Có nhất thiết phải vượt qua nỗi sợ?
Vượt qua nỗi sợ là điều bất khả thi, vì vậy ta phải nhìn nhận nỗi sợ theo cách khác.
Vào năm 1976, Cara Elizabeth Yar Khan—một cô bé kháu khỉnh, đã chào đời tại vùng đất Hyderabad thuộc bờ nam Ấn Độ.
Ở lưng chừng của độ tuổi hai mươi, thời điểm đẹp nhất để khiêu vũ, Yar Khan đột nhiên trải qua những cú ngã quỵ không thể giải thích.¹
Lựa chọn của Yar Khan
Vài năm sau, Yar Khan được chẩn đoán mắc phải tình trạng rối loạn di truyền hiếm gặp, với tên gọi Hereditary Inclusion Body Myopathy, hay h-IBM. Tính riêng tại Mỹ, chỉ có gần 200 người được cho là sống với căn bệnh này. Đây là tình trạng cơ bắp suy yếu nặng nề theo thời gian; và sau khoảng 10 đến 15 năm, người bệnh thường chỉ có một kết cục duy nhất: bị liệt tứ chi.
Căn bệnh có lẽ là điều tồi tệ nhất xảy đến với cô. Ngay cả những người xung quanh cũng nói rằng: “Cô nên từ bỏ sự nghiệp của mình đi.” hay, “Như thế này không ai cưới đâu, sẽ thật ích kỷ nếu cô muốn có con đấy.”
Tuy nhiên, thay vì đáp trả, cô ấy đã dùng hành động thay cho lời nói.
Yar Khan sau đó đã thực sự kết hôn, quyết định sẽ không sinh con, nhưng có một sự nghiệp tuyệt vời tại UNICEF, cơ quan Liên hợp quốc với sứ mệnh nuôi dưỡng và chăm sóc cho trẻ em trên toàn thế giới.
Hành trình đương đầu với nỗi sợ
Căn bệnh tiến triển ngày một nhanh, thậm chí Yar Khan đã phải dùng tới nẹp chân để có thể di chuyển. Dẫu vậy, cô nói:
“Tôi vẫn còn khao khát những chuyến phiêu lưu. Lần này, tôi bắt đầu mơ về một cuộc đại viễn du, và còn gì vĩ đại hơn là hẻm núi Grand Canyon!”
Cứ năm triệu người đến thì chỉ có 1% số đó xuống được tới chân hẻm núi. Thế là cô dõng dạc nói, “Tôi muốn trở thành một phần của 1% đó.” Và không đùa đâu, Yar Khan thực sự đã dành ra bốn năm chuẩn bị, trằn trọc giữa sợ hãi và can đảm chỉ để thực hiện hoá chuyến hành trình kéo dài gần hai tuần.
Cô kể lại rằng, “Vào ngày 13 tháng Tư, 2018; cách mặt đất 8 feet, tôi ngồi trên lưng một chú ngựa mustang tên là Sheriff. Ấn tượng đầu tiên của tôi về hẻm núi Grand Canyon là sốc và kinh hoàng. Ai mà biết được là tôi sợ độ cao….Thế nên, tôi đã phải lấy hết can đảm để ngăn chặn sự sợ hãi lấn át mình.”
Sau bốn ngày ròng rã băng qua những con dốc thẳng đứng, và tám ngày đi bè vượt hơn 150 dặm qua dòng sông tử thần trắng Colorado, Yar Khan đã hoàn tất mỹ mãn cuộc đại viễn du khốc liệt của cô.
“Hành trình này cho tôi nếm trải một mức độ sợ hãi khủng khiếp hơn bao giờ hết. Nhưng quan trọng hơn, nó cho tôi thấy tôi đã có thể dũng cảm đến mức nào.” Cô nói, “Tôi đã khóc, đã kiệt quệ và bị bầm dập cả hai mắt. Nó thật đáng sợ, thật căng thẳng, nhưng cũng thật phấn khởi.”
Ai cũng có nỗi sợ
Ai cũng có những nỗi sợ của riêng mình—sợ mình sẽ mắc sai lầm, sợ mình sẽ bị chê cười, sợ khi phải đối mặt với tương lai vô định, không lường trước được.
Có bao giờ bạn nghĩ tới những thứ như:
• “Mình muốn theo đuổi công việc X. Nhưng một đứa bất tài như mình sao mà làm được. Thôi từ bỏ vậy.”
• “Vớ vẩn, chưa kinh doanh được đâu. Còn trẻ và thiếu trải nghiệm lắm. Cứ trao dồi thêm đi rồi bắt đầu.”
• “Từng tuổi này rồi còn học hành gì nữa. Cứ lo đi làm và kiếm tiền đi. Sống chết có số rồi.”
Hầu hết chúng ta sẽ nghĩ ra đủ mọi lý do để né tránh việc thất bại, và đa số chúng đều xuất phát từ nỗi sợ. Nên nếu thẳng thắn nhìn nhận, nỗi sợ chính là bức tường to lớn ngăn chặn việc ta phát triển bản thân.
Nhưng sợ hãi là điều bình thường mà
“Không có nỗi sợ, ta sẽ làm những điều ngu xuẩn.” Yar Khan đã nói vậy trước khi kể về chuyến hành trình của cô.
Giờ hãy để Linh phân tích câu nói trên dưới góc nhìn khoa học.
Nỗi sợ từ đâu mà có? Thật ra, sợ hãi là một trong những cơ chế có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh tồn của loài người. Theo nghiên cứu, nỗi sợ xuất phát từ một vùng não nằm sâu bên trong thuỳ thái dương—được gọi là Amygdala, hay Hạch hạnh nhân; nhiều người còn gọi nó với cái tên “não thằn lằn” (the lizard brain).²
Não thằn lằn giúp ta sống sót bằng cách kích hoạt sự sợ hãi; nó giúp tổ tiên con người tránh khỏi những mối nguy, thú dữ và thôi thúc họ ăn thật nhiều.³
Ta có thể hình dung quá trình này đơn giản như sau:
1. Đầu tiên, não thằn lằn phát hiện mối đe dọa
2. Sau đó, nó lập tức tạo ra nỗi sợ để cảnh báo ta
3. Cuối cùng, ta phản ứng bằng cách tránh xa mối đe dọa đó
Đây là một vài ví dụ cụ thể:
• Khi lái xe trên đường, đột nhiên có một chiếc xe tải từ bên trái sắp lao tới. Não thằn lằn nhận thấy mối đe dọa, lập tức tạo ra nỗi sợ để cảnh báo, và ta gấp rút dừng xe lại. Thoát chết trong gang tấc.
• Khi ta chuẩn bị tỏ tình một ai đó, vừa mới mở miệng thì có một dòng suy nghĩ kêu ta dừng lại, nếu không sẽ bị từ chối, sẽ mất đi một mối quan hệ tốt đẹp. Đó là lúc não thằn lằn hoạt động.
• Khi ta đi vệ sinh vào lúc 3 giờ sáng. Dù biết rất rõ đây là phòng mình, và không có ai khác ở trong nhà vệ sinh. Nhưng sau khi xả lũ xong, ta đứng dậy, tắt đèn, rồi phóng một cái vèo lên giường y như có một thế lực hắc ám đang bám theo phía sau.⁴
Qua những ví dụ trên, ta cũng biết được rằng, chức năng của não thằn lằn vẫn gặp đôi chút trở ngại.
Đối với não thằn lằn—tất cả những thông tin mà nó tiếp nhận không hoàn toàn rõ ràng; nó không phân biệt được đâu là nguy hiểm thật sự, đâu là nguy hiểm do ta tưởng tượng, nó không nhận ra sự khác biệt giữa mối nguy và cơ hội. Cho nên cách nó hoạt động chỉ đơn giản là tránh xa tất cả những thứ mà nó coi là nguy hại.⁵
Trevor Ragan, người sáng lập The Learner Lab nói rằng, “Chiến thuật tránh xa tất cả các mối nguy hại là hợp lý khi ta thực sự gặp nguy hiểm, nhưng phần lớn chúng ta hiện nay không sống trong sự nguy hiểm. Thế nên, chiến thuật đó đã vô tình tước đi tiềm năng cùng những cơ hội phát triển tuyệt vời của ta.”
Vượt qua nỗi sợ là điều bất khả thi
Thế có cách nào để loại bỏ nỗi sợ không?
Đáp án là: KHÔNG.
Hãy cân nhắc câu trả lời của Seth Godin, một huyền thoại mà chắc ai cũng biết; khi được hỏi về điều này, Seth đã nói: “Nếu ta tìm cách tiêu diệt, đánh bại, hoặc chế ngự não thằn lằn, ta sẽ thất bại. Não bộ của ta không là gì ngoài một thí nghiệm hóa học, là điện và hóa chất. Nên khi ta muốn chống lại nỗi sợ, khi ta cố gắng mặc cả và lý luận với não thằn lằn, nó sẽ phát điên.” ⁶
Vậy nếu vượt qua nỗi sợ là điều bất khả thi, ta có thể làm gì khác?
Như đã nói—nỗi sợ, lo lắng, băn khoăn hay nghi ngờ bản thân, bất kể xuất hiện dưới hình thái nào, cũng đều là một cảm giác hết sức bình thường. Cái ta cần không phải là giải pháp tuyệt đối, cái ta cần là thay đổi tư duy, một kiểu thủ thuật tinh thần (mental trick) để ta thích nghi với góc nhìn mới về nỗi sợ.
3 bài học về nỗi sợ từ những kẻ khác người
Ai cũng có thể học cách làm quen với nỗi sợ, đó là kỹ năng mà ta nên rèn luyện và mài giũa để khám phá giới hạn của chính mình.
Sau đây là 3 bài học từ các nhà tư tưởng, tác giả, người làm sáng tạo nổi tiếng về cách làm quen với nỗi sợ để giải phóng tiềm năng phát triển của bạn.
1. Nỗi sợ là một chiếc la bàn
Đây là nửa sau trong câu trả lời của Seth Godin: “Việc ta có thể làm, là nhảy múa với não thằn lằn. Việc ta có thể làm, là nhận ra nỗi sợ chính là một chiếc la bàn; và khi ta sợ, não thằn lằn đang cố nói rằng ta sắp làm việc gì đó tuyệt vời. Khi ta sợ, nỗi sợ đó cho ta biết ta sắp làm điều gì đó dũng cảm, táo bạo và mạnh mẽ.”
Cuối cùng, Seth nói một câu mà với mình, chính là điểm mấu chốt: “Ta nên lắng nghe nỗi sợ bằng cách làm ngược lại những gì nó muốn ta làm.”
2. Đừng đợi đến lúc sẵn sàng
Trong quyển Steal Like an Artist của bác Austin Kleon, có một chương nói về việc “Đừng đợi tới khi biết mình là ai mới bắt đầu.”
Trong sách viết như sau, “Bạn có thể sợ hãi để bắt đầu. Đó là điều bình thường.” Và theo Austin, “Chính nhờ việc bắt tay vào làm và thực hiện công việc của mình mà chúng ta nhận ra mình là ai.” ⁷
“Đoán xem: Không một ai trong chúng tôi biết cả. Hãy hỏi bất kỳ người nào đang thực sự làm công việc sáng tạo, họ sẽ nói cho bạn một sự thật rằng: Họ không biết những ý tưởng tuyệt vời đến từ đâu. Họ chỉ xuất hiện và làm việc của họ. Mỗi ngày.” —Austin Kleon
3. Đừng chạm vào
Linh đã đánh cắp điều này từ quyển Nghĩ ngược lại và làm khác đi của tác giả Paul Arden.
Dưới đây là hình một bức tranh dập chữ nổi Braille dành cho người khiếm thị. Họ chỉ có thể hiểu được nó bằng cách chạm vào.⁸
Và dòng chữ Braille này có ý nghĩa là “Đừng chạm vào.” Một nghịch lý thú vị và cũng là một ví dụ tuyệt vời cho việc làm quen với nỗi sợ.
Ban đầu, ta sẽ thấy sợ, nhưng nếu ta không dám thử, không dám chạm vào, thì ta không biết được nó có thực sự đáng sợ hay không. Thế nên, đừng nói không nếu ta chưa thử, và đừng dừng lại nếu thử chưa đủ lâu.
Suy nghĩ cuối cùng
Làm quen với nỗi sợ là bước đi tuy nhỏ trong việc phát triển bản thân, nhưng lại mang về một thành tựu to lớn đối với bất kì ai mài giũa nó. Thành tựu ở đây không phải là danh tiếng, tiền tài hay vật chất; thành tựu ở đây chính là kiểu người mà ta sẽ, và sắp trở thành.
Dù cho có đi chậm thế nào, cũng đừng để sợ hãi làm bạn nản lòng.
References
3. Khi không biết bữa ăn kế tiếp đến từ đâu, ăn càng nhiều càng tốt dường như là một chiến lược tuyệt vời. Mặc dù hiện nay con người sống trong một môi trường giàu dinh dưỡng, chúng ta vẫn mang theo tập tính của tổ tiên ngày trước, và ăn như thể ngày mai ta sẽ chết đói.
4. Linh đã từng bị bà nội hù cho chết khiếp vào lúc 3 giờ sáng. Đang ngồi chill thì bà nội bước ra từ phòng ngủ với cái đầu bạc rũ rượi và nói: “Chúng mày làm gì đấy?”
7. Nghệ Thuật Đánh Cắp Ý Tưởng by Austis Kleon
8. Nghĩ ngược lại và làm khác đi by Paul Arden
LINH V. | Cám ơn bạn vì đã đọc. Nếu bạn thích những ý tưởng Linh chia sẻ, bạn có thể đọc thêm nhiều bài viết chất lượng tại linhvu.blog
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất