III. Giới thiệu sơ bộ và các thành tố tham gia bầu cử và tranh cử tại Mỹ

Hoa Kỳ không giống với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới khi là một nơi đặc biệt và là duy nhất của hiện tại còn giữ một thể chế bầu chọn nguyên thủ quốc gia đặc biệt chính là hệ thống đại cử tri (Electoral College), nói dễ hiểu thì có thể gói gọn rằng những sự bầu chọn của người dân không trực tiếp bầu chọn ra tổng thống mà sự quyết định đó nằm trong tay một nhóm đối tượng khác trong hệ thống bầu cử của nước này, vậy trong hệ thống ấy gồm những ai thì ta hãy cùng nhau tìm hiểu từ người tranh cử đến những đối tượng bầu cho họ dưới đây. 

IV. Giới thiệu các thành tố tham gia bầu cử và tranh cử

Đại diện tranh cử

Những người cạnh tranh cho chức vụ tổng thống Hoa Kỳ sẽ thuộc một trong 2 đảng của Hoa Kỳ đó là Dân Chủ và Cộng Hòa, người xuất sắc và nổi trội nhất ở mỗi đảng sẽ đứng ra “đối đầu 1:1” với ứng viên của đảng đối lập. 
Thông thường đảng có đương kim tổng thống nhưng còn khả năng tái tranh cử (tức chưa tại vị 2 nhiệm kỳ liên tục) sẽ là ứng viên đại diện của đảng đó nếu nhân vật đó có nhu cầu tái đắc cử (ngoại lệ kể từ năm 1968, Joe Biden vào chiến dịch bầu cử năm 2024 đã rút lui vì các vấn đề khác nhau khiến cho ông rút lui khỏi cuộc tranh cử tổng thống với đối thủ Donald Trump vào ngày 21 tháng 7 năm 2024). Ngược lại ở đảng đối lập không có đương kim tổng thống, quá trình vận động và chọn ra ứng viên của đảng đi tranh cử thường tương đối dài và phức tạp (thường là từ 2 đến 3 năm trước năm bầu cử) và thường chỉ được xử lý, thảo luận giữa những người trong đảng đó với nhau và thường không thu hút nhiều sự chú ý của đại chúng thế giới nên ta hãy cùng nhau giới hạn phần phân tích và giải thích sẽ chỉ gói gọn trong “cuộc đối đầu 1:1” giữa hai đảng này.   

Người dân thường

Đây là những người dân có quốc tịch Hoa Kỳ và đủ tiêu chuẩn (ví dụ như tuổi và quan điểm chính trị phù hợp) sẽ được tham gia bỏ phiếu tại tiểu bang sinh sống của mình (đây được gọi là các lá phiếu phổ thông hay popular vote). Vậy những lá phiếu này có thật sự chọn ra tổng thống? Thật ra câu trả lời là không hẳn. Số phiếu bầu của những người dân phổ thông sẽ chỉ có tác dụng quyết định cho phần nào để thành tố cao hơn (Đại cử tri) bầu chọn trực tiếp cho ứng cử viên tổng thống

Đại cử tri đoàn (Electoral College)

Đây là những nhân vật đại diện trên quy mô các tiểu bang của Hoa Kỳ, những lá phiếu của các đại cử tri đoàn có giá trị quyết định để bầu chọn ra tổng thống (tức ai đạt quá bán tổng số lượng phiếu bầu của đại cử tri đoàn sẽ là tổng thống), tuy nhiên quyết định của các phiếu này ở mỗi tiểu bang sẽ dành cho ai sẽ bị phụ thuộc vào quyết định của người dân tiểu bang đó. Vậy những đại cử tri đoàn này có ai, ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu từng thành phần của đại cử tri này sau đó cùng nhau tìm hiểu xem những phiếu đại cử tri đoàn này sẽ được bầu chọn như thế nào. 

V. Các phân chia đại cử tri của Hoa Kỳ

Thượng viện (Senate) và Hạ viện (House of Representatives)

Thượng viện và hạ viện sẽ được trình bày phía dưới là hai bộ phận của cơ quan lập pháp quốc gia có các nhiệm vụ khác nhau trong việc đề ra và xem xét các chính sách và dự luật của tiểu bang được quản lý. Tuy nhiên trong khuôn khổ của cuộc bầu cử, đại diện của thượng viện và hạ viện các tiểu bang (thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ) có vai trò và giá trị như nhau khi mỗi người trong thượng viện và hạ viện đều có giá trị tương ứng là một phiếu bầu dành cho ứng cử viên tổng thống. 
Dù cho giá trị bầu cử là giống nhau nhưng số lượng thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ lại khác nhau ở mỗi tiểu bang. Về đại diện của Thượng Viện, mỗi tiểu bang sẽ có cố định là hai thượng nghị sĩ đại diện đồng thời sẽ có 2 phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống, con số này là không đổi ở mỗi tiểu bang bất kể diện tích, dân số…  dẫn đến luôn có tổng cộng 100 thượng nghị sĩ (tức 100 phiếu bầu từ Thượng Viện) Tuy nhiên về các đại diện của Hạ Viện (Hạ nghị sĩ), số lượng của các đại diện này ở mỗi tiểu bang sẽ khác nhau dựa theo dân số của cục thống kê theo một khoảng thời gian nhất định (cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 và 2028 được dựa trên điều tra dân số Hoa Kỳ vào năm 2020). Dựa trên số liệu phân bố dân cư của các tiểu bang tại Hoa Kỳ mà 435 ghế của Hạ Viện sẽ được phân bố ra đồng đều nhất có thể. Tổng lại, với 535 phiếu bầu tổng cộng từ các đại cử tri đoàn mỗi bang sẽ có 2 phiếu từ thượng viện và tối thiểu là 1 vé tùy vào dân số từ hạ viện
Tổng số phiếu từ các đại cử tri đoàn theo từng tiểu bang năm 2016
Tổng số phiếu từ các đại cử tri đoàn theo từng tiểu bang năm 2016
Ngoài phiếu bầu từ thượng viện và hạ viện, thủ đô Washington D.C. (hay đặc khu Columbia) thông qua tu chính án thứ 23 vào năm 1961 đã được cấp thêm 3 vé đại cử tri đoàn ở khu vực này để người dân thủ đô có thể bỏ phiếu cho ứng viên nâng tổng số phiếu của các đại cử tri đoàn lên đến 538 phiếu bầu và theo luật bầu cử của Hoa Kỳ, ai được số phiếu quá bán của 538 phiếu (tức ai đạt từ 270 phiếu đại cử tri đoàn) sẽ là tổng thống chính thức của Mỹ. 

Vấn đề trong tỉ lệ đại cử tri đại diện cho dân số ở từng bang

Mặc dù như đã nói, số lượng hạ nghị sĩ có phần nào đó đã được cố gắng chia công bằng dựa trên dân số của bang đó nhưng vẫn không thể tránh khỏi sự chênh lệch khi có một số bang quá ít người. Ví dụ 5 tiểu bang lớn nhất là California, Texas, Florida New York và Pennsylvania có số lượng Hạ nghị sĩ lần lượt là 52, 38, 28, 26 và 17, chia trên dân số được ghi nhận vào năm 2020 thì những tiểu bang trên có số lượng hạ nghị sĩ trên dân số vào khoảng từ 760 đến 770 nghìn dân ở tiểu bang đó, tỉ lệ này đa phần được giữ nguyên giữa các tiểu bang và thường không có chênh lệch lớn (ngoại lệ nằm ở các bang có số lượng dân số dưới 700 nghìn dân như Wyoming (khoảng 500 nghìn dân), Vermont (khoảng 600 nghìn dân),.. do bắt buộc phải có tối thiểu một hạ nghị sĩ nên tỉ lệ sẽ có phần chênh lệch so với bình quân các tiểu bang khác).
Nhìn rộng hơn trên góc độ toàn cảnh (cả hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ), vấn đề sẽ thấy được rõ ràng hơn khi tiểu bang Wyoming có khoảng 576 nghìn dân nhưng có tận 2 vé thượng viện và 1 vé hạ viện, chia ra là một phiếu đại cử tri đoàn đại diện cho 192 nghìn dân. Trong khi đó, tiểu bang California với dân số 39.5 triệu dân có tổng cộng 52 vé từ hạ viện và 2 vé từ thượng viện (tổng là 54) chia ra là một phiếu của đại cử tri đoàn California đại diện cho hơn 731.5 nghìn dân ở đây, cao gấp gần 4 lần so với tỉ lệ của tiểu bang Wyoming. Từ ví dụ này, ta có thể thấy rằng ở Mỹ, ở mỗi bang, giá trị đại diện cho dân chúng của một phiếu đại cử tri có sự khác biệt rất lớn khiến việc bầu cử đôi khi tạo ra những nghịch lý rằng đôi lúc một vị tổng thống đắc cử nhưng sự ủng hộ của dân chúng xét trên tổng thể lại không bằng đối thủ thua cuộc. Cụ thể thế nào hãy cùng tìm hiểu cách mà nhân dân Hoa Kỳ có thể tác động đến kết quả bỏ phiếu thế nào mà lại dẫn ra được nghịch lý như vậy nhé.

VI. Cách một tổng thống được bầu chọn dựa trên số phiếu phổ thông và số phiếu của đại cử tri

Như đã trình bày ở phía trên, người dân không thật sự trực tiếp bầu ra tổng thống mà chính số phiếu đại cử tri đoàn mới là con số quyết định xem ai sẽ là người chiến thắng. Tuy nhiên, ở mỗi tiểu bang, chính những người dân bầu chọn cho ứng viên nào (hay nói đúng hơn là đảng nào) sẽ quyết định xem toàn bộ số phiếu đại cử tri đoàn của bang đó sẽ dành cho ai.
Cụ thể hơn, nhìn vào biểu đồ dưới đây ta có thể thấy ở mỗi tiểu bang của Hoa Kỳ, luôn có sự xen kẽ giữa những bộ phận người dân ủng hộ đảng Dân Chủ (màu xanh) và người ủng hộ đảng Cộng Hòa (màu đỏ) tuy nhiên vẫn sẽ có đa số và thiểu số có thể thấy ở bảng dưới đây.
Tỉ lệ ủng hộ đảng Dân chủ (đỏ) và Cộng Hòa (xanh) theo từng tiểu bang
Tỉ lệ ủng hộ đảng Dân chủ (đỏ) và Cộng Hòa (xanh) theo từng tiểu bang
Bản đồ bầu cử theo các tiểu bang
Bản đồ bầu cử theo các tiểu bang
Tuy nhiên nếu nhìn vào bản đồ thống kê của cuộc bầu cử tổng thống trên đây, ta có thể thấy các tiểu bang luôn chỉ thiên về một trong 2 đảng dân chủ hoặc cộng hòa thay vì có sự phân hóa như dân số ở bên trong. Tại sao?
Thật ra vai trò của các lá phiếu phổ thông từ người dân (popular vote) đóng vai trò xác định đa số góc nhìn chính trị của bang đó, nếu một trong 2 đảng đạt quá bán số phiếu phổ thông trên quy mô tiểu bang, tất cả các số phiếu đại cử tri đoàn của bang đó sẽ dành cho đảng được ủng hộ nhiều hơn (Tức là dù cho chênh lệch chỉ là vài phần trăm ủng hộ giữa đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tất cả các số phiếu bầu vẫn sẽ dành cho bên đạt quá bán). Ngoại lệ đặc biệt một chút đó là 2 tiểu bang Nebraska và Maine sử dụng phương pháp bầu cử khu vực (District method) thay vì người thắng ăn hết trên cả tiểu bang như các khu vực còn lại. Cụ thể, đối với 2 phiếu từ Thượng Viên, người thắng trên toàn tiểu bang vẫn sẽ nhận hoàn toàn 2 phiếu bầu này nhưng với các số phiếu của Hạ Viện của Nebraska và Maine sẽ được chia ra từng khu vực địa lý và ứng viên nào chiến thắng theo khu vực nào sẽ nhận lá phiếu bầu cử từ khu vực đó
Số lượng ủng hộ và phiếu bầu cho Biden (Đảng dân chủ) và Trump (Đảng cộng hòa) tại tiểu bang Maine (2020)
Số lượng ủng hộ và phiếu bầu cho Biden (Đảng dân chủ) và Trump (Đảng cộng hòa) tại tiểu bang Maine (2020)
Số lượng ủng hộ và phiếu bầu cho Biden (Đảng dân chủ) và Trump (Đảng cộng hòa) tại tiểu bang Nebraska (2020)
Số lượng ủng hộ và phiếu bầu cho Biden (Đảng dân chủ) và Trump (Đảng cộng hòa) tại tiểu bang Nebraska (2020)
Điều này dẫn đến một nghịch lý tương đối hy hữu đó là có trường hợp số phiếu phổ thông bầu bởi dân chúng dành cho người đắc cử lại thấp hơn số phiếu phổ thông của người thua cuộc (Trường hợp nêu trên vốn không hiếm khi đã có 2 trên 5 cuộc bầu cử đã hoàn thành trong thế kỷ 21 bao gồm cuộc bầu cử giữa Bush-Al Gore năm 2000 và Trump-Clinton năm 2016). Cụ thể vào năm 2016 trong cuộc đối đầu giữa Hillary Clinton và Donald Trump, dẫu Trump đã chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri đoàn, được 30 trên 51 khu vực bầu cử của Hoa Kỳ, nhưng dựa trên số phiếu phổ thông của Trump lại thua Hillary Clinton gần 3 triệu phiếu bầu phổ thông (tức là gần 3 triệu người dân Mỹ ủng hộ Clinton đắc cử hơn Trump).
 Số phiếu đại cử tri đoàn và số phiếu phổ thông của Clinton và Trump (2016)
Số phiếu đại cử tri đoàn và số phiếu phổ thông của Clinton và Trump (2016)
Chính nghịch lý này tạo ra một làn sóng phẫn nộ nếu như người được nhân dân ủng hộ nhiều hơn lại không được đắc cử. Tuy nhiên bên cạnh đó, tận dụng sự phức tạp của hệ thống bầu cử Mỹ, các ứng viên đã hình thành một chiến thuật khôn ngoan và chọn lọc để có thể thắng được cuộc bầu cử này, hãy cùng tìm hiểu cách họ lên chiến thuật như thế nào ở phần dưới đây.

VII. Chiến lược bầu cử “có chọn lọc” tại các bang chiến trường 

Có lẽ bạn còn cảm thấy xa lạ với định nghĩa này vì nó cũng chỉ được biết đến rộng rãi vào cách đây gần 40 năm khi Gorge H.W. Bush tranh cử tổng thống vào năm 1988. Theo Schultz và đồng biên tập của anh ấy Stacey Hunter Hecht được đăng trên tờ báo Time định nghĩa rằng bang chiến trường (Swing state) là những bang có tỷ lệ ủng hộ chênh lệch giữa 2 ứng viên bầu cử nhỏ hơn hoặc bằng 5%, tại những tiểu bang này, những lá phiếu đại cử tri đoàn dành cho ứng viên của đảng dân chủ hay cộng hòa thường xuyên thay đổi. Ví dụ như tiểu bang Florida (một tiểu bang chiến trường nổi tiếng mỗi kỳ bầu cử) đã thay đổi liên tục khi trong 2 lần bầu cử 2000 và 2004 dành cho đảng cộng hòa của George H.W. Bush sau đó đổi sang đảng dân chủ của Barack Obama vào 2008 và 2012, rồi lại ủng hộ Trump thuộc đảng cộng hòa vào năm 2016 và 2020.
So sánh với các tiểu bang không phải bang chiến trường, thông thường các ứng viên tranh cử cũng sẽ không ưu tiên đi đến đây vì kết quả bầu chọn đã rõ ràng ngay từ đâu (bất kể số phiếu đại cử tri bang đó nắm giữ là nhiều hay ít). Tại tiểu bang California, dù là nơi đông dân và có số phiếu đại cử tri nhiều nhất nước Mỹ với 55 phiếu đại cử tri, nhưng đây lại là tiểu bang luôn có quan điểm chính rõ ràng ủng hộ đảng dân chủ (nói cách khác là một tiểu bang an toàn của đại diện đảng dân chủ) cho nên cả đại diện của đảng dân chủ và cộng hòa đều không mặn mà vận động tranh cử ở đây vì một phần tiểu bang đó quá an toàn để bỏ phiếu cho đảng dân chủ phần vì quá khó cho đảng cộng hòa để thay đổi số lượng người ủng hộ hùng mạnh như vậy. 
Kết quả số phiếu phổ thông của bang California năm 2016 (Trên) và 2020 (Dưới)
Kết quả số phiếu phổ thông của bang California năm 2016 (Trên) và 2020 (Dưới)
Quay trở lại câu chuyện của bang chiến trường, dù số phiếu có thể thấp hơn một vài tiểu bang khác nhưng vì tỉ lệ ủng hộ giữa 2 đảng tại đây tương đối suýt soát nhau nên đây thường sẽ là nơi được nhắm đến để tổ chức các cuộc vận động tốn nhiều chi phí chỉ để “xê dịch” vài phần trăm ít ỏi tại những nơi đó. Ước tính vào năm 2020 của CPR trong việc đánh giá các đại cử tri đoàn, chỉ có 86 phiếu bầu trong các bang chiến trường(tức chưa tới 16% trong tổng số 538 phiếu) bao gồm: Arizona (11 phiếu), Florida (29 phiếu), Michigan (16 phiếu), Pennsylvania (20 phiếu) và Wisconsin (10 phiếu). Dẫu ít ỏi là vậy nhưng một ước tính khác được thực hiện bởi viện Brookings cũng chỉ ra rằng hơn 75% chi tiêu dành cho các cuộc vận động tranh cử là dành cho các bang chiến trường này. Ví dụ tại tiểu bang Florida, số lượng chiến dịch mà Donald Trump đã thực hiện vào năm 2016 là 36 so với 35 của Hillary Clinton, chính con số chênh lệch trên cũng chỉ giúp Trump hơn được Clinton khoảng 100 nghìn phiếu phổ thông từ người dân Florida trên tổng số hơn 9 triệu dân, nhưng như vậy là quá đủ để Trump nhận được 29 phiếu đại cử tri đoàn tại Florida vào năm đó
Số lượng chiến dịch tranh cử của Trump (màu đỏ) và Clinton (màu xanh) tại bang Florida
Số lượng chiến dịch tranh cử của Trump (màu đỏ) và Clinton (màu xanh) tại bang Florida
Kết quả thống kê số phiếu phổ thông được bình chọn tại bang Florida
Kết quả thống kê số phiếu phổ thông được bình chọn tại bang Florida

VIII. Lợi điểm của phương thức bầu cử đại cử tri đoàn đối với nước Mỹ

Qua tất cả những phân tích, thậm chỉ là những nghịch lý xoay quanh vấn đề giữa sự ủng hộ của người dân và kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử, câu hỏi đặt ra đó là lợi ích của việc giữ một thể thức bầu cử mang tính phức tạp và khó hiểu như vậy để làm gì? Thật ra có những lợi ích sau đây đã giúp cho đất nước Hoa Kỳ từ thời lập quốc giữ được một xã hội phức tạp và đa dạng đến từ nhà nước liên bang này. 
Đầu tiên, đó là lợi ích trong việc giữ quyền lực của các phe lớn cân bằng với phe nhỏ hơn.Từ xa xưa khi chưa có 50 bang như bây giờ, Hoa Kỳ luôn phải liên tục sáp nhập và hợp nhất các khu vực lân cận lại với nhau, những khu vực này có sự phân chia phức tạp và bộ quy tắc riêng như một quốc gia (đó là lý do vì sao từ “state” trong United States có thể được dịch là quốc gia trong tiếng Việt). Chính vì sự phức tạp đó, mà các cha già dân tộc khi thương lượng sáp nhập các tiểu bang lại với nhau thành một thể thống nhất, phải có một cơ chế để các bang nhỏ vừa có được những tiếng nói nhất định vừa không bị lấn át hoàn toàn bởi các bang lớn (hay nói cách khác chính là ngăn chặn hiện tượng “tyranny of majority” hay tạm dịch là sự chuyên chế của số đông). Vì thế, cơ chế đại cử tri đoàn là một phương pháp để các bang nhỏ luôn có được tiếng nói trong quốc hội mỗi khi bầu cử (đặc biệt là việc luôn có 2 ghế trong thượng viện giúp cho tiểu bang nhỏ có phần nào ưu thế hơn so với bang lớn tại vị trí này). 
Bên cạnh đó, phương thức bầu cử theo thể thức đại cử tri đoàn sẽ phần nào giúp giảm thiểu công sức kiểm tra lại và đếm phiếu trong trường hợp có sai sót hoặc cần kiểm tra cẩn thận tại một số nơi tranh chấp quyết liệt. Ví dụ, vào cuộc bầu cử năm 2000 giữa George H.W. Bush và Al Gore, đã có một số sai phạm và tranh cãi khiến không thể thật sự xác định người chiến thắng trong tình cảnh kết quả đang rất sát sao. Dựa theo một số điều tra và làm rõ, thì tiểu bang Florida được cho là nơi cần được đếm lại số phiếu phổ thông để xác định xem ai là người thắng chung cuộc (khi đó Bush nhận được 246 phiếu đại cử tri còn Al Gore nhận được 250 phiếu, chỉ cần một trong 2 ứng viên nhận được 25 phiếu từ tiểu bang này sẽ là người làm tổng thống). Chung cuộc, người ta đếm ra được rằng George H.W. Bush đã nhận được 2,912,790 phiếu còn Al Gore là 2,912,253 (tức chỉ hơn 500 phiếu bầu phổ thông trên dân số hơn 5 triệu dân - một con số rất nhỏ). Chính sự kiện này cũng đã nêu bật lên được lợi điểm của thể thức đại cử tri đoàn trong việc tái kiểm tra phiếu bầu trong một khu vực nhỏ so với các thể thức bầu chọn khác.
Lời cuối:  Bài viết này được tôi sử dụng thông tin, ý tưởng và kiến thức đa phần đến từ kênh Podcast về khoa học Oddly Normal (Một kênh thông tin chuyên về các cuộc bàn luận giữa những người đam mê khoa học nhưng không hề khô khan). Tôi sẽ để lời này ở mỗi cuối bài viết tôi được truyền cảm hứng tìm hiểu và học hỏi từ kênh podcast này nên tôi cũng khuyến khích các bạn độc giả nghe Episode 14 của kênh trên Spotify - Của dân do dân vì dân (nơi trình bày không chỉ dân chủ và bầu cử Hoa Kỳ mà còn là các vấn đề chính trị khác). Ngoài ra còn có rất nhiều chủ đề khác như triết học, khoa học và cả lịch sử thú vị khác đang nằm tại kênh podcast này. Lưu ý rằng đây không phải quảng cáo được thuê hay bất kỳ hình thức kinh doanh nào nên mong mọi người đón nhận với tâm thế là tôi đang chia sẻ và lan tỏa kiến thức. Xin cảm ơn!