Nguồn: Zing.vn
Chào các Nhện, 
Nếu đúng như bộ tranh mà tác giả bộ truyền Thần Đồng Đất Việt Lê Linh đưa ra thì hôm qua là ngày xét xử đầu tiên về tranh chấp tác quyền, tuy nhiên tòa án nhân dân quận 1 đã hoãn phiên xét xử vì bên Phan Thị lại tiếp tục vắng mặt. Năm 2008,  bộ truyện “Long Thánh” mà Lê Linh vẽ về đề tài lich sử cũng gặp phải vấn đề tranh chấp với Phan Thị vì bên Phan Thị cho rằng họa sĩ đã vi phạm quyền sở hữu tài sản của Phan Thị. 
“Lý do từ phía Phan Thị nêu ra là: "Họa sĩ Lê Phong Linh đã tự ý sử dụng hình ảnh nhân vật Trạng Tí mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tài sản". Phan Thị nhấn mạnh: "Rõ ràng đây là hành vi xâm phạm quyền hợp pháp của chúng tôi". (Tranh chấp quanh bộ truyện Long Thánh, Tuổi Trẻ Online, ngày 11 tháng 5 năm 2008)
Bộ truyện “Long Thánh” mà họa sĩ Lê Linh vẽ có rất nhiều nét giống nhân vật Trạng Tí, từ đôi mắt đến trang phục, đôi chân. Theo quan điểm của mình thì khi gắn bó đủ lâu với một sản phẩm và thoát sang sản phẩm khác, bản thân người nghệ sĩ rất khó bứt những gì vốn được gọi là “cái tôi” của họ- nét vẽ, cách dẫn chuyện, lối viết và cả đề tài người nghệ sĩ chọn. Ở cuối bài, mình có thể dẫn ra một số bài viết nói về vụ kiện Thần Đồng Đất Việt mà thế hệ 9x một thời quan tâm.

12 năm qua, từ vụ kiện của một bộ truyện gắn với thời thơ ấu, thế hệ chúng tôi đã có gì?

Thế hệ chúng mình cũng đã dần trưởng thành. Lứa 96 mình đây thì cũng đã nhiều bạn ra trường, cuốn vào dòng đời tấp nập của việc mưu sinh. Thế hệ cuối cùng của lứa 9x - những bạn 99 thì hầu hết cũng tốt nghiệp cấp ba, bước vào môi trường xã hội thu nhỏ- đại học, cao đẳng. 8x, 9x chính là những con người thuộc thế hệ Millenial - khi Internet chưa được phổ biến, một thế hệ vừa có sự bảo bọc vừa phải của bố mẹ nhưng vẫn được thả ra nhiều để tự trải nghiệm, khám phá và khẳng định bản thân. Sự giao thoa giữa đồ chơi truyền thống dễ hư hỏng  và dòng đồ chơi hiện đại bằng nhựa bền chắc du nhập từ phương Tây, những bước đầu hình thành nên Internet, sự thay đổi của việc xem tivi - từ tivi có cái anten dài thật dài luôn phải chỉnh tới chỉnh lui mỗi khi hiện một màn hình ồn đen trắng đến tivi màn hình phẳng, rồi khởi đầu của truyền hình cáp - SCTV và HTVC. Thời mà người ta còn thu mua băng đĩa. Và những ai sinh từ năm 96 cũng sẽ thấy dòng sách giáo khoa của anh chị lớp trên khác hẳn với sách mình đang học. Một thế hệ trải qua việc chứng kiến quá nhiều thứ đến và đi, và phải luôn làm mới mình không ngừng nghỉ, luôn muốn đặt câu hỏi “Tôi là ai”, với đủ kiểu trào lưu khác người và những cuộc đấu tranh tư tưởng không ngừng nghỉ với người lớn. Và thế hệ này hiện tại cũng dần bắt đầu có khái niệm “Nostalgia” - khi những người lớn hơn 6x, 7x đau đáu nhớ về Sài Gòn xưa, những thứ về xưa cũ hay nhạc Bolero thì lứa 8x, 9x đang gần về với tuổi thơ của mình.
Những cửa hàng như Miniso, Minigood, Mumuso,.. của Trung Quốc đi vào thị trường cũng nhằm thỏa mãn cái tìm kiếm về tuổi thơ của lứa 8x,9x. Những bức ảnh bên những món đồ trẻ thơ, cây tò he, hay bất kỳ món đồ nào mang tính “con nít” đều được nhiều người thích vì độ dễ thương của nó. Và một fanpage muốn tăng tương tác, chỉ cần đăng bất kỳ cái gì liên quan đến thời ấu thơ là thu hút được cả đống tương tác. Group Góc Tuổi Thơ chỉ cần đăng một đoạn hình, đoạn truyện, một gói mì trẻ em là được trăm like thậm chí nghìn tương tác không cần dài dòng. Giờ thì người ta kéo nhau về tuổi thơ giữa đời sống ồn ào. Trở về tuổi thơ đã trở thành xu hướng, và với thế hệ Millenial, nó sâu sắc vì những món đồ xuất hiện và biến mất tương ứng với giai đoạn lứa 8x, 9x trở thành những cô cậu mới lớn.
Và chưa trong thời đại nào, người ta sẵn sàng săn lùng ngọn ngành từng con hẻm cửa hàng sách cũ để tìm kiếm bộ truyện tranh vốn từng chuyền tay với chúng bạn thuở nào. Vì đi khắp các nhà sách hiện nay, sách trẻ em ngày nay không thiếu, nhưng một quyển truyện tranh cho trẻ em thì không còn nữa. Và cũng buồn thay, một thời những quyển báo thiếu nhi ở Miền Nam như Rùa Vàng, Nhi Đồng, Khăn Quàng Đỏ vốn là mảnh đất của truyện tranh do tác giả Việt vẽ thì nay giở tờ báo Nhi Đồng ra chỉ toàn những tin tức Đội Thiếu Niên của các trường (cũng chả hiểu có một đống thông tin đó để làm gì), đến cả truyện tranh cũng phải lấy từ nước ngoài về và một mớ quảng cáo. Chỉ còn một mục truyện tranh duy nhất còn sót lại và nét vẽ còn nguyên vẹn đến tận bây giờ: đó là bộ truyện Bác Sĩ Mê Con Nít do bác sĩ Trương Hữu Khanh còn cố vấn chuyên môn. Trên diễn đàn webtretho, các mẹ thở dài vì báo đã mất đi chất lượng quá nhiều. Thế hệ 9x lại đau đáu nhìn những đứa trẻ hiện nay không biết quyển truyện tranh trắng đen và những tập truyện một thời trên báo khiến cuộc sống phong phú thế nào. Vậy vấn đề ở truyện tranh Việt Nam thực sự nằm ở đâu?

Nhầm lẫn về khái niệm truyện tranh đúng nghĩa

Mình sẽ đưa ra hai dẫn chứng về định nghĩa truyện tranh, một của Wikipedia bản tiếng Việt, một của Wikipedia bản tiếng Anh.
Đây là của Wikipedia tiếng Việt:
Truyện tranh, là những câu chuyện đã xảy ra trong cuộc sống hay những chuyện được tưởng tượng ra được thể hiện qua những bức tranh có hoặc không kèm lời thoại hay các từ ngữ, câu văn kể chuyện.
Còn đây là định nghĩa của Wikipedia bản tiếng Anh
“Comics is a medium used to express ideas by images, often combined with text or other visual information. Comics frequently takes the form of juxtaposed sequences of panels of images. Often textual devices such as speech balloons, captions, and onomatopoeia indicate dialogue, narration, sound effects, or other information. Size and arrangement of panels contribute to narrative pacing. Cartooning and similar forms of illustration are the most common image-making means in comics; fumetti is a form which uses photographic images. Common forms of comics include comic strips, editorial and gag cartoons, and comic books. Since the late 20th century, bound volumes such as graphic novels, comic albums, and tankōbon have become increasingly common, while online webcomics have proliferated in the 21st century.”
(Truyện tranh là một phương tiện được sử dụng để thể hiện ý tưởng bằng hình ảnh, thường được kết hợp với văn bản hoặc thông tin hình ảnh khác. Truyện tranh thường có dạng các chuỗi hình ảnh nối tiếp nhau. Thông thường các dạng văn bản như bóng hội thoại (speech balloon), chú thích và từ tượng thanh biểu thị đoạn đối thoại, tường thuật, hiệu ứng âm thanh hoặc thông tin khác. Kích thước và sự sắp xếp của các tranh góp phần tạo nhịp độ tường thuật. Hoạt hình (cartoon) và các hình thức minh họa tương tự là phương tiện tạo hình ảnh phổ biến nhất trong truyện tranh; fumetti là một hình thức sử dụng hình ảnh chụp ảnh (photographic image). Các hình thức phổ biến của truyện tranh bao gồm trang tranh truyện vui- dải truyện tranh (comic strip), hoạt họa mang tính xã hội (editorial cartoon) và hoạt họa mang tính châm biếm (gag cartoon), và cuốn truyện tranh (comic book). "
Dạng truyện tranh mà lứa 8x, 9x mình hay đọc do các tác giả vẽ chính là comic book. Và để làm nên truyện tranh dựa theo định nghĩa Wikipedia, chúng ta có thể suy ra như sau:
Định nghĩa của Wikipedia tiếng Anh sâu hơn định nghĩa của Wikipedia tiếng Việt. Nếu chỉ dùng Wikipedia tiếng Việt, người đọc rất dễ nhầm lẫn với những dạng sách của Nhã Nam hay Thái Hà hiện giờ dành cho các bé từ 3-5 tuổi trở lên, bởi vì những dạng truyện Ehon hay sách hiện giờ tuy nội dung mang tính kể chuyện, và có thơ vì: 
Cái quan trọng của truyện tranh, chính là nhịp độ tường thuật, hay còn gọi là mạch kể chuyện. Mạch kể chuyện được tạo nên nhờ việc sắp xếp hình ảnh và các đoạn hình ảnh trong một trang để tạo trình tự hoàn chỉnh. Chuỗi các tranh có diễn tả câu chuyện nối tiếp nhau mới chính là thứ làm nên truyện tranh. Và trong đó nhân vật là yếu tố chốt yếu, lời thoại là cốt yếu, vẻ mặt nhân vật chính là thứ làm nên cảm xúc. Còn những sách trên thị trường dành cho thiếu nhi đang được nói là truyện tranh thì đó lại là illustration book:
Đây là định nghĩa của illustration book: 
Sách minh họa là một hình thức mỹ thuật được sử dụng để tạo ra hình ảnh và hình ảnh được vẽ cho sách. Minh họa không chỉ đơn thuần là những bức tranh đẹp. Chúng thường sẽ giúp tăng sắc thái câu chuyện theo cách nào đó.
Ở sách minh họa, thì bức tranh là thứ làm nên sắc thái câu chuyện, chứ không phải nhân vật. Và quyển sách không cần hình ảnh thì câu chuyện vẫn giữ được thông điệp. Một ví dụ sách minh họa mà từ thế hệ 9x đến giờ mà các mẹ hay mua cho con là truyện Bubu, hay mấy quyển truyện cổ tích một thời như Tấm Cám, Thạch Sanh,... 
Đây là sách tranh minh họa chứ không phải truyện tranh, đừng đánh đồng!
Còn truyện tranh nếu mất đi phần tranh là coi như không còn mạch truyện. Trong truyện tranh thì chính “tranh” làm nên “truyện” còn “truyện tranh” theo cách gọi của các báo bình thường, thì “truyện” và “tranh” là hai thứ có thể tách biệt nhau hoàn toàn.

Định kiến của một bộ phận áp đặt lên truyện tranh: Truyện tranh là thứ vô bổ, là “con sâu đục khoét tâm hồn” và không nhìn nhận rõ được tác dụng thực sự của truyện tranh

Bữa trước thì mình cũng đã phản biện quan điểm dậy sóng “Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” của Đỗ Nhật Nam khi viết bài về bộ truyện Thần Đồng Đất Việt. Mình sẽ nhắc lại một số quan điểm mà mình đã nói đến:
  1. rẻ, dễ cầm, dễ chia sẻ với nhau, và phù hợp với cách học của một con người: vì đa phần, con người tiếp thu từ hình ảnh tốt hơn chữ đơn thuần. 
  2. xóa bỏ khoảng cách giữa những đứa trẻ có điều kiện và không có điều kiện, đứa thông minh và đứa tầm tầm, vì chỉ cần biết đọc chữ vừa là đọc được, hiểu được. 
  3. giúp bọn trẻ hình thành thứ ngôn ngữ mà chỉ ở lứa tuổi chúng nó học được, những “ầm”, “ui da”, “chéo”. Nó là cột mốc cho một thời - khi người lớn trẻ con không phải đau đáu quá nhiều với việc học thêm, so bì. Nó thể hiện bước đi độc lập, hình thành thế giới riêng của những đứa trẻ - những đứa trẻ không còn chịu đọc sách với bố mẹ nữa, chúng chính thức có nơi hiểu nó và nó học cách thể hiện bản thân, bắt đầu có những tình bạn.
Và đây là một khía cạnh khác mà mình thấy được khi có dịp nhìn thấy ở bọn trẻ ở trung tâm mình làm. (không có ý quảng cáo nhưng trung tâm mình làm dạy Anh văn và nghệ thuật cho trẻ từ 4-12 tuổi, và mình đang xây dựng tủ sách bên đó). Xây dựng tủ sách ở tuổi này rất khó, không thể cứ để trước mặt bọn trẻ là chúng đọc đâu, nhất là thời đại iPad, iPhone đang chiếm ngôi nữa. Bản thân người lớn mình nhiều khi nhìn chữ còn phát ngán nữa huống chi bọn trẻ. Và muốn bọn trẻ đọc sách, bạn cần phải dẫn dắt bọn trẻ, bạn cũng phải hiểu quyển sách, thông điệp và biết cách giải thích cho chúng, gợi mở cho chúng cả những khía cạnh khác một cách đơn giản nhất. Bạn phải nghĩ ra trò chơi làm sao để khai thác được cả hai bán cầu não của chúng, vì đọc một lúc sau sẽ dễ quên. Và ở độ tuổi mẫu giáo, đồ chơi là mốc đánh giá sự phát triển của đứa nhỏ, không phải quyển sách. Bản chất của đa số trẻ em là hiếu động, dễ bị xao lãng, thích thú với hình ảnh, ánh sáng và những gì là lạ. Vì vậy muốn dạy bọn trẻ đọc sách thì phải ép chúng, đặt ra mục tiêu và rèn kỷ luật cho chúng. Và bản thân người lớn cũng phải biết đọc sách trẻ em đúng cách.
Có lần mình đã cố để hai quyển sách tranh khá hay của Hàn Quốc được Nhã Nam biên dịch là “Cục phân chó” và “Làn hơi ấm” trên kệ sách của trung tâm. Trước đó mình đã cho thằng em khi đó học lớp 5 đọc, và dù nó có ý nghĩa gì đi chăng nữa, thằng bé chẳng quan tâm, nó cũng chẳng thèm đọc dòng chú thích phía sau. Vì nó quá ngắn gọn, cũng không phải chủ đề nó quan tâm, và ngay lúc cầm, nó đã biết đó là một quyển sách. Và em mình thì thích sách của Nguyễn Nhật Ánh, vì đơn giản đó là những câu chuyện giúp nó thư giãn và nghiệm được nhiều thứ.
Đó là vấn đề của “truyện tranh” hiện tại - hay còn gọi là truyện có tranh. Vì khi truyện có tranh chỉ cần nhìn vào sẽ có vấn đề ngay lập tức: một là chỉ đọc phần truyện chứ không nhìn tranh (nếu là người lớn hay trẻ thích đọc), nếu có nhìn thì chỉ nhìn lướt qua thôi hoặc hai là chỉ mải chú ý đến hình vẽ (và quả thật thì mình đang đặt câu hỏi, bình thường con nít chỉ lật lật vài cái là xong việc đọc của nó thôi mà). Nội vấn đề giữa tranh và truyện cũng đã thấy rằng nó ảnh hưởng đến sự tập trung của đứa trẻ ghê gớm thế nào. Và mạch truyện lập tức bị đứt, vì thường illustration book sẽ diễn giải câu chuyện ngắn gọn hơn rất nhiều so với sách bình thường, đó là theo cách design về hình ảnh thôi: đã có ảnh thì phải hạn chế chữ lại. Và nó không gợi được cho trẻ kỹ năng quan trọng nhất, theo sát trẻ từ lúc mới học ngôn ngữ cho đến khi ra đời sống: storytelling (kể chuyện). Truyện của Nguyễn Nhật Ánh vẫn còn có sức hút đến bây giờ là nhờ khả năng kể chuyện của nhà văn: mộc mạc, cuốn hút và tranh minh họa vừa phải trong sách.

Tại sao chúng ta lại phải học cách kể chuyện?

Ngày xưa, lúc đi mẫu giáo, cô giáo/ thầy giáo sẽ gọi một tốp trẻ quây quần ngồi và bắt đầu kể một câu chuyện. Thường thì người kể chuyện sẽ phải chuẩn bị băng hình, đồ vật để kể chuyện cho các bé. Ở mỗi một khúc, cô/thầy giáo sẽ dừng lại ở một đoạn băng hình rồi đưa ra một số chi tiết để các bé nhớ và hình thành mạch chuyện của mình. Sau đó sẽ có hình thức nhắc lại sau mỗi chi tiết mới. Cho đến khi đứa trẻ tự đứng và kể lại câu chuyện mình vừa nghe. Lên đến tiểu học thì sau mỗi phần đọc- hiểu văn bản lại có phần hình ảnh không hội thoại để học sinh có thể tự kể, rồi những giờ kể chuyện thêm nữa. Rồi lên cấp 2 thì kể chuyện chỉ còn là văn tự sự để học thi. Và mình thấy đáng buồn khi để kịp chỉ tiêu thành tích, học sinh đã bị cắt đi quá nhiều tiết kể chuyện. Thậm chí cũng hầu như không được dạy cách phân vai sáng tạo câu chuyện.
Hồi trước khi đi làm mình được xem một đoạn clip rất hay tầm 5 phút đăng bởi Macmillan Education - một trong những nhà xuất bản về sách giáo dục lớn ở thế giới. Đoạn clip này là cuộc phỏng vấn với Ed Gerstner - Giám đốc khoa học của tạp chí Nature Trung Quốc. Công việc của Ed là đảm bảo những ấn bản của Nature phục vụ nhu cầu của những nhà nghiên cứu khắp đất nước này, đồng thời tham dự những buổi thuyết trình. Bên sự tò mò muốn học hỏi nhiều và việc “chưa bao giờ thỏa mãn, không bao giờ có thể ngồi yên một chỗ ở một thời điểm và chỉ học một thứ” - kỹ năng giúp Ed phát triển mà ông thực sự không học ở đại học mà là học những năm đầu ở trung học, đó là việc tham gia vào kịch và sân khấu- đứng trên sân khấu và diễn xuất vì chúng cực kỳ cần thiết trong việc giúp đỡ ông hiểu cách đứng trên sân khấu, nói chuyện với con người, gắn bó với con người, thử và kể một câu chuyện có sức thuyết phục, thứ khiến người khác cảm thấy cuốn hút, điều này ông tiếc là mình không làm ở đại học. Kỹ năng ứng biến trên sân khấu giúp những nhà nghiên cứu hiểu và kết nối với khán giả theo cách mà họ sẽ không bao giờ học ở trường đại học. Một trong những điều quan trọng là không cần biết thứ bạn muốn nói cho những người khác đó là điều mà những người khác muốn học, bất cứ điều gì. Đó là lý do vì sao Mỹ và Anh vượt trội hơn châu Á trong marketing. Họ giỏi trong thế giới của trình diễn văn hóa (projecting culture), nhiều thứ mà chúng ta nhận lấy như một đặc ân và vốn được coi là toàn cầu thực chất là của Mỹ hay Anh
“Học được cách thể hiện bản thân mình, học cách kể câu chuyện thì mọi thứ khác mà bạn học có thể được tiếp thêm sức mạnh, và để có được nó thì bạn phải có sự tò mò vô tận về mọi thứ, thử và học về mọi thứ, những thứ lôi cuốn bạn.” 
(Ed Gerstner)
Và tiếc thay, hệ thống giáo dục đã tước đi quyền học cách thể hiện bản thân mình của chúng ta như thế. Nó tước luôn cả sự tò mò, sáng tạo và hiểu vấn đề một cách sâu sắc nhưng vẫn có thể giải thích đơn giản, dễ hiểu nhất.
Và một vấn đề mà trong truyện tranh có thể có được, chính là chúng có sự gắn kết và có sức thuyết phục. Và quan trọng nhất, cảm xúc. Một câu chuyện không bao giờ đủ lay động người khác khi không có được cảm xúc từ chính một nhân vật trọng tâm. Và cùng một vấn đề, nhưng truyện tranh diễn tả vô cùng dễ hiểu - bằng việc kể chuyện qua nhân vật.  Albert Einstein có một câu khá hay mà buổi Offline Spiderum thứ hai mình có đọc qua: “Nếu bạn không thể giải thích cho một đứa trẻ 6 tuổi, bản thân bạn cũng không hiểu được vấn đề đó”
Và để hiểu được vấn đề đó, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có chuyên môn và có tâm huyết đủ sâu để nghiên cứu trước khi ra sản phẩm.

Chuyên môn và tâm huyết của người lên ý tưởng viết cốt truyện và vẽ truyện tranh

Bây giờ đọc đoạn trên thì quả thật chắc các đồng chí Động Nhện không thể nào phủ nhận được tác dụng tích cực của truyện tranh rồi đúng không. Và dùng lại câu nói kết mục ở trên: người nghệ sĩ phải có chuyên môn.
Bạn còn nhớ: khi vẽ nên bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt để vẽ về khía cạnh lịch sử, bản thân Lê Linh phải nghiên cứu rất nhiều tư liệu về cổ tích, văn hóa Việt (trang phục, thời đại),... Nhưng còn những bộ truyện khác thì sao?
Bộ truyện một thời của 9x do họa sĩ Kim Khánh vẽ. Nguồn ảnh: Flickr
Cùng thời điểm đó, thì có một bộ truyện đằm hơn, mang tính giáo dục khá cao đó là bộ truyện “Cô Tiên Xanh” của họa sĩ Kim Khánh. Họa sĩ Kim Khánh cũng là tác giả của bộ truyện “Trạng Quỳnh” và “Trạng Quỷnh”. Bộ truyện Cô Tiên Xanh của ông thì thường được nhớ đến nhiều hơn vì mang nhiều bài học đạo đức sâu sắc nhưng dễ hiểu và không giáo điều. Và trước khi bước vào nghề vẽ truyện tranh, Kim Khánh từng đậu Tú tài bằng 2 ban C (Văn chương ) năm 1972 và từng là một hướng đạo sinh. Chính việc tiếp xúc với thực tế và trải nghiệm nhiều nên ông mới có thể thành công với bộ truyện của mình.
Thế hệ 9x ở miền Nam hồi xưa đọc báo Nhi Đồng cũng sẽ nhớ đến bộ truyện tranh nhiều kỳ “Mai Mơ và Chi Li” (1995-2005). Bộ truyện kể về cuộc sống của hai chị em song sinh Mai Mơ và Chi Li trong trường phép thuật Úm Ba La. Ngày xưa đọc cũng chỉ nhớ mỗi cái tên Mai Mơ và Đôrêméo=)) Người viết cốt truyện khi ấy là Phan Thị Giao Chi, chị viết bộ truyện này chỉ khi mới 13 tuổi. Giao Chi sau này rất xuất sắc, khi còn là sinh viên Đại học Quốc gia Singapore, chị tham gia nhóm sáng tác truyện tranh và cố vấn kịch bản cho các đoàn phim, rồi được nhận vào làm chương trình cho Disney Channel Asia rồi sau đó biên tập viên tại Direct TV – Hãng truyền hình vệ tinh lớn nhất nước Mỹ, và là tác giả bộ truyện Tuyết Đen từng làm mưa gió một thời của lứa teen từ blog đến báo. Hiện giờ Giao Chi không còn viết truyện tranh nữa vì có niềm đam mê khác, và chị đã từng nói rằng muốn theo truyện tranh đòi hỏi phải có tâm huyết và đam mê lâu dài, vì người vẽ truyện tranh phải chấp nhận thu nhập không cao và phải dành thời gian thì mới sống được với nghề.
ảnh: Wiki

“Người viết kịch bản truyện tranh không nhất thiết phải vẽ đẹp nhưng nhất thiết phải biết suy nghĩ bằng tranh và biết dùng tranh để kể chuyện. Tương tự, người hoạ sĩ truyện tranh giỏi, ngoài vẽ đẹp ra cũng phải biết cách diễn đạt một câu chuyện bằng hình ảnh. Cuối cùng, người viết kịch bản phải biết hoạ sĩ của mình nghĩ gì và hoạ sĩ phải biết người viết nghĩ gì. Đây là những yếu tố cơ bản mà cả người viết lẫn hoạ sĩ truyện tranh đều phải có để viết 1 truyện tranh có chất lượng.” (Giao Chi, tác giả bộ truyện Mai Mơ Chi Li)

Chủ đề cứ lặp đi lặp lại

Nhìn vấn đề khách quan một chút, cách đây hơn một thập kỷ, các tác giả vẫn viết về đề tài lịch sử Việt Nam và giáo dục con trẻ. Và sau một thập kỷ, vẫn là đề tài lịch sử Việt Nam và giáo dục con trẻ về đạo đức. Có một thời mà mình khá thích chính là Thần Đồng Đất Việt (lúc Lê Linh đã rời đi) có bộ truyện Thần Đồng Đất Việt Khoa Học và Thần Đồng Đất Việt Mỹ Thuật. Dù cách vẽ có thảm tệ cỡ nào, nhưng mình thấy một khía cạnh tích cực: đó là một doanh nghiệp chịu khó bứt phá đi theo hướng mới. Bản thân chúng ta có thể tổng hợp về kiến thức khoa học thường thức, địa lý và nhiều lĩnh vực khác, tại sao cứ phải nhập liên tục dòng truyện từ nước ngoài. Vấn đề là vì chúng ta chưa có sự phối hợp giữa nghệ sĩ, người có chuyên môn và ý tưởng. Chưa kể ngày nay việc dán nhãn lứa tuổi, thẩm định nội dung ngày càng gắt gao khiến người họa sĩ khó đứng lên được bằng nét bút của mình.

Mâu thuẫn giữa văn hóa Comic và Manga

Năm 1995, nghệ thuật Manga và văn hóa Comic ở phương Tây du nhập vào Việt Nam và được đông đảo người hâm mộ đón đọc đến tận ngày nay. Những dòng truyện một thời từ trong nước đến ngoài nước: Thần Đồng Đất Việt, Cô Tiên Xanh, Trạng Quỳnh, và những mẩu truyện tranh trên báo Nhi Đồng, Rùa Vàng phần lớn ảnh hưởng từ nét vẽ Comic và càng về sau thì những lối vẽ của tác giả mới ảnh hưởng nhiều từ manga. Cộng thêm vấn đề bản quyền chặt chẽ theo công ước Bern yêu cầu phải giữ nguyên cách trình bày của truyện gốc thì những dòng truyện tranh Nhật phải giữ đọc ngược lại. Điều này nảy sinh ra những làn sóng tranh luận chỉ trích về văn hóa đọc ngược. Và thực sự, thường độc giả biết đến phim trước rồi mới biết đến truyện, nên mình không đồng ý quan điểm của họa sĩ Kim Khánh rằng người lớn dọn sẵn ra cái gì thì con nít ăn cái đó, kiểu nhập manga nhiều quá thì con nít nhiễm luôn. Thời của mình truyện tranh còn đọc xuôi, mãi cho đến khi học lớp 7 mình mới biết chúng bạn đọc ngược thế nào. Và một đứa trẻ gắn với manga không phải vì nó được dọn sẵn, mà vẫn là vấn đề cốt yếu: nhạc phim hay, nhân vật đẹp, câu chuyện có cảm xúc và tính đại dịch của nó - người người xem, nhà nhà xem, văn hóa chia sẻ và hoài niệm nhiều.

Kết

Mình viết bài này ra cũng có nhiều quan điểm thực sự chưa đủ sâu (do cũng sắp thi, rồi cũng muốn kết cuối năm bằng một cái gì đó thực sự tâm huyết). Nhưng mình nghĩ, truyện tranh một thời do chính họa sĩ người Việt vẽ - những tác giả 8x,9x nhiều và trở thành một phần của đời sống vì chính nó phản ảnh đời sống và cái tôi của tác giả. Nó phản ảnh một thời của những con người Millenial- độc lập, không quan tâm đến chỉ trích và phê bình và luôn muốn khẳng định cái tôi của mình. Tương lai không biết ra sao, nhưng hi vọng rằng vẫn sẽ có những quyển truyện tranh của lứa thế hệ Z thực sự dành cho thiếu nhi, và hơi hướm ra sao -- thời gian sẽ trả lời.
Vĩnh Anh
 Bài viết có tham khảo từ các tư liệu trên trang web của công ty Phan Thị (vì chỉ có nguồn đó thôi, mọi người thông cảm)
Luận văn Thạc sĩ Mĩ thuật: Sự chuyển biến về tạo hình trong minh họa tranh truyện thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 1995 – 2015, Hà Nội- 2017, Nguyễn Phương Thu

Nếu bạn thấy bài viết thực sự hay thì hãy donate để mình có động lực viết thêm nhiều sản phẩm hay ho hơn nữa:
Tên : Phạm Vĩnh Anh
Số tài khoản: 131071582
Số thẻ: 9704321108897117
Tên ngân hàng: NH Viet Nam Thinh Vuong (VPBank)
Chi nhánh: TP.HCM

Đọc lại bài viết về truyện tranh Thần Đồng Đất Việt tuần trước
Cập nhật mới vụ kiện: