Tôi đã không có dịp được học bài thơ Bên kia sông Đuống ở lớp 12.
Tôi vẫn nhớ có những buổi trưa năm 13 tuổi nằm trên sàn nhà mát lạnh, nghe chị tôi đọc thành tiếng cuốn giảng văn để học thuộc lòng cho bài thi nghị luận văn học. Tôi nghe rõ ràng chị tôi đọc Các vị la hán chùa Tây Phương của Huy Cận, Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu và Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, nghe ra những đoạn thật là hay:

Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì


Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay

Nhưng đến thời tôi, những tác phẩm ấy đều được gỡ khỏi sách giáo khoa. Nhiều năm sau, tôi mới vô tình đọc được đầy đủ bài Bên kia sông Đuống. Khi ấy (cũng như bây giờ), tôi là một đứa rất dễ xúc động trước sự lớn lao của lòng yêu nước và tinh thần cách mạng. Ngay từ khi học cấp hai, tôi đã cảm thấy rơm rớm nước mắt khi đọc Bà má Hậu Giang của Tố Hữu, thậm chí những khi quá tập trung vào lời của Tiến quân ca, tôi sẽ hát với một vẻ hồi hộp khấp khởi.
Có lẽ vì, xét cho cùng thì tôi vẫn là một kiểu "búp măng non lớn lên trong mùa cách mạng", lớp bốn đã vào Đội Thiếu niên tiền phong, được nghe kể về những Võ Thị Sáu, Kim Đồng. Tôi hiểu rằng, lòng yêu nước của tôi, cũng giống như Ilya Ehrenburg viết, nó bắt nguồn từ lòng yêu những vật tầm thường nhất.

Tôi yêu đất nước này rau cháo
Bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
Áo đứt nút qua cầu gió bay
Tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan
Tôi yêu đất nước này lầm than
Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển
Ăn rau rìu rau éo rau trai
Nuôi lớn người từ ngày mở đất
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng.
Tôi đi hết một ngày
Gặp toàn người lạ
Chưa ai biết chưa ai quen
Không biết tuổi không biết tên
Cùng sống chung trên đất
Cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam
Cùng có chung tên gọi Việt Nam
Mang vết thương chảy máu ngoài tim
Cùng nhức nhối với người chết oan ức
Đấm ngực giận hờn tức tối

(Bài thơ của một người yêu nước mình, Trần Vàng Sao)

Đúng như Phan Ngọc nói: "Cái đẹp tâm hồn, khí phách, cái lớn của cách mạng, tự nó đủ sức lôi cuốn mọi người Việt Nam vì dưới đáy lòng mỗi người Việt Nam đều có một Trần Bình Trọng", đến giờ tôi không cảm thấy có gì phải hoài nghi cái tình cảm đó cả, tôi yêu nước cũng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Thái Học yêu nước và cũng như Dương Thu Hương, Đặng Thùy Trâm yêu nước.

Anh Lê, anh có yêu nước không?

Anh có yêu câu vọng cổ có anh bán chiếu nghèo trên dòng kênh Ngã Bảy không? Anh có yêu câu nam ai, nam bằng, yêu điệu hò mái đẩy trên dòng sông Hương, dưới bóng chùa Thiên Mụ, bên bến Văn Lâu có người đi câu sầu thảm hay không? Anh có yêu giọng chèo, nhịp phách, yêu vai trung mặt đỏ, vai nịnh râu còi, yêu tiếng gõ bài chòi, yêu con Ba Gà, con Tứ Sách, con Nhứt Nọc, con Nhì Nghèo không? Anh có yêu sự tích vỏ trứng hóa thành năm ngọn núi, yêu bàu Sấu, yêu dã tràng bao đời xe cát, yêu chàng tiều phu dưới hang sâu vung búa đánh chằn không?

(Viết cho mình lúc nửa đêm, Phan An)


Hoàng Cầm yêu nước trước hết vì ông yêu quê hương Kinh Bắc, yêu đất mẹ bên kia sông Đuống, nơi có tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong, có chợ Hồ, chợ Sủi, những hội hè đình đám trên núi Thiên Thai, trong chù Bút Tháp, giữa huyện Lang Tài, nơi có những nàng môi cắn chỉ quết trầu, những cụ già phơ phơ tóc trắng, những em sột soạt quần nâu, những cô hàng xén răng đen cười như mùa thu tỏa nắng, những người thợ nhuộm Đồng Tỉnh, Huê Cầu...
Nơi có đàn con thơ tranh nhau một bát cháo ngô, đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn:

Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh

Và có mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong:

Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông

Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

Tôi yêu nước vì đất nước có mẹ tôi. Mẹ thì bao dung và nhất là, mẹ thì kiên nhẫn, lặng lẽ và chịu đựng - những điều mà một nhà phê bình tôi thích từng gọi là "bản thể của xứ sở này", xứ sở này có ý nghĩa và giá trị hay không, chính là nhờ những sự chịu đựng như thế.

Về những người mẹ trong kháng chiến, Phạm Duy từng kể trong hồi ký:

Từ một bản có cái tên là Nà Thúm, đội quân đi về phía Nam. Đi tới đâu thì cũng thấy cảnh tàn phá với những bản thôn vắng tanh và những nhà sàn bị cháy rụi đang còn bốc khói. Đồng bào thiểu số đã sơ tán vào tận rừng sâu hết cả rồi. Cũng may mà đội quân đang ngất ngư vì đói thì tới được một nơi có một rừng cam với mầu vàng ói đến nỗi mọi người phải nhức mắt. Đang thèm ăn quá thì gặp một bà ké (tức là một bà mẹ). Bèn lễ phép xin bà cho ăn. Bà đồng ý cho ăn cam nhưng không được hái đem đi. Mọi người vội vàng ùa vào rừng cam ăn lấy ăn để, theo kiểu ăn cam nhả bã đến độ bị say cam như bị say rượu vậy. Có lẽ cái bụng trống rỗng bị chất át-xít của nước cam làm cho cồn cào và người ăn bị phản ứng. Nhân vật bà ké này là một phản ánh tuyệt vời của người dân Việt Bắc đối với cuộc kháng chiến lúc đó.

Đội quân ''cảm tử'' đóng trại tại cái bản thôn đã bị tàn phá này với những cái bụng hãy còn đói và với một câu thốt lên của anh bạn Giang Cao là:

- Thèm vài quả trứng gà quá ta.

Bà ké nghe thấy và lẳng lặng đi moi móc ở trên những nhà sàn chưa bị cháy rụi đủ mọi những thứ còn lại của khoai, của sắn, của củ cải, của cơm lam... rồi bỏ vào nồi đốt lửa nấu chung thành một thứ lương thực không tên. Rồi mang tới cho toàn đội ăn. Giang Cao cũng như các anh em đồng đội nghĩ rằng sáng mai sẽ trả ơn bà ké bằng một số tiền nào đó cũng là đủ lắm rồi. Ăn xong, mọi người gối đầu gác chân lên nhau mà ngủ.

Sáng hôm sau, trước khi hành quân lên đường, Giang Cao đưa tiền cho bà ké. Bà ké không nhận. Cố nài nỉ bà thì bà khóc và nói rằng :

- Ké có hai đứa con trai đi Vệ Quốc Đoàn. Một đứa đã chết ở mặt trận Phe Đén, một đứa hiện ở đâu không biết ? Gặp các anh em, cho các anh em ăn với hi vọng con của ké ở đâu đó cũng có cái ăn...

Tất cả mọi người nghe bà ké nói như vậy đều khóc hết. Mấy anh chỉ huy, anh thì lột cái khăn che cổ làm bằng vải dù ra, anh thì thò túi rút cái bút chì ra, anh thì lục ba lô lấy mấy viên ký-ninh ra để tặng bà ké. Nên nhớ rằng trong kháng chiến, đó những thứ đồ qúy giá nhất, cần thiết nhất của người đội viên. Nhưng mọi người đã đưa tặng bà ké để nói lên cảm tình cao đẹp nhất của mình. Đẹp nhất là bà ké nhận những thứ đồ tặng đó một cách rất vui vẻ dù rằng chưa chắc bà ké cần tới cái khăn đeo cổ, cái bút chì hay vài viên ký ninh đó. Cái đáng kể ở đây là thái độ rất đẹp của tất cả mọi người, của một bà mẹ có con đi kháng chiến và của những người thanh niên đã phải xa cha mẹ để đi làm chiến tranh.

Hoàng Cầm cũng viết về một bà ké tương tự:

Đêm buông xuống dòng sông Đuống
Con là ai?
Con ở đâu về?
Hé một cánh liếp
Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời khôn nói năng



Nhiều nhà phê bình thơ Hoàng Cầm ngợi ca ông vì ông đã làm được một việc mà rất hiếm nhà thơ làm được, đó là dựng lên một thế giới tinh thần rất riêng. Tôi đọc thơ Hoàng Cầm không đủ nhiều để có một cái nhìn tổng quát, nhưng có một đặc điểm của thơ Hoàng Cầm mà tôi nhận thấy là nó mở ra liên tiếp những hình ảnh liên kết với nhau bởi một đường dây cảm xúc, giống như kỹ thuật montage trong điện ảnh:

Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như xéo lên đống lửa
Mà cánh đồng ta càng chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc, dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu xế trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
“À ơi... cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù”
Tiếng em cắt cỏ trại tù
Căm căm gió rét mịt mù mưa bay
“Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu...”

Thơ Hoàng Cầm mở ra theo chiều ngang một bề mênh mông bát ngát những thanh và sắc, vừa phong phú lại vừa tinh vi. Phải chăng đó là cái mà người ta gọi là một "hồn thơ rộng mở"? Sự trùng trùng điệp điệp của hình ảnh thơ Hoàng Cầm làm nên một tính chất epic đặc biệt, khiến tôi như bị điểm huyệt, thôi miên, cứ ngỡ ngàng sao tác giả lại viết được như vậy:

Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đã tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để nó cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời

Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

Tố Hữu, trong một bài phỏng vấn quan trọng vào lúc cuối đời, có nói: "Bên kia sông Đuống đồng nghĩa với sự bất tử. Chỉ riêng Bên kia sông Đuống cũng đủ đưa Hoàng Cầm lên đài danh dự". 
Nhưng Hoàng Cầm không phải là "one-hit-poet", những trác tuyệt của Bên kia sông Đuống còn tiếp tục trong Về Kinh Bắc, trong Mưa Thuận Thành, trong Lá diêu bông và thực ra đã có từ trước đó rất lâu với Kiều Loan hay Cô gái nước Tần. Hoàng Cầm Bùi Tằng Việt là một và duy nhất trong thi ca Việt Nam.
10.03.20