Không biết các bạn đã từng thấy trên tivi hoặc thậm chí đi phượt qua địa bàn vùng cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang hay chưa. Nếu có thấy hoặc đã từng đến đó chắc hẳn các bạn không thể không choáng ngợp bởi khung cảnh kỳ vĩ, hùng tráng của nghệ thuật nương rẫy núi đá của dân tộc nơi đây. Những núi đá khô cằn quanh năm chỉ có một vài ngọn cỏ mọc lởm chởm trong từng kẽ đá xô đẩy nhau mà tạo ra. Ấy vậy, bằng cách nào đó, dân tộc H'mông, một tộc người sinh sống chủ yếu ở khu vực này đã cải tạo núi đá bằng chính bàn tay đầy chai sạn bởi lam lũ trở thành một biểu tượng hùng vĩ, bản sắc của riêng dân tộc mình. Họ chống lại thế lực tự nhiên, phá bỏ rào cản trí tuệ công nghệ vì một lý do đơn giản là họ muốn sống, muốn tồn tại trong một đất nước đã cho mình cư trú. Thật vậy, người H'mông là dân tộc thiểu số có nguồn gốc từ Trung Quốc do tham gia vào phòng trào tranh giành quyền lực của phe Thái Bình Thiên Quốc chống lại nhà Mãn Thanh, cho nên họ phải di cư chạy trốn khỏi sự trừng trị. Ban đầu tới Việt Nam, do các tộc người vùng núi đã có sự ổn định lâu dài hơn tộc người Mông cho nên họ buộc phải trú ngụ nơi hẻo lánh, đầy thử thách này. Thế nhưng, họ kiên cường chống lại sự điêu tàn và thoát khỏi "vùng an toàn" về trí tuệ của họ. Phát minh phương pháp làm nương xếp đá là một sản phẩm trong trí tuệ của họ. Người Mông xây dựng một hệ thống làm nương xếp đá trên những cao nguyên đá cheo leo. Kỹ thuật này khiến chúng ta không chỉ nể phục sự sáng tạo của họ mà còn phải học hỏi nhiều đức tính, trí tuệ, tinh thần vô cùng mạnh mẽ nơi họ.
<i>nguồn ảnh: vietgiaitri.com</i>
nguồn ảnh: vietgiaitri.com
Trên cơ sở đó, tớ muốn trình bày sơ lược các nguyên nhân hình thành phương pháp làm nương xếp đá của dân tộc H'Mông. Để từ đó, chúng ta có góc nhìn tổng quan về tâm lý con người Mông bởi một sản phẩm có thực này được cài cắm trong đó những biểu hiện rõ nhất về tâm lý con người.
Lề: ở đây, đáng lý ra theo văn viết chính xác về mặt thuật ngữ tên gọi dân tộc thì mình phải sử dụng H'Mông. Tuy nhiên, theo văn nói sử dụng hai cách nói Mông hay H'Mông (H': âm câm) đều được. Bài viết, mình sử dụng phong cách viết sinh hoạt để dễ dàng truyền tải hơn cho các bạn, mong mọi người lượng thứ.

Nguyên nhân khách quan

Thứ nhất, vai trò của Nhà nước
Tại Đồng văn - Hà Giang, phong trào phá đá làm nương, thực hiện định canh định cư của người Mông diễn ra mạnh mẽ trong những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX. Với người Mông ở Đồng Văn dù không phát triển thành phong trào toàn diện nhưng trong suốt nửa thể kỷ qua vẫn tiến hành khai thác nương xếp đá ở quy mô hộ gia đình. 
Từ năm 2000, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Giang có chủ trương khuyến khích người dân tộc thiểu số khai hoang ruộng, chuyển nương thành ruộng và làm nương xếp đá để mở rộng diện tích canh tác. Điều này hỗ trợ vô cùng lớn trong việc kích thích phòng trào làm nương xếp đá trỗi dậy ở Hà Giang.
Tiếp đó vào năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 134/QĐ-TTg về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở địa bàn tỉnh Hà Giang. Vận dụng vào điều kiện thực tế của các huyện vùng cao núi đá ở Hà Giang phong trào làm nương xếp đá một lần nữa lại diễn ra sôi nổi. Với mức hỗ trợ 5 triệu/1 ha, năm 2001 Đồng Văn đã khai thác được 12,53 ha nương xếp đá, năm 2003 là 24,366 ha, năm 2004 và 2005 mỗi năm khai thác được 15 ha.
<i>nguồn ảnh: thanhtravietnam.vn</i>
nguồn ảnh: thanhtravietnam.vn
Rõ ràng, Nhà nước Việt Nam giữ vai trò thúc đẩy và kiến tạo ra một loại hình canh tác mới cho một dân tộc bằng những chính sách được ban hành cụ thể. Dân tộc H’mông ở vùng Hà Giang là đối tượng của chính sách vừa được hỗ trợ, khuyến khích phát huy làm nương xếp đá vừa bị ngăn cản quá trình du canh du cư. Có thể thấy, vai trò chính sách của Nhà nước là một trong những yếu tố quyết định sự hình thành của canh tác làm nương xếp đá của dân tộc H’mông
Thứ hai, yếu tố địa lý
Những cư dân dẻo cao đã biết làm ruộng từ lâu, nhưng vì hoàn cảnh thiếu ruộng, học buộc phải sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy. Tương tự thế, dân tộc H’mông sống ở Hà Giang vốn nổi tiếng với cao nguyên đá, cũng vì núi đá bao phủ nên đất canh tác tại đây rất ít, khí hậu đặc thù với mây mù quanh năm khiến cho việc trồng trọt càng trở nên rất vất vả. 
<i>nguồn ảnh: pixabay.com</i>
nguồn ảnh: pixabay.com
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp trên vùng đất này gặp rất nhiều khó khăn, một mặt vì đá thì nhiều, đất lại có hạn, mặt khác nguồn nước tưới khó bảo đảm, chủ yếu chờ vào "nước trời", cộng thêm do ở trên cao, xa khu dân cư nên việc chăm bón, thu hoạch không dễ dàng. Đất đai hiếm, khí hậu khắc nghiệt, không phải loài cây nào cũng có thể tồn tại.Với những nương đá khô cằn và xương xẩu ấy, ngoài cây ngô và tam giác mạch ra thì hiếm loài cây nào có thể thích nghi và sinh trưởng mạnh như thế, nó cũng kiên cường, mãnh liệt như chính con người Mông ở nơi đây.
Tóm lại, dân tộc H’mông ở khu vực Hà Giang gặp rất nhiều bất lợi về yếu tố địa lý mà buộc họ phải ứng xử, thích nghi với quy luật tự nhiên. Sự thích nghi đó thể hiện qua sự chung sống và phát triển, hơn nữa còn là sự sáng tạo từ sự bất lợi đó mà biểu hiện rõ ràng nhất là kỹ thuật canh tác làm nương xếp đá ra đời.

Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất, bằng ý chí sáng tạo của H’mông
Bằng tinh thần lao động sáng tạo người Mông đã khai thác được một hệ thống nương xếp đá vô cùng kỳ vĩ ở Đồng Văn. Đây là một hình thức canh tác độc đáo chỉ có ở cao nguyên đá vôi và cũng duy nhất chỉ có ở Việt Nam. Nương xếp đá là kết quả của cuộc vận động định canh định cư song đó cũng là nét văn hoá đặc trưng của người Mông ở Đồng Văn. Sản phẩm đó định hình và thiết lập một trật tự ý thức tự giác dân tộc mạnh mẽ ở dân tộc Mông.
<i>nguồn ảnh: baohagiang.vn</i>
nguồn ảnh: baohagiang.vn
Vào mùa xuân khi tiết trời ấm áp, các hộ gia đình người Mông bắt đầu khai phá, rẫy cỏ, xếp đá làm hàng rào. Khai phá để làm nương là công việc tốn nhiều công sức và thời gian nhất đối với bà con vùng cao nguyên đá. Khi muốn tạo một mảnh nương mới, đồng bào thường chọn khu vực có nhiều ánh nắng, không quá dốc, tốt nhất là khu vực có nhiều cây mọc. Phụ nữ Mông chịu khó gùi đất từ chân núi đổ vào các hốc đá, xếp đá thành nương để trỉa bắp, trồng rau. Đàn ông Mông khéo léo chế tác ra chiếc lưỡi cày độc đáo có dáng nhỏ, mũi cong, bền, sắc bén, cứng và có thể lướt dễ dàng trên những nương đá mà không bị sứt mẻ gì. Với phương thức canh tác hốc đá, sau khi cày xong, đất và phân bón được trộn đổ vào từng hốc đá.
Rõ ràng, làm nương xếp đá là sản phẩm tiêu biểu cho sức lao động và sự sáng tạo phi thường của người Mông trong quá trình thích ứng và chinh phục tự nhiên để sinh tồn. Hơn nữa, nó là sản phẩm của văn hóa, tâm lý dân tộc Mông được biểu đạt qua một phương pháp hiện tồn và điều này chỉ ra nhiều điều lý thú cho các nhà nghiên cứu.
Thứ hai, mong muốn sản xuất lương thực phục vụ thị trường
Từ sau đổi mới, Việt Nam thực hiện xây dựng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế. Từ đó, thị trường lao động cũng đang được tuyển dụng nhiều hơn nhằm đáp ứng thể chế mới, hơn nữa là mong muốn làm giàu của các cá nhân. Từ đó, dân tộc thiểu số cũng muốn bản thân thoát khỏi tình trạng đói kém và mong muốn con cái của họ có một tương lai tươi sáng hơn. Do đó, con em dân tộc H’mông được cho đi học nhiều hơn và tạo ra sức ép về mặt kinh tế buộc gia đình của họ phải cố gắng sản xuất tại chỗ với chất lượng tốt để buôn bán ở thị trường. Họ không chỉ trao đổi hàng - hàng như xưa mà bây giờ họ mong muốn có thể sản xuất dư thừa để trao đổi hàng - tiền (đúng với bản chất của kinh tế thị trường).
Quá trình chuyển biến từ nền sản xuất lương thực phục vụ tiêu dùng sang hướng đến thị trường rõ rệt hơn của hoạt động sản xuất nương rẫy đã có tác động đến quá trình biến đổi các hệ thống xã hội ở nhiều tộc người H’Mông. Từ du canh, du cư, họ đã chuyển sang định canh, định cư, từ cư trú khá biệt lập, nhỏ lẻ đến cư trú tập trung, gắn kết hơn với các tộc người khác. Sản xuất nương rẫy không còn là hoạt động mang tính “cầu may”, trông chờ vào tự nhiên mà đã chuyển thành hoạt động mang tính thương mại, người dân chủ động đầu tư (phân bón, giống, kỹ thuật) hơn cho mùa vụ của mình. Thế hệ trẻ với kiến thức mới đã dần dần thay thế vai trò kinh nghiệm truyền thống của người già trong sản xuất nương rẫy nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung.
Nhìn chung, sự thay đổi thể chế của Việt Nam trong giai đoạn cuối những năm 90 của thế kỉ 20 đã tác động sâu sắc tới hoạt động canh tác này. Người Mông cũng phải bắt kịp xu thế của đất nước như bất cứ tộc người nào khác. Do đó, thích ứng và phát triển là điều kiện cần thiết đối với họ.
Thứ ba, hôn nhân
Người H’Mông theo chế độ phụ hệ do đó vai trò của người đàn ông rất mạnh mẽ trong quan hệ xã hội. Đàn ông phải nuôi gia đình và điều này tạo tâm lý phải có công việc làm ăn, sinh sống ổn định hơn. Thêm nữa, việc kết hôn giữa các dân tộc với nhau cũng tạo ra tính định cư lâu dài cho dân tộc H’mông. Cụ thể, người H’mông chủ yếu kết hôn với dân tộc Dao – sinh sống chủ yếu các quan hệ xóm giềng và dòng họ. Chính vì vậy, tính liên kết giữa dân tộc Dao và H’mông được thể hiển rõ qua biểu hiện định cư nhờ việc kết hôn.
<i>nguồn ảnh: nem-vn.net</i>
nguồn ảnh: nem-vn.net
Quá trình này cùng với xu thế cộng cư khiến xu thế hôn nhân liên tộc người ngày càng trở nên phổ biến, thay thế hình thức hôn nhân nội tộc trước đây của người Mông. Điều này dẫn đến cấu trúc làng bản của người Dao, H’Mông thay đổi, mở hơn, có thể bao gồm nhiều tộc người khác cùng chung sống. Xu thế này thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm sản xuất giữa các tộc người, giúp người dân đa dạng hóa sinh kế cũng như các phương thức mưu sinh, thiết lập mạng lưới trao đổi với nhiều tộc người khác và qua đó mở rộng mạng lưới xã hội của mình.
Do đó, yếu tố hôn nhân giữa các dân tộc ngày càng phổ biến tác động lớn đến tính định cư lâu dài, ổn định của người H’mông tại Hà Giang và từ đó buộc họ tiến hành cải tạo sinh sống chỗ ở, việc làm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Lương - Lê Bá Nam, (2005): Dân tộc học đại cương, NXB Giáo dục.
2. Nguyễn Công Thảo, (2017), “Một số vấn đề sinh thái học nhân văn vùng đông bắc”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Sinh thái nhân văn và phát triển bền vững một số vấn đề từ lý luận đến thực tiễn", Hà Nội.
3. Lê Khánh – Linh Dung, (2021), “Tuyệt kĩ tri thức canh tác hốc đá trên cao nguyên đá”, https://baophapluat.vn/tuyet-ky-tri-thuc-canh-tac-hoc-da-tren-cao-nguyen-da-post382285.html
4. Teng chengda, (2010): Nghiên cứu so sánh chính sách dân tộc của Việt Nam và Trung Quốc thời hiện đại, NXB ĐHQGHN.