Hơn hai mươi lăm năm về trước, trong một góc nhỏ ở Hà Nội, một thằng bé mười tuổi bị hút mất hồn khi nghệ sĩ Tô Thanh Phương cất lên câu hát đầu tiên "Nhắn ai đi về mảnh đất Phương Nam..." bằng chất giọng Miền Tây vô cùng ấm áp.
Kể từ giây phút ấy, bộ phim truyền hình kinh điển "Đất Phương Nam" đã thổi vào lòng thằng bé đó một thứ xúc cảm đặc biệt - tình yêu với đất và người Phương Nam. Nó sâu sắc đến mức đã trở thành một trong những lý do mà hai mươi năm sau thằng bé quyết định rời xa quê hương đến với phương Nam trong ý niệm của nó.
Chắc chắn không phải nói quá khi gọi "Đất Phương Nam" là một phần trong ký ức tuổi thơ của lứa 7x, 8x. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã đưa vào tâm hồn thế hệ đó một phương Nam không thể chân thực hơn; với những con người bình dị, chất phác; với những khung cảnh, giai điệu mộc mạc đậm chất miền Tây Nam Bộ giai đoạn chống Pháp. Chính vì thế mà bản Điện ảnh chuyển thể của bộ phim này có lẽ đã được công chúng chờ đợi và hi vọng rất nhiều. Vậy mà...
"Đất Rừng Phương Nam" đã trả lời thằng nhóc 10 tuổi năm đó bằng tiếng thở dài não nề mang tên thất vọng... Ekip làm phim đã làm gì thế này...

BẢN ĐIỆN ẢNH CỦA ĐẤT PHƯƠNG NAM

Mặc dù đã công bố rõ ràng từ đầu rằng đoàn làm phim sẽ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, cũng như từ bộ phim truyền hình cùng tên của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn; tức là sẽ khai thác ý tưởng mới dựa trên nguyên tác, thế nhưng bộ phim không thể không đem lại sự kỳ vọng nhất định của những người đã từng được gieo vào ký ức tình yêu sâu đậm với miền đất này.
Chợ nổi Cần Thơ được tái hiện trong bản điện ảnh
Chợ nổi Cần Thơ được tái hiện trong bản điện ảnh
Vẫn giữ được cốt truyện, nhưng chỉ ở mức tương đối, Đất Rừng Phương Nam lấy bối cảnh những năm 1920-1930 (giống bản truyền hình - khác với nguyên tác trong tiểu thuyết là năm 1945); xoay quanh câu chuyện về cậu bé An lưu lạc đi tìm cha đang hoạt động cách mạng tại Miền Tây. Xuyên suốt hành trình đó, bộ phim dẫn người xem đi qua các khung cảnh làng mạc, sông nước đậm chất Nam Bộ; gặp gỡ những con người cơ cực nhưng giàu nghĩa tình; chìm đắm trong những âm hưởng da diết của những câu hò.
Thế nhưng có lẽ đó là một trong những tích cực nhất mà "bản điện ảnh" này làm được, bên cạnh quá nhiều thứ khó có thể chấp nhận nổi.
Sáng tạo là điều rất tốt, rất cần, đặc biệt là trong nghệ thuật. Nghệ thuật cần được khai thác những góc nhìn mới, những khía cạnh mới để từ đó tìm ra được cảm xúc ngoài lối mòn. Độc giả tôn trọng điều đó, nhưng tiếc thay những nỗ lực sáng tạo lần này của Đất Rừng Phương Nam lại đi quá giới hạn và cách tiếp cận phản tác dụng.

1. NHÂN VẬT

Nếu so sánh độ dài nội dung thì 150 phút công chiếu của Đất Rừng Phương Nam tương đương với hết tập 6 (trong tổng cộng 11 tập) của bản truyền hình. Bộ phim tạm dừng lại sau trường đoạn sụp đổ gánh hát của thầy giáo Bảy.
Dưới áp lực của thời lượng và mong muốn bứt phá khỏi cái bóng quá lớn của bản truyền hình 1997, Đất Rừng Phương Nam đã xáo trộn tuyến nhân vật quá nhiều. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng nói Đất Rừng Phương Nam là sự kế thừa, lấy cảm hứng. Bộ phim giữ lại bối cảnh và một số nhân vật từ 26 năm trước nhưng cũng cắt đi không ít và cải biên nhiều chi tiết
Điểm cộng là nhân vật Út Lục Lâm (Tuấn Trần) được đưa lên tuyến nhân vật chính. Từ sự giúp đỡ của nhân vật này trong giai đoạn đầu mà bé An (Hạo Khang) bắt đầu làm quen với sự tự sinh tồn trong thời kỳ hỗn mang đó. Mặc dù nhiều người phê phán hệ quả của việc thay đổi này dẫn đến bối cảnh buộc phải chuyển nhiều hơn về phía thành thị thay vì nông thôn Miền Tây (do đặc thù nghề nghiệp của Út Lục Lâm là ăn trộm); thế nhưng mình lại coi đó là một ý tưởng tốt. Nhân vật An được dẫn dắt vào chủ đề chính theo ý đồ của đạo diễn một cách trôi chảy hơn. Thế nhưng, với diễn xuất quá tốt lần này của Tuấn Trần, vô tình lại làm lu mờ giá trị của nhân vật An.
Út Lục Lâm và An trong bản điện ảnh
Út Lục Lâm và An trong bản điện ảnh
Bên cạnh đó, rất nhiều nhân vật đã bị lược bỏ do không đủ thời lượng, điển hình là Tư Mắm (trong phim thì vợ Tư Mắm vẫn còn, và lấy luôn cái tên của nhân vật này); ông Ba Ngù, ông Mười Chức... Việc cắt giảm này đã quá đà khi bỏ luôn những nhân vật mang tính tiên quyết đến cảm xúc giai đoạn đầu của khán giả như Tám Luông (cha Út Trong, phải thắt cổ tự tự vì bị dồn ép) hay cô đào Năm Xuân (vợ thầy giáo Bảy, tự tử để giữ tiết hạnh, là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của thầy giáo Bảy sau này)... Bộ phim có hé lộ phần hai, thế nhưng những nhân vật của dòng thời gian đã qua này có lẽ không thể nào sắp đặt trở lại được (ngoại trừ Tám Luông).
Điểm trừ lớn tiếp theo đó là vai trò của các nhân vật chính yếu khác bị mờ nhạt, đặc biệt là nhân vật Cò (Kỳ Phong). Vốn là bạn thân của An, là người đồng hành và giúp đỡ An trong quá trình lưu lạc tại Miền Tây. An giống như góc nhìn của khán giả, được dẫn dắt hiểu về đất và người nơi này thông qua Cò và ông Ba Bắt Rắn (Công Ninh). Thế nhưng đất diễn của các nhân vật này vô cùng ít ỏi, lời thoại tẻ nhạt, vai trò lu mờ, khiến cho những người chưa từng biết về tác phẩm không thể hiểu được họ xuất hiện để làm gì; hoặc những người từng biết về tác phẩm cảm thấy thất vọng tràn trề.
Nhân vật Võ Tòng (Mai Tài Phến) được mô tả khác gần như hoàn toàn nguyên tác. Từ một người chất phác, vùng lên vì cả nhà bị sát hại và cũng để bảo vệ cho mảnh đất quê hương; nay đã trở thành một "chiến thần" với công phu Muay Thái, nội công thâm hậu, bay nhảy như Triển Chiêu, một biểu tượng của bạo lực. Võ Tòng của Đất Rừng Phương Nam thậm chí còn không có nổi một câu thoại trong suốt 150 phút phim. Cái hay của nhân vật này là diễn tiến thay đổi tâm lý và vùng lên chứ không phải ở sức mạnh của ông. Nếu trong nguyên bản, Võ Tòng chết nhưng ông vĩnh viễn bất tử thì trong bản điện ảnh lần này, Võ Tòng sống nhưng chẳng để lại ấn tượng gì cả. Có thể nói, sự "sáng tạo" của đoàn làm phim đã giết Võ Tòng, chứ không phải thực dân Pháp!
"Chiến thần" Võ Tòng
"Chiến thần" Võ Tòng
Một điểm trừ không thể không nhắc đến là nhân vật bác Ba Phi (Trấn Thành). Từ một lão nông vui tính, chất phác thuần túy, hay nói đùa kiểu Miền Tây, bác Ba Phi đã bị biến thành bác Ba Philosophy khi chỉ chăm chăm rình nói đạo lý. Bác Ba Phi này thậm chí còn cướp đi những lời tâm huyết đánh động đồng bào vốn của thầy giáo Bẩy (được ban cho cái chết nhanh như điện) để chứng minh đẳng cấp. Nhân vật này thật sự không cần phải bàn thêm vì nỗi thương cảm với thành quả của nghệ sĩ Mạc Can.

2. TÌNH TIẾT

Cắt giảm và xáo trộn nhân vật có lẽ chưa đủ gọi là "sáng tạo" đối với đoàn làm phim lần này; Đất Rừng Phương Nam còn đảo lộn rất nhiều tình tiết quan trọng khác để khai thác góc nhìn mới mẻ. Sự thay đổi lần này mới thật sự đem lại nỗi thất vọng khôn cùng cho khán giả.
Tranh cãi lớn nhất có lẽ là việc mặc dù tổ chức Việt Minh ra đời năm 1941 (nghĩa là 10 năm sau bối cảnh trong phim) nhưng Đất Rừng Phương Nam đã đưa vai trò của Thiên Địa Hội - Nghĩa Hòa Đoàn lên quá cao, đến mức có thể gây lầm tưởng cho người xem và gây sai lệch thông tin cho những người trẻ về ý nghĩa các tổ chức này trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp những năm 1930.
Nói vắn tắt thì các tổ chức trên bắt nguồn từ Trung Quốc, do người Trung Quốc lãnh đạo, mục đích ban đầu là phường lục lâm thảo khấu, chuyên tổ chức cách hành vi đánh bạc, buôn bán thuốc phiện, buôn lậu lúa gạo, sau đó leo thang thành chiến tranh bang hội thanh toán lẫn nhau. Thực dân Pháp thời kỳ đó chưa đặt nặng áp lực rằng các hành vi này có thể diễn biến thành khởi nghĩa vũ trang nên không quá chú trọng đàn áp.
Sai lầm của đoàn làm phim xuất phát từ mong muốn "sáng tạo" đưa nhân vật ông Tiều Sơn Đông (Tiến Luật) - vốn là người của Nghĩa Hòa Đoàn, lên làm tuyến chính nên buộc phải đi theo hướng này. Cái sai nối tiếp cái sai, nếu trong nguyên tác nhân vật An chỉ thắp hương bái để theo học nghề mãi võ (An thậm chí còn không được xăm biểu tượng Nghĩa Hòa Đoàn); thì lần này An thậm chí còn phải thề sống là người Thiên Địa Hội, chết làm ma Thiên Địa Hội. Điều này đẩy vấn đề đi quá xa, biến các tổ chức này thành lá cờ đầu đại diện cho cả phong trào khởi nghĩa thời kỳ đó tại Miền Nam!
Dưới áp lực của dư luận sau ít ngày công chiếu sớm, đoàn làm phim buộc phải đổi tên Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn thành Nam Hòa đoànChính Nghĩa hội, thế nhưng điều này cũng đã đủ để lại một vết nhơ quá lớn, dù có thanh minh thế nào chăng nữa.
Một tình tiết thay đổi đáng tiếc khác, đó là cái chết của nhân vật thầy giáo Bảy (Hứa Vĩ Văn). Đây là một nhân vật rất quan trọng trong suốt tiến trình phát triển của An, cũng như là một dẫn chứng về sự khốn cùng của tầng lớp tri thức dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
Thầy giáo Bẩy với sự diễn xuất của Hứa Vĩ Văn
Thầy giáo Bẩy với sự diễn xuất của Hứa Vĩ Văn
Diễn xuất của Hứa Vĩ Văn tròn vai với nhân vật này, tiếc rằng mọi thứ bị hủy hoại quá nhanh. Nếu trong nguyên tác, thầy giáo Bảy có vai trò cốt yếu khi cứu An hai lần, truyền cho An lòng yêu nước, cuối cùng bị dồn nén phải lợi dụng mê tín dị đoan để kích phát quần chúng khởi nghĩa, nhưng nhân vật này có một cái chết rất kiêu dũng. Còn trong bản điện ảnh, cái chết của thầy giáo Bẩy đến quá chóng vánh và không đủ khơi gợi lên cảm xúc gì sâu sắc ngoài sự bất ngờ của khán giả. Đây là một điều rất lãng phí khi không khai thác đủ tinh tế đối với tác phẩm này.

3. BỐI CẢNH VÀ ÂM NHẠC

Nếu như Nhân vật và Tình tiết chưa đủ để làm khán giả thất vọng hoàn toàn, thì bối cảnh và âm nhạc của bộ phim đã chốt hạ điều đó.
Vẫn là sự cuốn theo bởi mũi lao đã phóng với tổ chức Nghĩa Hòa Đoàn; bối cảnh và phục trang của nhân vật khiến người xem bị rối loạn như thể đang xem phim cổ trang Trung Quốc!
Một góc quán rượu Tư Ù trong phim
Một góc quán rượu Tư Ù trong phim
Lối kiến trúc của khu chợ nổi Cần Thơ trong phim hao hao với kiến trúc cổ Trung Quốc hoặc Thái Lan. Quán rượu của dì Tư Ù quá khang trang, với các con tiện lan can đẹp đẽ, sàn cột vững chãi, có phân khu bán đồ khô, đồ nhậu; các bàn ghế ngăn nắp, bến bãi rộng rãi. Đây có thể coi là một điều rất không hợp lý với sự khó khăn của đất nước ta thời đó. Đối chiếu với hình ảnh giản dị nhưng sạch sẽ của quán rượu này trong bản truyền hình, đó mới thật sự là chất Miền Tây.
Phục trang của các nhân vật quá sạch sẽ, gọn gàng và cũng đậm chất Trung Quốc luôn. Không thể phủ nhận với các trường cảnh quá đẹp về sông nước Miền Tây, thế nhưng khán giả lại bị choáng ngợp với sự thời thượng, sung túc hơn chứ không hề cảm thấy nỗi vất vả hay áp bức gì trong các khung hình như vậy.
Hơn thế nữa, các cảnh chiến đấu trong phim với những đoạn slow-motion đầy chất kiếm hiệp càng củng cố thêm lòng tin rằng chúng ta đang được xem phim nước bển chứ chẳng phải ở Cần Thơ hay Cà Mau nào cả.
Về âm nhạc, ngoài "Bài ca đất phương Nam" được phối lại quá tài tình bởi nhạc sĩ Đức Trí được coi là điểm cộng; đôi lúc người xem lại được nghe tiếng tiêu réo rắt vô cùng chưởng bộ Trung Quốc mỗi khi màn đêm về. Và tất nhiên, cũng chẳng có bài hát "Chú bé đi tìm cha" huyền thoại nào cả!

THAY CHO LỜI KẾT

Trước khi đi đến cuối bài, hãy cùng nhau ngẫm lại một chi tiết, đó là dù bản truyền hình 1997 chỉ thay đổi một chút trong nguyên tác, nhưng vẫn cố gắng đổi tên thành "Đất Phương Nam"; còn bản điện ảnh, dù lấy "cảm hứng" và làm lộn xộn hoàn toàn nguyên tác nhưng vẫn có cái tên y hệt không thay đổi gì.
Bộ phim khép lại với hình ảnh con chó Phèn của thằng Cò được chiến thần Võ Tòng thả trôi sông làm mồi dụ cá sấu, với đoạn credit đột ngột xuất hiện khi chưa hết phim nói về đạo diễn, để lại sự lẫn lộn trong lòng người xem.
Một ý tưởng tốt, có thị trường tiềm năng, được gây dựng từ nền móng quá vững chắc trong quá khứ nhưng Đất Rừng Phương Nam 2023 khai thác không tốt, hình ảnh không thực sự chất lượng, nội dung quá lạ lẫm. Điều này giống như đem dàn nhân vật của 26 năm trước và trong tiểu thuyết đi đóng một bộ phim khác hoàn toàn vậy.
Mặc dù ekip đã cố tình bỏ ngỏ rằng sẽ có phần tiếp theo, khi hé mở nhân vật Út Trong, có lẽ sẽ là một cuộc chiến trả thù theo phong cách The Avengers tại cứ điểm U Minh của dàn giải phóng quân Trung Hoa hiệp khách, nhưng những gì đọng lại trong lòng khán giả có lẽ vẫn là sự rối ren mà thôi.
Quá tiếc cho một phần của ký ức tuổi thơ...