-----------------------
Nó bị bắt nạt, ngay từ cấp một. “Lêu lêu cái thằng không cha không mẹ”. Đám con nít mũi còn thò lò nước chọc nó thế.
Đọc như hát, nói thành giai điệu, nghe cứ đứt quãng vì chúng nó vừa nói vừa chạy nhảy xung quanh, le lưỡi, vỗ mông. Toàn những thứ học được trên ti vi. Người ta, nhân vật hoạt hình, họ làm thế để chế giễu một người nào đó, bọn đấy xem được và bắt chước theo, có điều sai tình huống, vì đấy chẳng phải chuyện để đem ra chế giễu. Nhưng chúng nó chẳng biết. Những kẻ ngốc bị trêu chọc, kẻ trêu chọc được tung hô, chúng nó nghĩ thế là hay, chúng nó bắt trước theo, và nghĩ mình hay. Nom chẳng khác nào đám khỉ. Rõ một lũ mất dạy. Cũng đúng. Vì chúng nó chưa được giáo dục về lòng tốt, sống chủ yếu bằng bản năng.
Chúng nó chọc nó, bằng cách khơi gợi nỗi đau, lại còn đi chê cười, khiến người khác tức giận. Chúng nó xúc phạm, động chạm đến nỗi đau người khác, nhưng lại không ý thức được sự tệ hại của việc đó. Giáo dục chủ yếu dạy lí thuyết, đạo đức toàn quy tắc ứng xử, chẳng ai dạy chúng nó lẽ đời. Bọn đấy thản nhiên làm những điều mà bản thân còn chẳng biết là xấu, bởi chúng nằm ngoài những gì được dạy, để tìm vui.
Chúng nó chọc nó, nó giận lên, nhiễm thói bạo lực từ bố (cũng không hẳn, gặp cái bọn đi cà khịa kiểu khốn nạn thế thì chỉ trừ khi què quặt, người bình thường ai cũng muốn đấm chúng nó), nó lao vào đánh bọn kia. Nhưng bọn kia đông hơn, nhanh hơn nó. Chúng nó né, chạy, chọc, lao vào giữ nó, gỡ tay nó ra để cứu bồ, rồi lại vờn, nó chẳng làm gì được bọn đấy. Điều đó, chỉ tổ làm chúng nó thích thú hơn. Nó không đánh được ai, khiến bọn kia thấy mình là kẻ mạnh. Như người nguyên thủy vờn mồi, hay như mấy ông chọc tiết dê để thịt ngon hơn. Vì đó là một cái thú. Việc đó làm chúng nó thích thú. Nó không chạm được đứa nào, bị chọc, bị xúc phạm, thậm chí bị đánh lại, nó gào lên, nó ngồi vạ ra đấy, rốt cuộc cũng chỉ khiến bọn kia thích thú hơn. Ỷ đông hiếp yếu? Chúng nó chẳng quan tâm. Đây có phải thời xưa mà ngay cả con nít cũng biết đạo quân tử? Nhưng thực ra chỉ cần nói là chúng nó hiểu ngay. Vấn đề là chẳng ai nói cả, chỉ báo chúng nó không được đánh bạn, thế thôi. Kết cục là nó bị cô lập. “Thằng hèn, thằng méc cô giáo”. Chẳng gì đổi thay. Dù thực ra cô phát hiện chứ chẳng ai mách, và bọn đấy mới là lũ hèn.
Nó bị cô lập, hết nguyên cái năm đó. Năm sau chẳng đứa nào nhớ, chúng nó chỉ còn ghét nhau theo kiểu chẳng thèm nói chuyện. Nhưng giai đoạn kết bạn đã qua. Cộng với bị bắt nạt, bị cô lập, nó hình thành cái tâm lý tự ti. Nó chẳng nói chuyện được với ai, nói ra thì bị bọn kia làm đủ trò để át đi, tệ nhất là chúng nó ngồi gần nhau. Hàng xóm còn chẳng quen được, những đứa ngồi xa, nó gần như chẳng có cửa. Bọn này lại là lũ máu mặt trong lớp. Bạn của con mồi cũng là con mồi, chẳng ai dám thân nó. Để rồi nó chẳng nói chuyện với ai.
*
Không có bạn bè, nó phải tìm niềm vui ở chỗ khác.
Nó hay chơi mấy trò chơi tưởng tượng. Nó cầm gậy, đánh nhau với cây khế. Nó xem tivi, nhất là hoạt hình. Đọc truyện tranh, toàn mấy cuốn cũ mèm, nát bươm. Và quan trọng nhất, nó đi nét. Nó hay lượn lờ tiệm net lúc học về, lúc ông bà đi làm. Nó ngó mấy anh lớn chơi game, thấy hay hay, nó ở lại tới sáu giờ chiều. Để rồi về tới nhà bị cả ông lẫn bà chửi cho vào mặt.
“Mày đi chơi nét phải không ?”
“Con chỉ xem thôi.”
“Không được đi nét !”
Người ta luôn có ác cảm lạ thường với tiệm net. Chẳng ai bảo trực tiếp là không được đi chơi net, nó cũng tự biết là không dược đi. Nó nghe ông bà bàn tán với hàng xóm về con nhà nào đấy bị bắt quỳ trước sân vì đi nét, không thì là mấy anh lớp trên xì xầm rủ nhau đi nét và có người từ chối do sợ ba má, thậm chí cả văn hóa phẩm với mấy từ ngữ kì thị khi nhắc đến tiệm nét. Độ phổ biến của cái sự cấm đoán này chắc chỉ thua mỗi ma túy. Cũng đúng. Vì số người đến tiệm net để thực hiện đúng những mục đích mà nó vốn sinh ra để làm, chỉ đếm trên đấu ngón tay. Cơ mà đối với đa số người thì tiệm net sinh ra để chơi game, như thuốc lá hay rượu. Họ hoàn toàn hiểu sai giá trị thật sự của nó.
Nói theo một cách nào đó, nó đến tiệm net theo đúng cái giá trị nguyên bản mà nó sinh ra để làm: giải trí. Nó không tốn tiền vào đó, nó không bỏ bê học hành hay những việc quan trọng khác, ít nhất thì lúc này là không. Bạn bè không có, ông bà đi làm cả ngày, có mặt ở nhà thì chỉ biết thúc bắt nó học, những trò giải trí của nó nhàm chán đến mức vô vị. Tiệm net là cứu cánh cho tinh thần lẫn tâm lý của nó. Nhưng ông bà chẳng quan tâm, ông bà chẳng biết điều đó. Chơi nét là xấu, xem cũng không được. Ông bà giới hạn niềm vui vốn đã ít ỏi của nó mà chẳng đưa ra giải pháp thay thế. Giá như ông bà quy định giờ giấc, đặt ra những giới hạn như chỉ xem chứ không được chơi. Nhưng không. Họ hoàn toàn kìm hãm tinh thần nó.
Và tất nhiên, đới nào mà một đứa như nó chịu được? Nó trốn đí chơi. Nó chơi luôn chứ không xem nữa. Nó nhịn tiền ăn sáng, ăn vặt. Giấu ông bà được là nó đi chơi. May phước, có lẽ vậy, không có bạn bè rủ rê, xúi giục, nó vẫn đi học đều. Nhưng nó đã vướng vào, đáng nói là một cách không kiểm soát. Việc nó đi quá giới hạn chỉ còn là vấn đề thời gian. Cơ mà đấy lại là lối thoát duy nhất của nó. Đời nó toàn bi kịch, niềm vui thì thiếu thốn. Không được đi nét, có khi nó đâm tưởng tượng ra một người bạn.
Lễ lạy nó vẫn đi. Trớ trêu thế nào, nhà ngoại nó cũng theo đạo, mới gần đây. Ngày mẹ nó đi, người ta xây xong cái nhà thờ cách nhà ngoại nó khoảng chục căn. Năm này qua năm khác, hàng xóm theo hoặc cải đạo hết. Người có đạo dời về đây rồi cũng thành hàng xóm. Ông bà cũng theo đạo luôn. Theo phong trào, nên ông bà cũng chẳng sùng đạo gì. Chỉ có đi lễ chủ nhật, lễ trọng, với tham gia mấy cái hoạt động của nhà thờ. Nghe người ta bảo, ông bà cho nó đi học giáo lí. Thế là nó vẫn giữ đạo.
Đi học giáo lí có bạn, đó là cái động lực của nó. Tuần gặp được có một lần, nhưng cũng còn hơn không. Ít nhất cũng làm kĩ năng xã hội của nó không chết đi.
Nó chỉ đi lễ chủ nhật, ông bà không bắt nó đi cả ngày thường, nhưng nó vẫn đi. Chơi game, tất nhiên rồi. Không được kiểm soát nó tệ vậy. Trẻ con ham chơi hơn bất cứ gì khác. Ông bà mà không theo đạo, chắc nó quên luôn Chúa. Nhưng ông bà không biết, ông bà tưởng nó sùng đạo, giống nội nó.
Vì tiếp tục giữ đạo đến tận sau khi có trí khôn, biết tự ý thức, Chúa trở thành một phần đời sống tâm linh của nó. Phần còn lại, và phần lớn, là mê tín. Ông bà theo đạo nửa với, theo phong trào, trước giờ chỉ toàn thờ ông bà, tin những gì hàng xóm tin, mới theo đạo vài năm không làm ông bà hay cái xóm này bớt mê tín đi, và nó thì tin theo ông bà, nên là vầng, nó cũng mê tín, những sự mê tín đầy chuyện buồn cười ấy.
“Con ông Sáu cuối kinh mới bị dong nhập đó bà! Trồi ôi, nó nằm dật hen, nó giật hen, nó hét, mà, hét lung tung hổng hiểu gì hết. Nó gặp cái gì nó cũng sợ. Ba nó xịt cái dòi nước mà nó cũng sợ luôn.”
“Ghê zậy? Dồi có mời thầy cúng gì dìa chưa ?”
“Nghe nhà nó nói rồi. Hình như hết luôn rồi hay dì í.”
Tuần sau thì thấy công an tới làm việc. Lần đó nghe nói triệt phá được hẳn cái đường dây buôn ma túy đá.
Nó bị nhiễm cả những cái như thế ngay từ nhỏ, bởi thế sinh ra cái đời sống tâm linh hỗn tạp sau này. Tôn giáo với nó chỉ là một thứ niềm tin, không phải nơi an ủi tâm hồn. Nó không tiếp cần được cái phần an ủi tâm hồn ấy. Nó tin theo những gì người ta tin, những gì người ta bảo nó phải tin. Nó bị nhồi vào đầu từ nhỏ và chúng trở thành tư tưởng của nó. Không phản biện, không suy ngẫm, thậm chí cả với đời sống.
Giáo lí vốn chẳng tác dụng gì, vì nó học vẹt. Nó tuyên xưng, nhưng cũng chỉ là tuyên xưng, nó biết mỗi cái mặt chữ và chẳng buồn đi hiểu chúng. Nó đi học giáo lí vì bạn bè. Dăm ba cái bài giảng, chẳng lọt vào tai nó bằng mấy câu chuyện cười học trên mạng của đứa ngồi cạnh. Đám bạn đó là niềm an ủi thứ hai sau cái tiệm net. Nói là thứ hai, nhưng cũng chẳng khác biệt gì thứ nhất, sẵn sàng bị thế chỗ bất cứ lúc nào. Như khi đi học xưng tội chẳng hạn. Phải đến nhà thờ trong một thời gian và đi lễ luôn, nhưng nó thì chẳng thấy phiền khi bỏ net, vì ở đấy có bạn.
Nó vô cùng thiếu thốn tình thương gia đình, đúng hơn là chẳng có. Nó cần niềm an ủi. Trên lớp chẳng có bạn bè, lại còn bị cô lập, bởi thế nó lệ thuộc đám bạn ở nhà thờ đến mức đạo nghĩa chẳng lột nổi bao nhiêu vào tai nó. Tôn giáo rồi cũng chỉ hình thành được ở mức niềm tin.
(Còn tiếp)