Có phải hoa nào cũng ra quả không?
Trong lúc nhóm chúng tôi bàn luận về một câu chuyện để làm tiểu luận, thì không biết đầu đuôi thế nào mà dẫn đến một tranh cãi lớn...
Trong lúc nhóm chúng tôi bàn luận về một câu chuyện để làm tiểu luận, thì không biết đầu đuôi thế nào mà dẫn đến một tranh cãi lớn ngoài lề: "Nói hoa nào cũng cho ra quả, vậy quả hoa cúc đâu?"
Theo những gì tôi luôn nhớ và đinh ninh trong đầu mình, kết quả tiếp theo của một bông hoa luôn là cho quả. Vì vốn dĩ thực vật có hoa sinh sản hữu tính nhờ hoa. Vậy mà sau cuộc tranh luận tôi đề cập ở trên, thứ được sinh ra từ hoa lại nhiều hơn một đáp án:
- Một đóa hoa "em bé" mà hoa mẹ mang nặng đẻ đau.
- Quả "sơ sinh" hay bị trêu rằng mày là con bác hàng xóm.
Để trả lời cho thắc mắc này, tôi đưa ra một vài lập luận sau đây:
1. Hoa tàn, hoa nở?
Nếu đúng là sinh ra đời hoa tiếp theo thì cả đời này tôi chẳng biết "hoa tàn" là gì. Cứ trên một bông hoa cái sinh ra một đứa, đứa đó là đực thì tiếp tục nhờ gió hay động vật thụ phấn với cái; hoa lưỡng tính thì đơn thân sinh thành dưỡng dục bằng nhị và nhụy. Dù bằng cách nào, cứ cho ra hoa ra hoa mãi thế, thì có vẻ ta đã lẫn lộn giữa cây hoa (thực vật có hoa) và hoa (cơ quan sinh sản của thực vật có hoa) rồi. Thử hiểu một cách gần gũi như bản thân con người và cơ quan sinh sản của con người. Thực tế, chúng ta đều biết mình được sinh ra từ "hoa" của người mẹ. Đây là cách hiểu thông thường và đúng đắn, chứ không phải chính cơ quan đó sinh ra một cơ quan mới y chang nó. Nếu không, tôi sẽ rất sốc khi nghĩ đến chuyện mình có tận "hai, ba, bốn... bông hoa" đấy.
Hoa mẹ tàn, sinh ra đời hoa con. Không thể nào!
2. Cách các cây hoa duy trì nòi giống
Gom góp kiến thức Sinh học bấy lâu, tôi thấy có nhiều cách để trồng cây con từ cây mẹ, như giâm cành, chiết cành, ghép mắt đến việc sử dụng hạt giống. Những cách giâm, chiết cành và ghép mắt giúp nhân nhanh cây trồng, tạo ra được nhiều cây mới trong một thời gian ngắn tôi không bàn luận, vì nó không liên quan đến "hoa" - cơ quan sinh sản của thực vật có hoa mà chúng ta đang nói. Hơn nữa, thông qua những cách này, con người đã tác động vào quá trình sinh trưởng tự nhiên của thực vật. Vậy trước khi có sự can thiệp của con người, thực vật có hoa làm cách nào để duy trì nòi giống?
Trong những cách mà tôi đã liệt kê, còn một cách mà các loài thực vật như dưa hấu, táo, v.v... (những loại cây ăn quả) thường cho hạt giống để gieo trồng. Nhưng còn những loại hoa như cúc, hạt của nó ở đâu?
- Tất nhiên là lấy từ quả rồi!
- Nhưng tao chưa thấy quả cúc bao giờ? (Bạn tôi nói gần nhà nó có hàng xóm trồng cúc bao năm nay, rõ ràng chỉ thấy hoa không thấy quả).
- Người ta trồng cúc để lấy hoa mà bán, có bán quả đâu mà mày đòi thấy.
Tới đây lại phải nói đến việc con người sử dụng hoa của thực vật để làm gì.
Sự đa dạng của tự nhiên nói chung và thực vật có hoa nói riêng đã tác động đến bản năng khai thác vô hạn của con người khi dùng cơ quan sinh sản của một sinh vật để làm đẹp và trang trí. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta cứ gọi chúng là hoa, một từ ngữ mĩ miều hơn, nhưng cũng dễ làm người ta quên mất chức năng nguyên thủy của chúng là gì. Những bó hoa trao nhau trong mỗi sự kiện nào đấy, hay hoa được phơi khô, làm thuốc, v.v... đều là con người chúng ta ngăn mình nhìn thấy sự ra đời kì diệu của một thế hệ thực vật tiếp theo. Đúng là "hồng nhan thường bạc phận".
Tuy nhiên, những người trồng hoa đâu chỉ kinh doanh một lần trong đời, họ đương có cách duy trì nòi giống cho cây hoa của mình. Khai thác nhưng có bảo tồn. Bằng cách giữ lại những bông hoa giống, khi tàn cho ra những quả, hạt trong quả được gieo xuống đất, thế là vòng tuần hoàn lại tiếp tục. Điều đó giải thích vì sao tôi chưa thấy quả cúc, quả ly bao giờ, vì tôi chỉ mua và sử dụng những bông hoa, chứ không phải quả của chúng. Người trồng hoa tất nhiên lấy cung theo cầu, còn lại họ giữ ở chỗ mình, tiếp tục công việc nuôi trồng chăm sóc, hoặc bán lại hạt giống cho những ai khác có nhu cầu.
Vậy, quả cúc là có thật.
3. Cấu tạo của hoa luôn tạo thành "quả"
Bức hình thể hiện cấu tạo chung của một bông hoa lưỡng tính, cho ta thấy những bộ phận cần thiết và tối thiểu để được gọi là "hoa". Thông thường, hoa gồm 4 bộ phận chính: đài hoa, cánh hoa, bầu nhụy và noãn. Sau khi noãn được phụ phấn và trở thành hạt, phần bầu nhụy bao quanh nó sẽ lớn dần và trở thành quả. Như vậy, bản thân mỗi bông hoa đã mang sẵn trong mình "quả chờ ngày chín". Còn đối với những hoa đơn tính là hoa đực vốn không có nhụy, chúng giúp hoa cái có thể "mang bầu". Do đó, trừ phi không được thụ phấn, bằng không hoa luôn tạo thành quả.
Tổng kết
Những lập luận trên của tôi chủ yếu giải thích cây hoa đều cho ra quả và nguyên nhân mà người bình thường hiếm gặp quả của cây hoa. Nếu bạn thấy vẫn chưa đủ thuyết phục, bạn có thể tìm hiểu thêm thực vật hạt kín và thực vật hạt trần. Khác biệt tiêu biểu nhất giữa chúng có liên quan trong bài viết này là thực vật hạt kín sinh sản hữu tính nhờ "hoa", dùng hoa để cho ra "quả", quả được hình thành chứa "hạt" bên trong để phân tán cho các thế hệ sau sinh sôi nảy nở. Thực vật hạt trần thì không sinh sản nhờ hoa, nên chúng chẳng cần mọc hoa. Vì thế, một khi bạn nhìn thấy hoa gì, nghĩa vụ của chúng luôn là "kết hôn và sinh con dưỡng cái", có điều "con" tuyệt nhiên không giống ba mẹ của nó mà thôi.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất