyết vĩ mô trong Lược sử thời gian (Stephen Hawking) đến những khám phá về trí tuệ nhân tạo và công nghệ tương lai, sách giúp ta nhận ra thế giới này không chỉ rộng lớn mà còn đang thay đổi từng giây từng phút.
Vậy nên, đọc sách chính là cách ta mở rộng thế giới của mình mà không cần phải đi đâu xa. Đọc một cuốn sách hay, ta không chỉ tiếp nhận tri thức, mà còn đi sâu vào bản chất của thế giới, để hiểu và trân trọng hơn tất cả những gì đang diễn ra xung quanh ta.
Để hiểu thế giới, bạn cần đọc sách. Để hiểu chính mình, bạn cần đọc nhiều sách.
3. Những cuốn sách khi được gửi gắm vào những “hành trình” diệu kỳ
Những cuốn sách, khi được gửi gắm vào những “hành trình” diệu kỳ, không chỉ là giấy mực đơn thuần, mà là cánh cửa mở ra vô vàn thế giới. Mỗi cuốn sách là một hành trình kỳ diệu, từ con chữ đến những suy ngẫm sâu sắc, dẫn lối cho người đọc tìm kiếm tri thức, cảm hứng, và những khám phá bất ngờ.
Khi được trao tay, sách như những hạt giống gieo vào tâm trí, nảy mầm ước mơ và tư tưởng mới. Chúng biến những hành trình thường ngày thành cuộc phiêu lưu, đưa ta đến những vùng đất chưa từng khám phá, nơi trí tuệ và cảm xúc thăng hoa tự do.
Thế nhưng, sách rốt cuộc có bao nhiêu con đường để đi? Phải chăng, chúng vốn chỉ có hai ngã rẽ rõ ràng: một con đường dẫn lối đến những tâm hồn rực lửa, luôn khao khát đắm mình trong từng trang giấy, còn con đường kia, lại âm thầm trôi qua những trái tim lạnh lẽo, chưa bao giờ để cho hơi thở của sách tìm thấy lối vào?

3.1. Đích đến là những trái tim nồng nhiệt với chữ nghĩa
Những người đọc sách bằng cả sự đam mê, họ không chỉ đơn giản là tiếp nhận kiến thức mà còn mà biến những trang sách thành nguồn động lực, nuôi dưỡng và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của họ. Họ không chỉ tìm hiểu về thế giới bên ngoài mà còn khám phá cả thế giới bên trong mình. Mỗi cuốn sách trở thành một người thầy, một người bạn tri kỷ, một người dẫn đường, dẫn lối họ trong hành trình tự khám phá và hiểu rõ hơn về bản thân cùng những người xung quanh.
Với những tâm hồn yêu sách, mỗi trang sách là một cơ hội để học hỏi, là một món quà quý giá cho sự trưởng thành. Một nghiên cứu của The Reading Agency (2018) cho thấy, những người đọc sách thường xuyên có xu hướng tham gia vào các hoạt động cộng đồng, chia sẻ kiến thức và quan điểm, từ đó tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với xã hội. (Nguồn: Reading Agency)
Họ luôn khát khao học hỏi, khám phá những điều mới mẻ, không ngừng thay đổi và mở rộng quan điểm. Sách giúp họ nhìn thế giới bằng một cái nhìn khác, sâu sắc hơn, không ngừng thúc đẩy họ vượt qua mọi giới hạn của tư duy và nhận thức. Chính vì thế, những người đam mê sách luôn có một trí tuệ nhạy bén, một tâm hồn khoáng đạt và khả năng cảm nhận những vẻ đẹp giản dị mà cuộc sống mang lại.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu nổi bật từ Đại học Yale vào năm 2016, được công bố trên tạp chí Social Science & Medicine, đã chỉ ra rằng những người dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để đọc sách có tuổi thọ trung bình cao hơn 23 tháng so với những người không đọc. Điều này được giải thích bởi việc đọc sách không chỉ là một hoạt động tinh thần thú vị mà còn giúp kích thích và duy trì sự hoạt động của trí não, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh, như Alzheimer. Sự kết hợp giữa việc thư giãn tinh thần và nâng cao sức khỏe não bộ chính là lý do khiến thói quen đọc sách trở thành một yếu tố quan trọng đối với sức khỏe và tuổi thọ của con người. (Nguồn: Sciencedirect)
3.2. Con đường dẫn về phía những trang sách không bao giờ được chạm tới
Có những người sở hữu vô vàn cuốn sách, nhưng họ lại chưa bao giờ được lật mở bất kì trang nào. Với họ, sách chỉ là một món đồ trang trí, góp phần tạo nên “vỏ bọc” trí thức mà chẳng mang lại giá trị thực sự. Những chiếc tủ với đầy ắp sách nhưng lại bị phủ bụi dày đặt chính là minh chứng cho một kho tàng tri thức bị bỏ quên, một cơ hội học hỏi đang bị lãng phí.
Việc sở hữu sách mà không đọc cũng giống như việc nắm giữ một kho báu mà không biết cách khai thác. Sách sẽ không thể phát huy giá trị nếu không có người thực sự khao khát tìm hiểu, khám phá. Một cuốn sách dù hay đến đâu, nhưng khi chỉ nằm im lìm trên kệ, sẽ mãi là một món đồ vô dụng, không bao giờ trở thành người bạn đồng hành, chia sẻ tri thức hay cảm hứng.
Một khảo sát gần đây từ Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam chỉ ra rằng, chỉ có 30% người Việt đọc sách một cách thường xuyên, trong khi 26% hoàn toàn không đọc sách và 44% chỉ đọc sách thỉnh thoảng (Nguồn: Người Lao Động, 2023). Con số này phản ánh một thực trạng đáng lo ngại về văn hóa đọc, khi nhiều người sở hữu sách nhưng lại không dành thời gian để đắm chìm trong từng trang sách, không thật sự trân trọng giá trị mà chúng mang lại.
Sự khác biệt giữa người yêu sách và người chỉ coi sách như một vật trang trí không nằm ở số lượng sách họ sở hữu, mà ở cách họ tiếp nhận và trân trọng những giá trị mà sách mang lại. Đối với người yêu sách, việc đọc là một hành trình không ngừng khám phá, là một phần trong cuộc sống của họ giúp nuôi dưỡng và làm phong phú tâm hồn. Còn với những người không đọc sách, những cuốn sách chỉ đơn thuần là đồ vật trang trí, không bao giờ chạm đến trái tim hay mở ra một cánh cửa nào trong tâm trí họ.
Người đọc sách coi sách là một liều thuốc nuôi dưỡng và chữa trị tâm hồn, còn người không biết đọc sách coi sách là vật dụng trang trí tủ sách.
4. Tìm sách như tìm tri kỷ – Bạn đã chọn đúng chưa?
Có những cuốn sách khiến ta say mê từ những trang đầu tiên, cũng có cuốn sách lại thử thách sự kiên nhẫn của ta, nhưng khi thấu hiểu nó, ta mới nhận ra giá trị sâu sắc mà nó mang lại. Một cuốn sách phù hợp không chỉ cung cấp tri thức, mà nó còn đồng hành cùng ta qua những thăng trầm, truyền cảm hứng và mở ra những chân trời mới.
Nhưng liệu bạn đã thực sự chọn đúng sách cho mình? Giữa vô vàn đầu sách ngoài kia, đâu mới là cuốn sách khiến bạn trăn trở, suy ngẫm, và thực sự thay đổi góc nhìn về cuộc sống? Đọc sách không chỉ là tiếp thu thông tin, mà còn là một hành trình tự khám phá chính mình. Một cuốn sách phù hợp có thể giúp bạn chữa lành, thúc đẩy sự sáng tạo và thậm chí định hình tư duy.

4.1. Mỗi khoảnh khắc đều có một cuốn sách dành riêng cho nó
Mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống đều có một cuốn sách phù hợp. Khi bạn cần an ủi, tìm kiếm tri thức hay muốn thư giãn, sẽ luôn có một cuốn sách đồng hành cùng bạn. Bạn đã sẵn sàng để khám phá cuốn sách phù hợp với tâm trạng hiện tại của mình chưa?
Khi tâm hồn cần được chữa lành
Cuộc sống không phải lúc nào cũng êm đềm, và đôi khi chúng ta rơi vào những giai đoạn đầy thử thách. Những lúc ấy, một cuốn sách hay có thể trở thành liệu pháp chữa lành tinh thần. Những trang sách mang đến sự đồng cảm, giúp ta nhận ra rằng mình không đơn độc trên hành trình này. Đọc một câu chuyện về nghị lực sống, một cuốn sách kỹ năng về cách đối diện với khó khăn, hay đơn giản là những dòng văn đẹp giúp tâm trí lắng lại – tất cả đều có thể là liều thuốc an ủi tâm hồn. Có thể kể đến những cuốn sách như "Nhà giả kim" của Paulo Coelho hay "Mạnh mẽ như nước" của Kahlil Gibran mang lại những thông điệp sâu sắc về sức mạnh nội tại, khơi dậy niềm tin vào chính mình và giúp ta vượt qua những thử thách.
Theo một nghiên cứu của Đại học Sussex, việc đọc sách có thể giúp giảm căng thẳng tới 68% chỉ sau 6 phút đọc liên tục, hiệu quả hơn cả nghe nhạc hay uống trà. Điều này cho thấy sách không chỉ là công cụ học tập mà còn là liệu pháp giúp con người thư giãn và cân bằng cảm xúc (Nguồn: The Telegraph).
Khi cần tìm kiếm tri thức và sự khai sáng
Khi ta cảm thấy bế tắc trong những câu hỏi chưa có lời giải, hoặc muốn mở rộng chân trời tri thức của mình, sách chính là chìa khóa dẫn lối. Trong những khoảnh khắc ấy, một cuốn sách có thể mở ra cả một vũ trụ rộng lớn của sự hiểu biết, nơi ta khám phá những điều mới mẻ, tìm thấy những câu trả lời, và thức tỉnh những ý tưởng chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí.
Một cuốn sách về khoa học có thể làm sáng tỏ những bí ẩn của vũ trụ, giúp ta nhìn thấy sự sống không chỉ là hiện hữu mà là một chuỗi các phép màu vĩ đại. Ví dụ như "Sapiens: Lược sử loài người" của Yuval Noah Harari, giúp ta hiểu rõ hơn về sự phát triển của loài người và các xã hội qua hàng nghìn năm. Một tác phẩm lịch sử như "Những ngày cuối cùng của Đế chế Aztec" lại đưa ta về quá khứ, để học hỏi từ những bài học lịch sử chưa bao giờ phai nhạt. Hay một cuốn sách triết học như "Đời sống tri thức" của José Ortega y Gasset có thể thay đổi cách ta nhìn nhận về cuộc sống, thách thức những quan niệm đã ăn sâu vào tâm trí.
Khi tìm kiếm sự “khai sáng” trong tư duy hay thông tin, sách là người bạn đồng hành đáng tin cậy. Nó không chỉ đơn thuần cung cấp kiến thức, mà còn mở ra những cánh cửa mới cho tư duy, khơi dậy những sáng tạo và giúp ta nhìn nhận thế giới qua một lăng kính hoàn toàn khác.
Khi muốn thoát khỏi nhịp sống hối hả
Trong thời đại công nghệ, khi điện thoại và mạng xã hội chiếm lĩnh quá nhiều thời gian, con người ngày càng ít có những khoảnh khắc tĩnh lặng. Nhưng đôi khi, tất cả những gì ta cần là một khoảng thời gian tách mình khỏi thế giới ồn ào để lắng nghe chính mình. Cầm lấy một cuốn sách, để từng trang sách dẫn lối, giúp tâm trí ta rời xa những bộn bề, và tìm về với sự bình yên nội tại.
Không phải lúc nào ta cũng cần một cuốn sách, nhưng vào thời điểm thích hợp, nó có thể là thứ duy nhất ta cần.
Trên thế giới này không có cuốn sách nào mà ai cũng phải đọc, chỉ có cuốn sách mà một người phải đọc vào một thời điểm nhất định ở một giai đoạn của cuộc đời.
SÁCH QUAN TRỌNG LÀ THẾ NHƯNG LIỆU CÓ PHẢI AI CŨNG BIẾT CÁCH TÌM CHO MÌNH NHỮNG CUỐN SÁCH THẬT SỰ PHÙ HỢP VỚI BẢN THÂN?
4.2. Vì sao nhiều người không tìm được sách phù hợp?
Không phải cứ cuốn sách nào được đánh giá cao thì sẽ phù hợp với bạn. Giữa vô vàn trang sách, nhiều người vẫn loay hoay tìm kiếm nhưng chưa thể chọn được cuốn nào thực sự chạm đến trái tim mình. Vậy đâu là nguyên nhân khiến họ mãi băn khoăn trong hành trình tìm kiếm ấy?
Thiếu định hướng trong việc đọc: Nhiều người khi bắt đầu đọc sách không xác định rõ mục tiêu của mình, dẫn đến việc lựa chọn sách một cách ngẫu nhiên. Thiếu mục tiêu cụ thể khiến họ dễ dàng mất kiên nhẫn, không thể tiếp thu kiến thức và nhanh chóng từ bỏ việc đọc. Khi không có kế hoạch rõ ràng, việc đọc trở thành một hành động mơ hồ và thiếu hiệu quả.
Sách không phù hợp với trình độ và nhu cầu cá nhân: Một số người có thể lựa chọn những cuốn sách quá phức tạp hoặc không phù hợp với trình độ và nhu cầu của bản thân. Điều này khiến họ cảm thấy nản lòng, vì sách quá khó hiểu hoặc không đáp ứng được mục đích học hỏi. Việc chọn sách không phù hợp không chỉ gây lãng phí thời gian mà còn làm giảm hứng thú đọc sách. Một khảo sát từ National Endowment for the Arts cho thấy 60% số sách được mua chỉ để trưng bày, và hơn 50% người được hỏi thừa nhận họ chưa từng đọc hết những cuốn sách mình sở hữu. (Nguồn: National Endowment for the Arts) Điều này cho thấy rằng không phải ai cũng có khả năng tìm kiếm những cuốn sách thực sự có ý nghĩa đối với bản thân.
Ảnh hưởng từ mạng xã hội và xu hướng đọc hời hợt: Trong thời đại hiện nay, rất nhiều người mua sách vì thấy chúng nổi bật trên mạng xã hội hay vì xu hướng chung, chứ không phải vì thực sự quan tâm đến nội dung. Nhiều người mua sách chỉ để "theo trào lưu", nhưng khi bắt đầu đọc lại cảm thấy thất vọng vì sách không như kỳ vọng hoặc không phù hợp với bản thân. Điều này dẫn đến tình trạng sách chỉ được mua về để trưng bày chứ không được đọc hết.
4.3. Làm sao để tìm được cuốn sách "tri kỷ" của bạn?
Việc tìm được cuốn sách phù hợp giống như tìm đúng người thầy hoặc người bạn đồng hành trên hành trình tri thức.
Xác định mục tiêu đọc sách
Trước khi chọn một cuốn sách, hãy tự hỏi: Bạn muốn đọc để giải trí, học hỏi kỹ năng, mở rộng kiến thức hay tìm kiếm cảm hứng? Xác định rõ mục tiêu sẽ giúp bạn dễ dàng thu hẹp phạm vi lựa chọn và tránh đọc lan man. (Nguồn: Đại học Đà Nẵng) Ngoài ra, chúng ta không nên chạy theo xu hướng một cách mù quáng. Nhiều cuốn sách trở nên nổi tiếng nhờ mạng xã hội nhưng không có nghĩa là chúng phù hợp với mọi người. Hãy xác định điều quan trọng nhất đối với chúng ta là chọn được cuốn sách phù hợp dựa trên nhu cầu cá nhân thay vì chạy theo trào lưu.
Lựa chọn sách phù hợp với trình độ và sở thíchNếu bạn là người mới bắt đầu đọc, hãy chọn những cuốn sách có nội dung dễ tiếp cận. Nếu bạn đang muốn nâng cao kiến thức, hãy tìm những tác phẩm chuyên sâu trong lĩnh vực bạn quan tâm. Đọc sách phù hợp với trình độ giúp bạn tiếp thu tốt hơn và tránh cảm giác chán nản. Hãy tự hỏi: Bạn quan tâm đến lĩnh vực nào? Chủ đề nào khiến bạn hứng thú? Điều này giúp bạn tìm được những cuốn sách phù hợp với mình. (Nguồn:Người chấp bút).
Tìm hiểu đánh giá và gợi ý từ những nguồn đáng tin cậy.
Trước khi mua sách, hãy tham khảo đánh giá từ các trang web uy tín, chuyên gia hoặc những người có cùng sở thích đọc. Các hội nhóm về sách trên mạng xã hội, blog cá nhân hay kênh YouTube về sách cũng là những nguồn tham khảo hữu ích. Thay vì chạy theo trào lưu, bạn có thể tìm đọc các bài đánh giá chuyên sâu từ những người có kinh nghiệm hoặc từ các tạp chí uy tín như New York Times Book Review, Goodreads, The Guardian Books…
Đọc thử trước khi quyết định
Nếu có thể, hãy đọc thử một vài trang đầu tiên hoặc mục lục của cuốn sách. Nhiều nền tảng như Amazon, Google Books hay thư viện công cộng cho phép đọc thử một phần sách trước khi quyết định mua. Điều này giúp bạn đánh giá xem cuốn sách có thực sự phù hợp hay không.
Chọn đúng sách giúp bạn tiếp thu kiến thức hiệu quả và duy trì niềm đam mê đọc. Vậy nên hãy xác định mục tiêu, chọn sách phù hợp với trình độ, tham khảo đánh giá, đọc thử trước khi quyết định và tránh chạy theo xu hướng. Một lựa chọn đúng đắn sẽ mang lại giá trị thực sự cho bạn!
Tựu trung lại, chúng ta đều có thể tin rằng sách là kho báu vô giá của nhân loại, nhưng giá trị thực sự chỉ được khai thác khi ta biết cách chọn đúng sách, đọc đúng thời điểm và để tri thức thấm sâu vào tâm hồn, giúp ta không chỉ hiểu về thế giới mà còn hiểu về chính mình. Giữa hàng ngàn cuốn sách ngoài kia, điều quan trọng không phải là đọc thật nhiều, mà là biết chọn lọc và trân trọng từng trang sách mình đọc. Khi sách trở thành người bạn đồng hành đúng nghĩa, mỗi trang giấy đều có thể dẫn lối ta đến một phiên bản hoàn thiện hơn của chính mình.
Đúng lúc, đúng thời điểm, một cuốn sách có thể thay đổi cả thế giới của bạn!
Nếu bạn nghĩ rằng chỉ những cuốn sách nổi tiếng mới đáng đọc, hãy nhớ, có vô số tác phẩm “lặng lẽ” nhưng lại có sức mạnh thay đổi cả một con người. Không phải cuốn sách nào được tung hô cũng phù hợp với bạn, và không phải mọi giá trị đều nằm trên bảng xếp hạng.
Việc chạy theo xu hướng đọc không sai, nhưng nó không phải là tất cả. Thay vì chọn sách theo đám đông, hãy chọn sách vì chính mình. Hãy để những trang sách bạn đọc phản chiếu sự khát khao, niềm tin và những câu hỏi bạn đang tìm kiếm câu trả lời.
Sách không chỉ là những trang giấy đầy chữ, mà là cánh cửa mở ra những góc nhìn mới. Nhưng quan trọng hơn cả là bạn bước qua cánh cửa đó như thế nào, bạn để lại điều gì và mang theo những gì.
Vậy nên, đừng chỉ hỏi “Đọc gì để bắt kịp xu hướng?”, hãy tự hỏi “Làm sao để tìm được những cuốn sách giúp mình hiểu rõ hơn về bản thân, thấu hiểu thế giới và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình?"
Và nếu một ngày không còn ai định hướng cho bạn "đâu là sách hay", liệu bạn có đủ kiên nhẫn để tự mình lật giở những trang sách và tìm ra tri thức phù hợp với chính mình?
Đôi nét về chúng mình:
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết!
Ngô Quyền Debate Club (NQDC) là CLB học thuật đầu tiên của THPT Ngô Quyền, nơi tư duy được mài giũa và tiếng nói cá nhân được trân trọng. Chúng tôi mang Tranh biện đến gần hơn với học sinh, giúp rèn luyện tư duy phản biện, lập luận đa chiều và sự tự tin trong giao tiếp. Đến với Spiderum, NQDC mong muốn kết nối với những người trẻ yêu tri thức, lan tỏa tinh thần tranh biện văn minh và cùng nhau khám phá những góc nhìn mới.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này