ĐÂY LÀ CÁCH ĐỂ HỌC XONG KHÔNG TRẢ LẠI CHO THẦY: "SHOW, DON'T TELL"
“Show, don’t tell” là một thủ pháp thường được dùng trong văn học và điện ảnh mà cốt lõi là: Thay vì kể suông đặc tính của một sự vật/sự...
“Show, don’t tell” là một thủ pháp thường được dùng trong văn học và điện ảnh mà cốt lõi là: Thay vì kể suông đặc tính của một sự vật/sự việc bằng các tính từ hoặc trạng từ thì hãy miêu tả để người đọc/ người xem hình dung ra được đặc tính đó như đang thấy bằng chính đôi mắt mình.
Ví dụ: Thay vì viết rằng: “Anh ấy đang tức giận”, nhà văn sẽ viết: “Đôi mày anh ấy chau lại, răng nghiến với nhau kèn kẹt còn hai tay chống nạnh, ưỡn ngực nâng vai sẵn sàng đối đầu với bất cứ kẻ nào dám tỏ thái độ với mình.”. Cả hai cách viết đều tường thuật tình huống nhân vật đang tức giận nhưng rõ ràng cách thứ hai mang lại cho độc giả cảm giác trực quan và dễ nhập tâm vào câu truyện hơn nhiều: Bằng cách miêu tả cử chỉ của nhân vật, tác giả không chỉ thể hiện nội dung: "anh ta tức giận" mà còn ngầm thể hiện thêm: "và anh ta có vẻ là kiểu người bộc trực, không ngán bạo lực".
Trong nghệ thuật là vậy. Còn đối với việc ghi chép, thủ pháp “Show, don’t tell” sẽ giúp những thông tin thô trở nên rõ ràng và lập tức dễ áp dụng vào thực tế.
Trăm chữ không bằng một bảng tính, trăm bảng tính không bằng một biểu đồ.
Trong ví dụ dưới đây mình sẽ lấy một nguyên tắc trong nỗ lực đã được đúc kết bởi những người thành công để áp dụng cho việc tiết kiệm: "Mỗi ngày chỉ cần tiết kiệm nhiều hơn 1% thì chỉ sau một tháng bạn sẽ đạt kết quả lên đến hơn 200% so với việc không nỗ lực thêm 1%".
Nếu chỉ nghe qua câu nói trên, bạn nghĩ mình sẽ tin và kiên trì thêm 1% mỗi ngày được trong bao lâu?
Song thay vì nói chay như vậy, tôi cho bạn xem bản tính bên dưới thì sao?
Trông thuyết phục hơn rồi đúng không? Nhưng bạn vẫn có thể nghĩ: "Sao phải cố gắng thêm 1% mỗi ngày, cứ duy trì nỗ lực bằng với ngày đầu cũng tạo ra kết quả mà!" Đúng vậy, có điều bạn hãy nhìn sự khác biệt của kết quả tiền tiết kiệm sau một tháng nếu bạn cố thêm 1% và nếu bạn không cố thêm 1% nhé:
Giờ thì bạn đã thấy muốn nỗ lực thêm 1% mỗi ngày chưa? Tôi tin là có. Không chỉ vậy, chắc bạn còn hình dung được rõ hơn rằng tiền trong ống heo của mình gia tăng ra sao qua từng ngày nhỉ. Đó là vì thủ pháp "show, don't tell" vừa phát huy tác dụng.
Những ghi chép của bạn đang "tell" hay "show"?
Một bản ghi chép chỉ "tell, not show" là khi nội dung bạn ghi chép hoàn toàn chỉ có thông tin thô (lý thuyết, khái niệm, công thức...) mà phần lớn đều là chép nguyên xi lời giảng của giáo viên hoặc chép từ trên bản vào tập. Hầu hết chúng ta sau khi ghi chép như vậy thường sẽ không buồn lật tập vở ra xem lại, trừ khi gần đến kỳ kiểm tra. Bên cạnh đó, có khi đến lúc lật vở ra xem lại bạn sẽ chẳng còn hiểu những gì mà mình ghi chép nữa. Một ví dụ rất rõ mà mình tin là không ít người trong chúng ta đều trải nghiệm được: Vở toán năm cấp 3 - những cuốn vở huyền thoại mà khi lên đại học chúng ta thường tự hỏi rằng: "Sao hồi đó mình hiểu được cái đống này ấy nhỉ?".
