Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc hay còn được gọi tắt là dự thảo Luật Đặc khu kinh tế dự kiến sẽ được thông qua vào ngày 15/06 tới đây tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV. Xung quanh dự luật này, các chuyên gia cũng như người dân có nhiều quan điểm trái chiều. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả chỉ bàn luận và đưa ra quan điểm đối với cơ chế quản lý đặc khu được ghi nhận trong dự thảo và đề xuất một số ý kiến để hoàn thiện cơ chế quản lý đặc khu kinh tế nếu dự luật này được thông qua. 
        Trước hết, để bàn luận sâu hơn về cơ chế quản lí đặc khu, chúng ta cần trả lời câu hỏi thế nào là đặc khu kinh tế? Theo khoản 1 Điều 3 Dự thảo Luật Đặc khu kinh tế, Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (sau đây gọi là đặc khu) là đơn vị hành chính thuộc tỉnh, do Quốc hội quyết định thành lập, có cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, có tổ chức chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Như vậy, hiểu một cách khái quát thì đặc khu kinh tế là một đơn vị hành chính tương đương với cấp huyện, có tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tương tự như cấp huyện, có cơ chế quản lý đặc thù và được áp dụng những chính sách kinh tế hết sức ưu đãi.
          Theo đó, dự luật cũng đã quy định cơ chế vận hành, quản lý đặc khu có nhiều điểm khác biệt so với cơ chế quản lý thông thường. Tuy nhiên, liệu sự đặc thù được quy định trong dự luật có đúng và đủ? Cá nhân tôi cho rằng, cơ chế tổ chức và quản lý đặc khu ghi nhận tại dự thảo Luật Đặc khu kinh tế còn nhiều điểm hạn chế, thiếu sót cần phải được khắc phục.
            THỨ NHẤT, việc quy định đặc khu kinh tế là đơn vị hành chính thuộc tỉnh là hết sức khiên cưỡng và thiếu hợp lý.
            Đặc khu kinh tế được kì vọng là đầu tàu thúc đẩy sự đi lên của nên kinh tế cả nước, vì vậy đặc khu cần có một cơ chế quản lý đặc biệt và do những con người có đủ năng lực, trình độ và đạo đức thực hiện. Khi nghiên cứu dự thảo, tác giả nhận thấy có nhiều quyền được pháp luật trước đây trao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh hay UBND cấp tỉnh thì nay theo dự luật sẽ được trao cho Chủ tịch đặc khu, ví dụ như thẩm quyền cho thuê đất, phê duyệt đầu tư,… Điều này đặt ra hai vấn đề: chồng chéo trong tổ chức quản lí nhà nước; và năng lực của người lãnh đạo mà trước hết là năng lực của Chủ tịch đặc khu.
          Về vấn đề tổ chức quản lý nhà nước, Chủ tịch đặc khu là người đứng đầu đơn vị hành chính tương đương cấp huyện nhưng lại nắm giữ một số quyền hạn như của người đứng đầu một tỉnh (chỉ khác về phạm vi lãnh thổ thực hiện quyền) và thực hiện các quyền đó trong phạm vi lãnh thổ đặc khu, trong khi đặc khu cũng giống như huyện, thành phố là đơn vị hành chính thuộc tỉnh, liệu có hợp lý? Liệu Chủ tịch đặc khu có thể quyết định các vấn đề trong thẩm quyền của mình một cách độc lập hay sẽ chịu sự tác động của lãnh đạo cấp tỉnh? Hơn nữa, lãnh đạo tỉnh, cơ quan quản lí hành chính cấp tỉnh thực hiện quyền quản lí của mình trên phạm vi toàn tỉnh thì liệu có giới hạn nào đối với họ khi can thiệp vào các vấn đề của đặc khu, làm “mờ đi” tính đặc thù trong cơ chế quản lí đặc khu? Vì vậy việc trao cho Chủ tịch đặc khu nói riêng và cơ quan hành chính trong đặc khu nói chung nhiều quyền hạn của Chủ tịch tỉnh, cơ quan hành chính cấp tỉnh trong khi đặt vị trí đặc khu trong sự quản lý của tỉnh là bất hợp lý và có thể kéo theo nhiều hệ lụy sau này.
          Về vấn đề năng lực của người lãnh đạo, dự luật trao rất nhiều đặc quyền cho lãnh đạo đặc khu có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, sử dụng quyền hành vào mục đích trục lợi các nhân, khiến cho đặc khu không đạt được hiệu quả kỳ vọng. Để ngăn chặn nguy cơ này, đặc khu kinh tế cần những lãnh đạo có tâm và có tầm, thậm chí là phải có năng lực hơn hẳn lãnh đạo cấp tỉnh và có đủ sự độc lập, không chịu tác động bởi bất cứ thế lực nào khi đưa ra quyết sách. Họ phải là những con người đặc biệt thì mới đủ khả năng để đưa ra tầm nhìn, giải quyết nhanh chóng, triệt để những vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành đặc khu. Nếu để người lãnh đạo với “tầm nhìn cấp huyện” cầm lái thì chắc chắn rất khó để hoành thành sứ mạng mà cả nước kì vọng vào đặc khu. Thêm vào đó, năng lực quản lí hành chính cấp địa phương hiện nay còn nhiều yếu kém, kể cả là cấp tỉnh cũng chưa mang lại sự yên tâm, hài lòng cho người dân, nhà đầu tư thì liệu rằng những người lãnh đạo có năng lực quản lý cấp huyện có phù hợp? Thực tế cũng đã chứng minh, càng ở các cấp quản lí thấp hơn thì việc buông lỏng, thiếu năng lực quản lý càng có cơ hội xuất hiện, dẫn đến nhiều sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và quản lý đất đai. Chúng ta kì vọng đặc khu sẽ đưa cả nước đi lên nhưng tại sao lại đặt nó trong sự kìm hãm của cấp tỉnh?
          Để giải quyết tồn tại nêu trên của dự thảo luật, tôi đề xuất đặc khu kinh tế cần phải là một đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh, chịu sự quản lý trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ cần đề ra mục tiêu, lộ trình xây dựng “đặc khu điện tử”, mọi vấn đề về quản lí hành chính trong đặc khu cần được số hóa và công khai, minh bạch, trừ những thông tin mật và liên quan đến an ninh, quốc phòng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng một kế hoạch thi tuyển, tiêu chuẩn cho các chức danh lãnh đạo trong đặc khu cũng như tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức cho đặc khu, ưu tiên cho dành đặc khu những con người tốt nhất để phát triển.
            THỨ HAI, đơn vị đặc thù phải có những con người đặc biệt. 
            Một trong những điều tôi hết sức quan tâm khi nghiên cứu về đặc khu là cơ chế thu hút nhân lực cho đặc khu sau khi được thành lập, bao gồm cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư trong khi chưa có quy định pháp luật hay chính sách rõ ràng của nhà nước về vấn điều này. Đương nhiên dự luật không quy định cụ thể vấn đề này là dễ hiểu, bởi những vấn đề cụ thể hơn sẽ được ghi nhận trong các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư,… Mặc dù vậy, tôi cũng muốn đưa ra một vài ý kiến chủ quan về vấn đề này.
          Chúng ta đều biết, các vị trí được lựa chọn để xây dựng đặc khu là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Đây là những vị trí hết sức tiềm năng về phát triển kinh tế nhưng chưa có được sự đầu tư nhiều để phát triển, cả trong và ngoài nước, chủ yếu hiện nay là đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, nghỉ dưỡng,... Về vị trí địa lý và dân cư, cả ba địa điểm này đều có biển (trong đó Phú Quốc, Vân Đồn là các đảo gần bờ) nhưng nằm cách xa khu vực trung tâm, dân cư còn thưa thớt và chủ yếu là lao động có trình độ không cao. Do đó, giải pháp trước mắt sẽ là thu hút nhân lực, đặc biệt là lao động trình độ cao từ các vùng khác trong tỉnh, từ tỉnh, thành khác để đáp ứng yêu cầu về nhân lực và trình độ nhân lực để phát triển; còn giải pháp về lâu dài sẽ là đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên đào tạo cư dân, con em các gia đình trong đặc khu và người dân bản địa để họ quay trở lại đóng góp cho sự phát triển của đặc khu.
          Tuy vậy, bất lợi lớn của các đặc khu kinh tế trong việc thu hút nhân lực trong nước là nằm ở vị trí địa lý xa trung tâm, thậm chí là ở ngoài đảo, vẫn còn khá hoang sơ, dẫn đến tâm lý e ngại cho người tài. Vì vậy, để thu hút đối tượng này đến với đặc khu, khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng lao động Việt Nam, nhà nước một mặt cần nhanh chóng hoành thành các hạng mục công trình thiết yếu như đường xá, trường học, bệnh viện…, mặt khác cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích như hỗ trợ mua, thuê nhà giá rẻ; miễn, giảm sinh hoạt phí cho gia đình, học phí cho con em các gia đình mới chuyển đến đặc khu trong một khoảng thời gian nhất định (khoảng 6 tháng là hợp lý),… để họ sớm ổn định cuộc sống và yên tâm cống hiến.
          Bên cạnh nguồn nhân lực cho lĩnh vực tư, nguồn nhân lực cho các cơ quan công quyền tại đặc khu cũng cần được nhà nước đặc biệt quan tâm và chú trọng. Thiết nghĩ, đặc khu nên được ưu tiên về con người, nhà nước cần đề ra kế hoạch tuyển chọn cán bộ, nhân viên chuyên môn cho bộ máy tổ chức chính quyền đặc khu và tổ chức thi tuyển trước khi đặc khu khánh thành một cách công bằng, rõ ràng, công khai, không để xảy ra tình trạng “con ông cháu cha” thiếu năng lực chiếm mất chỗ của người tài. Sau khi thi tuyển, nếu đặc khu chưa có đầy đủ nhân lực đạt tiêu chuẩn, nhà nước chọn ra những cá nhân tài năng trong bộ máy nhà nước hiện nay cho các vị trí còn trống trong bộ máy chính quyền đặc khu. Để cán bộ, công chức, viên chức đặc khu yên tâm công tác, hạn chế tiêu cực, hạch sách, nhũng nhiễu, ngoài việc giành cho họ các chính sách ưu đãi để sớm ổn định cuộc sống thì cũng cần có chế độ đãi ngộ, lương, thưởng hấp dẫn hơn so với hiện nay.
          Tầm nhìn hướng đến trong tương lai là xây dựng đặc khu không chỉ trở thành sân chơi năng động của những nhân tài, những doanh nghiệp hàng đầu của nước ta với bạn bè quốc tế mà còn là nơi đào tạo nhân tài, là môi trường lý tưởng để người tài rèn luyện, cung cấp nguồn lãnh đạo có tầm nhìn, nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu vực, tỉnh thành khác trong cả nước.