Đào nhân là nhân hạt của quả đào, vị đắng có tác dụng sơ tiết tán ứ đi vào phần huyết của Can. Đào nhân có công dụng tiêu trừ huyết ứ sinh huyết mới, có sức mạnh phá huyết điều kinh. Cho nên đào nhân dùng hay nhất đối với các trường hợp có ứ trệ ở phần huyết đặc biệt là ở tạng phủ. Có thể kể đến các trường hợp như phần huyết của phụ nữ bị ứ trệ gây ra các chứng tắc kinh, đau bụng kinh, sau khi đẻ ứ trệ đau bụng, ngoại thương tích tụ… Ngoài ra Đào nhân còn có các tác dụng khác như nhuận tràng thông tiện do hạt có chứa tinh dầu với các trường hợp tân dịch bị tổn thương làm đại tràng khô táo, đại tiện táo bón bí kết. Hoặc các trường hợp ho thở suyễn với công dụng chỉ khái bình suyễn. Nhìn chung Đào nhân là vị thuốc cực kỳ phổ thông, dễ tìm và dễ dùng.
img_0

ĐÀO NHÂN

Tính vị quy kinh: Vị ngọt đắng tính bình vào kinh Tâm, Can, Đại tràng;
Tác dụng: Hoạt huyết phá huyết khứ ứ, nhuận tràng thông tiện, chỉ khái bình suyễn.

HỒNG HOA

Tính vị quy kinh: Vị cay tính ấm vào Tâm, Can;
Tác dụng: Hoạt huyết điều kinh, tán ứ chỉ thống.
Cặp Nhũ hươngMột dược là cặp hoạt huyết chỉ thống xu hướng chính ngoài kinh lạc. Cặp Đào nhân và Hồng hoa cũng là một cặp hoạt huyết chỉ thống xu hướng chính trong tạng phủ. Nguyên chỉ 4 vị thuốc này là đã xuất hiện trong vô cùng nhiều các bài thuốc cổ phương rồi. Nếu nhớ được đặc trưng của 4 vị thuốc này nữa thì sự ứng dụng lại càng linh hoạt. Trên lâm sàng thường dùng cả cặp chứ ít dùng đơn độc một vị. Tuy nhiên cũng cần lưu ý trong một số trường hợp có thể phối hợp để dùng Đào nhân, Hồng hoa tác động ngoài kinh lạc; ngược lại cũng có thể phối hợp dùng Nhũ hương, Một dược ở trong tạng phủ. Căn cứ vào sự biện chứng phối phương mà mỗi vị thuốc lại trở nên biến hóa khó lường.
Đào nhân và Hồng hoa là một cặp gần như là bổ sung cho nhau, Đào nhân hoạt huyết mạnh đến nỗi như phá huyết để khứ ứ, Hồng hoa thiên về tán ứ chỉ thống, thông trở trệ, hoạt huyết điều kinh. Về phần này ứng dụng của Đào nhân và Hồng hoa là gần như nhau, cũng chủ chữa các chứng huyết ứ như: Đàn bà tắt kinh, hành kinh đau bụng, sau đẻ ứ trệ đau bụng, bệnh báng (trưng hà tích tụ); Các chứng nhức đầu, đau ngực, đau vùng vị quản và chứng tý (tê đau) thuộc phong hàn, đau khớp do ứ huyết gây nên; Các trường hợp ứ tụ sưng đau bên ngoài, ung nhọt,…

LƯU Ý:

Khác với Nhũ hương và Một dược gần như phải nhập khẩu hoàn toàn, thì đối với Đào nhân và Hồng hoa đều là những vị thuốc có ở Việt Nam nên dễ tìm kiếm hơn rất nhiều.
Cây đào là một cây có xuất hiện ở Việt Nam, lại là một cây rất phổ thông mỗi dịp tết đến xuân về nên các vị thuốc từ cây đào khá dễ tìm. Ngoài đào nhân là nhân hạt của quả đào thì hiện nay có một vị thuốc đang rất được quan tâm đó là: nhựa từ cây đào gọi là nhũ đào. Trong đào nhân chứa rất nhiều tinh dầu, mà tinh dầu là chất tạo nên tác dụng của đào nhân. Do đó mà khi nghiên cứu nhũ đào, người ta nhận thấy tinh dầu trong nhũ đào cũng không hề kém so với đào nhân. Chính vì lẽ đó mà nhũ đào đang rất được quan tâm nghiên cứu.

Tài liệu tham khảo