Cứ thử một lần mở cửa trái tim
Có bao giờ, trong một thoáng bất chợt nào đó, bạn nhìn về mình thật lâu, trong gương, trong hồi ức,... và nhận ra, mình đã đóng cửa...
Có bao giờ, trong một thoáng bất chợt nào đó, bạn nhìn về mình thật lâu, trong gương, trong hồi ức,... và nhận ra, mình đã đóng cửa trái tim tự bao giờ chẳng hay?
Dạo gần đây, mình mới vừa kết thúc bộ phim “Tình bạn tuổi xế chiều” (nguyên tác: Dear my friend). Phim đã được xuất bản từ năm 2016, kể về hội những người bạn đang ở độ tuổi gần đất xa trời đã gắn bó với nhau từ khi còn trẻ, đến tận bây giờ. Bộ phim tưởng chừng xoay quanh những câu chuyện tình bạn giản đơn đáng quý. Vậy mà, xen lẫn đâu đó, với mình, còn là câu hỏi: “Bạn có đang đóng cửa trái tim mình không?”
Nhân vật Hui Ja trong bộ phim, mở đầu bằng câu chuyện không mấy hạnh phúc. Chồng mất trong tủ âm tường, ba người con trai luôn chối bỏ nuôi mẹ mình, vì nhiều lý do. Chỗ dựa duy nhất của bà là Jeong A, người bạn trí cốt lâu năm. Do vậy, Hui Ja luôn cố gắng tỏ ra mình mạnh mẽ, độc lập, cố gắng sống một mình, vì mải lo lắng cho mọi người, cho bà bạn thân, dù bệnh lẫn đang rình rập bà mọi lúc. Để rồi, ở thời điểm phát bệnh, chỉ còn mình Hui Ja với bốn bức tường viện dưỡng lão.
Câu chuyện trên,với mình, là minh chứng cho việc “đóng cửa trái tim”.
Năm mình lớp 2, mẹ mình bất giác bỏ đi Mỹ sống. Phải mất cả năm trời, với 365 cú điện thoại của bố mỗi đêm gọi mẹ về, mẹ mình mới quay lại. Trước khi mẹ đi, trong tất cả các game mình chơi, nhân vật luôn được đặt tên là “NYM”. Có lần, chị mình chọc ghẹo vì phát hiện ra “NYM” có nghĩa là “Na yêu má”. Từ đó về sau, mình không còn nói thương yêu bất kỳ một ai trong nhà nữa.
Năm 13 tuổi, ba mình mất. Với cương vị là đứa con út trong gia đình, khi mà anh chị đều đã lớn hết, mình hiển nhiên trở thành mối quan tâm lớn nhất trong nhà, cũng như trong họ hàng. Mình cứ như Hui Ja ngày ấy, luôn cố gắng tỏ ra bình ổn, vào mọi lúc. Và dù rằng, mình nhớ ba mình thật nhiều, mình “thèm khát” một ai đó nhẹ nhàng kể mấy câu chuyện lịch sử cho mình nghe, như ba. Mình mong mỏi mấy lời khuyên có phần cứng rắn như ngày xưa. Nhưng, mình vẫn chọn im lặng, và cười nói như chưa từng có gì, với tất cả những người mình gặp. Đến bây giờ, việc bày tỏ cảm xúc tiêu cực với người khác, mình vẫn hiếm khi làm được.
Trong serie “Once upon a time” được đài ABC ra mắt tập cuối vào năm 2017, nhân vật Regina, “trùm cuối của làng”, đã giấu trái tim của mình đi, vì với cô: “Trái tim chính là điểm yếu to lớn nhất của con người”. Điều đặc biệt của việc giết người trong phim, là hành động moi tim kẻ thù, rồi bóp nát, để đối thủ tan biến vào hư không. Và đương nhiên, Regina luôn sống sót từ ngày này qua tháng nọ. Đổi lại, cô chưa từng biết thương ai, yêu ai, hay cảm thông cho bất kỳ một ai cả. Ở thời điểm nhận con nuôi, cô cần phải tập yêu thương lại từ đầu, thì chẳng còn kịp nữa.
Trong cuộc sống cô độc này, đa số mọi người đều là Regina, là Hui Ja, và cũng có phần là mình ngày xưa. Chẳng ai muốn yếu đuối để cuộc đời này thừa sức mà tổn thương mình mọi lúc. Họ chọn khóa mình lại, đóng cửa trái tim.
Dù vậy, cứ phải can đảm đối mặt với tổn thương nhiều lần trước đã.
Theo mình nhớ trong phim, Regina, sau khi gắn lại trái tim của mình, đã biết “hoàn lương”, biết cười, biết khóc, dù với cô: “Trái tim vẫn luôn là gắn nặng”, nhưng cô còn biết cả hạnh phúc nữa. Như ngày mình gặp được “anh bạn thân”, cuộc sống mình nhẹ nhàng hơn, được đồng cảm hơn, và vui vẻ hơn.
Vậy nên, tại sao phải ngần ngại khi ai đó ngỏ ý muốn bước vào trái tim ta? Người ta chỉ có thể sửa căn nhà đã hư, khi được bước vào bên trong nó. Trái tim dù nhiều tổn thương đến đâu, thì ắt hẳn cũng phải có cách nào để sửa chữa.
Người ta bảo, mỗi con người sinh ra đều có sẵn cho mình một “tri kỷ” đâu đó trong đời, để phần nào giúp ta sửa chữa lại trái tim đầy tổn thương kia. Vậy thì, tại sao không cứ mặc kệ những tổn thương xưa cũ, mà “một lần mở cửa trái tim”, tạo cơ hội cho ai đó bước vào cuộc đời mình, để thấy được cuộc đời thật hạnh phúc, chứ?
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất