Có một tư tưởng mà chắc hẳn ai cũng đã biết:
Nếu như bạn thấy một con sư tử đói đang rượt đuổi con mồi của nó, một con nai tội nghiệp, trong trường hợp này bạn sẽ lựa chọn thế nào? Ra sức cứu con nai nằm dưới nanh vuốt hay giúp con sư tử có một bữa ăn ngon miệng?
Câu trả lời là dù lựa chọn thế nào cũng đều không tốt, nếu bạn giúp con nai, con sư tử sẽ mất đi bữa ăn và nó có thể sẽ chết, còn khi giúp con sư tử thì có lỗi với con nai, bạn sẽ góp sức giết đi một sinh mạng và gây tạo ra nghiệp chướng.
Cách hành xử tốt nhất là "không làm gì cả", vì theo tư tưởng Vô vi của triết gia Lão tử, có những trường hợp tốt nhất là đừng làm gì cả, để mọi thứ xảy ra thuận theo tự nhiên vì nếu bạn can thiệp thì sẽ ra thêm rắc rối.
Con sư tử có săn được con nai không hay con nai có bị ăn thịt thì cũng đi theo nghiệp của chúng, theo trời đất sắp đặt. Bạn đóng vai trò là một nhân chứng cho sự việc ấy xảy ra mà không cần ra tay, nhằm không tạo thêm trở ngại cho tự nhiên.
Triết gia Lão tử.
Triết gia Lão tử.
Nhưng có một quan điểm trái ngược, mình không dám chắc có thật chất từ trong kinh, trong Đạo Phật hay không nhưng theo lời giảng giải của một trụ trì, ngài đã nhấn mạnh rằng:
"Đây là thế giới mà mọi loại gây đau khổ cho nhau, khi thấy một chúng sinh nằm dưới nanh vuốt, kẻ mang thân tu như ta phải hết sức ra tay cứu giúp kẻ yếu, dù cho có phải đắc tội với kẻ mạnh, gây ra oán hận vì lỡ làm kẻ mạnh phải chết đói, nhưng ta sẵn sàng mang vác lên mình nghiệp ác ấy, đó mới là trí tuệ và sức mạnh của kẻ tu hành, việc nhỏ như thế không làm thì sao quản được chuyện lớn?"
Theo mình thì quan điểm của vị trụ trì có phần đúng, đúng ở việc ra tay giúp đỡ kẻ yếu thế, hành thiện giúp đời luôn là những bài thuyết pháp mà các vị sư ngày đêm truyền giảng, cả trong văn hóa lẫn đạo đức xã hội ta luôn ủng hộ và đề cao tinh thần làm việc tốt.
Nhưng mình cũng thật không đồng tình, mình không nghĩ rằng việc:
Sẵn sàng khiến một "kẻ mạnh" chết đói để cứu một "kẻ yếu" khỏi cái chết, là việc nên làm và là việc hành thiện giúp đời.
Vì dù mạnh hay yếu thì vẫn là sinh mạng mà đã là sinh mạng thì đều đáng quý, đáng sống như nhau. Việc góp sức tước đi một sinh mạng chắc chắn không phải là điều đúng đắn. Nếu đã là yêu thương và trân trọng mọi chúng sinh thì không nên làm hại chúng, dù trực tiếp hay gián tiếp.
Và nếu là Đức Phật thật sự, mình đoán rằng ngài sẽ không ra tay giúp cho con sư tử đói, ngài sẽ để cho nghiệp dẫn dắt chúng sinh và bản thân cũng chỉ là một nhân chứng trước sự việc ấy.
Con nai có bị ăn thịt là nghiệp của nó và đâu biết chừng, nó cần kết thúc vòng đời và chuyển kiếp thành một dạng thức mới, con sư tử săn được con nai và có một bữa no nê, cũng là vì nó cần dinh dưỡng để tiếp tục tồn tại, tiếp tục số nghiệp dang dở của nó.
Hoặc nếu con nai có thoát khỏi nanh vuốt, cũng là trời định nó được thoát, điều đó dẫn đến việc con sư tử sẽ chết đói thì cũng là do số nó đã tận.
Vậy nên mình khá ủng hộ tư tưởng Vô vi của Lão tử:
Mọi thứ thuận theo tự nhiên, thiên nhiên trời đất đã vận hành theo số mệnh, hòa hợp với Đạo, nếu ta tác động thì chẳng khác nào làm đảo lộn chu trình trên.
Không phải ta không biết làm gì, mà ta đã ngầm để cho chu trình ấy được vận hành trơn tru mà không ra tay cản trở.
Con nào sống hay chết thì đều có số.
Con nào sống hay chết thì đều có số.
Tiếp theo, ta sẽ bàn đến một thí nghiệm vô cùng nổi tiếng, là thí nghiệp "Trolly Problem" của nhà khoa học Eleanor Nelsen, thí nghiệm này có nội dung như sau:
"Có 1 đoàn tàu hỏa đang lao rất nhanh về phía 5 công nhân có mặt trên đường ray, còn bạn đứng cạnh công tắc.
Công tắc này có thể lái đoàn tàu sang đường ray thứ 2, ở đó chỉ có 1 người công nhân.
Vấn đề ở đây là, bạn chọn hi sinh 1 để cứu 5 hay để yên cho đoàn tàu lao đi kết liễu 5 người?"
Thí nghiệp Trolly Problem của Eleanor Nelsen.
Thí nghiệp Trolly Problem của Eleanor Nelsen.
Đây là một thí nghiệm nhằm nghiên cứu hành vi của con người gây ra rất nhiều tranh cãi, thử thách sự đạo đức mà con người khi khảo sát cho thấy 90% số người sẽ chọn bấm công tắc, hi sinh 1 mạng để cứu 5 người và dù đối tượng khảo sát là các triết gia thì tới gần 70% sẽ bấm công tắc.
Như đã nói ở trên, sinh mạng nào cũng đáng giá, nếu ta bấm công tắc khiến đoàn tàu cán qua 1 người thì vẫn không phải điều thiện lành. Nếu nói 5 sinh mạng thì đáng giá hơn 1 sinh mạng, nên cần bấm công tắc để cứu lấy 5 người đó và chỉ hy sinh 1 người thì quả thật là vấn đề gây tranh cãi.
Giả sử là Đức Phật, có lẽ ngài sẽ không bấm công tắc để hy sinh mạng người kia và cũng giả sử là vị trụ trì ở trên, mình thật lòng không biết câu trả lời của ngài sẽ thế nào, vì làm gì có kẻ mạnh hay kẻ yếu ở đây, chẳng lẽ đem số lượng người ra để cân đo lựa chọn hay sao?
Còn khi ta dùng áp dụng tư tưởng Vô vi vào "Trolly Problem", chắc chắn câu trả lời đơn giản là:
"Không làm gì cả, không tác động, không can thiệp."
Ta sẽ đóng vai là nhân chứng, chứng kiến cảnh tượng ấy mà không làm gì cả, ai bị đoàn tàu cán là nghiệp của kẻ ấy, kẻ sống sót là kẻ có phước báu của kẻ ấy, ta sẽ không can thiệp và làm đảo lộn chu trình của trời đất.
Có thể thấy, "Trolly Problem" là thí nghiệm không có đáp án, không có lựa chọn nào đúng hay sai được trả lời ở đây, nó chỉ khảo sát hành vi của con người và cách họ lựa chọn theo những tiêu chuẩn đạo đức của cá nhân.
P/S: Những ví dụ và góc nhìn trên chỉ là những suy nghĩ của riêng mình, đúng hay sai, đạo đức hay vô đạo đức nếu xét vào từng trường hợp, sẽ khác biệt và bị lung lay rất nhiều. Mình chỉ phần đa thể hiện sự đồng tình về tư tưởng Vô vi của Lão tử và không nêu cụ thể câu trả lời của mình cho từng trường hợp.
Vậy còn góc nhìn và quan điểm của các bạn thế nào về những vấn đề trên, chia sẻ cảm nghĩ của các bạn ở dưới cmt cho mình biết với nhé!