Tự kỷ là một chứng bệnh cần chữa trị hay một thể đa dạng thần kinh cần được tôn trọng?


Trong bức thư cuối cùng gửi người em trai, Vincent Van Gogh nhắc đến hai tác phẩm ông vẽ năm 1890: Daubigny's Garden (Khu vườn của Daubigny) và Thatched Cottages at Cordeville (Nhà mái rạ ở Cordeville). Dựa theo sắc màu tươi tắn của hai bức họa này và sắc mây đen của bức Wheatfield with Crows (Cánh đồng lúa mì quạ bay), ta hiểu được đôi chút tâm tư từ phấn chấn, vui vẻ đến u buồn, cô quạnh của người họa sĩ trước những giờ phút cuối cùng.
Hai năm cuối đời của Van Gogh là hai năm thăng hoa trong những tác phẩm của người danh họa, nhưng cũng là khoảng thời gian ông rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng: thường xuyên gặp ảo giác, hoang tưởng, và tự hành hạ bản thân. “La tristesse durera toujours" – "Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi," Van Gogh đã thốt lên như vậy trong giây phút lìa đời.
Bức họa Wheatfield with Crows của Van Gogh
Van Gogh, cũng như Mozart, là những tên tuổi thường được nhắc tới khi những người theo quan điểm đa dạng thần kinh muốn đưa ra dẫn chứng về việc người có thần kinh không điển hình đã có đóng góp to lớn như thế nào cho xã hội. Van Gogh và Mozart được cho là mắc chứng rối loạn lưỡng cực, một hội chứng tâm thần bao gồm những “pha” trầm cảm và hưng phấn đan xen nhau. “Các thành viên tham gia phong trào đa dạng thần kinh cho rằng rối loạn lưỡng cực là kết quả của những sai khác thông thường trong hệ gen người,” nhà thần kinh học Manuel Casanova phát biểu. “Họ tin rằng những người lưỡng cực sở hữu một kiểu nhận thức khác trong xã hội, thứ nên được giữ gìn và chấp nhận hơn là cần chữa trị.”
Quan điểm đa dạng thần kinh này đang ngày càng lan rộng và được áp dụng lên cả những hội chứng khác, mà điển hình nhất là chứng tự kỷ. 
"Liệu đã đến lúc để suy xét lại các “bệnh tật” – như chứng tự kỷ, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt – mà trước nay vẫn luôn bị bỏ qua bởi những người bị rối loạn bị xếp vào loại không có năng lực hành vi và đóng góp tích cực cho xã hội? Trên thực tế, ngày càng có nhiều người quả quyết rằng chúng ta nên định nghĩa lại những hội chứng này như những phương thức trải nghiệm cuộc sống hợp lệ khác. Đón nhận họ thậm chí có thể giúp cải thiện xã hội. Quan điểm này cho rằng, đã đến lúc chúng ta tìm cách khiến xã hội thích ứng với những khác biệt, thay vì gò ép những người khác biệt phải thích ứng với khuôn mẫu xã hội."
Nhưng mặt khác, nhiều người lại lo ngại rằng "phong trào đa dạng thần kinh phớt lờ đi những khó khăn thật sự mà bộ phận lớn những người tự kỷ phải đối mặt. Những đứa trẻ và người lớn không biết nhịn tiểu và phải mặc tã lót, những người đập đầu mình vào tường, những người thường xuyên lên cơn động kinh và cả những người có chất lượng cuộc sống rất thấp dù họ được chu cấp đến mức nào đi chăng nữa... Với những dạng khuyết tật cao, ta không thể xem tự kỷ đơn giản là một biến thể lành tính về thần kinh con người. Những hành vi tự gây tổn thương do chứng tự kỷ ở mức độ nghiêm trọng như đập đầu và cào xước da tay rõ ràng là thuộc về bệnh lý.”
Chuyện gì sẽ xảy ra khi hai lối suy nghĩ này va chạm trên mạng xã hội?
Lối nhìn về sự khác biệt như thế nào mới phù hợp?
Liệu xã hội của chúng ta đã sẵn sàng đón nhận sự đa dạng hay chưa?
Mời bạn đọc bài dịch mới của zeal, Cuộc chiến thần kinh học, và suy nghĩ về chủ đề này xem sao.