[DỊCH] SỰ TRỞ LẠI CỦA TALIBAN LÀ TAI HỌA THẢM KHỐC CỦA PHỤ NỮ
Tác giả: Linsey Addario...
Tác giả: Linsey Addario
Link bài gốc:
Là một phóng viên ảnh hoạt động ngầm tại Afghanistan hai thập kỷ qua, tôi đã chứng kiến những người phụ nữ nơi đây chiến đấu giành lại tự do khó khăn đến nhường nào, và cả những gì mà họ đã đạt được. Giờ thì, họ chỉ có thể đứng đó và nhìn mọi thứ biến dần đi.
Một sáng mùa hè năm 1999, Shukriya Barakzai thức dậy với một cơn choáng váng và có triệu chứng sốt. Theo luật của Taliban, cô cần một Maharram, một vệ sĩ nam đi cùng, để có thể rời khỏi nhà và đến gặp bác sĩ. Chồng của Shukriya vẫn đang đi làm và cô không có một đứa con trai nào. Vì vậy cô đã cạo đầu đứa con gái hai tuổi của mình, mặc quần áo con trai cho cô bé để ngụy trang thành một vệ sĩ, rồi mặc bộ đồ Burka lên mình.
Những nếp gấp màu xanh trên bộ Burka giúp cô che đi những đầu móng tay sơn đỏ của mình – một hành vi vi phạm luật cấm sơn móng tay của Taliban. Cô nhờ hàng xóm của mình, một người phụ nữ khác, để đi cùng cô đến gặp bác sĩ ở trung tâm thủ đô Kabul. Khoảng 4h30 chiều, họ rời phòng khám với một đơn thuốc và cùng nhau đến hiệu thuốc khi một xe quân đội của Taliban từ Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Phó phụ trách thực hiện các quy tắc Hồi giáo ở Các Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan dừng ngay bên cạnh. Những người đàn ông này thường xuyên lái xe vòng quanh Kabul trên những chiếc xe bán tải, tìm kiếm những người Afghans để có thể làm nhục và trừng phạt họ một cách công khai vì đã vi phạm các quy tắc đạo đức.
Những người đàn ông nhảy ra khỏi những chiếc xe tải và bắt đầu tra tấn Barakzai bằng một sợi dây thun cho đến khi cô ngã khuỵu xuống, sau đó chúng tiếp tục đánh đập cô. Khi chúng hành sự xong, cô đứng dậy, bật khóc. Cô đã cảm thấy tổn thương và tủi hổ. Cô chưa từng bị đánh đập bao giờ.
“Cô đã bao giờ nghe thấy thứ mà chúng tôi gọi là bạo dâm chưa?” Barakzai hỏi tôi trong cuộc phỏng vấn gần đây. “Cứ như chúng không hiểu vì sao, nhưng chúng chỉ đang cố đánh đập, hành hạ, vô lễ với bạn. Đó là thứ mà chúng thích thú mà chính chúng cũng không rõ lý do tại sao.”
Cô ghi nhận khoảnh khắc này cho sự ra đời của mình với tư cách là một nhà hoạt động xã hội. Trước khi thủ đô của Afghanistan rơi vào cuộc nội chiến năm 1992, Barakzai đã theo học ngành khí tượng thủy văn và địa vật lý tại Đại học Kabul. Khi Taliban, khi đó là một lực lượng dân quân tương đối mới, nổi dậy và giành chiến thắng năm 1996, phụ nữ Afghan bị bắt dừng việc học tập. Khi Barakzai hồi phục sau trận đánh đập, cô đã hạ quyết tâm: Cô sẽ tổ chức các lớp học ngầm dành cho nữ tại khu chung cư rộng lớn mà cô và gia đình đang sinh sống, và đang là nơi ở của khoảng 45 gia đình. Barkzai sẽ tiếp tục soạn thảo hiến pháp Afghanistan và phục vụ hai nhiệm kỳ tại Nghị viện.
Tôi đến Afghanistan vào tháng Năm năm 2000, khi đó tôi mới 26 tuổi. Tôi đã sống tại Ấn Độ vào thời gian trước đó, viết về những vấn đề về phụ nữ tại Nam Á với tư cách là một phóng viên ảnh, và tôi đã rất tò mò về cuộc sống của phụ nữ sống dưới sự cai trị của Taliban. Afghanistan bấy giờ nổi lên với cuộc xung đột tàn khốc 20 năm – đầu tiên là sự chiếm đóng của Xô Viết, sau đó là cuộc nội chiến kéo dài – đã tàn phá Kabul với chỉ còn rất hiếm hoi các cơ sở hạ tầng còn có thể đưa vào sử dụng. Giữa năm 1992, nhóm Taliban đã hứa sẽ chấm dứt tình trạng bạo lực, và rất nhiều người Afghan kiệt sức với sự bất ổn và sự phá hoại tàn nhẫn kéo dài đằng đẵng đã ngừng kháng cự lại nhóm Hồi giáo quá khích. Thế nhưng hòa bình đã lấy đi rất nhiều sự tự do xã hội, chính trị và tôn giáo.
Khi tôi đến đây lần đầu, Taliban đã triển khai việc truyền đạo Sharia, luật Hồi giáo. Giáo dục phụ nữ và bé gái bị cấm trong tất cả mọi trường hợp, và phụ nữ (trừ những người được chọn lựa và phê duyệt để trở thành y bác sĩ) không được phép làm việc bên ngoài nhà của mình, thậm chí không được ra khỏi nhà nếu như không có một vệ sĩ nam bên cạnh. Phụ nữ không được đi đâu nếu thiếu bộ burka, bộ quần áo truyền thống giản dị bó sát đầu và trải dài đến mắt cá chân, bao phủ thân thể người phụ nữ và khiến họ không thể nhận dạng ở bên ngoài công cộng. Tất cả các hình thức giải trí đều bị cấm: âm nhạc, truyền hình, tương tác xã hội giữa các giới bên ngoài gia đình. Hầu hết những người Afghan có học thức đều trốn chạy đến các nước lân cận Pakistan hoặc các nơi khác; những người ở lại phải thay đổi cuộc sống của mình để tuân thủ những mệnh lệnh của một chế độ áp bức.
Là một phụ nữ Mỹ độc thân, tôi cần tìm cách để đi lại Afghanistan với một người đóng vai chồng của mình, để có thể chụp ảnh mà không bị bắt (chụp ảnh về bất cứ sinh vật sống nào đều bị cấm bởi Taliban). Tôi đã liên hệ với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, đây là một trong số ít các tổ chức quốc tế vẫn hoạt động tại Afghanistan, và Chương trình người khuyết tật toàn diện người Afghanistan, một cơ quan của LHQ tìm cách tái định cư cho những người bị thương do bom mìn rải rác khắp cả nước. Các tổ chức này đã sắp xếp một người đàn ông hộ tống tôi, cùng với tài xế và thông dịch viên, đi qua các tỉnh Ghazni, Logar, Wardak, Nangarhar, Herat và Kabul để bí mật chụp ảnh và phỏng vấn các phụ nữ Afghan. Tôi đã nhanh chóng nhận ra một ưu điểm trong khi làm phóng viên ảnh, mặc dù phải trải qua những khó khăn, đó là: Tôi đã có thể tự do gặp được những người phụ nữ ở những nơi mà văn hóa và luật pháp cấm cửa đàn ông bước chân vào.
Từ tháng 5/2000 đến tháng 3/2001, trải qua ba chuyến đi khác nhau, tôi đã đi khắp nơi với những chiếc máy ảnh và film trong chiếc túi nhỏ của mình, đi thăm những ngôi nhà riêng, những bệnh viện phụ nữ, những trường học bí mật dành cho các bé gái. Tôi đã đi đến những đám cưới đa giới tính được tổ chức ngầm, những nơi mà bản nhạc phim Titanic vang dội lại những bức tường vững chắc dưới tầng hầm, với những người đàn ông và cả những người phụ nữ trang điểm đậm (và được sơn móng tay) khiêu vũ quanh với một niềm vui thuần khiết – một niềm vui giản đơn mà có thể bị trừng phạt bằng việc hành hình của chế độ áp bức bên ngoài.
Có lẽ cuộc sống lặng im dưới sự thống trị của Taliban đã ngấm sâu vào tôi nhiều hơn bất cứ thứ gì khác. Bên lề đường, chỉ có vài chiếc ô tô, không âm nhạc, không phim ảnh, không điện thoại, và không có cả những cuộc trò chuyện đời thường. Những con phố bám bụi tràn ngập những góa phụ đã mất chồng trong cuộc chiến tranh kéo dài; bị cấm lao động, kế sinh nhai duy nhất của họ là đi ăn xin. Mọi người hoảng sợ, cả ở trong lẫn bên ngoài. Những người dũng cảm để mạo hiểm ra ngoài đều chỉ dám thì thầm do lo sợ họ sẽ kích động nhóm Taliban đánh đập mình vì bất cứ lý do gì, đơn giản với những lý do như không có bộ ria đủ dài (với đàn ông) hay không có một bộ burka đủ dài (với phụ nữ), hoặc thậm chí thi thoảng không vì một lý do nào. Cuộn băng cassette óng ánh màu nâu bay phấp phới trên những nhành cây và dây điện và những biển hiệu hay cột ở khắp mọi nơi – là lời cảnh báo cho những ai dám bật nhạc ở nơi riêng tư. Những trận đấu tại sân vận động Ghazi của Kabul được thay bằng những cuộc hành quyết công khai vào những ngày thứ sáu sau khi cầu nguyện. Chính quyền Taliban sử dụng những máy xúc hay xe tăng để lật đổ những bức tường để hành hình những người đàn ông đồng tính. Những người ăn cắp sẽ bị chặt cụt bàn tay; những kẻ bị cáo buộc ngoại tình sẽ bị lấy đá đè chết.
Trong những chuyến đi này, tôi đã chứng kiến sức mạnh và sự kiên cường của phụ nữ Afghan. Tôi thường tự hỏi mình rằng, điều gì sẽ xảy đến với Afghanistan nếu Taliban sụp đổ. Tôi tưởng tượng ra cảnh những người đàn ông và phụ nữ đã dành cho tôi sự hiếu khách, sự hài hước và sức mạnh tuyệt vời như vậy sẽ thịnh vượng, và những người Afghan đã phải chạy trốn khỏi quê hương của họ có thể trở về nhà của mình.
Nhiều tháng sau đó, cuộc tấn công ngày 11/9/2001 nổ ra, và sau đó là cuộc đổ bộ của người Mỹ vào Afghanistan. Taliban sụp đổ, phụ nữ nhanh chóng chứng minh sự vô giá của họ trong công cuộc tái thiết lập và vận hành đất nước. Có rất nhiều niềm lạc quan, quyết tâm và niềm tin vào sự phát triển và tương lai của Afghanistan. Nhưng thậm chí kể cả khi Taliban biến mất, rất nhiều những giá trị bảo thủ của chúng vẫn ngấm sâu và tồn tại trong xã hội Afghan.
Tôi đã chụp lại sự thất bại của Taliban tại Kandahar vào cuối năm 2001, và trở về quê nhà cùng chiếc máy ảnh ít nhất cũng hơn chục lần trong hai thập kỷ sau đó. Từ Kabul đến Kandahar đến Herat đến Badakhshan, tôi đã chụp những phụ nữ đến trường học, tốt nghiệp đại học, đào tạo làm bác sĩ phẫu thuật, đỡ đẻ, làm nhân viên hộ sinh, vận hành Nghị viện và phục vụ cho chính phủ, lái xe, đào tạo để trở thành cảnh sát, diễn phim, làm việc – như những nhà báo, thông dịch viên, dẫn chương trình truyền hình, cho các tổ chức quốc tế. Nhiều người trong số họ đã phải đối mặt với việc cân bằng công việc và nuôi dạy con; giữa việc trở thành một người vợ, người mẹ, người chị, hay làm một người con gái ở nơi mà phụ nữ đang phải bứt phá những rào cản để vươn lên những vị trí cao hơn, và thường đó là những việc sẽ gặp nguy hiểm lớn.
Một trong số những người tôi gặp trên những chuyến đi của mình là Manizha Naderi, đồng sáng lập tổ chức Phụ nữ vì Phụ nữ Afghan. Trong hơn một thập kỷ tại Afghanistan, tổ chức của cô đã giúp triển khai một mạng lưới các chỗ ở và y tế gia đình, tư vấn và các dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho các phụ nữ Afghan gặp các vấn đề gia đình, là nạn nhân của bạo hành, hay bị bỏ tù mà chưa có đại diện. Naderi hiện đang sống với gia đình cô ở New York. Trong cuộc trò chuyện gần đây, tôi đã hỏi cô rằng tình hình phụ nữ ở Afghan đã có tiến triền gì trong hai thập kỷ qua chưa.
“Dĩ nhiên rồi,’’ cô đáp. “Trước khi Mỹ tràn vào Afghanistan, không hề có gì hết, không cơ sở hạ tầng, không hệ thống pháp luật, giáo dục, không có gì cả. Và trong vòng 20 năm qua, mọi thứ đều được tái thiết lập trên đất nước, từ giáo dục, cho đến hệ thống pháp lý, xã hội, kinh tế,…Phụ nữ đã có tất cả. Không chỉ phụ nữ, mà cả những người dân Afghan nói chung đều đạt được nhiều thứ.”
Hiện giờ, đương nhiên, những điều đó đang lại biến mất. Trong vòng vài tuần qua, quân đội Taliban đã chiếm được gần như mọi thành phố trọng yếu của đất nước; hôm qua, lực lượng này đã càn quét qua Kabul, và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã trốn chạy. Các binh lính đã mở những cánh cửa ngục tù và thả hàng ngàn tù nhân, bắt phụ nữ quay về nhà từ công sở, và cấm học sinh nữ tại trường học. Trong quá trình tiến về thủ đô, lực lượng này đã phá hủy các cơ sở y tế, giết dân thường, bỏ lại hàng ngàn người Afghan không có nơi ở. Nhiều người cho rằng Taliban đã yêu cầu các phụ nữ từ nơi chúng chiếm đóng lấy những binh sĩ chưa vợ (mặc dù nhóm này đã phủ nhận cáo buộc trên).
Fawzia Koofi, một người phụ nữ khác mà tôi biết tại Afghanistan, đã cống hiến đời mình cho tổ quốc từ khi Taliban chiếm quyền lực từ năm 1996. Cô cũng đã mở một mạng lưới trường học ngầm dành cho các bé gái vào những năm 1990, tại quê nhà ở tỉnh Badakhshan. Koofi là thành viên Nghị viện từ năm 2005 đến năm 2019, và là một trong những người đại diện Cộng hòa Afghanistan trong những cuộc thỏa thuận hà bình với Taliban trước khi quân lính Mỹ rời đi.
Lần đầu gặp cô, khi đó là năm 2009, cô đã bay vòng quanh Kabul, theo sau là một đội vũ trang gồm các cố vấn nam và các chi đội quân sự, trở về nhà sau chuỗi ngày dài tại Nghị viện trước hàng dài các cử tri đứng trước cửa cầu xin nói lên những lo lắng của họ về nhiều vấn đề. Cô cũng tự nuôi dạy hai con gái còn nhỏ; chồng cô đã mất vì bệnh lao năm 2003, anh đã bị nhiễm khi bị Taliban giam cầm. Koofi dường như chưa bao giờ dừng lại, hay mệt mỏi. Taliban đã hai lần cố ám sát cô. Đề đề phòng, cô luôn mang theo mình một lá thư viết tay gửi cho hai con gái của mình.
Khi tôi gọi Koofi vài tuần trước khi tới Kabul, quân Taliban đã chiếm đóng được khắp cả nước. Koofi cảm thấy hoài nghi về những lời hứa của nhóm này về việc họ sẽ cho phép phụ nữ Afghan tự do học tập và làm việc bên ngoài. Cô chỉ ra sự bất đồng giữa những gì chính quyền Taliban đã nói tại cuộc đàm phán hòa bình tại Qatar và rằng những kẻ xâm hại nhân quyền của cô vẫn đang đặt chân ở bên ngoài kia. Tôi hỏi rằng cô có sợ chúng không.
“Thật lòng, Tôi không sợ bị ám sát,” Koofi bảo tôi. “Tôi sợ rằng đất nước sẽ lại một lần nữa rơi vào hỗn loạn.”
