Hôm nay mình vừa kết thúc một trong những tác phẩm phiêu lưu hư cấu của James Albert Michener - Sáu người đi khắp thế gian (tựa tiếng Anh: The Drifters). Để lại cho mình nhiều cảm giác từ thẩn thơ trước những cảnh đẹp của tự nhiên, đến kinh sợ trước những cuộc chiến tranh vô nghĩa, tôn trọng quyết định của các nhân vật, và háo hức cho những hành trình sắp tới của những người "bạn" ấy.
The Drifters được xuất bản lần đầu năm 1971. Nội dung trọng tâm kể về những chuyến hành trình khám phá bản thân, lạc lối, rồi tìm thấy nhau của sáu bạn trẻ: Joe, Cato, Yigal (Bruce), Gretchen, Britta, và Monica. Cùng nhau, họ kinh qua những sự kiện lớn nhỏ lịch sử nhức nhối thời bấy giờ trong suốt những năm 1960: cuộc chiến sắc tộc, sự xuất hiện của Mỹ ở Việt Nam, chiến tranh Trung Đông, sự xung đột giữa các thế hệ, sự phóng túng trong đời sống tinh thần, thuốc phiện và tình dục, lý tưởng cá nhân; Cùng nhau đi qua những vùng đất mới, trôi dạt từ Torremolinos, Tây Ban Nha đến cuộc hành trình nhiều dấu ấn ở Pamplona ở phía Nam, qua Algarve, rồi chiêm ngưỡng sự hoang dã của tự nhiên ở Mozambique và sự chấn động ở Morocco. Những cuộc đi và cuộc đời ấy được thuật lại qua lời của một người kể chuyện mang tên Geogre Fairbanks, một "ông già sáu mươi mốt tuổi" tự nhận mình là lỗi thời nhưng đủ tỉnh táo để làm người hướng dẫn cho cả nhóm đi vòng quanh thế giới.
Kẻ già cả các ngươi sẽ mơ thấy những điều mơ ước, trai trẻ các ngươi sẽ nhìn thấy những ảo tưởng.
Tập 1 của quyển này đã thu hút mình ở một độ tuổi được cho là khá đẹp của một đời người - tuổi 20 - khi kể về lịch sử của từng nhân vật khiến bản thân bất cứ người nào trong độ tuổi 20 hoặc chớm trưởng thành cũng sẽ thấy đồng cảm. Nó cho ta thấy những nhân vật hư cấu này âu cũng chỉ là những người bình thường, không xuất chúng, không có những sức mạnh siêu nhiên và cũng bị vùi dập vì một số nhân tố. Sự đồng cảm ở đây được liên kết với ngày nay, bằng một cách vô tình, cố ý, hay có sự dự đoán trước tương lai khi nó được viết vào thế kỷ trước, khiến mình bị cuốn vào nó như một vòi rồng hút những thứ xung quanh trên đường đi của nó bằng một lực vô biên. Nó cho mình thấy sự lạc lõng giữa thế giới hiện đại, sự tìm kiếm chỗ đứng cho bản thân mình trên bản đồ, hay đơn thuần chỉ là tìm nơi chính mình gọi là "nhà" từ những con người bị vỡ mộng vì xã hội của mình, rồi nỗ lực dựng lên một Utopia (thiên đường trần gian) ở một miền đất hứa khác như những kẻ du mục trôi dạt khắp ngõ ngách của thế gian.
Cái chết là cách tạo hóa gợi ý rằng anh phải hãm tốc độ lại.
Bẵng đi một thời gian tám năm, sau những sự kiện trong đời: dịch bệnh, tốt nghiệp, đi làm, cống hiến - mình mới có dịp để hoàn thiện nốt chuyến hành trình của sáu nhân vật này ở Tập 2, với một con mắt khác, một con mắt có ít nhiều trải nghiệm hơn và suy nghĩ ít nhiều sâu hơn ở những tầng phía dưới ấy. Nó cho thấy những biến chuyển trong tâm lý của những con người ấy sau một thời gian lăn lộn khắp chốn "cùng chiếc pop-top màu vàng" và vài cái túi ngủ. Một số thì tận hưởng, một số tìm được câu trả lời cho mình, còn một số thì chấm dứt nó bằng một cách khốn cùng. Đến cuối cuộc hành trình, thay vì có một good ending như bao tác phẩm khác, những nhân vật này chọn một hướng đi riêng phù hợp cho bản thân mình, và tác giả James Albert chấp nhận và tôn trọng những điều ấy như cách mà xã hội ngày nay của chúng ta vận hành: lắng nghe, cô đọng và tôn trọng vì thế giới của ta là của ta, của họ là của họ nơi "mà tớ làm chủ được . Tớ không muốn những mơ tưởng".
Dù là một cái kết mở, "Tắt đèn" như số phận của thế giới những năm 1970, họ chẳng phải là những kẻ vô tri vô giá trị. Mà ngược lại, là những kẻ tri trức đi tìm con đường sáng của riêng mình, mà mình rõ đường đi. Nếu là ông Fairbanks, chắc mình sẽ thốt lên cảm nghĩ của mình khi cả nhóm gặp mặt nhau lần cuối ấy ở Marrakech: "Chúc các cháu - những kẻ du mục trí thức - một đoạn đường xán lạn với nhiệt huyết là hành trang và lý tưởng là bạn đồng hành dẫn đường khôn ngoan".
Mọi người đàn ông đều phải xác minh những ước mơ của mình. Và hiểu đúng bản chất của chúng.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất