Mấy hôm rồi chờ bộ số liệu mới được duyệt nên mình có chút thời gian mà hóng hớt tình hình thực tế của các nước trên thế giới trong đại dịch, vậy nên muốn tổng hợp 1 vài thông tin mình nghĩ là đáng được chú ý cho mọi người.

Nguồn ảnh: Google
Một vài số liệu về những hậu quả tiêu cực từ việc đóng băng nền kinh tế đã được cập nhật trong mấy ngày vừa qua. Ở Mỹ, số lượng người mất việc đã lên tới 26 triệu người (con số đưa ra bởi Anne Case, giám đốc viện nghiên cứu về phát triển kinh tế của Princeton Uni, trong bài phỏng vấn ngày hôm qua với RSA, link Youtube cuối bài). Ở Anh, tình hình có vẻ khả quan hơn một chút, khi giáo sư Richard Blundell của UCL hôm nay báo cáo rằng chỉ có 1,8 triệu người mới nộp đơn xin trợ cấp (UC claim form). Không có gì lạ, khi giống như Đức, chính phủ Anh đã có những biện pháp rất mạnh tay, như chi trả 80% lương cho nhân viên các công ty phải dừng hoạt động hay những người làm việc tự do, với hy vọng họ sẽ tiếp tục công việc trước đại dịch và từ đó tránh tình trạng tỷ lệ thất nghiệp bị đẩy lên cao do một bộ phân lao động thay đổi việc làm sau dịch.
Tuy nhiên, với một số ngành nghề, điều này là không thể. Ngày 28 tháng 4 vừa qua, một bài báo của BBC đưa tin British Airways sẽ cắt giảm 12.000 nhân viên trong tổng số 42.000 nhân viên của họ (gần 30%), và gần như tất cả các hãng hàng không khác cũng đã, đang, hay sẽ sớm làm tương tự. Không chỉ hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng, và một loạt các ngành liên quan cũng sẽ chứng kiến tỷ lệ mất việc rất cao, trong ít nhất là 1 năm tới (trong cùng bài báo của BBC, British Airways cho rằng họ sẽ không thể có được số lượng khách hàng như 2019 trong ít nhất là vài năm tới).
Gần như tất cả máy bay đang đắp chiếu. Nguồn ảnh: Google
Bên cạnh việc tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, một điều được tất cả các chuyên gia kinh tế khẳng định là đại dịch đang làm nghiêm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về kinh tế/thu nhập ở mọi nơi. Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở những lao động thu nhập thấp, khi họ chỉ có hai lựa chọn trong thời điểm này: (1) là tiếp tục công việc (như nhân viên siêu thị), tức là chịu rủi ro trực tiếp đến tính mạng mình khi di chuyển và ở chỗ làm, và (2) là nghỉ việc, và nếu ở các quốc gia không có trợ cấp lương trực tiếp từ chính phủ thì họ sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu thốn nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống.

Ảnh hưởng của đại dịch nghiêm trọng hơn rất nhiều cho những người thu nhập thấp. Nguồn ảnh: Google
Đợt khủng hoảng này được cho rằng cũng sẽ khiến cơ cấu kinh tế có những thay đổi lớn. Trong khi các công ty lớn như Facebook, Google, Amazon thậm chí còn có thể có lợi từ khủng hoảng đại dịch, thì như thường lệ, nhóm công ty chịu ảnh hưởng lớn nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Theo nguồn dữ liệu khảo sát của Trung Quốc và UK (có lẽ có thể mở rộng ra toàn thế giới), hơn 80% số doanh nghiệp SMEs có dự trữ thanh khoản (tiền mặt) dưới 3 tháng. Với việc 60-70% số lượng lao động làm việc cho nhóm này, việc họ đang đối mặt với nguy cơ phá sản sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ thất nghiệp cũng như hệ thống phân phối của tất cả các quốc gia. Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi thời gian lockdown kết thúc, cả về cung (do ảnh hưởng từ những trục trặc có thể dự đoán của chuỗi cung ứng sau đại dịch) và cầu (do tâm lý người tiêu dùng sẽ có phần nghi ngại, và có những dự đoán cho thấy cần một độ trễ nhất định trước khi lượng cầu có thể trở lại mức trước đại dịch). Vậy nên khá nhiều cảnh báo đã được đưa ra đề nghị chính phủ tiếp tục các biện pháp hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp này trong thời gian sau lockdown, cũng như có những chính sách kích cầu hợp lý.

Nói thêm một chút về Mỹ, hôm nay mình có dự thính bài phỏng vấn của Royal Economic Society với ngài Angus Deaton, người đạt giải Nobel kinh tế năm 2015, ông đã cực kỳ quan ngại về tình hình bất ổn chính trị của Mỹ trong đại dịch. Trước sự vô dụng của chính phủ Trump, hàng loạt chính quyền các bang đang có kế hoạch liên kết xây dựng một chính quyền dân chủ tạm thời để đưa ra những quyết định trong trường hợp khẩn cấp này. Sir Deaton đã kết thúc một cách khá tiêu cực, khi ông cho rằng nếu Mỹ có thể kết thúc đại dịch mà không có một bất ổn chính trị nào lớn đã là một thành công. Còn trong bài phỏng vấn với RSA hôm qua (cùng vợ ông - bà Anne Case, trích ở trên), hai vợ chồng đã đưa ra quan ngại về tỷ lệ tội phạm cũng như số lượng tử vong do một loạt các vấn đề khác sẽ rất cao ở Mỹ trong thời gian sau đại dịch, vì rất nhiều lý do như thất nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý do chính thời gian giãn cách xã hội mang lại. 
Bất ổn cả về chính trị và xã hội rất có thể sẽ khiến Mỹ phải khốn đốn trong nhiều năm tới. Hy vọng đồng bào mình ở Mỹ cẩn trọng trong giai đoạn khó khăn này :(

Đối với đất nước 1 mình 1 kiểu - Thụy Điển, nước duy nhất trong EU không thiết lập chế độ lockdown nghiêm ngặt và gần như vẫn mở cửa tất cả các dịch vụ của mình, bài báo ngày hôm nay (30/04) trên The Sun cho thấy có lẽ họ sẽ là nước cuối cùng trên thế giới phải thừa nhận đó là một chính sách không hợp lý khi đối mặt với đại dịch, khi số lượng ca nhiễm đã tăng kỷ lục 790 ca ngày hôm qua, và tỷ lệ chết trên đầu người của Thụy Điển thậm chí cao hơn cả ở Mỹ. Mình khá tò mò về Thụy Điển, đất nước đã được khá nhiều bạn bè mình cho là có loài người "lạnh" nhất thế giới, gần như cực kỳ ít nói chuyện (có lẽ vì vậy nên họ tự tin chẳng cần giãn cách). Mình cũng nhớ đọc được đâu đó rằng Thụy Điển đã xây dựng một hệ thống thể chế (Institutional system) rất khác, hạn chế khá nhiều việc áp dụng trực tiếp các chính sách của chính phủ lên cộng đồng. Mình rất muốn tìm hiểu về đề tài này mà chưa có thời gian, vậy nên nếu có bạn nào đang sống ở đó hay biết về nó có thể chia sẻ thì hay quá.

Về dài hạn, theo bài nghiên cứu mới công bố của FED và đại học California, sử dụng số liệu từ những cuộc khủng hoảng sau đại dịch trước đây, nhóm tác giả đưa ra kết luận rằng những tác động kinh tế tiêu cực của khủng hoảng sau đại dịch có thể lên đến 40 năm. Lý do chính họ đưa ra cho việc khủng hoảng sau đại dịch thậm chí còn kéo dài hơn khủng hoảng sau chiến tranh, là vì sau chiến tranh, với thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nền kinh tế có định hướng và có lối thoát sau thảm kịch. Tuy nhiên, với khủng hoảng sau đại dịch, những khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng và máy móc không thể cao như vậy, khiến việc làm không được tạo thêm, và các chính sách rất khó để có thể có tác dụng vực dậy nền kinh tế.

<3. Nguồn ảnh: Google.
Dông dài như thế, chỉ để khẳng định rằng có lẽ mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ chưa hiểu được hết sự may mắn của mình, khi chính phủ Việt Nam đã làm quá tốt trong việc chống dịch lần này. Chắc chắn sẽ vẫn có những hậu quả tiêu cực nhất định (với những ngành nghề không thể tránh khỏi như hàng không hay du lịch), nhưng nếu so với thế giới, đặc biệt trong tâm thế một nước đang phát triển, thì thực sự đây là một thành công có lẽ khó có thể ca ngợi hết bằng lời nói.
Tuy nhiên, đây có lẽ chưa phải lúc để vui mừng. Rất nhiều nhà khoa học vẫn khẳng định chúng ta chưa thực sự hiểu hết về con virus này, đặc biệt khi nhiều người đã tuyên bố khỏi bệnh lại có thể bị lại một cách khó hiểu. Đồng thời, với việc chúng ta vẫn còn cách thời điểm có thể sử dụng rộng rãi vaccine ít nhất là 6-10 tháng, thì việc mở cửa thông thương là rất nguy hiểm.

Vậy nên có lẽ đây là lúc chúng ta cần phải thực sự cẩn trọng, thay vì vui mừng được chấm dứt cách ly xã hội thì hãy sử dụng những nguồn lực của mình một cách có tính toán, để chuẩn bị cho những tác động tiêu cực có thể đến do tình hình thế giới trong thời gian tới.


A Dreamer
Nguồn:
1. Bài phỏng vấn 2 vợ chồng Anne Case - Sir Angus Deaton: 
2. Bài báo BBC về British Airways
3. Bài báo trên The Sun về Thụy Điển
4. Bài nghiên cứu mới công bố của FED và đại học California về ảnh hưởng dài hạn của dịch bệnh:
(họ cho free download, nhưng nếu bạn nào không truy cập được thì để email mình gửi cho)
5. Rất tiếc buổi seminal ngày hôm nay của RES với Richard Blundell và Sir Angus Deaton không được họ công khai.