Thế giới loài người đã và đang tiến qua những cuộc cách mạng đòi hỏi quyền bình đẳng giới. Từ phong trào giải phóng phụ nữ đến các cuộc đấu tranh đòi sự công nhận cho một cộng đồng thiểu số nhưng đa dạng - LGBTQ+. Nguồn gốc sâu xa của sự phân biệt này chính là định kiến số đông về giới tính!

KHÁI NIỆM VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

Hồi xưa đi học, cô giáo tôi hay trêu bọn con gái "Tụi bây đó, ở nhà không lo, ở đó mà đấu tranh đòi bình đẳng giới. Hồi xưa phụ nữ chỉ ở nhà lo bếp núc, nuôi con; giờ đòi bình đẳng giới xong, tao vừa phải quán xuyến việc nhà, vừa phải đi làm cực khổ, cho vừa lòng tụi bây!". Bọn tôi phá lên cười, mà thấy có cái gì đó sai sai, dĩ nhiên là biết cô chỉ nói giỡn. Vừa rồi tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ của Việt Nam năm 2019, một giám khảo có đặt cho thí sinh câu hỏi, tôi không nhớ chính xác, nên xin phép chỉ khái quát thế này: "Các phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới cho phụ nữ, đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và rộng khắp. Theo bạn, các phong trào này đã đủ chưa và khi nào thì nên dừng lại?" Cái gì đó sai sai mà tôi đề cập ở trên cũng như để trả lời cho câu hỏi của vị giám khảo nọ, tôi nghĩ chúng ta cần có một khái niệm cơ bản "thế nào là bình đẳng giới" cái đã. May quá, lên Wikipedia thấy có định nghĩa khá hay "Gender equality, also known as sexual equality or equality of the sexes, is the state of equal ease of access to resources and opportunities regardless of gender, including economic participation and decision-making; and the state of valuing different behaviors, aspirations and needs equally, regardless of gender."[1] 

TẠM DỊCH: Bình đẳng giới là tình trạng dễ dàng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội, bao gồm cả tham gia hoạt động kinh tế và ra quyết định; cũng như tình trạng định giá công bằng về các hành vi, nguyện vọng và nhu cầu không phân biệt giới tính

Từ định nghĩa trên, có thể thấy rõ rằng bình đẳng giới nói riêng, hay bất kỳ sự bình đẳng nào khác như về chủng tộc, tuổi tác, quốc gia, v.v... đều hướng tới cái đích là sự công bằng trong tiếp cận mọi nguồn lực của xã hội để mỗi cá nhân có thể phát triển bản thân toàn diện chứ không phải là việc "cào bằng chia đủ" như kiểu sống trong môi trường quân đội hay thời bao cấp (theo lời kể từ người thân chứ tác giả không sống trong thời điểm đó). Thực ra đây không phải là phát hiện gì to tác của tôi, vì cả thế giới, trong đó có Tổ chức Liên Hiệp Quốc [2] đã hô hào về vấn đề này từ lâu, chỉ là khi chưa thực sự quan tâm, thì tôi cũng như một số độc giả không tìm hiểu cũng như mổ xẻ vấn đề đến nơi đến chốn. Chúng ta thường chỉ hiểu đại khái, rồi bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, thấy có vẻ hợp lý, lại không ảnh hưởng gì mình thì cứ ủng hộ thôi! Nhưng chí ít đến đây, mọi người có thể thấy rõ được bản chất của cái gọi là "bình đẳng" là gì, và chắc hẳn đã trả lời được cho hai tình huống tôi nêu ở trên. Nếu còn lấn cấn xin mời để lại comment bên dưới để đàm đạo thêm, xin phép không giải thích nhiều ở đây để tránh dài dòng.
Thực ra, tôi mở đầu bằng định nghĩa trên để muốn triển khai vấn đề quan trọng hơn trong định đề ở đầu bài là nguồn gốc của sự bất bình đẳng giới, không chỉ gói gọn trong giới nam và giới nữ mà kể cả cộng đồng giới tính thứ ba (hiện nay thường được gọi là LGBTG+, trong đó L (lesbian), G (gay), B (bisexual), T (transgander), Q (queen/question) và + (plus) tức còn nhiều tên gọi khác nữa). 
Nếu lưu ý trong định nghĩa tiếng Anh ở trên, có tới 3 từ đồng nghĩa khi nói về giới là gender, sex và sexual. Mặc dù đôi khi người ta có thể sử dụng lẫn lộn các từ này trong đời sống hằng ngày nhưng từ "gender" thường ngụ ý chỉ về vai trò xã hội của đàn ông và phụ nữ, từ "sex" thường ám chỉ khía cạnh sinh học của giới tính [3], thường dùng trong y khoa, còn từ "sexual" thì chỉ về tình dục. Tôi cho rằng định nghĩa trên là có ý bao hàm nhiều khía cạnh của khái niệm về giới, chứ không đơn thuần chỉ là liệt kê ra nhiều từ đồng nghĩa cho vui. Hoặc là do tôi võ đoán, thì cũng không sao. Cốt yếu là muốn độc giả biết rằng khái niệm giới tính hiện nay rất phong phú. Ở khía cạnh này thì Việt Nam chúng ta và nhiều nước châu Á thường theo sau xã hội Âu-Mỹ. Vậy nên tôi xin phép được trình bày một số khái niệm về giới tính dựa trên các thuật ngữ tiếng Anh chứ không phải do tôi hay người Việt nào tự tạo ra.

Đọc thêm:

ĐA DẠNG KHÁI NIỆM VỀ GIỚI TÍNH HIỆN NAY 

Giới tính sinh học (Biological gender): là giới tính được xác định bằng các yếu tố di truyền như nhiễm sắc thể (thường là XX: nữ, XY: nam) và các đặc điểm sinh học (chủ yếu là bộ phận sinh dục) và sinh lý (chẳng hạn nội tiết tố, estrogen: nữ, testosteron: nam). Chủ yếu có giới nam và giới nữ, một số trường hợp đột biến có cả bộ phận sinh dục nam và nữ khi sinh gọi là intersex (thường sau đó sẽ phẫu thuật bỏ đi một bộ phận).
Bản định giới tâm hồn (Gender identity): là sự cảm nhận của bản thân về chính cơ thể của mình. Những ai có giới tính sinh học là nam nhưng lại thấy khó chịu, không hài lòng với cơ thể của mình mà muốn phẫu thuật chuyển thành bộ phận sinh dục cũng như các đặc điểm phụ về hình thể (mông, ngực, v...) của nữ thì gọi là chuyển giới (transgender). Tương tự cho các bạn có giới tính sinh học là nữ mà có mong muốn ngược lại. Còn những ai thấy mình phù hợp với giới tính sinh học hiện tại gọi chung là hợp giới (cisgender).
Xu hướng tính dục (Sexual orientation): là ham muốn tình dục với đối tượng có giới tính sinh học nào. Nếu có ham muốn tình dục với người có cùng giới tính sinh học thì gọi là đồng tính (homosexual), ngược lại là dị tính (heterosexual) hoặc cả 2 giới tính sinh học là song tính (biosexual), hoặc không có ham muốn tình dục với bất kỳ ai (asexual). 
Thể hiện giới (Gender expression): là phong cách thể hiện ra bên ngoài như trang phục, makeup, cách nói chuyện, hành vi, ứng xử. Chẳng hạn như các bạn nữ ăn mặc giống nam giới và hành xử cá tính hay gọi là tomboy, nhưng bạn nữ đó có giới tính sinh học là nữ, bản định giới tâm hồn có thể là nữ (hợp giới, tức là vẫn hài lòng với cơ thể của mình, không có mong muốn thay đổi), xu hướng tính dục có thể là dị tính (chỉ thích con trai). Hoặc một số bạn nam theo phong cách unisex (mặc đồ không phân biệt được là nam hay nữ), bản định giới tâm hồn là nam (không có mong muốn chuyển thành nữ), xu hướng tính dục có thể là đồng tính hoặc dị tính. 
Thu hút cảm xúc (Emotional attraction): là cảm giác bị thu hút bởi một đối tượng nào đó không phải về mặt tình dục hoặc giới tính sinh học, ví dụ như tính cách, sự thông minh, kiến thức, v.v... Thuộc loại này có thể gọi là pansexual. 
Và còn một số khái niệm ít gặp hơn...
Đọc qua các khái niệm này, chắc hẳn các bạn đã hiểu ý của tôi vì sao nói sự bình đẳng giới có tính khái quát cao hơn là chỉ khu trú ở 2 giới tính sinh học là nam và nữ. Nếu ai còn chưa rõ về các khái niệm này có thể sử dụng các từ khóa nêu trên để tìm hiểu thêm nếu cần. Cũng xin lỗi các bạn trong cộng đồng LGBTQ+ nếu những kiến thức của tôi chưa đầy đủ.

Đọc thêm:


TỪ BI KỊCH ĐẾN CÁI NHÌN RỘNG MỞ

Định kiến xã hội (hay định kiến của số đông) nói chung có thể hiểu nôm na là hệ thống niềm tin được xây dựng trong suốt quá trình phát triển của một cộng đồng người, được đúc kết thông qua quan sát các sự vật hiện tượng tự nhiên và xã hội dựa trên quy luật "số đông", lâu dần tạo thành hệ quy chiếu chung của toàn xã hội dùng như một thước đo để đánh giá và hướng dẫn hành vi của từng cá nhân trong cộng đồng đó. Ví dụ cụ thể về giới tính, nhiều người Việt mà tôi tiếp xúc thường quan niệm phụ nữ (ở góc độ giới tính sinh học) nói năng nhỏ nhẹ, hành xử dịu dàng, giỏi chăm con, giỏi nấu ăn, đảm đương việc nhà; lâu dần họ mặc định rằng đó là những tính cách, công việc của phụ nữ. Rồi dần dà, bất kể là ở đâu, người ta cũng dùng hệ quy chiếu đó để làm thước đo cho phụ nữ. Bạn gái nào tính cách mạnh mẽ, mặc đồ như con trai thì sẽ bị chê bai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không phù hợp làm vợ, làm mẹ. Ngược lại, nam giới lại có những tiêu chuẩn riêng như phải đảm đương công việc nặng nhọc, phải ăn to nói lớn, phải "râu hùm, hàm én, mày ngài", phải "phơi sương, đội tuyết, trèo đèo, lội suối" chẳng hạn. Bạn nam nào tính tình nhỏ nhẹ, dịu dàng, thích làm đẹp là sẽ được nhận các "mỹ từ" như "bê đê", "bóng gió", "con cú có gai", nặng nề hơn có thể bị kỳ thị, phân biệt đối xử, bị lên án, bạn bè xa lánh, người thân chê bai. Tôi cho rằng đó là sự nhầm lẫn do thiếu hiểu biết của chúng ta về giới tính sinh học (nam, nữ) với các khái niệm giới tính khác mà tôi trình bày ở trên. Từ sự thiếu hiểu biết của xã hội, đưa đến nhiều hành vi kỳ thị, hậu quả của tất cả là nhiều bi kịch đã xảy ra, được đề cập kha khá trên báo chí, phim ảnh, cũng như từ chính những con người xung quanh chúng ta. 
Thực ra, việc quan sát trên một nhóm dân số lớn để rút ra các đặc điểm đặc trưng, đại diện cho dân số đó; hoặc quan sát các hiện tượng tự nhiên ở nhiều nơi để tìm ra quy luật vận hành của thế giới vật chất là phương pháp phổ biến trong nghiên cứu khoa học và xác suất thống kê. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa giới khoa học và xã hội đó là các chuyên gia khi muốn đưa ra một nhận định phải đối chiếu các điều kiện của hiện tượng cần đánh giá với quy luật mà mình quan sát được có những điểm tương đồng nào rồi mới đi đến kết luận, dĩ nhiên trong chừng mực cho phép, chứ không được quy chụp, đánh đồng. Điều này cực kỳ quan trọng trong y khoa, vì nếu sơ suất trong đánh giá các triệu chứng bệnh (nhiều bệnh có cùng nhóm triệu chứng), có thể dẫn đến sai lầm trong chẩn đoán; hoặc chẩn đoán đúng nhưng trên từng cá nhân khác nhau thì lựa chọn phương thức điều trị cũng như đáp ứng của từng cá nhân với cùng loại điều trị cũng khác nhau. Cho nên y học mới có khái niệm "Y học cá nhân hóa" (Personalized medicine) nhằm tối ưu hiệu quả điều trị với các hiệu chỉnh phù hợp cho từng đối tượng cụ thể chứ không đánh đồng một "phương thuốc gia truyền" cho tất cả mọi người. [4,5] Còn số đông xã hội trong đó có chúng ta thường dễ dàng đưa ra lời phán xét, hoặc hành xử đối với một cá nhân liên quan vấn đề giới tính dựa trên định kiến xã hội cũng như thành kiến cá nhân mà ít khi có sự tìm hiểu họ trong thời gian dài cũng như trong các hoàn cảnh cụ thể. Hẳn nhiên, gánh nặng của bác sĩ khi chẩn đoán sai là tính mạng của con người nên họ phải dùng mọi tâm sức để hạn chế thấp nhất rủi ro; còn việc phán xét, đối xử của chúng ta đa phần chỉ để lại những dư chấn tâm lý, khó đánh giá được mức độ tổn thương thực sự, nên chúng ta có phần dễ dãi hơn?
Mục tiêu bài viết này không nhằm mục đích kể lể các sự việc đau buồn của cộng đồng LGHTQ+ nên xin phép kết thúc chuyện bi kịch ở đây. Cốt yếu của tôi là trình bày hiểu biết hạn hẹp của mình về vấn đề bình đẳng giới, các khái niệm rộng lớn về giới và đưa ra góc nhìn của mình về cách ứng xử trước những con người xung quanh chúng ta dù họ thuộc giới tính nào, xa hơn nữa là các vấn đề kỳ thị nói chung, trong đó có cả tình hình thế giới thời gian qua về kỳ thị người gốc Á trong đại dịch COVID-19 và kỳ thị người da đen tại Hoa Kỳ. Chung quy lại, con người trải qua nhiều thế hệ cùng chung sống đã hình thành nhiều thuộc tính, trong đó có kiểu sống bầy đàn nhằm nâng cao sức mạnh nhóm để đối phó với các thế lực thù địch, để chống chọi với sức mạnh của thiên nhiên, để tồn tại và mưu cầu hạnh phúc. Thuộc tính bầy đàn trong thế giới hiện đại chính là tâm lý đám đông, là định kiến xã hội, là quy luật thiểu số phục tùng đa số. Mặt tốt của nó nghĩa là chúng ta muốn an toàn thì cần đoàn kết, dựa vào sức mạnh tập thể. Ngược lại, là tình trạng ỷ đông hiếp yếu, bởi lẽ ý kiến số đông chưa hẳn là đúng. Rõ ràng, cái gì cũng có mặt mạnh và điểm yếu. Đừng quá lạm dụng!

Trong đạo Phật, có khái niệm "nhìn nhận đơn thuần" hay "chánh niệm" (Right Attitude) về thế giới [6]. Theo hiểu biết của tôi chính là muốn nói đến cách đánh giá của chúng ta sao cho khách quan nhất. Khách quan tức là khi nhìn nhận vấn đề gì, ở đây là một con người cụ thể, dù giới tính nào đi chăng nữa, không để cảm xúc nội tại (tức cảm xúc do một sự việc gì xảy ra trước đó, do thời tiết nóng nực, do đói bụng chẳng hạn), không để thành kiến cá nhân (tức kinh nghiệm của bản thân với những người khác), không để định kiến xã hội (tức các chuẩn mực, thước đo của số đông), không để những ham muốn, yêu ghét, lòng tham tác động. Nói thì dễ, nhưng thực hành không bao giờ đơn giản, với những con người phàm tục như chúng ta. Nhưng chí ít hãy mở rộng tâm trí để đưa các khái niệm đó vào nhận thức của mình đã là một bước tiến. 

Không cần là thánh nhân, không nhất thiết phải niệm kinh mỗi tối, chỉ cần là một người tử tế, hành xử theo 3 nguyên tắc cơ bản nhất: không hại mình, không hại người và không hại thế giới xung quanh! 

NGUỒN THAM KHẢO 

4. F. Randy Vogenberg, Carol Isaacson Barash, and Michael Pursel, Personalized Medicine, Part 1: Evolution and Development into Theranostics. P T. 2010 Oct; 35(10): 560-562, 565-567, 576.
6. Hiểu về trái tim: Nghệ thuật sống hạnh phúc (2010), Thích Minh Niệm.