“Đi du học thì đừng bao giờ ở với họ hàng”
Đây là câu nói mà trước khi tôi đi du học đã được cảnh cáo từ những người đã từng đi du học. Nhưng tôi đã nghĩ, có người này thì vẫn có người khác, và không phải lúc nào họ hàng cũng xấu. 
Và sự thật chứng minh, câu nói đó cũng chẳng có gì sai. 

TRÁCH NHIỆM CỦA HỌ HÀNG

Việc nuôi dạy một đứa trẻ là việc cực kì khó khăn với bất kỳ ai, vì việc này cần rất nhiều tình yêu thương, thời gian, sự kiên nhẫn và thấu hiểu. Đó là việc mà ba mẹ của chúng ta phải dành ra dường như là toàn thời gian để giáo dưỡng chúng ta cho đến ngày chúng ta đủ khôn lớn. Và họ hàng thì không có đủ thời gian và tâm tư như thế. 
Với phụ huynh thì họ hàng cũng sẽ yêu thương và chăm sóc chúng ta, nên khi chúng ta đi du học, có họ hàng ở cạnh bên để chăm sóc và để mắt đến cũng là một chuyện tốt. Và nếu có người lớn bên cạnh, thì chúng ta cũng sẽ đỡ bị sa đọa cũng như cám dỗ hơn là ở một mình. Nhưng không phải ai cũng có dư dả thời gian để chăm cho một đứa trẻ mà họ chỉ gặp với số lần có thể đếm trên đầu ngón tay. Huống hồ dù họ hàng có gần đến mức nào thì họ cũng sẽ có gia đình riêng, và con cái để chăm sóc. Quỹ thời gian của họ sẽ chẳng thể nào nhiều như ba mẹ của chúng ta được. 
Bên cạnh đó, thì họ hàng sẽ không thể tin tưởng chúng ta 100%, vậy nên việc thiếu tin tưởng và trách nhiệm vô hình khi nhận một đứa trẻ để chăm sóc sẽ càng khiến họ lo lắng và áp lực. Đương nhiên hiểu lầm cũng từ đó xảy ra, theo thời gian thì nó sẽ càng nặng nề hơn. 

GÔNG KIỀNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN 

Từ việc thiếu tin tưởng, và có khoảng cách tình thương sẽ dẫn đến việc họ hàng sẽ cố quản lý thời gian và kiểm soát chúng ta gắt gao hơn là ba mẹ chúng ta gấp mấy lần. Và điều này là hiển nhiên.
Bởi vì không ai chứng minh được chúng ta thật sự là những đứa trẻ ngoan, dù họ hàng có tin tưởng ba mẹ của chúng ta đến mức nào thì việc tin tưởng ba mẹ, và tin tưởng những đứa trẻ chỉ vừa mới lớn là hoàn toàn khác nhau. 
Khi chúng ta thức khuya để học bài, sẽ chẳng ai chứng minh được là chúng ta thật sự học bài mà không phải là chơi game đến khuya. 
Khi chúng ta làm việc về trễ, sẽ chẳng ai chứng minh được là chúng ta thật sự làm việc chứ không phải là đi chơi. 
Khi chúng ta dọn dẹp nhà cửa, cũng chẳng ai chứng minh được là do chúng ta làm chưa kĩ và chưa đúng quy chuẩn sạch sẽ của họ hàng chứ không phải do chúng ta lười biếng không chịu dọn dẹp. 
Thậm chí là với chính ba mẹ của chúng ta đôi khi cũng sẽ không hiểu được những vấn đề đó, điển hình là những lần chúng ta thức khuya chạy deadline cũng sẽ bị ba mẹ la vì thức khuya đấy thôi.
Vậy nên việc kiểm soát sẽ bó hẹp lại khoảng không gian để chúng ta được tự do phát triển. Vô hình chung còn tạo áp lực cho chính họ hàng, gia đình và cả chúng ta nữa. Sẽ chẳng ai dễ chịu khi bị nghi ngờ bởi một người mà chúng ta còn chưa hoàn toàn tin tưởng. 

HỌ HÀNG THÌ “KHÔNG HẲN” LÀ GIA ĐÌNH 

Gia đình là những người chúng ta cảm thấy thân thuộc, yêu thương và tin tưởng do ta có một khoảng thời gian gắn bó với họ. Họ hàng là những người mà chúng ta tôn trọng vì có mối quan hệ huyết thống với mình, NHƯNG việc tin tưởng và thấu hiểu cần nhất là yếu tố THỜI GIAN, và SỰ CẢM THÔNG. 
Khi chúng ta chỉ vừa gặp họ vỏn vẹn mấy lần họ về Việt Nam chơi, thì làm sao chúng ta tin tưởng được họ? Cũng như làm thế nào họ tin tưởng chúng ta được? 
Khi chúng ta chưa từng được họ yêu thương, chăm sóc, làm thế nào chúng ta có thể thoải mái cảm thấy thân thuộc và yêu thương họ như ba mẹ mình được?
Vậy nên, một điều hiển nhiên mà rất nhiều bậc phụ huynh không chấp nhận được cho chúng ta – Những người trẻ tuổi với tư tưởng và quan niệm hiện đại khác với thế hệ trước, là chúng ta không phải ai trong họ hàng cũng có thể xem như GIA ĐÌNH. 
Và chắc chắn là họ hàng cũng sẽ như vậy, không phải ai cũng có sẵn thời gian, tiền bạc, và công sức để yêu thương một đứa trẻ khác như con ruột của họ. 
Chính vì sự áp đặt tư duy “họ hàng là gia đình” của phụ huynh khiến cho những bạn trẻ sẽ có nhiều kỳ vọng ảo với họ hàng. Ví dụ như bản thân mình thì rất quan trọng vấn đề riêng tư, nên ba mẹ mình khi ở Việt Nam luôn tôn trọng và không bao giờ tùy tiện vào phòng mình khi chưa gõ cửa. Nhưng ở với họ hàng, thì vấn đề này không phải ai cũng hiểu, và nếu mình coi họ là gia đình thì mình lại kì vọng là họ phải hiểu. Và từ đó thì mâu thuẫn sẽ xảy ra càng nhiều hơn. 
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến từ phụ huynh cho rằng “Người lớn chỉ trách mắng tí thôi, chứ họ vẫn yêu thương con mà”, “Anh chị em trong dòng họ thì làm sao ghét nhau được.”, “Họ chỉ quan tâm con thôi chứ có cái gì đâu.” Nhưng ai chứng minh được mục đích của họ là tốt khi hành động của họ là sai? Mọi người hãy đón theo dõi bài tiếp theo để cùng đọc thêm về ý kiến trái chiều của tụi mình về vấn đề này nhé.

MỤC ĐÍCH CỦA HỌ ĐÚNG, NHƯNG HÀNH ĐỘNG THÌ SAI, NÓI TÓM LẠI LÀ SAI. 

Vì trách nhiệm vô hình của họ hàng thì đương nhiên họ sẽ kiểm soát hơn, khắt khe hơn, và mục đích của họ có thể là vì thương chúng ta, sợ chúng ta hư, có trách nhiệm để dạy dỗ chúng ta. Nhưng hành động với mục đích là khác nhau. 
Việc họ yêu thương chúng ta, không có nghĩa là họ có quyền mắng chửi chúng ta thậm tệ khi chưa chứng minh được là chúng ta sai ở đâu. Người lớn thường có câu “thương cho roi cho vọt”, nhưng như bài trước mình có chia sẻ, gia đình, hay người ngoài thì đều là NGƯỜI. Ai cũng sẽ bị tổn thương, đặc biệt là với những du học sinh. Những đứa trẻ có thể là 15, 16, hoặc lớn hơn là 18,20, nhưng dù thế nào cũng là những đứa con xa nhà và cần lắm tình thương từ gia đình. Thì thứ chúng ta nhận được là những lời “đổ lỗi” từ họ hàng với ba mẹ của chúng ta. 
Không ít những bạn du học sinh như tôi đã từng chia sẻ là không dưới 1 lần bị họ hàng nói xấu những câu như “nó có làm cái gì đâu, toàn ăn với ngủ rồi đi chơi cả đêm”. Trong khi chúng ta có làm việc nhà nhưng quy chuẩn sạch sẽ khác nhau và họ coi đó là không làm. Trong khi chúng ta đi học đi làm đến tối muộn, thì lại bị quy chụp là đi chơi cả đêm? 
Vậy thì mục đích của họ có tốt đến đâu đi nữa thì hành động của họ vẫn là SAI. 
SAI lớn nhất là sai với những bạn trẻ du học sinh như chúng ta. Chúng ta sẽ bị tổn thương tâm lý một cách NẶNG NỀ mà không một ai có thể hình dung được cả. Áp lực từ việc học một ngôn ngữ khác, bắt đầu tất cả mọi thứ ở một đất nước khác, và nỗi nhớ nhà da diết đã đủ khiến cho du học sinh và sinh viên xa nhà áp lực hơn gấp trăm lần so với bình thường, vậy mà khi về “nhà” chúng ta lại còn bị tra tấn bởi những ánh mắt hoài nghi và những lời nói cay nghiến từ những người mà chúng ta chỉ mới tập “thân thuộc”. Hành động tàn nhẫn đó sẽ khiến cho những du học sinh chấn thương tâm lý và gây cho chúng ta nỗi tuyệt vọng đến cùng cực, vì làm mệt quá nhưng vẫn không có “nhà” để về. 
Tôi nhớ có lần tôi đi làm đến 11h đêm, trời thì lạnh âm 30 mấy độ, nhưng tôi thà lang thang lết bộ gần 30 phút, chỉ để về nhà trễ hơn chứ không muốn chạy về nhà và chui vào cái mền ấm áp để nghỉ ngơi. Bởi vì tôi không thể. Vừa mở cửa ra thì đón chờ tôi là ánh nhìn cay nghiệt từ họ hàng và những câu hỏi hoài nghi là tôi đã đi đâu, làm gì, giờ này thì chỉ có đi chơi chứ hàng quán nào mà còn mở để mà làm. Thay vì là một cuộc gọi để đón tôi về nhà, hay đến chỗ làm để xem tại sao tôi lại về trễ như thế. 
Vậy thì, những hành động đó làm sao có thể khiến cho bản thân tôi có thể tin được là vì mục đích tốt nên họ mới làm vậy? Chẳng có gì có thể chứng minh được cả, và với một đứa trẻ xa nhà, việc đó chỉ khiến nó mất niềm tin và đổ vỡ tâm lý một cách nặng nề mà thôi. 
SAI thứ hai, là với gia đình của chúng ta. Việc để con cái sống xa nhà đã là một nỗi sợ rất lớn trong lòng phụ huynh. Và khi chúng ta xảy ra chuyện gì họ sẽ là người đầu tiên lo lắng và sợ hãi nhất. Nhưng cũng vì trách nhiệm vô hình, họ hàng sẽ thường xuyên báo cáo tình hình về cho gia đình, có đôi lúc là vô tình, có đôi lúc là một trong số họ cố chối bỏ trách nhiệm nên sẽ than phiền nhiều hơn là khuyên nhủ để gia đình chúng ta có thể yên tâm. Và từ đó khiến cho gia đình càng thêm áp lực và buồn phiền, bởi vì gia đình không thể nào biết được tình hình thực tế của chúng ta là như thế nào ngoài việc gọi điện và hỏi han. Nhưng không phải người lớn nào cũng có thể bình tĩnh nói chuyện, đôi khi phụ huynh sẽ trách mắng chúng ta, đôi khi sẽ là nhẹ nhàng khuyên nhủ. Và những lần như thế, lại một lần nữa khiến cho chúng ta có cảm giác bị hoài nghi và thiếu tin tưởng. 
Việc bị hoài nghi và thiếu tin tưởng từ nhiều phía như thế sẽ khiến chúng ta bị tổn thương và ảnh hưởng tâm lý cực kì lớn. Lâu dần chúng ta sẽ tự hỏi “Mình làm cái gì cũng là sai sao ta?”, và từ đó chúng ta cũng sẽ mất dần tự tin trên con đường mà chúng ta đã chọn. 
Vậy nên, hành động sai, tức là sai, và mục đích tốt thì không ai có thể chứng minh được ngoại trừ bản thân họ. 

THƯƠNG CON, THÌ HÃY TIN TƯỞNG CON. 

Gia đình lo lắng là chuyện tất yếu, bởi vì là gia đình, và bởi vì đây là lần đầu chúng ta xa nhà. Nhưng thương con, hãy tin tưởng con và để cho con có cơ hội để học cách tự lập và cách tự đứng trên đôi chân của mình. 
Ba mẹ đã nuôi con cái lớn khôn, ba mẹ phải đủ tin tưởng để biết con sẽ biết tự mình đưa ra sự lựa chọn đúng, có thể là sai, nhưng từ cái sai thì con cũng có thể học và cải thiện hơn sau này. Và con cái thì cũng cần phải LỚN. 
Vậy nên việc ở với họ hàng ngoại trừ tổn thương tâm lý theo đường dài, còn có thể dẫn đến rạn nứt tình cảm gia đình và phá hủy sự tự tin của một đứa trẻ. Vì dù con cái có cố nói thế nào, thì phụ huynh cũng sẽ chọn cách là hoài nghi. Theo thời gian, con cái sẽ dần ít “tâm sự” hơn với ba mẹ, bởi vì có nói thế nào thì cũng sẽ không thể hiểu được. Khoảng cách thế hệ và việc con cái càng xa ba mẹ hơn là chuyện hiển nhiên. 
Nếu có thể, hãy để khoảng thời gian đầu khi các bạn trẻ còn bỡ ngỡ ở nơi mới đến ở cùng với họ hàng. Sau đó thì hãy rời đi để chính bản thân họ hàng không phải chịu áp lực, và để con cái có một khoảng không riêng TỰ DO và TỰ LẬP. 

DU HỌC LÀ CÁCH TỐT NHẤT ĐỂ RÈN LUYỆN TỰ LẬP, CHỨ KHÔNG PHẢI ĐỂ TÌM MỘT GIA ĐÌNH THỨ HAI VÀ MẤT ĐI SỰ TIN TƯỞNG TỪ GIA ĐÌNH. 

-LDN-
#Nganhduhocsinh #duhocsinh #duhoc #DuhocsinhCanada #Calgary #Canada #Calgary #Hohang #Ovoihohang #Homestay #Giadinh #tamsu #tranhluan #dinhkien 
Mọi người theo dõi tụi mình thêm tại page Ngành Du Học Sinh nhé.