Nói thẳng là ghét cái hình này lắm vì nhìn biết không phải Lê Linh vẽ rồi nhưng để tạm làm cover. Nguồn: Moveek
Chào các bạn,
Hẳn hôm qua các bạn cũng đã thấy bộ tranh kể lại về hành trình tìm công lý cho bộ truyện “Thần Đồng Đất Việt” kéo dài đến hơn một thập kỷ (12 năm) của họa sĩ Lê Linh. Đến ngày 28/12/2018 này, vụ kiện sẽ được đưa ra xét xử, với bên nguyên đơn là họa sĩ Lê Linh - cha đẻ của bộ tứ Trạng Tý, Sửu Ẹo, Dần Béo và Cả Mẹo, và bên bị đơn là Công Ty Phan Thị, thuộc đồng tác giả với bộ truyện tranh. Mình sẽ không bàn đến khía cạnh pháp luật và vấn đề bản quyền, vì mình không có chuyên môn gì về vấn đề này. Mà trong bài viết này, mình chỉ muốn kể về những kỉ niệm với bộ truyện tranh này, cũng như những đau xót và tức giận trước  sự biến chất của những ấn bản “Thần Đồng Đất Việt” kèm theo đó của Phan Thị mình từng mua về.
Đây là nguyên văn của vụ kiện bộ truyện vốn từng là cả bầu trời thơ ấu của bao lứa cuối 8x, đầu 9x 

Trước đây, khi anh Trịnh Nhật Tuân có đăng bài viết “Còn ai viết nhạc cho thiếu nhi” thì mình có nảy ra ý tưởng viết bài “Còn ai viết truyện tranh cho thiếu nhi” (xin lỗi anh Tuân vì cái tựa) vì những lần đi Ministop đầu tiên có thấy những quyển truyện tranh của Phan Thị, “Vợ nhặt” và “Tắt đèn” được vẽ theo phong cách manga, rồi mỗi trưa đi học trốn nóng ở Ministop gần trường lại bắt gặp quyển truyện “Thần Đồng Đất Việt” đến tập 100 mấy rồi nằm xếp xó ở đó. Lại thấy chạnh lòng khi con nít bây giờ không còn những bộ truyện tranh ý nghĩa như vậy để đọc nữa, đâu rồi những Cô Tiên Xanh, Trạng Quỳnh, Trạng Quỷnh, Chú Thoòng, (mình sẽ dành hẳn một bài viết riêng để nói về bộ truyện này), và đặc biệt là Thần Đồng Đất Việt. Nhưng không dám mua vì biết rằng Thần Đồng Đất Việt đã sang tên đổi chủ quá lâu rồi. Những quyển truyện tranh thời đó vốn chỉ giấy trắng mực đen nhưng vẫn luôn sống động. Thần Đồng Đất Việt xác còn đó, nhưng hồn đã mất đi rồi. Những nét vẽ cẩu thả, màu sắc lòe loẹt, thậm chí cả phần phụ lục vốn hấp dẫn xưa đi cũng biến mất. Bây giờ chúng chỉ còn được trưng bày ở đó, với mục đích là bán được tiền, chứ còn đâu niềm vui khi bọn trẻ thích thú với việc xem Youtube trên iPad và tivi nữa. Và giờ truyện tranh nền tảng crowdfunding do tác giả Việt vẽ ra tuy nở rộ, nhưng rất tiếc lại dành cho tuổi teen hay người lớn đọc. Mình gác ý định viết bài này lại, vì những dẫn chứng mình sưu tầm đều có những phát biểu của giám đốc công ty Phan Thị.

Mình biết đến bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt khi nào?

Mình đọc Thần Đồng Đất Việt lần đầu lúc vào học kỳ 2 lớp 1. Tập truyện đầu tiên mình cầm trên tay là tập 39, mô phỏng vụ xử kiện trộm gà trong truyện cổ tích (có chi tiết đắt giá mà ai cũng nhớ là cảnh ông quan xử kêu cả làng đến tát bà chủ quán mất con gà, ai cũng chỉ tát nhẹ hay vỗ má còn đến thằng trộm thì nó tát một cú trời giáng). Hình ảnh đầu tiên mình nhớ chính là mụ Tám Tiền, ông quan và câu nói của Trạng Tý: “Ông đích thị là kẻ trộm gà”.
Trước đó, mình chưa hề biết một quyển truyện tranh là như thế nào. Cô mình là người quyết định đặt truyện về hình thành cho mình thói quen đọc (và giờ mình vẫn biết ơn cô mình vì điều đó). Lúc bố mẹ mắng mình vì tội lười đọc sách, chỉ thích đọc truyện tranh, mình đã vin cớ rằng hết tranh còn có phần giải thích về lịch sử nữa, không nhảm nhí đâu bố mẹ ơi. Và đến năm lớp 3 bố còn lặn lội mua cho mình những tập trước mình chưa đọc đổ lại luôn.

Thần Đồng Đất Việt đã giúp mình học như thế nào?

Nghĩ lại câu trả lời phỏng vấn của Đỗ Nhật Nam hồi năm 2013 trước đây mà thấy buồn cười. “Con không đọc truyện tranh vì truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”, câu phát biểu của một đứa trẻ bị nhồi sọ bởi hai bậc phụ huynh đến nay vẫn dùng con để làm mục đích PR bản thân đã từng bị cộng đồng la lối chế giễu. Và mình cũng thắc mắc sao một đứa trẻ từng thi chứng chỉ tiếng Anh nhiều rồi, cũng viết tốt mà tư duy phản biện lại kém đến thế.
Không phải ai cũng có khả năng tìm hiểu những quyển sách tốt nhất cho con. Và cũng không đủ thời gian để đọc hết từ trên xuống dưới biết sách hay dở chỗ nào, chưa kể hồi đó Internet chỉ mới chớm website đâu Facebook đâu biết gì mà đọc review. Mà đầu óc đứa trẻ con đâu phải đứa nào cũng như nhau, cũng đủ khả năng để đọc trang giấy toàn chữ. Một quyển truyện tranh vừa rẻ, dễ cầm, dễ chia sẻ với nhau, và phù hợp với cách học của một con người: vì đa phần, con người tiếp thu từ hình ảnh tốt hơn chữ đơn thuần. Truyện tranh xóa bỏ khoảng cách giữa những đứa có điều kiện và không có điều kiện, đứa thông minh và đứa tầm tầm, vì chỉ cần biết đọc chữ vừa là đọc được, hiểu được. Nó còn là cách để bọn trẻ hình thành thứ ngôn ngữ mà chỉ ở lứa tuổi chúng nó học được, những “ầm”, “ui da”, “chéo”. Nó là cột mốc cho một thời - khi người lớn trẻ con không phải đau đáu quá nhiều với việc học thêm, so bì. Nó thể hiện bước đi độc lập, hình thành thế giới riêng của những đứa trẻ - những đứa trẻ không còn chịu đọc sách với bố mẹ nữa, chúng chính thức có nơi hiểu nó và nó học cách thể hiện bản thân, bắt đầu có những tình bạn. Bạn bè sau này có thể ít hay không còn liên lạc, nhưng chỉ cần đi qua cửa hiệu sách cũ, nhìn thấy quyển truyện thân quen là những ký ức lại tràn về.
Vừa qua, mình có xem buổi công chiếu “Tử chiến thành Đa Bang phần 2: Sắt” của nhóm Việt Sử Kiêu Hùng, gắn mác 16+. Trước khi vội vã chạy ra ngoài để chuẩn bị bắt xe bus đi học tiếp, mình dừng lại ký tên trên áo của nhóm và nghe hai anh chị trò chuyện. Chuyện là có một người mẹ thấy chiếu phim hay quá vào rạp, cô có dắt hai đứa con nhỏ, đành hủy vé và ủng hộ tiền cho VSKH. Nhìn mà thấy chạnh lòng, vì chúng tôi trước đây từng có Thần Đồng Đất Việt mà. Những mẩu chuyện lồng ghép lịch sử vô cùng vô cùng dễ hiểu, được giải thích khúc sau trong Câu lạc bộ Trạng và Bạn rất ngắn gọn. Mình còn nhớ mãi những tập có sứ Tàu trong đó, có cả giặc đô hộ, nhưng được vẽ lại dễ hiểu và hài hước. Có những nhân vật được học trong sách giáo khoa, và cũng có những nhân vật hay có tên trên những địa điểm đất Sài Gòn như Kỳ Đồng, nhưng không được học đến trong sách giáo khoa. Còn nhớ cả lúc lớp 3 khi xem chương trình “Ai là triệu phú” lúc có câu hỏi “Tác giả của ‘Đại Việt Sử Ký Toàn Thư’ là ai” lúc đáp án là Ngô Sĩ Liên bèn nhảy dựng vì trước đó đọc một tập có nói tác giả là Lê Văn Hưu, mãi đến lúc học lớp 10 mày mò sách Ngữ văn Nâng Cao mới hiểu được đó là bản Đại Việt sử ký thời Trần. Năm ấy Nhà Xuất Bản Trẻ cũng phát hành bộ sách “Lịch Sử Việt Nam bằng tranh”, nhưng mình chỉ đụng vài trang. Và nhìn tình hình niềm hứng thú với lịch sử nước nhà của tụi trẻ càng giảm, mình lại biết ơn bộ truyện này. Chính Thần Đồng Đất Việt đã giúp mình có sự tò mò không ngừng không chỉ với Lịch sử, mà còn cả Địa lý, Văn học và Sinh học. Mình cũng từng bắt đầu những quyển sổ tay “Em yêu khoa học” dán hình ghi viết chi tiết là nhờ những tập “Thần Đồng Đất Việt khoa học” hồi xưa. 
Mình còn nhớ cả những lúc chờ giờ để xé những tờ lịch đua đồ tập viết những nét chữ Hán, rồi còn làm bộ với bố mẹ rằng con biết thêm tiếng Trung Quốc rồi. Rồi sau này, khi người cũ là người Hoa, lúc đó mình đã từng vui như một đứa trẻ khi đi trên những con đường của người Hoa, rồi buồn cười khi nghe người ta nói tiếng Trung Quốc, một con người khác hẳn trước đó với giọng Việt. Mình lại được hiểu thêm một nền văn hóa mới. 
Có một dạo có một bài báo đưa lên lấy ý kiến chuyên gia chê rằng “Thần Đồng Đất Việt” dùng ngôn ngữ không thích hợp kiểu dùng những từ ngữ “bùm chéo”, “hổng”, “uýnh” là không phù hợp, thậm chí còn chỉ trích về cách lồng ghép lịch sử vào truyện. Lúc đó bố mẹ cũng đưa mình đọc, kiểu để nói truyện tranh là thứ vớ vẩn lắm. Dù lúc đó học lớp 4, mình cũng hiểu ai chẳng muốn con mình thích đọc sách, nhưng có điều ngôn ngữ dù gì cũng phải uốn sao cho phù hợp ngữ cảnh. Ngày nay, người ta cứ kiện tới kiện lui những chi tiết lịch sử, cuối cùng vẫn không ra được bộ truyện đàng hoàng tử tế như Thần Đồng Đất Việt. Đến khi đi làm thêm, mình mới thấy rằng chính văn hóa phê bình là vũ khí sát thương nhất, người làm truyện tranh luôn cần có một sự can trường và liều lĩnh của một đứa trẻ, thế mà cuộc sống lại luôn tàn nhẫn với họ, bằng cách bào mòn nhiệt huyết và bắt họ phải “người lớn” một cách vô lý. Thậm chí còn chỉ trích rằng Phan Thị là nhóm tư nhân giỏi làm kinh tế. Thử hỏi xem, nếu không có doanh nghiệp thì ai sẽ tiếp bước cho họa sĩ phát triển đam mê của mình.
Cho đến khi, mọi thứ không còn màu hồng như trước.

Những biến chất trong Thần Đồng Đất Việt mà mình thấy được

Mình nhớ sinh nhật mình năm lớp 2, cũng chính khi đó - Thần Đồng Đất Việt bắt đầu có biến. Kiểu như trong trí nhớ ngây ngô thì khi đó mình có đọc thoáng qua là Lê Linh vẽ tập truyện nào xong sẽ không còn tiếp tục cộng tác với công ty Phan Thị nữa. Khi đó là tập “Quán ăn quý tộc” vẫn boss Tám Tiền. Mình linh cảm rằng hẳn có chuyện gì đó đã xảy ra. Một con bé lo lắng liệu chú Lê Linh làm sao để dân làng Phan Thị tạm biệt bạn đọc và cả sứ Tàu nữa (mình khá khoái sứ Tàu). Mình thở phào nhẹ nhõm khi tập sau Lê Linh tiếp tục vẽ. Và rồi…
Hè năm lớp 3, lúc đó mình còn ở với ông bà, bướng bỉnh không về nhà bố mẹ. Bố chỉ có một cách chiều con gái cưng, là mua bộ Thần Đồng Đất Việt. Năm đó, có thêm một Thần Đồng Đất Việt mới: Thần Đồng Đất Việt Fanclub (mà chả hiểu sao lại gọi là Dan-bum, đến mức bây giờ lâu lâu bố nhại lại). Cũng mua thử, cùng với Chú Thoòng, lúc đó chỉ thèm có truyện. Mở ra thấy một trời một vực, cái gì thế này. Và ngày hôm sau, chính cô mình - người đã từng đặt những quyển Thần Đồng Đất Việt đầu tiên đã xé nát quyển đó. Mình khóc và sợ cô suốt mấy ngày liền. Cùng lúc đó, bộ truyện Thần Đồng Đất Việt thay tên đổi chủ: chỉ là một dòng thông báo nhỏ ở bìa đầu quyển sách. Và từ đó những nét vẽ của truyện đổi hẳn: kiểu vẽ ngoáy, cẩu thả khiến mình không vừa mắt. Mình cũng không hiểu nếu chú Lê Linh muốn tạm biệt, sao không cho cả làng Phan Thị tạm biệt chung với mình.
Mình bỏ dần Thần Đồng Đất Việt từ đó. Sau đó thì có đọc Thần Đồng Đất Việt Khoa học. Tuy nét vẽ cẩu thả, nhưng mình vẫn đọc, vì kiến thức khoa học trong đó.
Và giờ chỉ còn lấp ló quyển truyện đó, nhưng Câu Lạc Bộ Trạng và Bạn không còn, mà chỉ là những trò giải trí rẻ tiền ở phía sau.
Từ những nét vẽ thế này
tập đầu tiên nói về tích trạng Lương Thế Vinh
tập khá mặn 
Tập cuối do họa sĩ Lê Linh vẽ, phải chăng có ý đồ gì hay không


Khi không phải do họa sĩ Lê Linh vẽ
ấn bản Mỹ Thuật
Ấn bản khác không phải Lê Linh vẽ, một thời của mình
Hồi xưa bị xé quyển này

Một góc nhìn khác: trường hợp của Doraemon và Thần Đồng Đất Việt

Nguồn: GameK
Bên cạnh Thần Đồng Đất Việt, thời thơ ấu của chúng ta còn gắn liền với cả Doraemon. Và Doraemon cũng không khác gì Thần Đồng Đất Việt. 
Nhà xuất bản Shogakukan là nơi xuất bản bộ truyện Doraemon nguyên gốc. Bên cạnh bộ truyện tranh gốc Doraemon, hẳn cũng khá nhiều bạn đọc những bộ như Doraemon thêm và Doraemon học tập.
Và đó là điều mình thắc mắc.
“Doraemon thêm” và “Doraemon bóng chày” cũng thuộc bản quyền của Nhà Xuất Bản Shogakukan được vẽ bởi những tác giả không phải Fujiko F. Fujio. Bộ truyện này chỉ tập trung vào nhân vật Doraemon, Dorami hoặc các người máy có hình dáng, tính cách và khả năng tương tự Doraemon- không đả động gì hết đến Nobita và những người bạn. “Doraemon học tập” do Fujiko F. Fujio cùng với những họa sĩ khác vẽ. Rõ ràng, Doraemon cũng xuất hiện trên những ấn bản khác, thậm chí cả trên phim, nhưng Shogakukan, các nhà làm phim đều rất tôn trọng Fujiko F. Fujio. Đến khi yếu đi, Fujimoto lập nên công ty trách nhiệm hữu hạn Fujiko F. Fujio Pro tiếp tục giữ hồn và thần của những nhân vật trong Doraemon.
Doraemon thêm
Doraemon bóng chày
Nguồn: NXB Kim Đồng
Một khía cạnh khác, cuối năm 1992, NXB Kim Đồng xuất bản bộ truyện Doraemon khi chưa có sự cho phép của tác giả. Lập tức Doraemon trở thành hiện tượng của ngành xuất bản ở Việt Nam. Mãi đến năm 1996, NXB Kim Đồng mới chính thức thương lượng bản quyền với NXB Shogakukan, toàn bộ phần tiền bản quyền giai đoạn 1992-1996 được tác giả Fujimoto đồng ý chuyển vào Quỹ học bổng Doraemon. Ban đầu, bộ truyện có tên là “Đôremon” nhưng sau đó do công ước Bern về bản quyền NXB Kim Đồng phải đổi lại tên thành ‘Doraemon” và giữ nguyên tên nhân vật.
Và Phan Thị cũng dính phốt khi nghi ngờ đạo ý tưởng từ Doraemon. Năm 2014, Phan Thị mới phát hành tập đầu tiên của bộ truyện “Dế Robot Nhân tài ảo thuật” lập tức cư dân mạng dậy sóng vì có quá nhiều tình huống truyện, phác họa nhân vật cóp nhặt từ Doraemon. Có một phát biểu của một người về bộ truyện không khác gì nhận định của người đọc về Thần Đồng Đất Việt sau này: đó là “Nét nhìn như vẽ ẩu hoặc kỹ thuật kém, diễn đạt thì đơn điệu, cứng nhắc”. 

Vụ kiện của Lê Linh mất đến 12 năm vì lý do năm đó chưa có Trung Tâm Giám Định Quyền Tác Giả. Nếu Doraemon luôn trung thành với NXB Shogakukan, Fujimoto cương quyết thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn để bảo vệ Doraemon của mình thì  đáng tiếc thay, Thần Đồng Đất Việt đã bị thao túng quá sớm. Ai chả muốn tập truyện của mình dừng lại, không ai muốn nhân vật của mình ra đi cùng tác giả. Đến giờ Doraemon vẫn chưa có hồi kết, Thần Đồng Đất Việt cũng vậy. Thần Đồng Đất Việt lấy bối cảnh nhà Hậu Lê, nhân vật sứ Tàu mô tả thời Minh, và dù nhà Hậu Lê và triều Minh kết thúc, làng Phan Thị và kinh thành vẫn còn đó. Nhưng chỉ còn xác, chứ không còn hồn.
Và nếu Doraemon vẫn còn sống mãi biết bao lứa thế hệ qua truyện và thậm chí chuyển thể thành phim vì tính nhân văn, cái tâm của người nghệ sĩ và sự tôn trọng của nhà xuất bản thì Thần Đồng Đất Việt giờ chỉ còn xác chứ không còn hồn. Bởi vì sự tử tế đã bị thay thế bởi dã tâm của những người lừa lọc, bất chấp mọi thủ đoạn để có được miếng lợi cho mình.
Mình trước đây từng rất khâm phục Phan Thị về những nỗ lực giữ gìn hình ảnh lịch sử Việt Nam và tâm huyết với truyện tranh dành cho thiếu nhi. Mình khâm phục về cách Phan Thị cố gắng truyền tải hình ảnh và tri thức một cách dễ hiểu nhất và kích thích sự tò mò sáng tạo. Nhưng buồn thay, có tri thức mà thiếu đạo đức nghề nghiệp, mà nói thẳng ra là không có đạo đức nghề nghiệp, dối trá thì cũng không thể thành tinh hoa được. Truyện tranh phản ánh lên hình ảnh và tư duy sau này của những đứa trẻ, liệu rằng trong một ngành công nghiệp, nơi cái trẻ con cần được trân trọng, người nghệ sĩ cần được tôn trọng một cách xứng đáng đằng sau đó là sự lọc lừa thì ai sau này sẽ dạy trẻ con sự tử tế? Ai sẽ dạy trẻ con những giá trị lịch sử xưa tự hào đây?
Vĩnh Anh
Nguồn tham khảo
Những bài viết cùng tác giả 
Nếu bạn thấy bài viết thực sự hay thì hãy donate:
Tên : Phạm Vĩnh Anh
Số tài khoản: 131071582
Số thẻ: 9704321108897117
Tên ngân hàng: NH Viet Nam Thinh Vuong (VPBank)
Chi nhánh: TP.HCM