Vài ngày gần đây, khi lướt pinterest, tớ có vô tình thấy được bức ảnh này. Không biết mọi người cảm thấy thế nào khi nhìn nó. Nhưng với tớ là khá mơ hồ. Bức ảnh này mang đậm chất siêu thực và gợi mở một cảm giác mơ hồ giữa thiên thần và ác quỷ, thuần khiết và đen tối, ánh sáng và bóng tối. Có hai đứa trẻ giống hệt nhau, mặc trang phục trắng cổ điển, đầu đội vòng hào quang như thiên thần, mỗi người bế một con cừu – một trắng, một đen.
Hai cậu bé đều trông rất đáng yêu phải không? Tớ thấy cả 2 tuy cùng có chiếc vòng nguyệt quế biểu trưng cho sự thánh thiện và thiên thần - những thứ vốn tượng trưng cho sự an toàn và dễ chịu. Thế nhưng khi nhìn tấm ảnh này, chắc hẳn ai cũng cảm thấy hơi rợn, có lẽ là do tông màu và nét mờ ảo. Con người chúng ta dễ cảm thấy sợ hãi bởi những thứ không rõ ràng mà. Thế nhưng tớ lại cảm nhận nó theo một cách khác.
Theo tớ, thiên thần ôm chú cừu trắng tượng trưng cho sự thật, công lý và lẽ phải - những thứ đáng lẽ phải mang lại cho con người ta cảm giác được an toàn. Thế nhưng trong tấm ảnh này, nhìn cậu trông khá buồn. Phía ngược lại, thiên thần ôm chú cừu đen tượng trưng cho mặt trái - tức là sự dối trá, phủ nhận và công lý cực đoan. Chúng ta dễ dàng thấy cậu bé đang nở một nụ cười có phần quỷ dị. Tớ nghĩ rằng thiên thần ôm cừu trắng dù luôn cố gắng phủ nhận sự tồn tại của cái ác thế nhưng ở phía bên kia, cậu dù có cố gắng chạy trốn đến đâu thì cậu bé ôm con cừu đen vẫn sẽ luôn đeo bám cậu, bằng chứng là hình ảnh hai cậu bị khâu chặt lại với nhau. Chúng ta dù muốn hay không rồi cũng sẽ phải công nhận rằng chúng luôn tồn tại song song và không thể thiếu một trong hai. Giống như hai mặt của một đồng xu, dù mặt chúng ta thường thấy có đúng cỡ nào thì mặt trái lại cũng đúng không kém, chỉ là chúng ta đơn giản không đủ can đảm để thừa nhận thôi.
Họ không phải hai cá thể riêng biệt, theo cảm nhận chủ quan, tớ cảm giác tấm ảnh này phản ánh chính loài người chúng ta. Bản chất chúng ta sinh ra theo tớ nghĩ là không hoàn toàn lương thiện như nhiều người vẫn nghĩ, chúng ta cũng có cái ác. Và điều này còn thể hiện rõ hơn nữa ở những bệnh nhân tâm thần. Đó là sự đấu tranh, nhưng kẻ thù ở đây lại không phải ai khác mà là chính chúng ta, một cuộc chiến không hồi kết bất phân thắng bại. Chúng ta dễ dàng thấy cảm thông với một người có cùng hoàn cảnh, nhưng cũng đồng thời tỏ ra thờ ơ hay thậm trí là khinh bỉ với những thứ không bình thường. Cũng giống như hai thiên thần nhỏ kia, một bên thì hết lòng vì lẽ phải và sự thật, bên còn lại có lẽ sau quá nhiều đổ vỡ, phản bội đã không còn niềm tin vào cái thứ gọi là công lý hay phép màu
Có lẽ những bệnh nhân tâm thần như tớ đây không phải là những kẻ đáng sợ nhất, bọn họ chỉ đơn giản là phản ánh quá đúng bản chất của loài người - thứ mà bao lâu nay xã hội đã gắn cho cái mác không đúng chuẩn mực đạo đức. Nhưng thực ra tớ cảm thấy xã hội này cũng có nhiều thứ cần xem xét lại. Tại sao chúng ta lại chối bỏ bản chất của mình? Tại sao cùng là những thiên thần nhưng thiên thần ôm chú cừu đen lại bị chúng ta chối bỏ? Liệu đó có phải những tiêu chuẩn kép? Ví dụ như khi chúng ta giết một con nhện thì được coi là anh hùng nhưng khi giết một con bướm thì bị coi là tội đồ? Loài người là sinh vật như thế sao? Chúng ta dễ dàng để đặt ra một quy tắc và coi đó là quy chuẩn đạo đức, nhưng tại sao đối với những trường hợp đặc biệt như ví dụ trên, những hành động đáng ra bị xã hội gắn cho cái mác "xấu" lại không bị lên án, thậm trí được tung hô? Chúng ta cứ nghĩ mình là thiên thần ôm con cừu trắng, nhưng sự thật liệu có phải thế? Hay tất cả chúng ta suy cho cùng cũng đang dần trở thành những thiên thần ôm chú cừu đen mà không hề hay biết? Có lẽ là không có một câu trả lời nào là chính xác. Tùy vào từng người thì sẽ có những câu trả lời khác nhau và dù xét ở khía cạnh nào, thì nó vẫn sẽ có phần đúng cả thôi.
Nguồn: Pinterest
Nguồn: Pinterest