Ông đã thay đổi CẢ THẾ GIỚI - "Cha đẻ" của bom nguyên tử | Destroyer of Worlds | SAMURICE
J Robert Oppenheimer là "cha đẻ" của Little Boy và Fat Man, những quả bom nguyên tử đã hủy diệt hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945, kết thúc thế chiến 2 với Nhật Bản.

"Cha đẻ" của bom nguyên tử
Chiến tranh
Hiroshima
Một ngày bình thường đang diễn ra tại Hiroshima. Người dân của thành phố công nghiệp vẫn đang đi làm bình thường. Đó là 8h15’ sáng ngày 6/8/1945, mọi người đang chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.Và rồi một máy bay vút qua bầu trời thành phố.
Từ độ cao 9400m, một vật thể lớn màu đen rơi xuống thành phố và kích nổ cách mặt đất 580m.
Trong một mili giây, quả cầu lửa có nhiệt độ cao hơn cả Mặt Trời nở ra với bán kính hơn 2km. Tất cả mọi thứ đang có mặt trong bán kính này đã ngay lập tức hóa thành tinh không. Nhà cửa, cây cối, đường xá, xe cộ, nước, không khí và cả con người, tất cả đều trở thành không gì cả.
Cùng khoảnh khắc ấy, bầu trời mất đi màu sắc vì ánh sáng tỏa ra từ vụ nổ xóa nhòa mọi thứ. Những người bất giác nhìn về phía vụ nổ ngay lập tức bị mù vì ánh sáng này. Nhưng điều đó chưa phải thứ tệ nhất sẽ xảy ra với họ.
Sóng nhiệt sinh ra từ quả cầu lửa xé toạc không khí, tạo ra cơn gió mạnh và nóng đến mức làm sôi mọi thứ trong bán kính hơn 10km. Cây cối cháy rụi, da tróc khỏi người và toàn bộ nước trong cơ thể bốc hơi trong tích tắc.
Đối lưu sinh ra từ nhiệt độ của vụ nổ, sóng nhiệt và cơn gió lớn tạo ra áp suất khổng lồ chỉ trong vài giây. Áp suất lớn trong thời gian ngắn đẩy không khí ra khỏi trong tâm vụ nổ, gây ra cơn sóng lực đẩy nhanh hơn cả tốc độ âm thanh. Mọi nhà cao tầng đều bị thổi bay, mọi xe cộ đều bị hất tung lên, trở thành đạn lạc trong cơn mưa nhiệt.
Vài giây sau khi phun ra mọi hóa chất nó chứa đựng, vụ nổ bắt đầu nghe theo định luật vật lý, nhả chất thải ra theo không khí và tạo ra một đụn khói khổng lồ. Không khí sau khi bị xé toạc tìm cách trở lại với không gian cũ, tạo ra những cơn gió mạnh hơn lốc xoáy tập trung ở lõi của vụ nổ, đẩy không khí lên trên cao, cuốn theo khói bụi và tạo thành hình nấm khổng lồ.
Cơn lốc nhiệt trở lại với trung tâm vụ nổ sẽ khiến những kẻ còn sống sóng trong bán kính ảnh hưởng được gặp lại thần chết. Trong khi đó, rung chấn trong không khí vẫn tiếp tục lan xa, gây ra thiệt hại về người và của ở muôn nơi trong bán kính 20km. Bầu trời xuất hiện những đám mây xanh, hồng và đám mây xám bay khắp nơi.
Hiroshima trở thành biển lửa với hàng trăm ngàn người chết. Trong vài giờ tiếp theo, khói nấm tan dần trong khi người còn sống sẽ tiếp tục chết vì những vết thương lớn, vết bỏng nặng, những khung xương gãy vụn vì áp suất vụ nổ gây ra, hoặc nếu không, họ sẽ bị chôn sống bởi đống đổ nát. Vụ nổ cũng đã xóa đi nhiều bệnh viện trong thành phố, khiến công tác cứu hộ cần phải đến từ phía các thành phố khác. Và với ảnh hưởng của biến cố vừa xảy ra, công tác liên lạc cũng bị gián đoạn. Những người may mắn không chết vì vụ nổ, vì sóng nhiệt, vì áp suất, vì nhà cửa đổ lên người sẽ còn phải chờ hàng giờ mới được cứu giúp.
Trong khi đó, nhiệt độ giảm nhanh đưa mưa từ những đám mây màu sắc rơi xuống và phủ kín mặt đất với chất thải phóng xạ. Sau nhiều ngày, hoặc thậm chí nhiều giờ, những người may mắn còn sống, tiếp xúc với mưa phóng xạ sẽ tiếp tục chết.
Những người còn lại, những người thực sự không thể may mắn hơn nữa, được cứu giúp kịp thời tại các bệnh viện rìa thành phố, sẽ đối mặt với thần chết trong những năm tiếp theo khi các khối u bắt đầu xâm chiếm cơ thể vì phóng xạ.
Nhưng cơn ác mộng còn tiếp diễn.
Nagasaki
11h01’ ngày 9/8/1945, trên bầu trời Nagasaki xuất hiện một máy bay, thả xuống một khối màu đen khác.
Những gì đã xảy ra tại Hiroshima đã tái diễn tại Nagasaki. Khác biệt một chút, lần này, cả thành phố đã không cánh mà bay. Quả bom đã rơi xuống Nagasaki mạnh hơn Hiroshima rất nhiều.
Cuộc tấn công phi nhân tính vào hai thành phố tại Nhật Bản đã tước đi sinh mạng của khoảng 200.000 người và đem đến nỗi kinh hoàng cho nhiều thế hệ về sau. Hứng chịu nỗi đau không thể phai, Nhật Bản ngay lập tức đầu hàng trong thế chiến thứ 2.
Nước Mỹ là nơi mọi ánh mắt hướng tới khi được hỏi về trách nhiệm của hai vụ tấn công đó. Và ở trung tâm của mọi tội lỗi là một người đàn ông với cặp mắt xanh có ánh nhìn sâu hơn cả đại dương.
Robert Oppenheimer
J.Robert Oppenheimer sinh ngày 22 tháng 4 năm 1904 trong một gia đình sống tại New York. Bố của ông là Julius Oppenheimer, một người Do Thái làm nghề kinh doanh dệt may, còn mẹ ông tên là Ella Friedman một người Mỹ gốc Đức làm nghề họa sĩ. Ông còn có một người em trai tên là Frank Oppenheimer, người mà sau này giúp đã Robert khá nhiều trong công việc của mình.
Trong thời bấy giờ, gia đình Robert cũng được xem là khá giả, họ sở hữu một căn hộ nằm ở Manhattan, một khu vực nổi tiếng với những căn biệt thự sang trọng. Bộ sưu tập nghệ thuật của gia đình Robert cũng rất xịn, bao gồm các tác phẩm của Pablo Picasso và Édouard Vuillard, và ít nhất ba bức tranh gốc của Vincent van Gogh.
Sự khác biệt về nền tảng gia đình và trí thông minh bẩm sinh đã khiến Robert trở thành một kẻ cô đơn trong thế giới của mình. Ông khó kết bạn, gặp bệnh loét dạ dày nên phải nhập học muộn và phải chuyển trường.
Năm 1922, bộ óc siêu việt từ nhỏ đã đưa Robert đến với Hóa Học, thúc đẩy ông đến theo học tại Harvard để làm nhà hóa học. Nhưng rồi ông đã bén duyên với bộ môn khác, Vật Lý.
Vào những năm đầu thế kỷ 20, khoa học công nghệ đang phát triển ở mức siêu tốc độ. Những bộ óc thiên tài thời bấy giờ như Einstein đã thay đổi cả thế giới bằng những khám phá của mình. Và trong khi đang tìm cách sắp xếp và cất giữ những công thức hóa học, vật lý, toán học trong não, Robert không hề nhận ra mình đang ở gần những bộ óc siêu trí tuệ đến mức nào. Giáo viên trực tiếp của Robert lúc bấy giờ là Percy Williams Bridgman, nhà khoa học sớm sẽ nhận được giải Nobel về vật lý áp suất cao.
Với trí tuệ siêu việt và có những người thầy thiên tài, Robert tốt nghiệp Harvard sớm một năm, kết thúc đại học chỉ trong 3 năm thay vì 4.
Sau khi rời Harvard, trí não của Robert đưa ông đến với vật lý thí nghiệm tại trường Cambridge. Nhưng vì tính hậu đậu, Robert về với vật lý lý thuyết. Áp lực và sự khám phá đến từ vật lý lý thuyết nhanh chóng ăn vào tư duy của Robert khiến ông phải đi gặp bác sĩ tâm thần, người đã chẩn đoán ông mắc Tâm Thần Phân Liệt.
Dấu hiệu của căn bệnh nhiều lần được chính Robert kể lại như cách ông tẩm độc táo để hại bạn mình hoặc lần bóp cổ Francis Fergusson, một người bạn khác của ông.
Giai đoạn vật lộn với bộ não không ổn định của Robert dần qua đi khi ông quyết định rời Cambridge để đến với một trong những trung tâm vật lí thực nghiệm tại Châu Âu, đại học Gottingen tại Đức.
Tại đây ông đã theo học Max Born, Oppenheimer đã kết bạn với những những từng đạt được thành công rực rỡ, bao gồm Werner Heisenberg, Pascual Jordan, Wolfgang Pauli, Paul Dirac, Enrico Fermi và Edward Teller.
Robert nổi tiếng là người quá nhiệt tình trong các cuộc thảo luận, đôi khi đến mức lấn át cả các buổi hội thảo. Điều này đã biến nổi tiếng thành tai tiếng khi một số học sinh khác của Max Born khó chịu, đến mức có một người tên Maria Goeppert đã đưa cho Born một bản kiến nghị do chính cô ký và đe dọa tẩy chay cả lớp. Trừ khi có ai đó khiến Oppenheimer im lặng. Born để bản kiến nghị trên bàn làm việc của mình, nơi mà Oppenheimer có thể đọc được, và ông đã thật sự im lặng.
Con đường của nhân tài là sự cô độc, Robert thấm rõ điều này nhất khi ông liên tục bị tẩy chay, nếu không vì những dằn vặt với căn bệnh tâm thần thì sẽ vì cách người khác nhìn nhận ông. Mặc dù vậy, Robert vẫn là một thiên tài và nhận được bằng tiến sĩ khi chỉ mới 23 tuổi.
Sau khi có được bằng tiến sĩ ở tuổi quá đỗi non trẻ, Robert vùi mình vào sách vở tại Caltech ở California. Ông khẳng định rằng, mình cần vật lý hơn là bạn bè. Được tả lại từ những người quen, Oppenheimer là một người có quá đỗi nhiều học thức, ông đã trang bị cho mình nhiều ngôn ngữ, cả một thư viện Ấn Độ giáo và cả trăm ngàn công thức vật lý khác nhau.
Và đây cũng là về cuối những năm 30, khi phong trào Phát Xít bắt đầu mở ra ở Châu Âu và thế chiến 2 đang đi đến những ngày khốc liệt nhất. Và khi thế giới đang nhen nhóm ý tưởng tạo ra vũ khí hủy diệt hàng loạt, Robert Oppenheimer đã được tuyển vào dự án sẽ tạo nên tên tuổi của ông. Cho dù cái tên đó sẽ khiến ông dằn vặt cả đời.
The Manhattan Project
Tình báo là phần thiết yếu của chiến tranh. Thông tin về với nhà Trắng là phát xít Đức đã có được công nghệ để tạo nên vũ khí hủy diệt hàng loạt. Điều này làm chấn động cả nền chính trị thế giới. Người Đức vẫn luôn là những bộ não dẫn đầu thế giới về công nghệ, và việc họ sở hữu quyền lực của Chúa là điều không khó tin.
Dưới sức ép của cuộc chiến khốc liệt nhất loài người từng chứng kiến, chính phủ Mỹ đã lập nên một dự án bí mật nhằm tạo ra một thứ vũ khí có khả năng đưa nước Mỹ lên đỉnh cuộc chiến, vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Có những mối liên hệ với các nhà khoa học Châu Âu, Oppenheimer được tuyển làm trưởng nhóm, dẫn đầu cuộc nghiên cứu và phát triển thứ vũ khí ấy. Nhanh chóng, ông đã kiếm về và xoay sở được hơn 3000 nhân sự để cùng nhau nghiên cứu, phát triển và chế tạo ra công nghệ mới.
Về việc chọn trụ sở để phát triển công nghệ, Robert chọn Los Alamos, New Mexico, nơi năm xưa ông từng chu du cưỡi ngựa những ngày còn chữa bệnh. Có thể vì ông yêu thương nơi đây, hoặc cũng có thể vì ông thấy sự hoang vắng ở đây thích hợp cho sức tàn phá của bom nguyên tử.
Với chi phí ban đầu là $6000, dự án Manhattan đã nhanh chóng đốt đến $2B vào năm 1945. Nhưng số tiền đó không bị bỏ phí.
Dù không phải người đầu tiên tìm ra cách để tạo ra phản ứng phân hạch, Robert và đồng sự là người đã thành công trong việc biến nó thành vũ khí hủy diệt để phục vụ cho cuộc chiến.
Và vào ngày 16/7/1945, quả bom đầu tiên đã được đưa vào thử nghiệm.
Trinity
Cuộc thử nghiệm bom nguyên tử đầu tiên được tổ chức tại Alamogordo, New Mexico. Robert hoàn toàn không biết chắc chắn chuyện gì sẽ xảy ra.
Sẽ có 50 người tham gia cuộc thử nghiệm. Ba trường hợp có thể xảy ra, nếu quả bom quá khổng lồ, tất cả đều sẽ không còn tồn tại. Trường hợp hai, nếu nó không có tác dụng, tất cả đều sẽ có một kết cục chẳng hay. Và trường hợp cuối cùng, tệ hơn cả 2 trường hợp trên, là họ sẽ thành công.
Vụ nổ Trinity đã thổi bay mọi vật chất trong bán kính ảnh hưởng của nó. Vỏ quả bom quyện lại với cát và trở thành hư vô. Chất thải hóa học rơi xuống đất và nguội đi thành vật chất được gọi là Trinitite. Trong khi chứng kiến thành công kiêm sai lầm lớn nhất đời mình, Oppenheimer gợi lại trong đầu những dòng thơ từ Chí Tôn Ca - Bhagavad Gita.
If the radiance of a thousand suns were to burst at once into the sky, that would be like the splendor of the mighty one...
"Nếu như có trăm nghìn mặt trời cùng lúc chiếu rọi trên bầu trời thì ánh sáng của chúng có thể sẽ giống như hào quang tỏa ra từ vóc thể vũ trụ của Đấng Tối Cao"
Sau cuộc thử nghiệm, chính phủ Mỹ biết rằng họ đã có vị thế cao hơn trong chiến tranh và thúc đẩy tiến trình GIẢNG HÒA của mình với thế lực đối địch. Trong khi đó, Oppenheimer và các nhà khoa học khác cùng nhau nhìn nhận lại vấn đề.
Một bên hy vọng đây sẽ là thứ vũ khí không bao giờ được đưa ra dùng thật. Bên còn lại mong nó sẽ là vũ khí để kết thúc cuộc chiến đang quá đỗi bạo lực này. Đã có quá nhiều người phải chết, quá nhiều thế giới phải lụi tàn. Hy sinh thêm một chút để bảo vệ cả triệu sinh mạng về sau thì liệu có đáng không?
Và dù có thế nào, cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học cũng không phải mối bận tâm của chính phủ. Tháng 7 năm 1945, sau khi công bố bom nguyên tử với thế giới, nước Mỹ yêu cầu Nhật Bản đầu hàng. Nhật Bản không đầu hàng.
Và chuyện gì xảy ra sau đó, chắc chúng ta không cần nhắc lại.
Bi kịch
Sau hai vụ nổ tại Hiroshima và Nagasaki, Oppenheimer đã phải đối mặt với sự vô nhân tính của chiến tranh và nhận lỗi về mình. Mặc dù vậy, nhận lỗi không thể chối bỏ được những gì đã xảy ra. Sau một thời gian, Oppenheimer dấn thân vào chính trị để ngăn cản nỗ lực của chính phủ trong việc công nghiệp hóa vũ khí hủy diệt hàng loạt kiểu mới.
Năm 1949, một quả bom nguyên tử đã được thử nghiệm tại Xô Viết, sớm hơn rất nhiều so với ước tính của chính phủ Mỹ. Điều này dẫn đến hệ quả Oppenheimer lo sợ nhất, sự tái xuất của một cuộc đua vũ trang.
Trong thời gian đó, các nhà chức trách đã biết đến một công nghệ vượt xa cả bom nguyên tử, một ý tưởng từng nhen nhóm từ dự án Manhattan, ý tưởng về bom Hydro. Oppenheimer liên tục phản bác và từ chối phát triển công nghệ này, ông cho rằng nó quá đỗi không cần thiết và dấy lên nguy cơ xóa sổ cả nhân loại. Mặc dù vậy, sự phản đối của ông không có nghĩa lý gì với những người cầm quyền.
Năm 1950, chính phủ ra lệnh phát triển công nghệ bom Hydro. Edward Teller, nhà khoa học cùng Oppenheimer phát triển bom nguyên tử trong dự án Manhattan đã nhận và phát triển được nó. Kết quả của điều đó là Edward đã bị cộng đồng các nhà khoa học tẩy chay.
Trong thời gian đó, mọi ánh mắt dồn về phía Oppenheimer, cho rằng ông là gián điệp của Xô Viết, đã gián tiếp giúp cho Xô Viết có được công nghệ nguyên tử. Căn cứ vô lý của những kẻ luận tội thời điểm đó nằm ở các mối quan hệ của ông với cộng sản. Vợ và bạn gái cũ của ông đều có liên quan tới cộng sản và cả các nhà khoa học cùng làm việc với ông cũng vậy.
Từ những nghi ngờ vô cớ ấy, ông bị tước đi các thẩm quyền vốn có, đưa ông trở về làm một giáo viên thay vì là một nhà khoa học vĩ đại. Các nhà khoa học lỗi lạc cùng thời như Albert Einstein và Wernher Von Braun, cha đẻ của khoa học tên lửa đã lên tiếng bảo vệ Oppenheimer nhưng không thành.
Một thời gian sau, sau khi trở thành tổng thống, John.F.Kennedy đã muốn đưa Oppenheimer quay trở lại Nhà Trắng, nhưng ông đã từ chối lời mời đó.
Năm 1965, cuộc đời ngắn ngủi và đầy sự cô đơn cùng hiểu lầm của Robert đã đến với những chương cuối. Sau khi hút thuốc lá cả đời, ông mắc ung thư vòm họng và ông đã trút hơi thở cuối cùng vào năm 1967 tại nhà riêng ở Princeton.
Ông đã qua đời với biệt danh "Cha đẻ của bom nguyên tử", một cái tên không hề đáng nhớ.
Vào ngày 16 tháng 12 năm 2022, Tổng thư ký Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã chính thức bác bỏ mọi cáo buộc gián điệp của Robert Oppenheimer với nhận định cho rằng mọi tài liệu tố cáo ông vào những năm 50 đã là những sai lầm.
Robert Oppenheimer, người có cuộc đời cô độc, được xem là kẻ điên, là tội đồ của chiến tranh, là cha đẻ của bom nguyên tử lại là người phản đối chạy đua vũ trang.
Cuối cùng, nhận định của ông vẫn là đúng, thương vong trong chiến tranh không phải là lỗi của các nhà khoa học mà đó là trách nhiệm của người cầm quyền. Nhưng cho dù có thế nào, dù có phải hy sinh cả trăm ngàn sinh mạng, sản phẩm của ông cũng đã thực hiện được ước nguyện ông muốn hướng đến.
Kết thúc một cuộc chiến không hồi kết.
Doomsday clock
Đồng hồ ngày tận thế được sinh ra vào năm 1947 để đếm ngược về ngày diệt vong của nhân loại sau khi vũ khí hủy diệt hàng loạt được ra đời. Năm 1947, chúng ta cách nửa đêm 7 phút.
Ngày nay, thời gian còn lại của chúng ta là 100s.

Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Méo Già
Cám ơn tác giả.
- Báo cáo
Van Phong
bài viết thực sự quá chất lượng mãi ủng hộ ad
- Báo cáo