Tương tự với vở toán cấp 3, khi mình nhìn lại những tài liệu học tập ngày trước thì có vẻ như phần lớn nội dung mình ghi chú đều chỉ toàn là "tell". Đó là lý do mình chẳng bao giờ có hứng thú với việc đọc lại bài đã ghi, và thật thà mà nói thì càng về sau trong năm lớp 12 mình càng chẳng ghi chép gì nữa.
"Tell" - Một cú lừa ngoạn mục!
Điều nguy hiểm nhất của việc ghi chép theo kiểu "tell, not show" chính là: Nó mang lại cho bạn sự ảo tưởng rằng bạn thực sự có kiến thức sau khi ghi chép. Song sự thật là bạn chẳng có đâu. Bạn chỉ đang thụ động tương tác với thông tin nhận được từ thầy cô và nếu như không tìm cách để "show" nó ra thì lượng thông tin ấy mãi mãi chỉ là "kiến thức của người khác". Cứ tiếp tục ghi chép theo cách này cho đến một lúc hầu hết chúng ta đều thốt lên: "Ôi dào, học mấy cái này xong chả áp dụng được gì!", vì bây giờ tập vở của bạn toàn lưu trữ "kiến thức của người khác" chứ không phải "kiến thức của bạn".
"Học xong trả hết cho thầy" thật ra là do như vậy đấy.
"Show" - Có võ mới dám chứng tỏ!
Khác với "tell", "show" nhiều hơn khi ghi chép sẽ giúp bạn biến "kiến thức của người khác" thành "kiến thức của mình" - Nhờ vậy mà thông tin trở nên thực tế hơn đối với bạn, rõ ràng hơn đối với bạn và thu hút hơn đối với bạn. Tất cả đều "đối với bạn" vì giờ đây đó là kiến thức "của bạn".
Làm thế nào để "Show" nhiều hơn?
Bất cứ ai biết chữ đều có thể viết: "Anh ấy tức giận", tuy nhiên bạn sẽ cần nhiều hơn việc biết chữ để có thể "show" ra sự tức giận đấy: Bạn phải biết về ngôn ngữ cơ thể, về sự khác biệt trong bộc lộ cảm xúc giữa nam và nữ,... Tương tự như vậy, để có thể "show" nhiều hơn trong bản ghi chép, bạn sẽ cần hiểu sâu và rõ ràng hơn về những gì mình đang được giảng viên truyền đạt. Một số cách để đạt được điều đó:
1. Liên tục tương tác với giảng viên về những gì mình không hiểu. Những câu hỏi đặt ra nên càng cá nhân càng tốt.
2. Đối với một kiến thức bạn vừa nghe được, hãy thử hình dung xem liệu có tình huống nào ngoài đời thực bạn sẽ cần đến nó không? Chẳng hạn: Liệu bạn có thể sử dụng lưu đồ trong môn tin học lớp 11 vào việc ghi lại công thức nấu ăn không?
3. Thay vì chép lại ví dụ của thầy cô, hãy biến những ví dụ thầy cô đưa ra thành ví dụ dựa trên trải nghiệm của chính bạn.
4. Cuối cùng: Nếu như bạn chưa hiểu, đừng trông đợi quá nhiều vào bản ghi chép ngay lúc đó của bạn. Hãy ghi lại một bản khác khi bạn đã thực sự hiểu những gì mình vừa tiếp thu.
Tóm lại, Tell - hay "kể suông", không phải là một cách trình bày tệ. Nhưng muốn tiến xa hơn nữa trong những gì bạn đang bỏ công sức ra nghiên cứu thì tốt nhất hãy tìm cách để "chứng tỏ" (Show).
"Show if you can show, don't tell. And if you can not show, try to find a way to show!".
Trong phần sau mình sẽ chia sẻ thêm những phương pháp trình bày, mô hình, tựa sách tham khảo để hỗ trợ cho việc "show" nhé!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất