Kinh điển, đề cử, xuất sắc, giải trí, mờ nhạt, phí thời gian. Mọi người với tư cách những khán giả của phim ảnh thường cho điểm và đánh giá như thế nào là một tác phẩm điện ảnh thành công?
Nếu không xét theo bất kì công thức hay tiêu chí nào đối với bản thân mình khá đơn giản, phim ảnh là một loại hình nghệ thuật để khơi gợi cảm xúc, nên nếu người xem cảm thấy hưng phấn, thích thú, cảm thấy phải suy nghĩ hay cảm thấy tâm hồn lắng lại sau một bộ phim thì có lẽ nó đã thành công rồi.
Vậy còn nếu xét theo công thức hay cho điểm dựa trên một hệ thống thì sao? Đằng sau cảm giác hưng phấn của khán giả khi mọi người đứng dậy ra khỏi rạp chiếu bóng là gì? Mọi người có thể tham khảo cách đánh giá sau đây đi cùng với 5 tiêu chí lớn.

TALESTELL - cốt truyện và kỹ thuật kể truyện

Đầu tiên là cốt truyện, các bạn có thể dùng một từ khác là “nội dung”, nhưng nội dung phần nào đó là một từ mang nghĩa rộng hơn và nó sẽ bao gồm cả những tiêu chí khác như tình tiết, thông điệp, hay ý nghĩa mà tác phẩm muốn truyền tải… Để cho tiện phân biệt, cốt truyện hay câu chuyện của tác phẩm là cái mà bạn có thể kể lại một cách vắn tắt.
Ví dụ khi được hỏi về Trò chơi vương quyền (Game of Thrones của George R. R. Martin), khán giả của dòng phim hoặc sách này có thể cho bạn biết nó kể về một thế giới giả tưởng nơi các lãnh chúa của Westeros tranh đấu với nhau để được ngồi lên Ngôi báu Sắt, đồng thời nhân loại phải đối mặt với một mối đe dọa của các thây ma từ phương Bắc gọi là Bóng trắng (White Walker), được Dạ Vương (Night King) tạo ra, và nếu đi xa hơn nữa về quá khứ chúng ta sẽ bắt gặp các thế lực giả tưởng hùng mạnh khác như Rồng (Dragon) hay những đứa con của rừng, Tân Thần hay Cựu Thần, và các Tiền Nhân.
Tương tự trước khi chụp một bức ảnh bạn đã phải hình dung ra nội dung và bố cục, thì lý do khiến cho cốt truyện trở thành một trong 5 tiêu chí lớn là nó sẽ (luôn luôn) đi kèm với cách kể truyện, khi bắt đầu đặt bút xuống viết một cuốn sách hay kịch bản phim thì tác giả đã phải suy nghĩ xem mình sẽ kể một câu truyện như thế nào - và quan trọng nhất - theo cách nào.
Một số kỹ thuật nổi bật ở thời điểm hiện tại có thể kể đến là:
- Medias Res: cho người xem thấy phân đoạn cao trào sau đó quay về thời điểm bắt đầu.
- Converging Ideas: cho người xem thấy các ý tưởng hoặc các phần khác nhau của câu truyện sau đó gộp lại để thấy tổng thể.
- Petal Structure: khá là giống với CI nhưng để nhấn mạnh một ý tưởng chính thông qua các khía cạnh và cách tiếp cận khác nhau.
- Nested Loops: cho người xem thấy một dạng như vòng lặp thời gian xoay quanh một sự kiện chính.
Ngoài ra sẽ còn một số kỹ thuật khác như Monomyth - thường được dùng để phát triển nhân vật, dễ thấy nhất là anh hùng, khi nhân vật chính vượt qua một thử thách và trưởng thành từ nó. Mountain - dùng nhiều trong các phim kinh dị, dùng để xây dựng và tích lũy tension (sự căng thẳng) của người xem. Parallel - vừa kể vừa xem, song song giữa hiện tại và quá khứ. Hay một số kỹ thuật khác đại chúng hơn mà có thể mọi người đã nghe rồi như Show-not-tell - cho khán giả thấy thay vì kể, một biến thể sâu hơn là dùng một nhân vật, khung cảnh hay sự việc khác để cho thấy nội tâm nhân vật chính. Lựa chọn kể truyện từ góc nhìn thứ nhất của duy nhất một nhân vật hay tập hợp toàn bộ các khía cạnh của những nhân vật phụ để thấy tổng thể câu truyện.
Một tác phẩm có thể cùng lúc dùng nhiều kỹ thuật và thay đổi đôi chút để chúng bổ trợ cho nhau, biến hóa cùng với các yếu tố khác như hình ảnh, ẩn dụ để cho ra một tác phẩm đúng như tầm nhìn của con người ngồi trên ghế đạo diễn. 
Những phim mà mọi người có thể xem để tham khảo thêm về chủ đề này (theo cá nhân mình) là Interstellar - sử dụng một khái niệm khoa học mà con người chưa hiểu rõ kết hợp với Nested Loops để giải thích cho khán giả hiểu kết quả và nguyên nhân của sự kiện chính. Fight Club - Show-not-tell kết hợp với kỹ thuật dùng nhân vật thay thế để cho mọi người thấy tâm trí của cùng một người dưới dạng thức hoàn toàn mới (nếu so với thời điểm phim được phát hành), Life of Pi - sử dụng Parallel - người kể chuyện đồng thời là tác giả vừa là người dẫn, song song giữa quá khứ với tương lai, có cả Petal StructureConverging Ideas đối với các câu hỏi liên quan đến tôn giáo và cuộc đời. Ngoài ra còn có  Watchmen - bộ phim cho thấy siêu anh hùng ở một khía cạnh hoàn toàn khác với câu truyện được kể thông qua nhật ký của một quái hiệp, V for Vendetta - sử dụng Petal Structure của những nhân vật và sự kiện khác để xây dựng hình ảnh về một “lý tưởng” , REC - tác phẩm kinh phí thấp pha trộn kinh dị đã gây được tiếng vang lớn bởi cách kể truyện đột phá dưới dạng phim tư liệu, Vantage point - một phim điển hình của Converging Ideas, hay Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya... và còn nhiều nữa.  

PLOT - Tình tiết

Yếu tố thứ hai là tình tiết hay diễn biến của câu truyện, một tác phẩm tốt sẽ có một cốt truyện tốt, một cốt truyện tốt sẽ bao gồm các tình tiết được sắp đặt thông minh, giữ chân được khán giả, hay tạo ra sự bất ngờ.
Đây có lẽ là phần khó nhất đối với một tác giả, những người viết kịch bản hay xây dựng ý tưởng, còn để đánh giá nó có thành công hay không thì lại cực kỳ dễ dàng, bạn chỉ cần quan sát biểu cảm của khán giả khi đang xem phim, và khi ra khỏi rạp. Nếu mọi người đều tập trung xem tức là bạn đã giữ chân được khán giả, khi đến nút thắt mọi người đều căng thẳng, và nếu đoạn kết khiến khán giả của bạn băn khoăn, nhẹ nhõm hay hưng phấn thì đã là thành công rồi (tất nhiên là còn tùy thể loại phim nhưng mình đang đi theo một công thức chung chung tổng quát nhất).
Những tác phẩm tập trung vào plot nhiều thường là các phim thuộc dòng trinh thám hay giật gân (thriller) khi mà nó đòi hỏi sự suy nghĩ của khán giả đi cùng với trải nghiệm xem phim, song người nắm chìa khóa để mở cửa cuối cùng vẫn là tác giả với các phương thức gây án hay che đậy hành vi khó ai ngờ đến.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là trinh thám thống trị danh mục các phim có tình tiết hay nhất, nó chỉ đơn giản là dễ kích thích người xem bằng sự tò mò như cách những ảo thuật gia vẫn hay làm. Những dòng phim khác như khoa học - viễn tưởng, kinh dị, hay tâm lý cũng sở hữu những tác phẩm với tình tiết để đời và một số bộ phim đôi lúc vượt qua cả các giới hạn về thể loại hay thời gian để trở thành những cây đại thụ của bộ môn nghệ thuật thứ 7, những tác phẩm mà mọi người thường gọi là kinh điển, với cốt truyện là một câu hỏi xuyên thời đại và cách xử lý các nút thắt có thể khiến bạn cảm thấy như vừa trải qua giác ngộ (enlightened).
Khi mà Plot được dùng để chỉ chung tất cả những tình tiết được sắp đặt trong phim, thì Plot twist thường dùng cho những diễn biến mang tính đột ngột hay bất ngờ, tác động của nó có thể lớn đến mức gây đổi hướng câu truyện, Plot twist lớn nhất thường nằm ở gần cuối phim để tạo ra surprise ending (kết thúc bất ngờ) cho khán giả, và từ đó tạo ra các cực hạn trong cảm xúc, có thể là hụt hẫng, bất ngờ, trầm ngâm, mơ màng hay bức rức. Nó cũng có công dụng truyền tải thông điệp trực tiếp thay vì phải để cho khán giả nghĩ suy và xem xét từng khung hình của một bộ phim (dù vẫn có một số plot twist gây khó hiểu khi nó đòi hỏi kiến thức từ một lãnh vực nhất định), nên đây (có lẽ) là kỹ thuật được dùng nhiều và cho hiệu quả cao nhất ở thời điểm hiện tại với khán giả đại chúng.
Một số phim có Plot twist xuất sắc mà mọi người có thể tham khảo có thể kể đến như: Hereditary - một trong các phim kinh dị được làm tốt nhất những năm gần đây, Shutter Island - với kỹ thuật kể truyện sử dụng góc nhìn của nhân vật chính cùng với những tình tiết siêu nhỏ được cài cắm suốt phim, khi xem đến cuối cùng có thể bạn vẫn không biết câu truyện thật ra là như thế nào và phải lên Youtube xem giải thích, Watchmen - một lần nữa phải gọi Watchmen ra vì đây cũng là một trong các phim có plot twist hay nhất trong dòng siêu anh hùng. Ở thời điểm mình đang viết bài này cũng có một tác phẩm khác vừa ra mắt cũng dựa trên một SAH của DC với Plot rất tốt là The Batman. Gone girl - bộ phim cho thấy mặt tối của truyền thông, hoặc một số các tác phẩm khác như Oldboy, The Dark Knight, Memento, The Shawshank Redemption, The Green Mile, The Illusionist, The Phone booth, Fight Club, Captain America: Winter Soldier... phim truyền hình với thế mạnh là thời lượng dài cũng có một số series được làm với Plot cực kỳ tốt, như Game of Thrones (1-5), Breaking Bad, How I met your Mother

DELIVER - thông điệp hay ý nghĩa nhà làm phim muốn truyền tải

Một cốt truyện tốt cùng cách kể chuyện sáng tạo với tình tiết được sắp đặt thông minh sẽ đẩy hiệu suất truyền tải thông điệp của tác phẩm lên cao nhất. Nhưng đồng thời bản thân tác phẩm đó -từ khi được chắp bút- cũng phải mang một thông điệp có sức nặng hoặc ý nghĩa đủ sâu đối với khán thính giả.
Đây cũng là một yếu tố có phần đặc biệt khi thông điệp và sức hút của nó có thể bị ảnh hưởng và thay đổi theo thời kì. Giả sử ở thời điểm mình đang ngồi đánh máy bài viết này thì Nga và Ukraine đang đối đầu nhau, từ đó mọi người sẽ muốn tìm xem lại những kiệt tác kinh điển về chiến tranh như Black Hawk Down, Saving Private Ryan, hay Hacksaw Ridge, và sức truyền tải của những tác phẩm này (tự nhiên) sẽ được đẩy cao lên tương đối. Còn nếu quay về khoảng vài năm trước, thì giới phê bình có xu hướng quan tâm đến vấn đề đa sắc tộc và phân biệt chủng tộc lại nổi lên thì chúng ta sẽ có những phim như Get Out, 12 years a slave, hay U.S - một tác phẩm cực kỳ khó hiểu đòi hỏi một số kiến thức nền tảng liên quan đến chính trị và xã hội của Tân Thế Giới - Hoa Kỳ.
Các tác phẩm được xếp vào hàng “kinh điển” cũng là những kiệt tác có thể phá vỡ rào cản thời đại này, bối cảnh của nó có thể là vào 2000 năm trước, vào thời Trung Cổ, là 50 năm trước ở Trung Đông hay 100 năm sau ở tương lai trên một hành tinh nào đó cách thiên hà này 7 năm ánh sáng, thì câu hỏi hay vấn đề được đặt ra của nó vẫn mang tính thời đại và gần như bạn có thể xem bất cứ lúc nào mà vẫn thấy hay ( trừ đi những thời điểm khi công việc quá bận rộn và đầu óc đã quá mệt mỏi để thưởng thức bộ phim hoàn chỉnh.)
Thông điệp, ngoài bị ảnh hưởng bởi thời đại, cũng là yếu tố bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm cá nhân nhiều nhất. Một số cách đặt vấn đề hay giải quyết và thông điệp của nó đối với một nhóm đối tượng có thể sẽ rất hay, thậm chí xếp được vào hàng kinh điển, nhưng khi giới thiệu cho người khác thì tác phẩm đó chỉ ở mức “À, uhm…” Nếu bạn đã từng đi giới thiệu một bộ phim hay cuốn sách mình rất thích cho người khác thì khả năng cao cũng từng gặp trường hợp tương tự
Một số bộ phim có thông điệp khá hay cho mọi người tham khảo có thể kể đến như: Ready Player One - nổi lên ở thời điểm khi mà Game (hay Gameonline) đang được xem là một “vấn đề” trên thế giới, khi mà hằng ngày có rất nhiều người dành thời gian của mình cho nó, bố mẹ lo lắng cho con cái, vợ lo lắng cho chồng, khi Esport đã và vẫn đang phát triển rất mạnh thì câu hỏi đặt ra là các thế giới ảo này có phải là một thứ gì đó phung phí thời gian hay không, hay nó thật sự xứng đáng? Us - một bộ phim kinh dị xuất sắc nhưng có thể mọi người nên xem phân tích sau khi xong phim, The Danish girl - mang chủ đề người chuyển giới nhưng thông điệp của Cô gái Đan Mạch còn rộng hơn thế rất nhiều, đồng thời cũng là một trong các phim có phần hình ảnh được đầu tư kinh khủng nhất. Hacksaw Ridge - một câu hỏi đơn giản, có cần phải cầm súng lên thì mới là người hùng hay không? Và The Shawshank Redemption - tác phẩm điện ảnh hay nhất mọi thời đại, một kiệt tác về hy vọng có thể cho người xem thật sự cảm thấy được hy vọng của chính nó.

CHARACTER DEVELOPMENT - xây dựng và phát triển nhân vật

Tương tự như cốt truyện luôn đi kèm với phương pháp kể, một nhân vật được xây dựng tốt sẽ giúp mọi người thấu hiểu được động cơ, thấy được sự phát triển, từ đó nhận ra thông điệp của nhà làm phim, sau có thể tự rút ra bài học cho mình. Còn để định nghĩa một nhân vật được xây dựng và phát triển tốt là như thế nào, có lẽ lấy ví dụ trực tiếp từ phim sẽ dễ hiểu hơn.
Một trong số các tác phẩm có nhân vật xây dựng tốt nhất (theo ý kiến của mình) có thể kể đến là Life of Pi - chuyện kể về một cậu bé từ khi còn nhỏ đã luôn suy nghĩ và tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống cho riêng mình thông qua tôn giáo, từ đạo Hindu, Phật giáo, Hồi giáo, rồi Thiên chúa giáo. Từ khoa học, rồi lại từ tình yêu. Cho đến khi một sự kiện khủng khiếp xảy ra và cậu phải lênh đênh tách biệt trên một chiếc thuyền duy nhất cùng với con hổ của mình thì từng ngày sau đó cuộc đời của cậu mới bắt đầu thật sự, trải qua một một hành trình sống dở chết dở, cuối cùng Pi nhận ra mọi thứ trong cuộc đời này đều là khía cạnh của cùng một khái niệm cậu đã được học khi còn nhỏ, một thứ mà trong Hindu giáo gọi là Brahman (Cái duy nhất đó). The Godfather, từ một anh hùng chiến tranh rất ghét bạo lực và hoàn toàn không muốn quan tâm đến công việc của gia đình, nhưng khi nhận ra gia đình của chính mình đang bị đe dọa bởi các thế lực khác, Michael đã đứng ra gánh vác toàn bộ công việc của gia tộc Corleone và trở thành Bố già mới của thế giới tội phạm. Một ví dụ khác từ các tv series, Kẻ giết vua - Jaime Lannister của series Trò chơi vương quyền, từ một kẻ loạn luân với em gái, ngạo nghễ, sau một loạt các sự kiện khiến anh trút bỏ hết những danh vọng và phù phiếm xung quanh mình thì đến những phần phim cuối cùng, Jaime nhận ra mình cũng phải chiến đấu vì nhân loại và trở thành nhân vật (mà có lẽ là) được nhiều người yêu thích nhất trong cả series phim của HBO.
Ngoài ra còn có Oskar Schindler từ danh sách của Schindler, The Joker, Severus Snape trong series Harry Potter, Walter White của Breaking Bad, Christopher Gardner trong Persuit of Happiness, Joe Gardner22 trong SOUL, Teddy Daniels trong Shutter Island. Bruce Wayne - trong The Batman (2022) của Matt Reeves, mọi người sẽ thấy một Người Dơi rất khác, lúc này vẫn còn đang vật lộn với những nỗi sợ của bản thân và chiến đấu trên danh nghĩa của “hận thù”, một Người Dơi đổ vỡ và chưa hoàn thiện, thế nên mình vẫn gọi nhân vật này là Bruce Wayne. Và còn hàng trăm nhân vật trong hàng trăm tác phẩm khác nữa.
Những phim được xếp vào hàng kinh điển là nơi bạn có thể tìm thấy các nhân vật được xây tốt nhất vì các tác phẩm này dựa vào chính nội dung và diễn xuất của diễn viên để gây dựng tên tuổi cho chính mình hơn là dựa vào sức nặng của đồ họa, hình ảnh hay những kỹ xảo tiêu tốn hàng triệu đô tiền kinh phí. Diễn xuất của những diễn viên cũng là một yếu tố quan trọng mà chắc là mình không cần phải phân tích nhiều, đây là yếu tố chính yếu giúp cho người xem cảm nhận được một câu chuyện có thật chứ không phải hư cấu, không phải được tưởng tượng hay được viết ra.

BACKGROUND EXPERIENCE - hình ảnh, âm thanh, kỹ xả

Yếu tố cuối cùng là Trải nghiệm nghe nhìn (Audiovisual experience) của khán giả. Nhưng bản thân mình hay gọi là Background experience (Trải nghiệm nền) hơn, bởi vì nếu so với kỹ thuật kể truyện hay thông điệp, thì đây là những thành tố cơ bản nhất tạo nên một tác phẩm điện ảnh. Phải có hình ảnh - hình ảnh có tốt hay không? Phải có âm thanh - âm thanh có được làm chỉnh chu hay không? Diễn xuất của diễn viên cũng có một phần tạo nên trải nghiệm nền nên nó nằm đâu đó giữa yếu tố này và quánh trình xây dựng nhân vật vừa được nhắc đến.
Các yếu tố nhỏ hơn của hình ảnh có thể chia thành góc quay hay cỡ khung hình, số khung hình, kỹ thuật chuyển cảnh, ánh sáng, phục trang, kỹ xảo,... Âm thanh thì có thể có các kỹ thuật tăng giảm hay biến âm, hiệu ứng (như điếc, nhiễu, tạp âm),... toàn bộ những thành phần nhỏ hơn này đều góp phần gia tăng độ hiệu quả cho việc kể truyện. Hình ảnh cũng là nơi người xem có thể thấy được những ẩn dụ trong cách sắp đặt bối cảnh, tạo chiều sâu cho tác phẩm khi chi tiết đó có thể liên kết với một chủ đề khác. Kỹ xảo thì có phần đặc biệt hơn.
Thật sự là có một số câu truyện về chủ đề khoa học - viễn tưởng bắt buộc phải đưa kỹ xảo vào, sử dụng nhiều hay ít kỹ xảo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh và trải nghiệm của khán giả xem phim, dù chất lượng của các chương trình và tay nghề của những nghệ nhân VFX (VFX artist) đã và vẫn đang phát triển chóng mặt kể từ khi chúng ta có thể tạo ra một, à không, cả một đàn khủng long từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Đây sẽ không phải là vấn đề nếu như bạn là fan của dòng phim đó hay bạn thật sự tin bằng cả trái tim mình rằng ở một vũ trụ khác có một người đã hy sinh thân mình để giữ cho dân số của vũ trụ không giảm đi một nửa. Nhưng các studio vẫn cần phải cân nhắc sao cho liều lượng vừa đủ và quan trọng nhất là phải được làm thật chỉnh chu (mức độ thấp nhất là người xem phải cảm nhận được độ mượt trong những cảnh có VFX). Nếu khả thi thì vẫn nên làm thêm phục trang hay bối cảnh thật để đảm đảo diễn xuất của diễn viên và trải nghiệm cho khán giả.
Một số phim có phần hình ảnh hay kỹ xảo được làm tốt (theo đánh giá của mình) có thể kể đến là Avatar - dù bản thân mình không thích Avatar lắm nhưng phải công nhận đây là một tác phẩm xứng đáng được đề xuất khi có ai đó hỏi bạn về chất lượng của kỹ xảo, Now you see me - kỹ xảo kết hợp với ảo thuật, cùng với một câu chuyện có tình tiết tốt, Phi vụ thế kỷ là một trong số những phim có đề tài mới, sáng tạo gây được rất nhiều tiếng vang vào thời điểm ra mắt. Life of Pi một lần nữa xuất hiện trong danh sách này, và cả Ready Player One, cũng như The Danish Girl, dòng phim Kingsman - dù bị giảm chất lượng trong phần hai nhưng Khởi nguồn của tổ chức tình báo độc lập này đã trở lại với điểm mạnh là những bộ trang phục được đầu tư chỉnh chu cùng các cảnh chiến đấu đã mắt. Và còn rất nhiều tác phẩm khác có phần hình ảnh âm thanh được làm chỉnh chu trong thời đại công nghệ và kỹ thuật quay phim đang phát triển như vũ bão. Man of Steel, Zack Snyder’s Justice League (2021), Kong vs Godzilla, The Joker, The Batman, Moonlight, The Power of the Dog, Inception, One flew over the cuckoo’s nest, Star Wars, The Revenant, thậm chí cả các animation những năm gần đây cũng mang chất lượng hình ảnh và âm thanh đột phá như bộ đôi Ufotable - Kimetsu no Yaiba, Sony - Spider-Man Into the Spider-Verse, hay Arcane của Fortiche cùng với Riot...

CÁ NHÂN VÀ TRUYỀN THÔNG

Ngoài những yếu tố chính kể trên thì vẫn còn vài khía cạnh khác cũng ảnh hưởng đến quá trình cho điểm hay đánh giá các tác phẩm.

PERSONAL EXPERIENCE - trải nghiệm cá nhân

Mặc dù là fan của Haruki Murakami nhưng có một câu thoại trong tác phẩm Rừng Nauy của ông mọi người rất hay dùng làm trích dẫn mà mình không đồng ý chút nào. “Nếu bạn chỉ đọc những cuốn sách mà tất cả mọi người đều đọc, bạn chỉ có thể nghĩ tới điều tất cả mọi người đều nghĩ tới.”
Cho dù là cùng một cuốn sách được 2 người cùng tuổi đọc cùng một thời điểm giống nhau thì 2 người này (nhiều khả năng đến tiệm cận là) sẽ cảm thấy những điều khác nhau và cho ra kết luận cũng khác nhau. Trừ khi câu trích này trong sách của bác Haruki nghĩa là bác đang bao hàm tất cả mọi thứ mà bác muốn người đọc hiểu, sau đó cả 2 thí sinh đều nhận được hết lượng kiến thức hay thông tin đó. Thì mình nghĩ việc thưởng thức và đánh giá một tác phẩm điện ảnh cũng tương tự như vậy.
Vấn đề ở đây là trải nghiệm cá nhân chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của một người khi đánh giá. Ví dụ thường thấy nhất là những bộ phim được giới phê bình công nhận, gần đây có thể kể đến là The Power of the Dog. Các phim được đề cử hàn lâm và nhận giải thưởng thường mang tính nghệ thuật, hay thông điệp cùng với tiêu chí đánh giá theo từng năm đi ngược lại với khán giả đại chúng, nên những khán giả đang tìm một bộ phim để giải trí (thì phần nhiều hoặc) chắc chắn sẽ thấy TPOTD là một phim rất chậm, bình bình hay thậm chí có thể dùng từ nhàm chán. 
Ví dụ thứ hai cho trường hợp này là các bộ phim thuộc thể loại siêu anh hùng bước ra từ truyện tranh, có thể lấy ngay ví dụ về Spider-Man No Way Home. Một bên cho là fan service tới mức bội thực, đánh giá tình tiết phim có hơi nông (vì làm sao mà một “anh hùng” có trí tuệ tốt đến nỗi có thể tự chế cho mình máy bắn tơ lại hành động ngớ ngẩn đến thế?) và dì May chết một cách lãng xẹt. Trong khi các fan của những bộ phim Người Nhện đầu tiên cảm thấy rất hài lòng, một người hùng thực sự sẽ phải trải qua tất cả những mất mát và đau thương để trưởng thành và thành đổi góc nhìn của mình về rất nhiều sự việc trong cuộc sống. 
Còn một ý nhỏ trong phần cá nhân này nữa là "tâm trạng" hay "mục đích sử dụng", nói cho dễ hiểu là bạn đang muốn xem gì ở các thời điểm khác nhau. Khi giải trí thì phim hài, hành động. Khi có thời gian thì muốn xem một bộ phim hay và ý nghĩa, kiểu như vậy.

MEDIA - truyền thông

Yếu tố ngoại lai thứ 2 là truyền thông, trong thời đại này thì gần như không có thứ gì mà truyền thông không thể đụng tới, đặc biệt khi đụng đến cụm từ trải nghiệm
Bạn “cảm thấy” một bộ phim “có thể là hay” nhưng sau đó lại khá thất vọng khi ra rạp. Hoặc “không hiểu tại sao bộ phim đó lại hay” nhưng mọi người đều nói thế, cuối cùng bạn miễn cưỡng thừa nhận nó hay?! Nếu bạn dùng điện thoại nhiều và cảm thấy mình có triệu chứng như trên hay tương tự thì bàn tay của tân thần trong Những vị thần nước Mỹ này đã chạm đến bạn rồi.
Phương châm của mình là đi du lịch có thể coi đánh giá rồi book khách sạn, tượng tự với nhà hàng, nhưng sách, phim ảnh, hay một số những chủ đề khác liên quan đến nghệ thuật thì nên tự mình trải nghiệm

ĐÁNH GIÁ - cách dùng hệ thống xoay vòng

5 yếu tố chính và trải nghiệm cá nhân sẽ là các công cụ để mọi người đánh giá một bộ phim (còn truyền thông là một sự ảnh hưởng hơn là một yếu tố). Cốt truyện, tình tiết, thông điệp, nhân vật, và trải nghiệm nền sẽ tác động xoay vòng với nhau mà không theo thứ tự cấp bậc, nghĩa là không có yếu tố nào ít cần thiết hơn hay ít quan trọng hơn so với một yếu tố khác, còn trải nghiệm đóng vai trò trung tâm. Để cho dễ hình dung thì mọi người có thể nhìn sơ đồ dưới đây.
5 yếu tố có thể chia đều ra thang điểm 10 (5x2) hoặc thang điểm 5 (5x1), nhưng mọi người có thể chia điểm linh động một chút tùy theo thể loại và mục đích sử dụng.
Lấy ví dụ Kong vs Godzilla, theo sơ đồ xoay vòng trên thì điểm của KVG có thể được 0,5 + 1 + 2 + 0 + 3 = 6.5. Nó không phải là một câu chuyện hoàn chỉnh, nhân vật cũng mờ nhạt, vứt đi cũng được, nhưng lý do KVG vẫn là một bộ phim đáng xem (đối với bản thân mình) vì kỹ xảo của nó đã được làm cực kỳ tốt, quái vật đánh nhau giữa ban ngày mà hình ảnh vẫn siêu mượt và âm thanh nền tốt, khi mình đang cần cái gì đó không quá nặng phần deliver và thuần giải trí thì đối với mình, bộ phim này là ổn.
Thêm một ví dụ khác - Good Will Hunting, thang điểm sẽ là 1 + 2 + 2 + 3 + 0,5 = 8,5 nhưng trải nghiệm cá nhân khiến cho mình đẩy điểm của tác phẩm này lên 9,5. Cốt truyện của GWH có điểm dao động từ 0,5 đến 1, nó là một câu chuyện đời thường về một thiên tài bị khiếm khuyết, cũng không phải là một phim sẽ cho bạn trải nghiệm nền tốt hay plot twist khiến bạn nổ não nhưng characters + deliver của phim, cụ thể là diễn xuất của Matt DamonRobin William cùng những đoạn hội thoại giữa 2 thiên tài này có thể gồng gánh tất cả các chi tiết khác ở góc nhìn của cá nhân mình.
Đây cũng là lý do vì sao việc đánh giá trải nghiệm nghe nhìn của mọi người rất khác nhau. Nhân vật hay tình tiết có thể nâng đỡ câu chuyện hay nâng tầm thông điệp, một số khác có thể dùng trải nghiệm nền và tình tiết để gánh bớt cho thông điệp hay cách kể truyện. Hoặc theo hướng ngược lại, thông điệp quá hay nhưng trải nghiệm nền không tốt sẽ khiến phim bị kéo xuống. Và một lần nữa, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi một yếu tố chung là trải nghiệm cá nhân.
Sơ đồ này cũng có thể áp dụng tương tự cho việc đánh giá Sách, mọi người chỉ cần thay trải nghiệm nghe nhìn thành ngôn từ, hay cách hành văn của tác giả mà mình gọi chung là Writing. Còn nếu các bạn muốn thấy vì sao các phim đoạt giải hàn lâm rất khác so với thang đo của đại chúng, thì có thể cho vào 1 yếu tố nữa ở trung tâm là tiêu chí đánh giá của viện hàn lâm vào năm đó.
Hy vọng là bài viết này đã cho mọi người nhiều kiến thức thú vị, cũng như nếu có phần nào chưa ổn thì rất mong nhận được đánh giá và góp ý của các bạn để hoàn thiện thêm "hệ thống" này.
Next time!!!