Khi Taliban chiếm quyền lực trên khắp Afghanistan, Koofi đã dành phần lớn thời gian của mình để tìm kiếm các cuộc gọi từ những người đàn ông và phụ nữ sợ hãi những hệ lụy từ việc tiếp quản này. Cô đã rất thất vọng vì chưa thể an ủi họ. Không lâu sau khi tôi trò chuyện với Koofi, một phụ nữ mang bầu đã gọi cô từ Faizabad, thành phố của Badakshan – một nơi mà tôi đã đến từ năm 2009 để ghi lại tỉ lệ tử vong do sinh đẻ tại tỉnh này. Trong vòng một thập kỷ qua, rất nhiều tiến bộ đã làm giảm đi con số này. Người phụ nữ gọi cho Koofi cần sinh mổ, nhưng Taliban đã đóng và cô lo sợ rằng cô sẽ không thể đến được bệnh viện để sinh nở. Cô chỉ còn ba tuần, và không thể rời khỏi nhà. Cô sẽ phải làm gì? Nếu như không được sinh mổ, có thể cô sẽ chết, thế nhưng Koofi chẳng có cách gì để giải cứu Kabul. Tuần trước đó, Faizabad đã rơi vào tay Taliban.
Gần đây, giá thành của Burka đã tăng gấp đôi, trong nhiều trường hợp thậm chí còn tăng nhiều hơn. Phụ nữ đang mua tấm khiên tốt nhất để bảo vệ họ khỏi Taliban: mạng che mặt.
Cuối tuần qua, khi Taliban vây quanh Kabul, tôi đã hỏi Koofi cô cảm thấy thế nào và liệu có phải cô đã đi sơ tán. Cô đã chạy trốn khỏi nhà mình từ Chủ nhật và đang ẩn náu tại Afghanistan. “Không ai giúp đỡ tôi cả,’’ cô bảo. “Cô có thể nói chuyện với người Mỹ được không?’’ Tôi nhận được những tin nhắn WhatsApp như thế này từ các cựu dịch giả nữ và các đối tượng, bày tỏ sự sợ hãi và hỏi tôi làm thế nào để ra khỏi Afghanistan.
Tôi không biết là câu trả lời của tôi. Tôi không biết các bạn có thể đi đâu. Tôi không nghĩ rằng nước Mỹ có thể giúp đỡ được các bạn nữa. Không, tôi không nghĩ họ sẽ cấp thị thực cho bạn, hay anh của bạn, hay một cựu tài xế từ 11 năm trước. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy đến với phụ nữ Afghanistan.
Tất cả những gì tôi biết đó là những người phụ nữ tôi đã gặp trong vòng 20 năm qua đã làm tôi kinh ngạc bởi sự quyết tâm và thông minh của họ. Họ đã khiến tôi vỡ òa trong tiếng cười và cả nước mắt. Tôi nghĩ về buổi chiều rực rỡ ở Kabul năm 2010 khi tôi ngồi trên ghế hành khách đi vòng quanh với một nữ diễn viên Afghan trên xe của cô. Gương mặt xinh đẹp và mái tóc của cô ấy được thổi bùng lên với thứ âm nhạc Iran và điệu múa với đôi bàn tay đan xung quanh bánh lái. Cô lái qua những điểm kiểm soát, những đám người mặc burka, và những người đàn ông giật mình chế nhạo. Cô cười, và tôi cũng cười, và tôi đã nghĩ về việc phụ nữ Afghan đã tiến xa như thế nào. Taliban không thể cướp đi những gì phụ nữ Afghan đã có được trong 20 năm qua – trình độ học vấn, động lực lao động và cả hương vị của sự tự do.
Và bây giờ, có một thế hệ phụ nữ Afghan mới hình thành, những phụ nữ không thể nhớ được cuộc sống dưới thời Taliban như thế nào. “Họ tràn đầy năng lượng, hy vọng và giấc mơ,’’ Shukriya Barakzai nói với tôi. “Họ không giống tôi 20 năm trước. Họ đã cảnh giác hơn. Họ đang kết nối với thế giới. Afghanistan không bị thiêu rụi bởi nội chiến. Đó là một Afghanistan phát triển, tự do, với truyền thông tự do, và với phụ nữ.” Taliban có thể chiếm lấy lãnh thổ, Barakzai nói, ‘’nhưng không phải khối óc và trái tim của con người nơi đây.”
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất