Trước khi Subin và bạn cùng nhau tìm câu trả lời cho câu hỏi tiêu đề, mình tiết lộ một chút vì sao tiêu đề không dùng cụm từ “người tốt”, “người cho đi” mà lại dùng danh xưng “người giàu tình cảm”. Bởi vì, nhiều người mình từng gặp, mình đánh giá họ có tính cách tốt bụng nhưng họ lại không nhận bản thân là ‘người tốt’. Một vài người bạn khác thích làm việc vì cộng đồng nhưng họ ngại danh dưng ‘người cho đi’ vì họ sợ không thể cho đi mãi. Vì vậy, danh xưng “người giàu tình cảm” trong bài viết này mô tả về tuýp người biết nghĩ cho người khác, sống theo thuyết vị lợi, giàu tình yêu thương.
Nếu bạn đang tự hỏi bản thân có thuộc tuýp giàu tình cảm hoặc gặp vấn đề vì tính cách ‘bao đồng’, thì Subin hy vọng bài viết này hữu ích với bạn.
Một lưu ý nhỏ: Danh xưng “người giàu tình cảm” là ý kiến chủ quan của Subin, bạn đọc có thể tự ngẫm danh xưng phù hợp.

Những yếu tố chứng minh bạn sống giàu tình cảm

1. Sống theo chủ nghĩa duy tâm

Nhắc đến chủ nghĩa duy tâm, bạn nghĩ đến triết học. Trong đó, chủ nghĩa duy tâm nhận định rằng ý thức tồn tại trước và quyết định vật chất. Khi ứng dụng chủ nghĩa này vào phong cách sống, tuýp người sống duy tâm quan trọng mối quan hệ tình cảm giữa người với người, nói theo cách là họ sống thiên về tình cảm, trân trọng trải nghiệm về cảm xúc hơn vật chất.
Nguồn: <a href="https://www.canva.com/photos/MADGxi_CunI-hand-of-an-elderly-holding-hand-of-younger/">canva</a>
Nguồn: canva
Theo quan điểm của Subin từng trình bày trong tập 1 của chuỗi TDTCV, năng lượng cho đi của người sống duy tâm dạt dào hơn những bạn bè sống duy vật. Họ suy nghĩ nhiều về các mối quan hệ xung quanh họ, quan tâm đến suy nghĩ của mọi người đối với họ. Từ suy nghĩ, chúng ta phát sinh sự tò mò, tò mò muốn tìm hiểu, trò chuyện, muốn biết về đối phương nhiều hơn.  
Sự tò mò là một yếu tố quan trọng kích thích mong muốn kéo gần khoảng cách với ai đó. Đối với những người bạn thân, bạn tò mò về những sự việc họ trải qua. Sau đó, bạn suy nghĩ về vấn đề của họ và sử dụng hiểu biết của bạn để đánh giá sự việc. Từ đó, bạn nảy sinh cảm xúc đối với sự việc diễn ra với bạn bè bạn.
Theo hướng tích cực, bạn là người giỏi quan tâm và thấu hiểu. Theo hướng kém tích cực, bạn dễ bị đa sầu, đa cảm.

2. Thích để ý đến chi tiết nhỏ

Người sống tình cảm thường để tâm đến những sự kiện, thói quen, sở thích của bạn bè, người thân. Hãy nhìn xung quanh, bạn thường có cái nhìn tích cực đến người nhớ ngày sinh vật của bạn. Mặc dù, mạng xã hội đã có tính năng nhắc nhở ngày sinh nhật nên người lạ cũng biết đến sinh nhật bạn.
Hãy làm một phép thử đơn giản là bạn tắt tính năng nhắc nhở ngày sinh nhật. Bạn sẽ để tâm hơn đến những người nhớ đến sinh nhật bạn và đánh giá là họ có quan tâm đến bạn. Thực chất, Subin từng gặp một nhóm người có thể nhớ đến vài chục ngày sinh nhật. Vì sao họ phải mất công như vậy? Đơn giản vì họ mong muốn tạo một điều gì đó để bạn mình cảm thấy đặc biệt trong ngày sinh nhật.

3. Ưu tiên nghĩ cho người khác

Dấu hiệu thứ ba và dễ thấy nhất, người sống tình cảm thường nghĩ cho người khác. Đối với một sự việc, bạn có góc nhìn rộng hơn, cân nhắc xem người khác có bị ảnh hưởng hoặc được lợi không. Đôi khi, bạn chấp nhận chịu thiệt thòi cá nhân để đạt được lợi ích cho cộng đồng.
Một khía cạnh khác, bạn đặt nặng suy nghĩ cho người khác khiến bản thân bị quá tải suy nghĩ. Từ đó, bạn rơi vào suy tư, suy diễn hoặc nảy sinh những cảm xúc bất an đối với người khác.

4. Thích được người khác tin tưởng

Một tố chất thường thấy ở nhóm người sống tình cảm là thích được người khác tin tưởng. Bạn có xu hướng thích lắng nghe tâm sự của bạn bè và trở thành điểm tựa mỗi khi ai đó gặp vấn đề. Bởi vì, bạn thích ai đó nghĩ đến bạn, tin tưởng kể những điều thầm kín với bạn. Đôi khi, bạn muốn đưa ra lời khuyên với mục đích thiện lành là giúp đỡ đối phương khỏi tình huống khó khăn.
Việc nhận được sự tin tưởng của bạn bè khiến bạn bận rộn với các buổi tâm sự. Tùy vào mức độ tình cảm, bạn ưu tiên nói truyện với đối phương hơn công việc cá nhân vì bạn xem xét cuộc trò chuyện đó ở mức độ quan trọng – khẩn cấp.

5. Đặt quyền lời cộng đồng trên bản thân

Một không gian hội tụ nhiều người sống tình cảm là các tổ chức thiện nguyện hoặc tổ chức phi lợi nhuận. Bởi vì, mục đích chung của các tổ chức này là hướng đến lợi ích cho xã hội. Một điểm khác, các hoạt động này đặt giá trị cho đi trên giá trị vật chất nên phần lớn công việc này không mang lại thu nhập cao. Bù lại, bạn có trải nghiệm xã hội đa dạng, thú vị hơn.
Lối tư duy ‘lá lành đùm lá rách’ thúc đẩy bạn tìm đến các hoạt động xã hội. Bạn cảm thấy tính cách của mình phù hợp với công việc thiện nguyện và thích được giúp đỡ cho người khó khăn hơn mình.

Vì sao bạn ngại làm người tốt?

Một trong những lý do mà Subin thường thấy ở những người tốt là họ thấy việc cho đi giống như cho kẹo. Trong triết lý viên kẹo mô tả hành động cho ai đó một thứ gì, nhiều người không nghĩ đó là món quà mà họ nghĩ bạn có bổn phận và trách nhiệm với họ. Khi bạn ngừng cho thứ mà họ muốn, họ sẽ lập tức khó chịu, trách móc bạn.
Ban đầu, bạn cảm thấy vui vì giúp đỡ người khác, nhưng khi bạn khó khăn và cần được giúp đỡ thì nhiều người mà bạn từng giúp từ chối bạn. Cảm giác lúc đó của bạn như thế nào? Tổn thương, buồn bã hay thấy vọng.
Nguồn: <a href="https://www.canva.com/photos/MAEvaEqkhgo-elderly-couple-holding-hands/">canva</a>
Nguồn: canva
Đã có giai đoạn nào bạn muốn ích kỷ và ngừng tốt bụng không? Nếu chưa từng thì bạn cao thượng hơn nhiều so với Subin. Thành thật, Subin từng muốn thay đổi sự tốt bụng của mình… nhưng điều này không dễ dàng. Khi nhìn thấy ai đó cần giúp đỡ, mình cố gắng phớt lờ nhưng vẫn lựa chọn giúp đỡ. Vì vậy, mình hiểu cảm giác sợ làm người tốt nhưng không thể đứng ngoài những chuyện bất bình.
Nếu bạn từng trải qua, kinh nghiệm của mình là bạn hãy nghĩ về mục đích cơ bản nhất thôi thúc bạn giúp người khác. Có phải bạn đồng cảm với những khó khăn của họ và không muốn họ chống chọi một mình? Hay bạn nghĩ rằng họ sẽ rất vui nếu được bạn giúp? Hoặc tình thế ép buộc khiến bạn phải giúp họ vì không ai sẵn sàng giúp đỡ. Một điểm chung là các động cơ đều vì bạn nghĩ cho cảm xúc của người khác.
Subin đã thực nghiệm nhiều cách để thoát khỏi trạng thái nạn nhân của triết lý viên kẹo. Một trong những cách khiến mình thấy hiệu quả là tránh hành động lặp đi lặp lại và giới hạn phạm vi giúp đỡ.
Lấy ví dụ, Subin từng nhận cố vấn kiến thức công nghệ cho một bạn content writer, công việc cung cấp thông tin thông qua viết. Ban đầu, mình gửi một danh sách các nguồn tài liệu cơ bản và hướng dẫn bạn kỹ năng chuyên môn. Sau đó, mình cho bạn thực hành bằng cách giao việc và giám sát. Trong vài bài viết đầu, cả hai liên tục tìm lỗi, bàn về cách khắc phục và mình giao thời hạn để bạn cải thiện. Sau hai tháng, bạn cải thiện kỹ năng rõ rệt và trở thành cộng sự ăn ý với mình trong hai năm sau đó. Trong quá trình học việc, mình có một nguyên tắc là chỉ hỗ trợ giải đáp một vấn đề tối đa hai lần. Vì vậy, mình thấy bạn cẩn thận và có trách nhiệm hơn vì sự hỗ trợ của mình bị giới hạn.

Cho đi là lựa chọn, không phải nghĩa vụ

Một lối suy nghĩ mà sau này trở thành châm ngôn của mình, đó là bạn cho người A một món quà hoặc một sự giúp đỡ, chưa chắc đối phương đáp lại nhưng bạn có thể nhận lại sự giúp đỡ từ người B. Trong thực tế, những cơ hội đến với Subin theo cách bất ngờ và khó thể đoán trước. Một vài sự giúp đỡ vượt ngoài khả năng của bạn bè nhưng lại trong tầm kiểm soát của một người khác. Do đó, sự giúp đỡ không phải là nghĩa vụ, mà là một sự lựa chọn trong tầm kiểm soát và ảnh hưởng của họ.

Cho đi là cho luôn

Một trong những lý do khiến người sống tình cảm chối bỏ tính cách của họ là tâm lý được và mất. Trong tập 1 của chuỗi TDTCV, Subin lấy ví dụ về hộp socola. Hãy tưởng tượng trên tay bạn là một hộp socola và bạn vừa cho đi một viên kẹo. Lúc này, bạn sẽ nhìn vào chỗ trống của viên kẹo vừa cho hay nhìn người bạn kia đang mỉm cười sau khi ăn viên kẹo.
Nếu bạn nhìn vào hộp socola thì bạn cảm thấy mình vừa mất một viên kẹo. Trong suy nghĩ của bạn bị bận tâm vì sự mất mát này và mơ mộng rằng người đó sẽ lắp đầy chỗ trống đó. Nhưng khi đối phương để lại một viên thuốc đắng, bạn thất vọng và không muốn mở lòng với họ. Từ đó, bạn không chỉ mất viên kẹo mà mất cả một mối quan hệ.
Bức ảnh Subin chụp ở chương trình thiện nguyện được trưng bày triển lãm Thích Hạnh Phúc
Bức ảnh Subin chụp ở chương trình thiện nguyện được trưng bày triển lãm Thích Hạnh Phúc
Ngược lại, nếu bạn tập trung vào trải nghiệm của đối phương, bạn nhìn thấy viên kẹo biến mất và chấp nhận điều đó. Lúc này, bạn mới cảm nhận được cho đi, được nhìn thấy niềm vui của người khác.

Cho đi khác trao đổi

Khi nhắc đến trao đổi, chúng ta nghĩ về những thứ có giá trị cân xứng. Từ đó, cảm xúc khó chịu, ganh tị nảy sinh nếu món quà nhận lại có giá trị không cân xứng với món quà bạn cho đi. Nếu cách bạn cho đi giống nhưng quan hệ trao đổi, khả năng cao bạn sẽ mất nhiều hơn được.
Vậy tôi được gì nếu cứ mãi cho đi? Bạn chỉ cảm nhận sự nhận lại khi đã tách khỏi suy nghĩ ‘vật chất hóa’ lòng tốt. Hãy tập trung ‘cảm’ và ‘nhận’. Bây giờ, mình thay đổi câu hỏi trên bằng câu hỏi khác:
Bạn có thật sự thấy vui vì đã giúp đỡ người khác, bạn muốn nhận gì từ họ ngoài các món quà vật chất?
Nếu người bạn giúp chỉ xuất hiện một lần trong đời? Điều gì thúc đẩy bạn muốn giúp họ?
Nếu một người không có gì trong tay và cần bạn, bạn có muốn giúp họ không?
Hãy dành một vài phút trả lời câu hỏi trên. Nếu câu trả lời là “có”, chúc mừng bạn vì điều bạn nhận được là cảm giác ‘bình an’ trong lòng. Bởi nếu bạn sống giàu tình cảm, bạn có thể sẽ hối tiếc vì câu hỏi ‘tại sao tôi đã không giúp họ?’.
Kết lại, cho đi khác trao đổi là bạn cho đi điều mà bạn có thể và không mong đợi một món quà được ‘vật chất hóa’. Bởi vì, người sống tình cảm thường thích cho đi, nên hãy nghĩ về mục đích cơ bản nhất thúc đẩy bạn muốn làm điều đó. Cuối cùng, cho đi là cho luôn, bất kể thứ bạn nhận lại là viên thuốc bắc thì món quà đó vẫn có giá trị.
Mình là Subin, nếu bạn muốn mình trao đổi kiến thức về sức khỏe tinh thần, hãy nhắn tin với mình hoặc bình luận phía dưới. Chúc bạn một ngày trọn vẹn.