Cuộc Chiến Toàn Diện
Những gì chúng ta được đọc trong sách sử trước đây, giờ chúng ta có thể xem trực tiếp trên bản tin thời sự
Putin không thể thua, phương Tây cũng không thể để Putin thắng. Đấy là tình cảnh hiện nay của cuộc chiến này. Thế giằng co hiện nay đang kéo tất cả các cường quốc vào cuộc, cả những nước chọn cách “không làm gì” thì bản thân họ cũng đã trở thành 1 phần của cuộc chiến. Vì nó không đơn thuần là 2 quốc gia cãi nhau chán rồi quay ra đánh nhau. Nó đại diện cho những thứ lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên với cá nhân mình, Tổng thống Putin đang quá tham vọng, và tham vọng này có thể sẽ gây tổn hại rất lớn cho Nga sau này, ngay cả khi Nga có thể giành chiến thắng.
Trong lịch sử hiện đại có lẽ dân tộc Nga (trước đây là Liên Xô và trước đó là Đế Quốc Nga) là 1 trong những dân tộc chịu nhiều đau đớn và mất mát nhất thế giới vì chiến tranh và xung đột. Nửa đầu thế kỷ 20 của họ vô cùng đẫm máu, họ tham gia đủ các loại chiến tranh và cuộc chiến nào cũng nằm trong danh sách các cuộc chiến có thương vong lớn nhất lịch sử. Họ khởi đầu thế kỷ bằng việc thua quân Nhật năm 1904 và phải nhượng bộ 1 phần lãnh thổ cho Nhật vì cần tập trung giải quyết 1 vấn đề trong nước đang ngày càng lớn – Chủ nghĩa cộng sản. Quy mô cuộc chiến này thì cũng tương đối nhỏ so với các cuộc chiến khác, ước tính thương vong chỉ vài chục ngàn người. Lúc bấy giờ thì ở Nga vẫn là chế độ Sa Hoàng và được gọi là Đế Quốc Nga. Sau đó như chúng ta đã biết, cả thế giới lao vào bắn giết lẫn nhau suốt mấy chục năm và Liên Xô đã tham gia đủ cả. Xen giữa 2 cuộc Chiến Tranh Thế Giới 1 và 2, họ có Nội Chiến Nga, bắt nguồn từ Cách Mạng Tháng 10 Nga nổi tiếng do Lê Nin dẫn dắt, kết thúc với sự ra đời của Liên Bang Xô Viết (Liên Xô). Chỉ tính riêng mấy cuộc chiến này thôi đã lấy đi sinh mạng của ít nhất 40 triệu quân và dân Liên Xô trong 40 năm. Theo Wikipedia thì tổng số thương vong của Thế Chiến 1+2+Nội Chiến Nga là khoảng 100 triệu người, Liên Xô đóng góp tới gần 1 nửa. Đau đớn nhất có lẽ là khoảng 7,5 triệu dân thường của Nga đã bị Đức Quốc Xã giết hại dã man theo kiểu diệt chủng khi Liên Xô bị chiếm đóng từ năm 1941 – 1943. Toàn bộ người dân trong 1 ngôi làng có thể bị dồn lại với nhau và quân Đức xả súng máy giết toàn bộ, hoặc khi người dân chạy trốn vào nhà thờ, chúng bao vây và cho thiêu sống tất cả cùng với mục sư, sau đó đốt cả làng. Hậu quả là hàng chục năm sau đó Chính Phủ Nga vẫn phải cố gắng cải thiện tỉ lệ sinh của người dân để bù đắp cho dân số đã mất hay tàn tật vì các cuộc chiến tranh. Chịu nhiều mất mát là thế nhưng Liên Xô vẫn vươn lên là cường quốc số 1 thế giới về nhiều mặt. Sau khi chiến thắng Phát Xít Đức với ước tính rằng 50% lãnh thổ Châu Âu bị Phát Xít chiếm đóng là do Hồng Quân Liên Xô giải phóng, Liên Xô đã vươn lên thành 1 cường quốc về khoa học, quân sự, văn hóa nghệ thuật và 1 thời gian dài đặt ảnh hưởng của mình ở nhiều nơi trên thế giới giống như Mỹ bây giờ. Là quốc gia đầu tiên được người lên vũ trụ (Gagarin), sở hữu vũ khí hạt nhân, ngành công nghiệp hàng đầu. Ở nhiều quốc gia người dân hát bài hát Kachiusa, đọc Thép Đã Tôi Thế Đấy, thần tượng Lev Tolstoy (Lép tôn-xtôi), thần tượng Lê Nin. Việt Nam chính là 1 quốc gia như vậy khi nhiều thế hệ 7x và 1 phần 8x đổ về trước lớn lên và chìm đắm với văn hoá nghệ thuật, tư tưởng sống của Nga còn nhiều hơn cả của chính dân tộc mình (giờ vẫn vậy nhưng thay bằng các nước khác, không phải Nga). Nửa sau của thế kỷ đó, Liên Xô lại chìm trong Chiến Tranh Lạnh với Mỹ và các quốc gia phương Tây và rồi cuối cùng sụp đổ, biên giới bị thu hẹp, nền kinh tế bị tàn phá. Hàng loạt các vùng hay quốc gia thuộc Liên Bang Xô Viết trước đây tách ra thành quốc gia độc lập, trong đó có Ukraine. Liên Xô gần như mất tất cả mọi thứ họ đã trả giá quá đắt để xây dựng. Chưa đầy 70 năm tồn tại từ lúc sinh ra đến khi tan rã năm 1991 nhưng đây là quốc gia in dấu đậm nét vào lịch sử nhân loại. Với cá nhân mình thì Liên Xô là nước góp phần định hình thế giới chúng ta đang sống ngày nay, dù đã tan rã từ lâu.
31 năm sau khi không còn Liên Xô, nước Nga của Tổng Thống Putin có lẽ muốn viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc mình, giành lại những gì đã mất, trở lại địa vị siêu cường số 1 thế giới và là bên áp đặt các quy tắc để thế giới vận hành theo, điều đang nằm trong tay phương Tây hiện nay. Thái độ ngạo mạn, xảo trá và o ép người Nga của Mỹ và các nước dân chủ phương Tây sau khi chiến thắng Chiến Tranh Lạnh càng thúc đẩy người Nga hơn, có lẽ vậy. Tư liệu giải mật về tội ác chiến tranh được phổ biến trên internet ngày nay chỉ ra nhiều điều trong quá khứ. Ví dụ như khi Đức Quốc Xã tiến hành diệt chủng người Do Thái, người cộng sản hay dân thường ở khắp nơi, Mỹ và các nước phương Tây đã biết trước và làm ngơ, vì khi đó Hitle vẫn còn quá mạnh và tình báo của Anh, Mỹ có mối quan hệ mật với vài thành viên của Đức Quốc Xã vì “những lợi ích lớn hơn”. Có thể nói từ khóa “Phát Xít” có vẻ như đủ sức nặng để mở đường cho 1 cuộc hành quân, ngay cả ở thời hiện tại. Và đó là chính xác là những gì Nga đã làm.
Tuy nhiên, sau hơn 100 ngày chiến sự, đến giờ người Nga vẫn chưa thể thuyết phục thế giới tin vào cái mà họ gọi là "Phi Phát Xít Hoá" ở Ukraine. Nếu thực sự điều đó có thật, Nga hoàn toàn có thể tung bằng chứng để quốc tế xử lý vấn đề này, thay vì đơn phương đem quân đi đánh. Nga chỉ đưa ra cáo buộc này sau khi đã đem quân tràn sang biên giới Ukraine, đó giống như việc họ bịa bừa ra 1 cái cớ cho hành động của mình. Nếu cáo buộc của Nga là thật thì hàng chục nước trên thế giới đang hàng ngày viện trợ vũ khí, tiền bạc cho Ukraine đánh trả Nga chẳng khác nào tài trợ cho Phát Xít. Có lẽ Nga cũng chẳng quan tâm có ai thèm tin mình hay không, và chúng ta cũng chẳng cần quan tâm đến cái lý lẽ này vì rõ ràng Nga tấn công Ukraine là vì mục đích khác. Tuy nhiên giữa những gì Nga kỳ vọng và những gì Nga có thể đạt được đến thời điểm này là 1 dấu hỏi, với cái giá phải trả khá đắt. Trên chiến trường hiện tại có thể thấy Ukraine là bên lép vế hơn về chiến sự khi (tạm thời) để mất dần lãnh thổ về tay Nga. Phương Tây và toàn thế giới chịu rất nhiều tổn hại kinh tế, nhưng Nga là bên chịu thiệt hại lớn nhất về tất cả mọi mặt, cả hiện tại và trong tương lai.
Trang blog Oryx là nơi cập nhật tổn thất khí tài quân sự của cả 2 bên trong chiến sự. Tại thời điểm mình viết bài này (ngày 4/6/2022) thì blog này ghi nhận Nga đã mất hơn 4.200 khí tài quân sự. Tuy nhiên blog này chỉ cập nhật những khí tài bị thiệt hại mà có hình ảnh làm bằng chứng, nghĩa là trên thực tế, số liệu có thể sẽ cao hơn rất nhiều. Chưa kể khoảng hơn 2000 tên lửa Nga đã sử dụng để bắn phá Ukraine. Như vậy có thể Nga đã mất khoảng hơn 10.000 khí tài quân sự, bao gồm nhiều thiết bị hiện đại như các dòng xe tăng T72 cải tiến, T-80, T-90, cường kích SU-34, SU-35, trực thăng chiến đấu “KA-52 Cá Sấu”, xe chiến đấu bộ binh “Nữ Hoàng” BMP-3, thiết giáp BTR-82A, hệ thống pháo “Lửa Mặt Trời” TOS-1A và đặc biệt là soái hạm Moskva tại Biển Đen,… Giá xuất xưởng của chúng dao động từ vài chục nghìn cho đến hàng trăm triệu đô, cộng thêm phí tổn về đạn dược, nhiên liệu và các chi phí hậu cần khác. Nga đã và đang đốt 1 số tiền khổng lồ để duy trì cuộc chiến. Theo những gì mình khảo sát được thì phía Nga tự tính toán chi phí quốc phòng trực tiếp mỗi ngày kể từ khi nổ ra chiến tranh là khoảng hơn 200 triệu đô la, về phía Mỹ tính toán là không dưới 500 triệu đô la, còn 1 vài nguồn báo chí nước ngoài khác thì tính toán lên tới 900 triệu đô la mỗi ngày.
Rõ ràng chỉ tính riêng những thiệt hại được ghi nhận bằng hình ảnh trên đây cũng có thể thấy tổn thất của quân đội Nga là quá lớn so với những gì họ đạt được. Nga đã mang sang Ukraine khoảng vài nghìn xe tăng cộng thêm hàng nghìn thiết giáp bộ binh bọc thép. Trang blog này đến nay ghi nhận hình ảnh 419 xe tăng và hơn 700 xe thiết giáp các loại của Nga bị “destroyed”. 1 tổ lái xe tăng có tối thiểu 3 người, 1 xe bọc thép trở lính trung bình có từ 8 - 16 người bao gồm cả kíp lái. Đó là còn chưa tính hàng trăm phương tiện khác bị damaged, abandoned hoặc captured (Và đây vẫn chỉ là số liệu thấp hơn thực tế). Tính riêng 2 binh chủng này thôi thì có lẽ Nga đã mất khoảng 8000 - 10.000 quân. Vì vậy hoàn toàn có cơ sở để tin rằng đã có 20.000 - 30.000 quân Nga tử trận sau hơn 100 ngày chiến đấu. Cộng thêm hàng nghìn thương binh thì có lẽ con số 150.000 quân Nga huy động đánh Ukraine đã thiệt hại ít nhất 30%. Trung bình trong 100 ngày, Nga có 200 - 300 lính tử trận, cao hơn nhiều con số Ukraine công bố mới đây về thiệt hại của họ là khoảng 100 lính/ngày. Cộng thêm khoảng chục vị tướng đã "bay màu" tại Ukraine, mình cũng hơi ngạc nhiên với thông tin này. Với tất cả các tổn thất trên, khó có thể nói mọi việc diễn ra "đúng kế hoạch" như lời Tổng Thống Putin trả lời phỏng vấn được.
Giờ xét đến mặt trận kinh tế tài chính, thứ mà theo quan điểm của mình mới là mặt trận tổn hại nặng nề nhất đối với Nga. Dù là Nga liên tục "cảnh báo", tuyên bố hùng hồn, doạ dẫm về 1 cường quốc Nga cắt đứt hoàn toàn với phương Tây, thể hiện sự tự tin trước truyền thông về sức mạnh của mình và quyết tâm đến cùng theo đuổi chiến dịch quân sự này. Nhưng trên thực tế, Nga vẫn ở thế phòng thủ trước những đòn tấn công trừng phạt và cấm vận của quốc tế mà không thể đáp trả tương xứng. Tổn thất trực tiếp về chiến phí theo mình ko phải vấn đề quá lớn với túi tiền và sức mạnh nền kinh tế Nga, dù có thể nó lớn hơn nhiều so với dự tính của họ. Vì nếu nền kinh tế vẫn hoạt động bình thường như trước chiến tranh, họ hoàn toàn có thể sản xuất để bù đắp lại hàng chục nghìn khí tài đã mất, thậm chí là sản xuất phiên bản hiện đại hơn, cũng như kiếm lại số tiền đã chi ra trong nháy mắt. Họ cũng hoàn toàn có thể huy động lính nghĩa vụ để đào tạo và bù đắp cho những người lính tinh nhuệ đã ngã xuống. Họ vẫn còn đó quyền răn đe hạt nhân với bất kỳ quốc gia đối đầu nào.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ đó, Nga sẽ ko thể có nền kinh tế vận hành bình thường như trước chiến tranh. Tổng Thống Putin đã bảo vệ đồng Rúp bằng cách can thiệp vào các hợp đồng thương mại cung cấp khí đốt và dầu mỏ đã ký, thay đổi điều khoản thanh toán từ đồng tiền ngoại tệ sang đồng Rúp. Sự can thiệp này làm tăng nhu cầu đồng tiền của Nga giúp cho nó tăng giá, tránh sụp đổ. Việc này cũng khai thông dòng chảy xuất khẩu năng lượng giúp Nga vẫn duy trì được doanh thu khủng từ mặt hàng này. Tuy nhiên, nếu Nga không thu được ngoại tệ khi xuất khẩu, Nga cũng sẽ không có ngoại tệ để mua hàng hoá ở chiều nhập khẩu. Phần lớn dự trữ ngoại tệ của Nga đã bị phong tỏa và nếu không được bù đắp sẽ sớm cạn kiệt. Sẽ khó có thể tìm được đối tác nước ngoài nào chấp nhận bán hàng cho Nga và nhận thanh toán bằng đồng Rúp. Chí ít thì ở thời điểm này, kể cả khi có thể bắt tay với Trung Quốc, Nga vẫn chưa thành công trong việc xây dựng hệ thống tài chính quốc tế riêng. 1 quốc gia khó có thể phát triển mà ko trao đổi hàng hoá với quốc tế vì không quốc gia nào có thể tự sản xuất mọi thứ và chỉ xuất khẩu mà không nhập khẩu. Cho dù đó có là cường quốc công nghệ và lắm tài nguyên thiên nhiên đi chăng nữa. Thương mại quốc tế cần có hệ thống thanh toán quốc tế, hiện vẫn dùng USD là đồng tiền chính. Khi Nga loại đồng tiền này và đồng tiền của EU (Người Mua lớn nhất của Nga) ra khỏi hợp đồng mua bán khí đốt, Nga cũng đã tự cắt nguồn cung ngoại tệ mạnh của mình. 1 vị Phó Thủ Tướng Đức mới đây cũng đã khẳng định, Nga dù có tiền cũng không thể tiêu, Bộ Trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen cũng đã từng phát biểu như vậy khi miêu tả các lệnh trừng phạt mà Mỹ đưa ra. Theo mình đây mới là mục đích chính của các gói cấm vận nhằm vào Nga, các nước đưa ra cấm vận vẫn có thể mua dầu và khí đốt của Nga cho đến khi họ tìm được nguồn thay thế, vì họ vẫn bị phụ thuộc vào 2 loại tài nguyên này. Họ vẫn thanh toán bình thường cho Nga theo luật chơi mới mà Nga cố gắng áp đặt, nhưng đồng thời sẽ tìm cách làm mất khả năng sử dụng nguồn tiền này của Nga. Có thể đây là lý do khiến Nga phải tung ra vũ khí cắt dầu mỏ, cắt khí đốt và cắt điện xuất sang vài nước Châu Âu nhằm gây áp lực để khối này mất đoàn kết, qua đó cản trở các gói cấm vận mới nhằm vào Nga. Thêm vào đó, hàng loạt mặt hàng khác của Nga cũng bị liệt vào danh sách đen bị cấm nhập khẩu ở nhiều nước, làm mất dần thị trường xuất khẩu của hàng hóa Nga - 1 nguồn cung cấp ngoại tệ khác. Nhiều nguyên liệu đầu vào khác như linh kiện bán dẫn phục vụ các ngành sản xuất công nghiệp (đặc biệt là vũ khí và ô tô) cũng có thể bị cấm bán cho Nga, khiến cho các ngành sản xuất này bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Đã có thông tin cho thấy ngành ô tô của Nga có dấu hiệu chết lâm sàng do thiếu linh phụ kiện nước ngoài.
Như vậy có thể thấy nền kinh tế Nga đang cùng lúc hứng chịu 1 loạt áp lực nặng nề, về lý thuyết có thể dẫn đến tê liệt: Bị vô hiệu hoá khả năng thanh toán thương mại, mất dần thị trường xuất khẩu nhiều nhiều mặt hàng, khó nhập khẩu nguyên liệu đầu vào khiến tê liệt sản xuất. Ngoài ra, làn sóng các tập đoàn nước ngoài rút hoạt động khỏi Nga sẽ để lại hậu quả là hàng triệu việc làm biến mất. Quá trình này sẽ diễn ra trong 1 khoảng thời gian nên áp lực cho Nga sẽ tăng dần từ nửa cuối năm 2022 trở đi. Người dân Nga sẽ phải thắt chặt chi tiêu hơn vì thu nhập giảm, giá hàng hoá tăng vì hoạt động xuất nhập khẩu giảm khiến mọi thứ khan hiếm hơn, thất nghiệp tăng, hệ thống an sinh xã hội của Nga đứng trước áp lực lớn.
Đó là tất cả viễn cảnh mà Nga sẽ chắc chắn phải đối mặt. Giải pháp thì đương nhiên cũng không quá khó để nghĩ ra. Nga chỉ việc tìm đối tác chấp nhận đồng Rúp để thanh toán, hoặc trao đổi ngoại tệ ở đâu đó mà ko cần dựa vào hệ thống thanh toán liên ngân hàng mà quốc tế đang dùng, tìm thị trường xuất khẩu ở các nước không cấm vận bù đắp thị trường đã mất, chào đón các nhà đầu tư nước ngoài từ các quốc gia thân thiện với Nga để thay cho những tập đoàn đã rút đi, nội địa hoá hoặc nhập khẩu qua trung gian tất cả các linh kiện hay mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước. 1 cách đơn giản hơn đó là gây áp lực để phương Tây rút hết các lệnh cấm vận, không bơm vũ khí cho Ukraine nữa và Ukraine ngừng kháng cự. Nga được toàn quyền đưa ra yêu sách của mình.
Nhưng việc nghĩ ra với việc làm được nó hoàn toàn khác. Ở thời điểm hiện tại Nga vẫn chưa hoặc không thể thực hiện được bất cứ giải pháp nào kể trên. Ngay cả việc giành chiến thắng trên chiến trường và kiểm soát được Ukraine cũng là 1 điều khó khăn với Nga lúc này. Chiến sự này cũng đẩy 2 quốc gia trung lập ở Châu Âu là Thuỵ Điển và Phần Lan bỏ thế trung lập này và tìm kiếm liên minh quân sự. Nếu coi việc Nga muốn dùng cuộc chiến này để cảnh cáo NATO thì nay vì nó mà NATO lại thêm lớn mạnh. Với thái độ đơn phương dùng vũ lực mà không có lý do chính đáng, tiến hành chiến tranh mặc cho hậu quả để lại cho người dân 2 nước và trên toàn cầu, can thiệp hệ thống thương mại tự do vì lợi ích đơn phương của mình, Nga tự biến mình thành mối đe doạ về mọi mặt và là đối tác không còn đáng tin cậy. Nga đã trở thành tất cả những gì mà Nga cáo buộc các nước phương Tây.
Tính sai trái lớn nhất của cuộc chiến này đó là ở chỗ Ukraine là 1 quốc gia có chủ quyền từ lâu, họ có nhà nước riêng và biên giới rõ ràng. Cho dù lịch sử đã từng thuộc Nga, người dân ở đó gốc Nga hay nói tiếng Nga, không có nghĩa là bây giờ Nga được quyền can thiệp vào đất nước này hoặc lái đất nước này theo ý mình muốn. Trong phim tài liệu “Winter on Fire: Ukraine Fight For Freedom” có chiếu trên Netflix, người dân được phỏng vấn đã nói rằng họ coi mình là “người Châu Âu” và họ muốn xã hội và đời sống Ukraine phát triển theo mô hình 1 nước Châu Âu. Họ không muốn nước mình phát triển theo mô hình kiểu Nga. Đó hoàn toàn là nguyện vọng chính đáng của họ và chính quyền hiện nay của Ukraine lên nắm quyền cũng cùng chung lý tưởng đó. Nhưng kể từ khi Tổng Thống Putin chính thức nắm quyền điều hành nước Nga vào ngày cuối cùng của thế kỷ 20 đến nay (31/12/1999), Nga đã nhiều lần can thiệp bằng mọi cách vào Ukraine để ngăn chặn việc nước này gia nhập EU. Kích động đảo chính, tài trợ vũ khí cho các phe ly khai và cuối cùng trực tiếp đem quân sang đánh Ukraine. Nhà sử học Yuval Noah Harari, tác giả yêu thích của mình, đã nhận định rằng người Nga và người Ukraine vốn là anh em, họ hàng, bạn bè của nhau, nhưng giờ đây Tổng Thống Putin đã biến họ thành kẻ thù.
Sẽ là sai lầm khi đánh giá thấp sức mạnh của Nga và Tổng Thống Putin. Như đã nói ở trên, với Nga thì cuộc chiến này có ý nghĩa lớn hơn nhiều 1 cuộc chiến thông thường khi họ biết rõ từ trước thế giới sẽ phản ứng ra sao với hành động này. Nền tảng ý chí của họ dựa trên hậu quả những gì mà người Nga đã chịu đựng và đánh mất trong thế kỷ trước cũng như cách họ định hình chính mình trong thế kỷ này và mãi mãi sau này. Dù đang ở thế phòng thủ trước các đòn tấn công kinh tế của Mỹ và phương Tây, chưa đạt được mục tiêu trên chiến trường Ukraine, nhưng hiện nay nền kinh tế Nga vẫn đang (tạm thời) đứng vững và vẫn là bên chiếm thế chủ động trong tiến công. Hàng loạt vị Tổng Thống Phương Tây nói đây là sai lầm chiến lược của Tổng Thống Putin, có thể đúng là thế, song họ cũng là bên chịu trách nhiệm chính cho hầu hết mọi cuộc khủng hoảng hiện nay của thế giới loài người.
Người ta vẫn nói về thảm họa môi trường, dịch bệnh, khủng bố, khủng hoảng kinh tế,… là những vấn đề lớn nhất có thể giết chết chúng ta. Đối với mình thì không phải vậy, đó chỉ là những vấn đề người ta không chịu giải quyết chứ không phải không thể giải quyết. Chỉ cần đọc lướt qua vài trang lịch sử trên Wikipedia thì cũng có thể thấy khi các cường quốc bắt tay với nhau, họ tạo ra được những sức mạnh lớn lao đến thế nào. Các cuộc Chiến Tranh Thế Giới đã tạo ra nền tảng khoa học công nghệ lớn chưa từng có, khiến cho thế giới 200 năm trở lại đây phát triển còn nhanh gấp vạn lần mấy nghìn năm trước đó. Vì lợi ích sau khi chiến thắng sau chiến tranh là vô cùng lớn. Ngày nay bản tin thời sự lúc 7h tối của chúng ta nghe phát buồn ngủ vì các vấn đề kiểu như Hà Nội ngập đến bẹn dù chi mấy nghìn tỷ chống ngập, trên thế giới thì biểu tình chống tiêm Vaccine Covid bắt buộc dù nó giết chết 14 triệu người trong 3 năm (theo tính toán của WHO), gần ngang với thương vong Thế Chiến 1. Nhưng bản tin thời sự 7h tối ở mấy nước lớn của 100 năm trước thì có lẽ sẽ là năm nay chúng ta sang đánh nước này và dự kiến sang năm chúng ta đánh thêm nước kia. Vấn đề của thế giới nằm ở chỗ đó, các cường quốc không chịu hợp tác với nhau vì 2 loại mâu thuẫn, mâu thuẫn lợi ích và mâu thuẫn về lý tưởng. Mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta hiện nay đều dựa trên lợi ích. Lợi ích tạo nên động lực, lợi ích ở mọi cấp độ từ cá nhân cho đến quốc gia. Cấp độ càng cao, ý nghĩa của lợi ích càng lớn. Chúng ta lao đi làm, kinh doanh vì mong 1 lợi ích hữu hình về vật chất và cuộc sống mà chúng ta mơ ước, nếu không chúng ta sẽ chẳng có động lực để làm bất cứ thứ gì. Cách người Mỹ (đại diện của phương Tây), người Nga và hiện nay là thêm Trung Quốc hình dung về thế giới và về vị trí của họ trong thế giới đó hoàn toàn khác nhau. Họ coi mình là nước lớn và muốn mọi thứ đi theo quỹ đạo của mình và lợi ích của mình phải là lớn nhất. Dù biết rõ hành tinh này đang chuẩn bị nổ tung đến nơi thì họ vẫn cần cân đo đong đếm các lợi ích cả trước mắt lẫn lâu dài xem mình được gì mất gì. Họ liên tục cạnh tranh với nhau và không giống như các loại cạnh tranh khác, sự cạnh tranh giữa các cường quốc là điều thực sự nguy hiểm. Ví dụ như gã khổng lồ Apple của phương Tây khi muốn cạnh tranh với Samsung – gã khổng lồ của Châu Á – họ không đem quân sang trụ sở của Samsung để bắn giết nhân viên Samsung, họ cạnh tranh bằng cách cải tiến sản phẩm và marketing thương hiệu của mình để lôi kéo người dùng. Giữa các quốc giá thì…khác, họ làm được cái vế sau trong ví dụ này. Thử tượng tượng 3 quốc gia này đoàn kết và thân thiện để dẫn dắt thế giới, sẽ chẳng có bất kỳ chuyện gì mà không thể giải quyết. Nhưng mâu thuẫn thì vẫn còn đó, nó chỉ chuyển từ giai đoạn này qua giai đoạn khác chứ về mức độ sâu sắc thì nó vẫn vậy, và đó là lý do chúng ta không thể giải quyết các vấn đề kể trên.
Cá nhân mình, là 1 cá nhân nhỏ bé với hiểu biết hạn hẹp, thì chỉ cố gắng tập trung vào cuộc sống của mình, định hình chính mình và tập trung xây dựng cuộc sống tương lai của mình sao cho tốt đẹp nhất. Mình viết bài này vì sự kiện này để lại cho mình nhiều suy nghĩ, với cả cũng muốn tập viết bài từ lâu mà chưa làm được. Trên mạng thường nổ ra những tranh luận gay gắt về sự kiện này nhưng với mình thì kiểu chiến tranh thông tin trên không gian mạng là 1 thứ tương đối thiếu khách quan. Bài viết này đưa ra góc nhìn cá nhân của mình, cũng là bài đầu tiên đóng góp cho Spiderum. Hy vọng nhận được góp ý của mọi người.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất