-----------------------
Thật buồn cười, vì đầy người vẫn còn thích giữ cái cách giáo dục từ thời trung cổ. Hiệu quả chưa thấy đâu, hậu quả thì đầy rẫy. Con người ta không được dạy dỗ bằng lí lẽ ngay từ đầu, lớn lên họ thành những kẻ chuyên đi ngụy luận, lôi cả từ chính tả hay soi mói ngoại hình để tìm cách thắng một cuộc tranh luận, những kẻ hay tự ái, thích dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề. Vì họ không quen dùng lí lẽ.
Giáo dục bằng bạo lực chỉ có hiệu quả tức thời và với một hành vi bị đem ra gắn với trận đòn đó. Không biết cái gì thật sự khiến mình bị phạt, rốt cuộc nó cũng chỉ làm sai theo một cách khác. Người ta đánh con mình để nó không đi chơi game, thì nó quay sang đàn đúm, tụ tập với bè bạn, rốt cuộc nó vẫn chẳng chịu học. Người ta đánh rồi bắt nó học, nó mới chịu học, nhưng thực ra là với sự ép buộc, chẳng đời nào có cái gì vào đầu nó nổi. Nó chỉ học cho xong nghĩa vụ, nó câu cho hết giờ là nó nghỉ, và người ta lại bảo sức học nó chỉ có thế. Giáo dục bằng bạo lực, rốt cuộc chỉ bạo lực mới có tác dụng với nó. Đòn roi chỉ có tác dụng với việc không được làm hay phải làm, còn việc nên làm thì không. Những việc nên làm nó sẽ chẳng bao giờ làm, nó không quen dùng lí lẽ để nghĩ về việc mình nên làm một việc không đến nỗi bắt buộc. Không nghĩ mình bắt buộc phải làm việc đó, nó sẽ chẳng bao giờ chịu đi phân tích những lợi ích mà việc đó mang lại, đem ra so sánh với cái việc đang thõa mãn nó một cách nhất thời mà nó đang làm.
Giáo dục bằng bạo lực ảnh hưởng lớn đến tính cách. Nó được dạy bằng bạo lực thay vì lí lẽ, nó sẽ không quen suy nghĩ, để rồi thực tế ra chẳng hề trưởng thành. Hơn 18 tuổi, nhưng đầu óc có khi chỉ bằng một đứa cấp hai, suy nghĩ về cuộc đời một cách nông cạn. Và như đã nói, hay tự ái, thích dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề, chuyên ngụy luận để bảo vệ cái tôi của bản thân. Tình cảm thì nghèo nàn, vì nó không biết nghĩ xem cái gì mới là đúng sai trong một mối quan hệ. Nó quen những kiểu quan hệ định sẵn như với cha mẹ chúng nó, những kiểu quan hệ nửa vời để làm vừa lòng xã hội, những kiểu quan hệ tồn tại trên những quy tắc mà xã hội chẳng mấy khi thèm tranh luận và sửa đổi.
Bạo lực giết chết lí lẽ. Những đứa có lí lẽ để nói ra nhưng bị vùi dập bằng bạo lực, nó sẽ không phục, nó sẽ biết cha mẹ nó không thể dùng lí lẽ để nói chuyện, nó sẽ chẳng đời nào tâm sự với họ, chắng chia sẻ với họ cái gì, nó sẽ chỉ coi cha mẹ mình như một thứ dây xích tròng vào cổ nó.
*
Cơ mà đầy người đánh con, họ chẳng bao giờ quan tâm nó sẽ nghĩ gì về mình. Họ có tư tưởng xã hội chống lưng, ra đời thể nào người ta cũng dạy nó kiểu “mặc kệ cha mẹ mày như nào, mày vẫn phải tôn trọng họ”. Người ta chỉ toàn lên án những đứa con bất hiếu chứ ít khi làm ngược lại, bởi “Xời, đứa nào mà chả từng ăn roi”. Điều đó khiến họ cảm thấy an toàn. Càng cảm thấy an toàn bao nhiêu, giới hạn bạo hành chấp nhận được của họ càng được nới lỏng bấy nhiêu, và có những người cứ thế đối xử với con mình như thú vật. Tất nhiên là cả thể xác lẫn tinh thần, có cả chửi bới, lăng mạ, sỉ nhục, bạo hành luôn bao gồm cả hai.
Có những kẻ trong xã hội thoải mái làm những điều tồi tệ, đơn giản vì chẳng ai lên án họ, khiến họ không nghĩ những gì mình làm là tồi tệ. Chẳng ai cho rằng việc họ làm là tồi tệ, hoặc đơn giản là khỏa lấp được bằng cái tư tưởng, lí lẽ nửa vời nào đấy mà người ta nghĩ có thể đem ra áp dụng với mọi hoàn cảnh. Còn không thì người ta tìm cách gán lên họ một cái quá khứ bi thương, rồi dựa vào đấy lí giải cho những hành động xấu xa của họ, rồi bảo người khác thông cảm, chịu đựng. Nhưng không. Có đầy những kẻ thực chất chỉ như một đứa trẻ chưa từng bị ăn roi, họ chẳng bao giờ biết thõa mãn mình một cách chừng mực là như nào, họ thản nhiên làm điều xấu ở chừng mực chưa gây hại cho họ, và có giời mới biết chừng mực đó là ở đâu khi họ chẳng bao giờ bị lên án. Những lời lí giải đó thậm chí còn được họ dùng để bóp méo cái quá khứ của chính mình, họ chẳng biết rằng có những người còn khổ sở hơn họ, họ cho rằng mình là người khổ sở nhất vì chẳng đem ra so sánh với ai, nhưng là để tự thanh minh cho hành vi bản thân, để cái tôi của họ không bị gây hại. Cơ mà người bày ra cái lời lí giải về quá khứ đau khổ đó đôi khi lại chính là những người trong cuộc, họ phải làm thế để tự lừa mình, để không phải nghĩ rằng mình đang sống trong một hoàn cảnh khốn nạn.
Và cái lí lẽ to lớn nhất mà người ta hay đem ra biện minh cho bản thân, đó là “tao đẻ mày ra”. Họ thoải mái đối xử với con mình một cách tồi tệ, và biện minh bằng công sinh thành dưỡng dục. Họ đẻ con cái ra, họ cho rằng con cái phải có trách nhiệm báo hiếu cho họ. Họ cho rằng mình cho người khác mạng sống tức là họ có quyền. Họ nghĩ công sinh thành là một thứ gì đó rất to lớn, vậy nên họ là nhất. Còn lâu. Đừng lấy công sinh thành ra làm lá chắn, vì nó chẳng có nghĩa lí gì. Đấy chẳng là cái gì ngoài đống ca dao sinh ra trong thời phong kiến được dùng để đàn áp tư tưởng của người thời đó, và bây giờ thì được họ dùng để đàn áp chính con mình cũng như biện minh cho bản thân.
Họ đẻ con ra, họ có quyền? Xin cảm ơn. Chẳng ai muốn sinh ra để làm nô lệ cả. Họ chẳng hề sinh con cái ra vì cái lí do gì tốt đẹp. Suy cho cùng thì cũng chỉ là để đáp ứng những cái định kiến mà họ còn chẳng thèm cố thoát ra, lấy vị thế với xã hội, hoặc chỉ đơn giản hệ quả cho vài phút sung sướng. Những người đó đã được trả công cho cái ơn sinh thành rồi.
Buồn cười là khi con người ta phải sinh ra trong cái hoàn cảnh khốn nạn với cha mẹ tệ hại, bởi họ không được phép lựa chọn, nhưng dù bị lăng nhục, bị đánh đập, hành hạ, họ vẫn không trở nên tự ti, nghĩ mình là kẻ vô dụng, họ đứng lên đấu tranh, họ lấy chính những lời lăng mạ đó làm động lực, họ không nghĩ theo hướng cam chịu, đổ thừa cái quá khứ đã lỡ rồi để tự thõa mãn mình, mà tu dưỡng tri thức và làm được những điều lớn lao để phản bác nó, để rồi được đền đáp bằng hạnh phúc, sống hạnh phúc. Thì người ta lại bảo nó nhớ ơn sinh thành, bảo nó “Cảm ơn cha mẹ đã sinh ra mình để có được ngày hôm nay”.
Nhà khác thì nhìn vào kẻ đó rồi bảo “cha mẹ nó cũng như mình nhưng nó lại giỏi, vậy nên chắc chắn con mình là thằng vô dụng”. Họ tiếp tục chà đạp, lăng mạ, sỉ nhục, làm con họ tự ti từ tận gốc rễ, quen cái thói đổ thừa như chính cha mẹ mình, nghĩ về nguyên nhân của mọi thứ theo hướng thõa mãn bản thân, không dám tự nhận cái sai. Họ phải sinh ra trong một gia đình khốn nạn, ra đời với những kĩ năng sống tệ hại học được trong cái gia đình đó, và rồi họ thất bại, họ chán ghét bản thân, họ lặp lại đúng những lời cha mẹ đã lăng mạ mình, trở nên chính xác những lời đó, họ tìm đến những kiểu quan hệ độc hại, vì đó là kiểu quan hệ duy nhất mà họ biết từ cha mẹ mình, họ áp lực, họ khóc lóc, có khi để rồi tự sát. Hay nói cách khác, họ sinh ra trong đau khổ, phải sống trong đau khổ, và chết đi trong đau khổ. Họ ước gì mình đã không được sinh ra, họ nguyền rủa cuộc đời. Để rồi chính những người sinh ra họ thì lại bảo rằng: “Đời mà”.
Xã hội đầy những đứa con bị đối xử như thế. Nhưng điều tồi tệ nhất, họ sau này lại đi trở thành những thứ từng gây ra đau khổ cho chính mình. Con người ta thường bảo vệ những tư tưởng mang lại lợi ích cho họ và chống lại chúng khi nó gây hại. Những kẻ chịu khổ đau vì cái tư tưởng nửa vời của xã hội sau này lại quay sang bảo vệ cái tư tưởng đó, bởi đã đến lượt họ hưởng lợi ích. Họ có được lợi ích, họ không còn coi đấy là thứ xấu xa, hay nghi ngờ về sự xấu xa của nó, còn không thì đấy lại là câu chuyện của kẻ cùng khổ và kẻ sung sướng. Kẻ cùng khổ vì muốn biến những gì mình phải chịu đựng thành lẽ thường nên bắt người khác làm theo, để không thấy mình đau khổ, kẻ sung sướng không muốn nghĩ rằng những giá trị mình đang được hưởng là xấu xa, hay thậm chí là có một mặt xấu xa, họ là kẻ tồi tệ nhất trong hai nhóm.
(Còn tiếp)