Đó là một cửa tiệm bình thường như bao cửa tiệm khác. Có trà và cà phê đựng trong những ly sứ trắng, có những chiếc bàn gỗ tròn đặt rải rác trên sàn. Chỉ có hàng xấp giấy trắng và hộp thư đặt gần cửa ra vào làm cho người khác không rõ đây là bưu điện hay nhà hàng. Người ta đến đây không chỉ để ăn bánh, uống trà, mà còn để gửi những ước mơ về một nơi thật xa, xa đến độ chúng không thể tìm được đường về trong tâm trí con người nữa.
Ban đầu, chủ quán sẽ đưa cho các vị khách có nhu cầu lãng quên giấc mơ một tách trà. Loại trà này sẽ tác động vào kí ức của người uống, làm sống dậy kỉ niệm hạnh phúc và cả đau khổ với ước mơ. Phải rồi, vì kiệt sức với việc theo đuổi đam mê nên người ta mới tìm đến đây để quên chúng đi. Khách của quán đa phần là những kẻ đang mệt nhoài trong đời như thế. Uống xong trà, khách một lần nữa có cơ hội suy nghĩ về việc có thật sự muốn từ bỏ giấc mộng bao lâu của mình, hay là rời khỏi quán và cố gắng tiếp. Nếu có, khách sẽ viết ước mơ vào tờ giấy trắng trước mặt và đút vào hộp thư gần cửa ra vào. Dòng chữ “Bạn chắc chứ?” viết trên cửa kính hiện lên trước mặt vị khách trước khi khách chuẩn bị đẩy cửa ra về.
Ít ai biết những giấc mơ bị từ bỏ sẽ đi về đâu. Cửa tiệm không dối lừa những vị khách của mình, bởi một thời gian ngắn sau khi đến quán và bỏ thư vào hòm, người ta thường dần quên mất mình đã từng khát khao một thứ gì đó đến thế. Nghe đồn rằng chủ tiệm thường hàng tháng gửi số giấy trong hộp thư cho một tàu chở hàng hay ghé vào bến cảng. Con tàu sẽ mang xấp giấy đến một hòn đảo xa, nơi một lão già có đôi mắt xám sẽ đốt chúng vào một đêm lặng gió. Những ước mơ hóa thành tro tàn.
Cô gái ấy bước vào cửa tiệm vào một ngày mưa. Quán vắng ngắt, chỉ còn tiếng mưa ngoài trời hòa cùng tiếng guitar phát ra từ đĩa than. Một giai điệu vẳng tới từ thập niên xưa cũ. Con người ở hàng chục, hàng trăm năm trước ấy à, họ có ước mơ nhiều không nhỉ, cô gái tự hỏi, vừa xõa mái tóc hơi ướt nước mưa ra. Có chứ, chắc họ cũng mơ nhiều, và nhiều kẻ cũng khổ sở không ít. Đều là người cả, hãy uống cùng tôi chén trà này, cô gái nhủ thầm trong đầu như một tiếng hô vang. Nghi thức uống trà diễn ra trong lặng lẽ. Chất lỏng xanh ngọc thấm vào người cô, làm ấm đôi chút cơ thể vừa dầm nước, khiến cô chếnh choáng vì những vang vọng từ kí ức. Đã lâu rồi, cô không biết đến niềm vui như thế.
Ơ, hay nhỉ, hóa ra làm biên kịch lại thú vị đến thế. Tự tạo ra câu chuyện riêng trên trang giấy, cho các nhân vật đi đứng, nói cười, kể câu chuyện chỉ có mình mới nghĩ ra được. Hay biết bao, phấn khích đến lạ. Nhưng cái giấc mơ mới nhen nhóm này cũng làm cô tổn thương nhiều hơn cô biết. Cô nào đã biết mấy về cái giá phải trả cho một giấc mơ? Các kịch bản được gửi đi nhưng không một lời hồi đáp. Cô đã cố gắng, nhưng không thành công. Trong lúc các bạn cô xúng xính đi ăn, đi chơi thì sau giờ làm, cô ngồi bên máy tính cặm cụi gõ gõ, xóa xóa. Này là cảnh nội, cảnh ngoại, logline, midpoint, 3-act-structure. Chẳng được cái khỉ gì hết!
Phải chăng cô đừng mê viết đến thế. Nếu cô cứ quan sát cuộc đời và giữ mọi xúc cảm ở trong lòng thôi, đừng nói ra, đừng viết ra, đừng đắm đuối vào cái thế giới mộng tưởng ấy. Có phải cuộc đời cô sẽ vô tư và bớt dằn vặt hơn không? Cô từng hạnh phúc vì có mong ước để theo đuổi, và giờ cô tan nát vì nó. Những thất bại liên tiếp phá hủy lòng tự trọng, tự tin nơi cô, để lại một bãi phế liệu hoang tàn. Nên cô sẽ chọn cách quên chúng đi, viết ước mơ làm một nhà biên kịch ra giấy, bỏ vào thùng thư, gật đầu trước dòng chữ “Bạn chắc chứ?” và bước ra khỏi quán.
Ước mơ của cô sẽ lênh đênh trên biển nhiều ngày trời, sẽ đi qua bao hoàng hôn và bình minh, để rồi tan đi vào một đêm trăng sáng. Cô sẽ cầu nguyện cho giấc mơ vừa chết, sẽ xin lỗi nó vì cô bất tài, và mong người ta chôn nó xuống cát, hoặc thả nắm tro tàn ra biển. Những giọt nước từ đại dương bốc hơi sẽ biến thành mưa, giấc mơ của cô thành nước nhỏ xuống đời. Và từ đây cô sẽ thanh thản mãi mãi, sẽ không còn nhớ mình đã vì điều gì mà thao thức hàng đêm. Tâm hồn cô mất mát chút ít, nhưng có sao đâu nếu cô đánh đổi một giấc mơ để lấy lại sự yên bình.
Cô gái đặt cốc trà xuống bàn, ghi vào mảnh giấy, sau đó đặt giấy vào hòm thư rồi bước như chạy ra khỏi cửa. Gã chủ cửa tiệm nhìn theo cô, thở dài khẽ. Lại một người nữa đến đây để vứt bỏ, như bao người từng đến đây trong tuyệt vọng. Gã chuyển đĩa than khác. Một giai điệu réo rắt từ Charlie Parker. Charlie Parker đã trở thành Charlie Parker như thiên hạ biết bởi vì Jo Jones ném cái chũm chọe vào đầu ông ta, tay thầy giáo dữ tợn trong phim Whiplash từng nói thế thì phải. Rốt cuộc thì không phải ai mê chơi jazz cũng thành Charlie Parker được.
Trời vẫn mưa. Cô gái vừa đi dưới mưa vừa khóc.