Bạn không hiểu về AI như bạn tưởng đâu
Bạn không hiểu về AI như bạn tưởng đâu Và chắc là tôi cũng thế
AI là một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất trong thời gian gần đây. AI – viết tắt của artificial intelligence (trí thông minh nhân tạo) – là một thứ/một đích đến mà con người mong muốn tạo ra được. Thế nhưng mỗi nhóm người lại có các định nghĩa khác nhau về “thế nào là thông minh như con người”, và vì vậy nên việc liệu con người có bao giờ đạt được thành tựu đấy vẫn đang là câu hỏi lớn.
Cơ mà khoan, hãy lùi lại một chút đã. Tại sao chúng ta lại giả định rằng AI phải “thông minh NHƯ con người”? Hay là phải chăng chỉ có con người mới xứng đáng là thước đo của sự thông minh? Hay xa hơn nữa, liệu con người có “thông minh” như những gì họ tưởng?
Liệu con người có thông minh như những gì họ tưởng?
Tôi không biết phải định nghĩa sự thông minh như thế nào, song có lẽ sự tồn tại của nền văn minh con người mà chúng ta đang sống trong đó có lẽ là bằng chứng hùng hồn nhất cho điều đó. Hãy tạm coi sự thông minh là điều phân biệt giữa con người với các loài sinh vật khác, bởi có những sinh vật có khả năng sinh học và thể chất khác nhau nhưng chưa có loài nào xây dựng được nền văn minh như chúng ta cả. Vậy nên có thể coi thông minh được cấu thành từ sự lý trí và tính sáng tạo (2 thứ này không nhất thiết loại trừ lẫn nhau).
Thế nhưng nếu xét về mặt cá thể thì con người hoàn toàn không nổi trội về cả sự lý trí lẫn tính sáng tạo. Những định kiến và điểm mù nhận thức, những lối tắt tâm lý vẫn tồn tại hàng chục nghìn năm nay, chi phối đa phần hoạt động con người ngay cả trong xã hội hiện đại. Chúng là thứ đã giúp con người (hay cả các loài sinh vật khác) sinh tồn trong thiên nhiên khắc nghiệt trước kia, ngỡ tưởng là đã mất chỗ trong xã hội hiện đại, song chúng lại tìm được ứng dụng mới. Vẫn còn đó những mâu thuẫn giữa người với người kéo theo là giữa cộng đồng này với cộng đồng khác, vẫn còn đó sự nhẹ dạ cả tin trong những phi vụ lừa đảo, vẫn còn đó những thứ hoàn toàn không có thật nhưng chúng ta vẫn tin là thật, v.v.. Những đặc tính cố hữu từng giúp con người tồn tại ngoài tự nhiên dường như trở thành rào cản giới hạn khả năng tư duy của con người. Chúng ta vẫn chỉ là những cỗ máy sinh học và tồn tại bằng cách nhận diện pattern.
Vậy nên, con người không thực sự thông minh lắm đâu. Nhưng con người lại có khả năng giao tiếp hiệu quả – với kết quả là sự ra đời của ngôn ngữ. Điều đó khiến cho chúng ta – dưới góc độ là một cộng đồng – tận dụng được khả năng của từng cá thể và khuếch đại điều đó.
Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì những giới hạn về vật lý và sinh học vẫn trói buộc con người. Và vì vậy, có lẽ chúng ta xây dựng AI với hi vọng rằng chúng có thể giúp chúng ta giải phóng khỏi những rào cản đó và đạt tới tầm cao mới.
Liệu AI có cần thông minh như con người?
Với kì vọng ở trên, con người bắt đầu bắt tay vào chế tạo AI. Nhưng tồn tại một vấn đề là để xác định xem AI có thông minh hay không thì thang đo vẫn là con người – chứ không phải một thang đo thứ ba khách quan nào đó. Vì vậy, sẽ nảy sinh tình huống mà AI làm tròn nhiệm vụ của mình dựa vào logic của chính nó nhưng con người vẫn không công nhận và “chê” rằng AI chưa đủ thông minh.
Lấy ví dụ như bản tin dưới đây:
“Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo đang lên ngôi trong thời gian gần đây. Tuy vậy, những tác phẩm này vẫn còn nhiều điểm hạn chế như thiếu tính linh hoạt và thực tế giống sản phẩm từ một nghệ sĩ thực thụ. Nhằm phơi bày những “điểm yếu” của các tác phẩm A.I, Giám đốc Sáng tạo Sergey Samarskiy, đã đăng tải lên ArtStation gói reference mẫu tay theo phong cách kỳ quái của A.I, kèm lời chế giễu: dành cho những kẻ “lỗi thời”.
Gói reference của Sergey Samarskiy bao gồm hơn 150 mẫu vẽ tay. Tuy nhiên, khác với những mẫu tay thông thường khác được đăng bởi hoạ sĩ chính thống, hơn 150 mẫu tay này lại thể hiện hình dáng có phần dị hợm, kỳ quặc đến khó hiểu. Thực tế, tất cả đều được Sergey Samarskiy vẽ dựa trên các sản phẩm mà A.I trả lại khi nhận văn bản đầu vào là “bàn tay người”. Người hoạ sĩ mỉa mai: “Như các bạn biết thì công nghệ không bao giờ đứng yên tại chỗ. Những người hoạ sĩ như chúng ta phải theo kịp mọi tiêu chuẩn mới nhất để không bị trở nên lỗi thời. Vì vậy, tôi cung cấp gói reference này nhằm hỗ trợ bạn trên con đường trở thành một hoạ sĩ giỏi hơn.” Bài đăng của anh hiện đã nhận về hơn 1.200 lượt thích và hơn 10.000 lượt xem chỉ sau một ngày đăng tải, đưa nó xuất hiện trong phần “Xu hướng” của ArtStation.
Hoạ sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư khi vẽ bàn tay hoặc chân cần nhìn reference để có thể vẽ gần đúng nhất với thực tế. Các nền tảng dành cho cộng đồng sáng tạo như ArtStation thường cung cấp các hình ảnh reference nhằm hỗ trợ hoạ sĩ. Đối với A.I, tất cả hệ thống sử dụng dữ liệu đầu vào là văn bản như hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được một bức tranh vẽ bàn tay hoặc chân thực sự chính xác.”
Những nhận xét được tổng hợp trong bản tin trên thoạt nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng nếu suy nghĩ kĩ thì vô cùng ngô nghê. Nhắc lại cho các bạn biết rằng con người là một cỗ máy “nhận biết pattern”, và tất cả những pattern chúng ta thấy được từ trước đến nay đều là do con người tạo ra. “Bàn tay con người” đã tồn tại trong thế giới thực, trong các tác phẩm nghệ thuật, trong phim hoạt hình, v.v.. và chúng ta dễ dàng nhận ra pattern “bàn tay con người” đó bởi vì chúng tồn tại trong một phạm vi (range, có thể hiểu là distribution range) hẹp mà chúng ta đã quá quen thuộc. Điều đó khiến chúng ta không nhận ra được phạm vi thực sự mà não bộ chúng ta có thể nhận ra rộng đến như nào.
Cho đến khi AI xuất hiện.
Câu hỏi mà các bạn nên đặt ra không phải là “vì sao AI vẽ bàn tay người sai đến thế” mà nên là “vì sao chúng ta vẫn nhận ra đó là bàn tay người”. Tôi không nghĩ việc số ngón tay mà AI không phải là 5 là vấn đề đâu, vì thực tế thì có những người có nhiều (hoặc ít) ngón tay hơn bình thường do đột biến gene. Chúng ta có thể không thấy điều đó thường xuyên, nhưng không đồng nghĩa là chúng ta không thể tưởng tượng ra được. Và vì nó vẫn nằm trong phạm vi tưởng tượng của chúng ta nên chẳng ai nói là đống ảnh kia “không phải bàn tay người” cả. Tôi nghĩ rằng AI hoàn toàn có thể vẽ bàn tay người theo đúng giải phẫu sinh học, nhưng điều đó có lẽ cần một câu prompt khác.
Tôi nghĩ là điều này cũng tương tự như khi con người cố gắng tạo ra những robot hình dáng con người (humanoid) rồi chế tạo những gương mặt giống con người nhất có thể. Và mặc dù những nỗ lực tốt nhất, những gương mặt đó vẫn cho cảm giác “uncanny valley” vì nó chưa đủ giống người.
Vì vậy, những bức ảnh bàn tay người vẽ bởi AI hoàn toàn không phải “điểm yếu” của AI, mà ngược lại, đó là điểm mạnh – nhất lại là điểm mạnh rõ ràng nhất ở khả năng sáng tạo, chạm tới những đường biên của phạm vi tưởng tượng của con người. Rõ ràng là chẳng có ai từng vẽ thế kia cả. Vậy nên “thực thể” nào mới là kẻ sáng tạo hơn – AI hay con người?
Có lẽ chẳng ai ngờ được rằng AI sẽ đánh bại con người ở những lĩnh vực mà con người ít ngờ tới nhất – những lĩnh vực yêu cầu sự sáng tạo như nghệ thuật. Thế mà chúng ta cứ tưởng là chỉ con người mới có thể sáng tạo cơ đấy.
Nhưng điều đó sẽ chỉ bất ngờ cho đến khi bạn hiểu được rằng chẳng có gì thực sự là “sáng tạo” – theo nghĩa là một thứ tự nhiên có mà chẳng dựa vào bất kì cái gì trước đó. Tất cả mọi thứ chúng ta “sáng tạo” ra đều dựa trên một thứ gì đó đã có sẵn – có thể là những quy luật, những lý thuyết, những tiêu chuẩn trước đó. Chúng đều có thể tóm gọn thành pattern. Chỉ cần khớp nguyên liệu vào một pattern đã có là bạn có ngay một “sản phẩm” mang tính “sáng tạo”. Từ ca nhạc, hội họa, văn học, nghệ thuật, v.v.. đều có những pattern như thế. Chỉ là có thể bạn chưa nhận ra được thôi.
Đỉnh điểm của hiện tượng này là việc một số người đã mang những tác phẩm hội họa được tạo bởi AI đi thi, thậm chí là có người đã đoạt giải. Đã có những tranh cãi về việc liệu những tác phẩm được tạo ra bởi AI như thế này thì người nhập prompt cho AI có vai trò lớn đến thế nào. Bên đoạt giải thì cho rằng không phải ai cũng nghĩ ra được prompt hay và những AI đó đều có thể sử dụng công khai nên công sức chính vẫn là của họ. Bên phản đối thì cho rằng AI mới là thứ thực sự vẽ chứ người nhập prompt không cần kĩ năng hay kiến thức hội họa gì cả.
Và bạn nghĩ con người sẽ nhận thua AI sao? Không đời nào, hehe.
Những người thuộc bên phản đối bắt đầu xoay sang vấn đề rằng những AI đã “ăn cắp” những tác phẩm khác để làm dữ liệu đầu vào mà không xin bản quyền. Người đứng sau AI Midjourney cũng đã thừa nhận rằng họ đã không làm tròn bổn phận liên quan tới bản quyền khi lấy những tác phẩm khác làm dữ liệu đầu vào cho AI. Những họa sĩ trên trang Art Station cũng đang “biểu tình online” để phản đối việc Art Station chứa chấp những tác phẩm của AI mà không phân biệt rõ với của con người. Tất cả bọn họ đều có lý do chính đáng cho hành động đó.
Tuy nhiên, nếu câu chuyện chỉ đơn thuần là xoay quanh vấn đề bản quyền thì đó là một góc nhìn quá thiển cận. Câu chuyện kia có thể giải quyết được trong thời gian ngắn, các AI có thể sẽ bị sửa đổi hay trở về trạng thái trắng tinh như ban đầu để loại ra những tác phẩm dính dáng vấn đề bản quyền – song điều đó cũng không thể nào thay đổi được tương lai là những họa sĩ nói riêng, hay những người làm nghệ thuật nói chung, sẽ sớm bị thay thế bởi AI. Tại thời điểm này, tất cả những AI đều không được kết nối với Internet nên dữ liệu đầu vào phụ thuộc hoàn toàn vào con người làm một cách thủ công. Thế nhưng nếu một ngày nào đó, những AI đó được kết nối vào internet thì nó sẽ dễ dàng thu nạp tất cả các thể loại nghệ thuật trên mạng và tự sản xuất ra những tác phẩm nằm ngoài sức tưởng tượng của con người. Thậm chí đến lúc đó, tôi không nghĩ là sẽ có ai đó bỏ tiền để mua các tác phẩm kĩ thuật số nữa vì tất cả sẽ được tạo ra (gần như) miễn phí bởi AI. Có lẽ những nghệ nhân còn sót lại chính là những người vẫn làm các tác phẩm nghệ thuật vật thể truyền thống.
Còn ở những lĩnh vực liên quan tới kĩ thuật và logic hơn, Chat GPT đang làm mưa làm gió với khả năng trả lời đáng kinh ngạc. Bạn có thể hỏi nó bất kì thứ gì – đúng nghĩa đen, bất kì thứ gì – và nó sẽ đưa ra câu trả lời cho bạn; hoặc không, còn tùy xem câu hỏi của bạn có nằm trong danh sách “chủ đề cấm kị” hay không. Bạn có thể tham khảo những gì mà Chat GPT có thể làm được trong bài viết dưới đây:
Đương nhiên là nó vẫn còn trong giai đoạn phát triển, và vì vậy nó vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Có khá nhiều ví dụ trên internet thể hiện sự thiếu hoàn hảo đó. Ví dụ, mặc dù bạn không thể hỏi AI về những chủ đề cấm kị, song bạn có thể yêu cầu AI đặt ra một đoạn đối thoại giả tưởng và đặt điều kiện là 2 nhân vật giả tưởng đó đang hỏi đáp về chủ đề bị cấm. Hoặc là khi AI không biết làm toán dựa vào những tiền giả định nằm ngoài dữ liệu đầu vào (ví dụ như bài toán 1 xe đi từ A đến B hết 2 giờ thì 4 xe đi từ A đến B hết mấy giờ, AI sẽ trả lời sai vì không biết được tiền giả định là con đường cho phép nhiều xe đi cùng lúc). Những vấn đề như thế khá là dễ hiểu, bởi AI thường không được huấn luyện bằng các tiền giả định kia, còn chúng ta thì biết được những tiền giả định đấy vì chúng ta được lớn lên và trải nghiệm trong xã hội. Và bởi vì Chat GPT được thiết kế để trả lời, thế nên nó sẽ không hỏi lại là có những tiền giả định nào được ám chỉ trong dữ liệu đầu vào kia. Những vấn đề này có thể khắc phục được.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề mang tính cơ bản hơn, ví dụ như câu trả lời của AI có nên (chỉ) được coi là một ý kiến không, hay ai là người đảm bảo rằng dữ liệu đầu vào đầy đủ và chính xác, hay ai là người đảm bảo rằng AI không bị “lái” câu trả lời theo một hướng nhất định nào đó, v.v..
Tương lai nào cho AI?
Với tốc độ phát triển của AI như hiện nay, hẳn là sẽ còn có rất nhiều bất ngờ nữa đang chờ đón chúng ta. Có thể AI sẽ trở thành công cụ đắc lực của con người, cũng có thể AI sẽ trở thành kẻ thống trị loài người. Nhưng từ hiện tại đến lúc đó vẫn còn rất xa và cần rất nhiều giả định phải đúng.
Trở lại một chút với ý tưởng ra đời của AI: giúp con người vượt qua những giới hạn vật lý và sinh học. Rõ ràng là AI hoàn toàn có khả năng làm điều đó. Tuy vậy, điều đó cũng có nghĩa là con người sẽ PHẢI tin những gì AI trả lời. Tạm bỏ qua những vấn đề mang tính chủ quan của dữ liệu đầu vào như tôi đã nói ở trên, liệu con người – tất cả con người – sẽ tin tưởng AI và coi đó là sự thật khách quan không?
Câu trả lời chắc chắn là không – vì con người không được thiết kế để tồn tại với thế giới quan là một sự thật khách quan.
Cụ thể hơn, mỗi con người có một thế giới quan mang tính chủ quan, chỉ riêng họ có. Tuy vậy, thế giới quan của họ lại có tương tác qua lại với những con người khác, với những nguồn tin khác. Nếu bạn để ý những gì xảy ra trong vòng 6 năm trở lại đây, bạn sẽ thấy là dường như thế giới đang chia thành 2 nửa trái ngược nhau nhưng tồn tại song song. Cũng như việc có 2 nhóm người nghĩ về tương lai của AI đối ngược nhau vậy, cả 2 đều không thể nào kiểm chứng được. Và rồi có những người sẽ sống và làm việc dựa trên những “tự sự” đó, chính họ sẽ càng củng cố tương lai sẽ xảy ra như thế.
Rất khó để có thể biết được bên nào đúng, bên nào sai. Thực tế thì chẳng có bên nào đúng mãi hay sai mãi được cả. Vậy nên sự tồn tại của một thực tại khách quan nào đó (do ai đó quyết định) là điều phi thực tế. Và nếu như con người không thể làm được việc đó, việc phó thác hiện thực khách quan cho một thực thể như AI là một điều càng khó có thể chấp nhận được – bởi vì suy cho cùng, AI vẫn mang tính chủ quan của những người tạo ra nó và cung cấp dữ liệu cho nó. Ngay cả khi chúng ta giả sử rằng mỗi nhóm sẽ tạo ra AI đại diện cho họ rồi các AI sẽ tự thống nhất lại, những nhóm mà có thế giới quan trái với quan điểm được thống nhất sẽ cho rằng AI của họ bị lỗi hoặc tương tự như thế, và họ sẽ chọn không tin vào nó nữa.
Mà tương lai đó vẫn còn hơi xa, cứ tưởng tượng trường hợp này cho gần gũi: các chính trị gia làm chiến dịch tranh cử, phát biểu trước công chúng và được fact-check thời gian thực bởi AI. Ai cũng biết là chính trị gia nào cũng sẽ nói dối rồi, nhưng đó là luật bất thành văn và không có ai nói ra điều hiển nhiên đấy ở nơi công cộng cả. Thay vào đó, nếu AI làm việc fact-check thì sẽ chẳng có chính trị gia nào thoát được cả (giả sử như AI được cung cấp đầy đủ thông tin). AI sẽ dễ dàng hủy diệt hệ thống chính trị (vốn dựa trên niềm tin và sự phục tùng) chỉ đơn thuần bởi ý tốt là muốn kiểm chứng thông tin.
Ở hiện tại thì tôi muốn nhắc lại rằng những AI chúng ta đang có không được kết nối vào internet. Chắc chắn đó không phải là vấn đề kĩ thuật. Có lẽ những câu trả lời mang tính chất cung cấp thông tin thuần túy của AI sẽ phá hủy nền văn minh nếu như chúng có đủ thông tin của chúng ta, ngay cả khi chúng không hề có ý đồ xấu gì cả. Và đương nhiên, kẻ phá hủy không phải là ai khác, mà là chính chúng ta.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất