“Trò chơi Mực ống” (Squid Game) từ góc nhìn của một tín hữu.
“Trò chơi Mực ống” (Squid Game)
Bình thường rất hiếm khi tôi xem những phim mà nhiều người đổ xô đi xem… phim Trò chơi Mực ống cũng vậy. Nhưng vì những người vô thần đã sử dụng triệt để những tình tiết trong phim để nói về Chúa theo cách của họ, nên đã khiến tôi tò mò.
Đây là một bộ phim hay về chuyên môn, ko phải bàn cãi, nhưng tôi chỉ chia sẻ từ 1 góc nhìn của mình.
Dù nó vốn là phim kinh dị nhưng nội dung phim phảng phất thế giới quan nổi trội trong đó: hữu thần, vô thần, hư hô, “hiện sinh vô thần cực đoan”,… nhưng “chiến thắng cuối cùng” trong phim này có lẽ là chủ nghĩa nhân văn? Người viết ra nó không hề tầm thường một chút nào, nó đã tạo được cơn sốt ngay từ lúc đặt bút viết. Phim kể về 456 người chơi khốn khổ, nợ nần, bị tìm hại trong cuộc sống, hay ở trong tình cảnh như địa ngục ngoài xã hội, họ cần rất nhiều tiền để có thể tiếp tục trong xã hội… họ đã bước vào trò chơi dành cho trẻ con và nếu thua thì phải trả bằng mạng sống vì họ đã ký vào bản thế thân xác mình. Nhưng họ không biết trước họ sẽ bị giết nếu thua. Họ chỉ biết sau khi chơi trò chơi thứ nhất.
Người sống sót duy nhất trải qua tất cả các trò chơi sẽ nhận được số tiền 45,6 tỉ won ~ 875 tỉ đồng. Phim đưa đủ thể loại người trong xã hội vào một trò chơi sinh tồn, mà ta có thể dùng 3 từ tóm lại như phim của Clint Eastwood, “Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại” - The Good, the Bad and the Ugly (1966) để dạy người ta sống trong góc tối của xã hội. Nhưng rốt cục, thì tay tất cả đều nhuốm máu, mọi tôn giáo, mọi tư tưởng đều nhuốm máu. Nhưng bi kịch lớn nhất trong phim được đẩy lên cao nhất khi người chơi ghép đôi để chơi trò mà họ không biêt trước, đó là trò đoạt bi ve của ngưòi khác. Và những người bạn, người thân nhất, người tốt, xấu, tôn giáo đều lừa lọc nhau, chồng lừa vợ và đẩy vợ vào chỗ chết còn mình thì treo cổ tự tử. Tính nhân văn được đẩy lên khi ji-yeong chấp nhận hy sinh cho người bạn của mình vì vốn cuộc đời với cô cho là vô nghĩa cho đến khi tìm được người bạn. Hóa ra người không có người để ghép lại hạnh phúc nhất trong trò này.
Phải đến 99,99% những gì nói về Chúa trong phim giới thiệu không tích cực về Chúa và Cơ đốc giáo nói chung đặc biệt là Tin lành - tôn giáo chiếm một lượng lớn dân số Hàn Quốc (khoảng 30%). Tập 1 chỉ có duy nhất một lần nhắc đến Chúa, đó là Nam chính trong lúc đợi ở tàu ga điện ngầm thì có một người tìm đến anh ta, ban đầu Gi hun tưởng rằng người tìm mình là những tín hữu Tin lành thường xuyên làm chứng đã nói ngay rằng: “Tôi không tin Chúa Giê-xu” và anh ta giải thích nhà mình theo đạo Phật từ nhỏ. Nhưng từ tập 5 trở đi, Chúa được nhắc đến nhiều hơn và Chúa được họ mô tả như một ông thần nhu nhược, “bại liệt” trước cái ác, thờ ơ, Chúa như thể là vị thần không tồn tại qua những lời thoại. Điều nổi bật là Ji-yeong đã kể những câu chuyện đau buồn của tuổi thơ mình khi chứng kiến cha mình đánh đập mẹ mình, hãm hiếp mình và rồi mỗi lần như thế đều cầu nguyện với Chúa xin tha tội. Điều cay đắng với Tin lành Hàn Quốc cha của Ji-yeong lại là Mục sư, Ji-yeong kể đến khi giết mẹ mình thì ông ta đã không cầu nguyện... Ji-yeong cho rằng ông ta có cầu nguyện cũng không được tha thứ, và phải chăng đức tin của Ji-yeong vẫn còn sót lại, khi cô quyết định đạt đến mức cao nhất trong tình yêu thương khi tìm được người bạn Sae‑Byeok và quyết định hy sinh tính mạng vì bạn mình? Phim không hẳn là mang màu sắc chống Chúa nhưng nó chỉ là khéo léo để mỉa mai, kể phần nào về mặt tối của Cơ đốc giáo và khi kể về Cơ đốc giáo hay bất kỳ tôn giáo nào đi nữa thì nó đầy dẫy những khiếm khuyết. Bởi bản thân chúng ta đầy những khiếm khuyết, những tội lỗi. Điều này làm chúng ta nhớ đến Ralph Winter, ông nhắc nhở chúng ta đừng giảng về mình, đừng giảng về Cơ đốc giáo, đừng làm cho Cơ đốc giáo trở thành một tôn giáo mang đầy tính cạnh tranh, chúng ta phải bớt giảng về Cơ đốc giáo và chỉ giảng về Đấng Christ. Bởi phần lớn Cơ đốc giáo đã sống quá khác với Đấng Cơ Đốc. Đương nhiên chúng ta không thể đòi hỏi phim phải chiếu về những người tốt, điều tốt của một tôn giáo.
Chỉ có hình ảnh cuối cùng mang một chút tích cực, nhưng nó mang tính “hề” nó khiến những người Tin lành Hàn Quốc có thể nở một phần nghìn của nụ cười, đó là cảnh một tín hữu đứng và hô to giữa đường phố, làm chứng, kêu gọi mọi người ăn năn tội và tin Chúa Giê-xu. Nó được xuất hiện một cách “hề” hơn là một cách tôn trọng. Nội dung đoạn đó như một cú tát vào mặt mặt tất cả “Các người sống như vậy nhưng vẫn cứ giảng thật hùng hồn làm sao”.
Trò chơi dẫn đến cái chết, người ta có cơ hội để khước từ trò chơi nhưng trước cuộc sống bị săn đuổi ngoài xã hội, cuộc sống không còn tài nguyên nào đã khiến họ chấp nhận tay nhuốm máu vì đồng tiền, hình ảnh một nhân vật cầu nguyện với Chúa từ tập 5 trở đi và chết ở trò chơi qua cầu kính khi cầu nguyện như nói lên tất cả. Chính nhân vật này đã được khai thác để mỉa mai khi mưu mô của anh ta - một tín hữu còn ác độc hơn cả những người chưa tin sau trò chơi kéo co. Và chẳng có một cái kết tốt đẹp nào cho bất kỳ tôn giáo nào kể cả Phật giáo trong phim này, vì mọi người đều nhuốm máu của người khác.
Giết người bằng trò chơi là điều ác như chính những người chơi đã phán, nhưng với cái nhìn khác của Ông già – chủ game và đám Vip như thể là đệ tử của Nietzsche “về độ cực đoan”, kẻ đòi giết Chúa, tuyên bố Chúa chết rồi, nhà thờ có lẽ chỉ là nấm mồ của Chúa, sống một cách điên loạn, bệnh hoạn, hạnh phúc vì trò chơi, uống rượu thưởng thức cái chết của từng người, miễn là mình vui, mình hạnh phúc, quả là đạt đến ngưỡng max của đặt mình làm trung tâm. Chúng ta chẳng phủ nhận đóng góp triết học của Nietzsche, nhưng sự cực đoan với Cơ đốc giáo, được xem là “thành công nhất” trong cuộc đời chống Chúa của Nietzsche. Ba con quỷ dữ của thế kỷ 20 được Paul Johnson nhắc đến là Hitler, Stalin, Mussolini đều chịu ảnh hưởng từ Nietzsche. Điều hài hước mà Ravi Zacharias cho chúng ta biết Nietzsche đã biết hậu quả của “cái chết của Thượng Đế” do ông mãnh liệt gieo trong xã hội và chính ông tiên đoán rằng Chúa đã đã chết ở thế kỷ 19, nên thế kỷ 20 sẽ có 2 hậu quả: thế kỷ 20 là thế kỷ đẫm máu và một tình trạng điên loạn chung sẽ xảy ra. Và “đám đệ tử cực đoan” của ông quả là giỏi về trong sự Bạo động, tàn bạo; Hoài nghi; Bất mãn, bế tắc… còn Nietzsche thì bị điên đúng như lời tiên tri của mình và die năm 1900. Thành thật mà nói cho đến thế kỷ 21 chúng ta cần nói rằng: Mác đã chết, Lê-nin đã chết, Nietzsche đã chết còn Chúa không chết.
Bộ phim này tạo cơn sốt không chỉ về sự đầu tư, hay tất cả những gì thuộc về chuyên môn mà nó vốn có ở điện ảnh, mà nó tạo cơn sốt về tư tưởng, về Chúa, để tất cả mọi thể loại người đều phải tò mò xem. Thượng Đế luôn là chủ đề hot nhất mọi thời đại. Người ta vẫn quan tâm đến đúng / sai ngay cả trong trò chơi sinh tồn (giết người) này, đó là bởi Chúa, Ngài vẫn là chuẩn mực là Căn nguyên của đạo đức khách quan.
Kết lại, tôi muốn dùng ngụ ngôn cỏ lùng (Ma-thi-ơ 13: 24-30) mà Chúa Giê-xu đã kể, để nói rằng Chúa sẽ diệt cái ác vào ngày cuối cùng. Tất cả đều sẽ bị phán xét về mọi việc mình làm. Bạn có sự tự do lựa chọn và chịu trách nhiệm về điều đó. Còn những ai tin Ngài hãy sống theo Kinh Thánh, giữ vững đức tin nơi Ngài cho đến cuối cùng.
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất