Trong thời gian gần đây, khi các vaccine COVID-19 đã và đang được sản xuất, ắt hẳn các bạn đã nghe biết về 2 loại vaccine của Pfizer và Moderna. Đây là hai loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA. Bài viết của mình sẽ nói sơ lược về công nghệ này, cũng như bàn về tính hiệu quả của các loại vaccine mRNA.
Nguồn ảnh: <a href="https://news.mit.edu/2020/rna-vaccines-explained-covid-19-1211">MIT News</a>
Nguồn ảnh: MIT News
I.               Sơ lược về công nghệ vaccine mRNA:
  Vaccine mRNA (viết tắt của messenger RNA – RNA thông tin) là loại vaccine sử dụng bản sao chép một phân tử mRNA để tạo phản ứng miễn dịch. Vaccine này truyền các phân tử mRNA vào các tế bào miễn dịch, nơi vaccine hoạt động như một mRNA, khiến các tế bào sản sinh protein lạ, vốn chỉ được tạo ra bởi mầm bệnh (virus chẳng hạn) hoặc tế bào ung thư. Các phân tử protein này kích thích trạng thái miễn dịch đặc hiệu với vai trò hướng dẫn cơ thể nhận diện và tiêu diệt mầm bệnh hoặc tế bào ung thư tương ứng. mRNA được đưa vào cơ thể qua việc kết hợp với các hạt nano lipid nhằm bảo vệ các sợi RNA và giúp các tế bào hấp thụ chúng. [1]
·                 Lịch sử:
  Ca truyền thành công mRNA được bọc trong hạt nano liposome được công bố vào năm 1989. mRNA “trần” (không có lớp bọc) được tiêm vào cơ bắp chuột 1 năm sau đó. Các nghiên cứu trên là bằng chứng đầu tiên cho thấy mRNA được phiên mã trong ống nghiệm (in vitro) có thể truyền thông tin về gene nhằm sản sinh protein trong tế bào sống. Tại thời điểm này, mRNA đã được đề nghị cho việc áp dụng vào các mục đích miễn dịch.
Năm 2005, việc ứng dụng thành công nucleoside được biến đổi như phương tiện đưa mRNA vào tế bào mà không kích hoạt hệ miễn dịch đã được báo cáo. Các công ty BioNTech và Moderna đã bắt đầu phát triển công nghệ sinh học mRNA lần lượt vào các năm 2008 và 2010. Năm 2010, cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (Defense Advanced Research Projects Agency – DARPA) đưa vào chương trình nghiên cứu công nghệ sinh học có tên ADEPT như một phần trong sứ mệnh phát triển các công nghệ mới nổi cho quân đội Hoa Kỳ. Năm 2013, DARPA đã trao một khoản tài trợ 25 triệu USD cho Moderna.
  Ban đầu, các loại thuốc ứng dụng mRNA cho các bệnh tim mạch, chuyển hóa và thận, và (cho một số đối tượng) ung thư được cho là có liên quan tới các tác dụng phụ nghiêm trọng. Vaccine mRNA dùng cho người đã được nghiên cứu cho việc phòng chống bệnh dại, bệnh do virus Zika, cytomegalovirus và cúm. [1]
  Năm 2020, 2 vaccine ngừa COVID-19 là Pfizer và Moderna, sử dụng công nghệ mRNA, đã được nghiên cứu và chế tạo. Các loại vaccine này đã được cấp phép và sản xuất vào năm 2021 [2][3]
II.            Tính hiệu quả:
1.              Đối với bệnh truyền nhiễm:
  Việc phát triển các vaccine ngừa và vaccine trị bệnh truyền nhiễm là phương pháp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các phương pháp tiếp cận truyền thống phần lớn thất bại trong việc sản xuất những vaccine hiệu quả trong việc chống lại các virus gây nhiễm trùng mãn tính hoặc lặp lại nhiều lần. Đồng thời, quá trình phát triển và phê duyệt vaccine cho thị trường một cách chậm chạp rõ rầng là không đủ để đối phó với sự xuất hiện liên tục các bệnh cấp tính do virus, điển hình là đợt bùng phát dịch do các virus Ebola và Zika (2014 – 2016). [4]
  Vaccine mRNA là một giải pháp hiệu quả cho việc này. Các nghiên cứu tiền lâm sàng đã tạo nên hy vọng rằng vaccine mRNA sẽ đáp ứng nhiều khía cạnh của một vaccine lý tưởng lâm sàng: chúng đã thể hiện tính an toàn thuận lợi trên động vật, nhanh và linh hoạt để thiết kế cho các bệnh truyền nhiễm đang xuất hiện, và có thể được mở rộng sản xuất (hiện đã được tiến hành bởi một số công ty).
  Không như miễn dịch protein, các dạng vaccine mRNA tạo phản ứng mạnh mẽ ở tế bào T CD8+, có thể là do sự xuất hiện của các kháng nguyên được sản xuất nội sinh trên các phân tử MHC lớp I, bên cạnh các phản ứng mạnh của tế bào T CD4 +. Kết quả, vaccine mRNA đã tạo ra khả năng miễn dịch kháng lại nhiều tác nhân lây nhiễm trên các mẫu động vật và do đó đã tạo ra sự lạc quan ở mức đáng kể. Tuy nhiên, kết quả được công bố gần đây (ND: đoạn trích này lấy từ bài năm 2018) từ hai thử nghiệm lâm sàng về vắc-xin mRNA cho các bệnh truyền nhiễm có phần khiêm tốn, dẫn đến những kỳ vọng thận trọng hơn về việc chuyển thành công tiền lâm sàng cho môi trường lâm sàng.[4]
  Mặc dù vậy, các kết quả thí nghiệm cho các vaccine ngừa virus SARS-CoV2 trong đợt đại dịch gần đây đã cho kết quả khả quan hơn. Theo một đánh giá về mức độ hiệu quả của hai vaccine Moderna và Pfizer-BioNTech, hiệu quả của vaccine khi tiêm chủng đầy đủ hai liều vaccine mRNA là 90% chống lại nhiễm trùng SARS-CoV-2 (đã được thử nghiệm RT-PCR và xác nhận). Tiêm chủng một phần (≥14 ngày sau liều đầu tiên nhưng trước liều thứ hai) mang lại lợi ích phòng ngừa với mức độ hiệu quả 80%.[5]
  Tuy nhiên, vẫn có các lo ngại về tác dụng của vaccine bị giảm do sự xuất hiện của các biến chủng virus mơi (delta, kappa, lambda). Do sự hạn chế về thời gian và tài liệu, cũng như khả năng của người viết, tôi mong các thông tin về hiệu quả của vaccine mRNA đối với các biến chủng sẽ được bổ sung bởi các bạn đọc.
2.              Đối với ung thư:
  Vaccine ngừa ung thư dựa trên mRNA đã được duyệt rộng rãi gần đây. vaccine ung thư và các liệu pháp miễn dịch khác đại diện cho các chiến lược thay thế đầy hứa hẹn để điều trị các khối u ác tính. vaccine ung thư có thể được thiết kế để nhắm mục tiêu các kháng nguyên liên quan đến khối u được ưu tiên biểu hiện trong các tế bào ung thư, ví dụ, các yếu tố liên quan đến tăng trưởng hoặc các kháng nguyên chỉ dành cho các tế bào ác tính do đột biến soma. Các kháng nguyên này, hoặc các neoepitope bên trong chúng, đã được triển khai dưới dạng các mục tiêu của vaccine mRNA ở người. Hầu hết các loại vaccine ung thư là điều trị, thay vì dự phòng, và tìm cách kích thích các phản ứng qua trung gian tế bào, chẳng hạn như phản ứng từ CTL, có khả năng loại bỏ hoặc giảm gánh nặng khối u. Các nghiên cứu chứng minh khái niệm đầu tiên không chỉ đề xuất ý tưởng về vaccine ung thư RNA mà còn cung cấp bằng chứng về tính khả thi của phương pháp này đã được công bố hơn hai thập kỷ trước. Kể từ đó, nhiều nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng đã chứng minh khả năng tồn tại của vaccine mRNA để chống lại ung thư. [6]
III.         Tính an toàn:
  Do quy trình không yêu cầu hóa chất độc hại hoặc quá trình nuôi cấy tế bào, vốn có thể bị nhiễm vi-rút ngoại lai, sản xuất mRNA tránh được những rủi ro phổ biến liên quan đến các nền tảng vaccine khác, bao gồm virus sống, vector virus, virus bất hoạt và vaccine protein tiểu đơn vị. Hơn nữa, thời gian sản xuất mRNA ngắn tạo ra ít cơ hội cho sự xâm nhập các vi sinh vật gây ô nhiễm. Ở những người được tiêm chủng, nguy cơ lây nhiễm hoặc tích hợp vector về mặt lý thuyết vào DNA của tế bào chủ không phải là mối quan tâm đối với mRNA. Vì những lý do trên, vaccine mRNA được xem là một dạng vaccine tương đối an toàn.
  Một số vaccine mRNA khác nhau hiện đã được thử nghiệm từ các nghiên cứu lâm sàng pha I đến IIb và được chứng minh là an toàn và dung nạp tốt. Tuy nhiên, các thử nghiệm trên người gần đây đã chứng minh các phản ứng ở vị trí tiêm hoặc toàn thân ở mức độ trung bình và trong một số trường hợp hiếm gặp đối với các nền mRNA khác nhau. Một số phản ứng có thể thấy và cần được nghiên cứu thêm bao gồm sự viêm tại vị trí tiêm, các khu vực lân cận hoặc toàn thân, phản ứng mạnh mẽ với interferon loại I (có khả năng liên quan đến sự tự miễn dịch).
  Một vấn đề an toàn tiềm ẩn khác có thể bắt nguồn từ sự hiện diện của RNA ngoại bào trong quá trình tiêm chủng mRNA. RNA trần ngoại bào đã được chứng minh là làm tăng độ thẩm thấu của các tế bào nội mô được đóng gói chặt chẽ và do đó có thể góp phần gây phù nề. Một nghiên cứu khác cho thấy RNA ngoại bào thúc đẩy quá trình đông máu và hình thành huyết khối bệnh lý. Do đó, tính an toàn sẽ cần được tiếp tục đánh giá vì các phương thức và hệ thống phân phối mRNA khác nhau được sử dụng lần đầu tiên ở người và được thử nghiệm trên các quần thể bệnh nhân lớn hơn. [7]
  Nghiên cứu gần đây về vaccine ngừa virus SARS-CoV2 cho thấy, phản ứng cục bộ phổ biến nhất là đau tại chỗ tiêm trong vòng một tuần sau khi tiêm chủng. Phần lớn các phản ứng cục bộ xảy ra ở mức độ nhẹ đến trung bình và kéo dài từ 24 đến 48 giờ. Trên tất cả các nhóm tuổi, dưới 1% số người tham gia báo cáo về việc bị đau dữ dội. Ở những người tham gia trên 55 tuổi, những cơn đau dưới bất kỳ dạng nào được ghi nhận ít phổ biến hơn.
  Trong các thử nghiệm tương tự, những người nhận vắc xin trẻ hơn (từ 16 đến 55 tuổi) cho báo cáo về các vấn đề trên toàn thân thường xuyên hơn so với những người lớn tuổi hơn (trên 55 tuổi). Tỷ lệ các sự cố trên toàn thân cao hơn có thể cho thấy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn ở nhóm trẻ hơn so với nhóm lớn tuổi. Nhiều tác dụng phụ hơn được ghi nhận sau liều vaccine thứ hai so với liều đầu tiên. Sau liều thứ hai, cảm giác mệt mỏi và nhức đầu là những tác dụng phụ phổ biến nhất.
  Như vậy, phần lớn các tác dụng phụ không gây hại đến tính mạng. Tuy nhiên, rất cần các phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng để cải thiện các nỗ lực tiêm chủng và giảm sự do dự. [8]
IV.          Tạm kết:
  Vaccine mRNA có thể xem là một dạng vaccine mới, với lịch sử nghiên cứu chỉ vài chục năm, cùng cách hoạt động và phương pháp chế tạo rất khác so với các loại vaccine truyền thống hơn. Lịch sử ứng dụng rộng rãi loại vaccine này thậm chí còn ngắn hơn nữa. Vì thế, cần nhiều nghiên cứu và đánh giá hơn nhằm đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của vaccine, cũng như giảm bớt các lo ngại từ phía người tiêm. Song, mRNA vẫn là một công nghệ có triển vọng cho một cuộc cách mạng vaccine hiện tại và trong tương lai. Đại dịch này, liệu có thể chứng minh điều đó ?
Tham khảo:
[1] https://en.wikipedia.org/wiki/RNA_vaccine
[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Pfizer#Manufacturing_and_distribution
[3] https://en.wikipedia.org/wiki/Moderna_COVID-19_vaccine#Standard
[4] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5906799/#S11title
[7] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5906799/#S11title
[8] https://pssjournal.biomedcentral.com/articles/10.1186/s13037-021-00291-9