Có cái gì đó, hay là không có cái gì cả?
 Tôi từng nghe có bạn phát biểu: "Không có bạn, không có tôi, không có ai hết, không có gì cả !" 
Nếu là bạn là một người tò mò về bản chất của vạn vật hay sự thật tột cùng (giống tôi), câu nói trên mang một luận điểm quan trọng. Nó liên quan đến câu hỏi về bản chất mọi vật:
Ở mức độ tột cùng thì:
Có cái gì không?
, hay là
Thực chất chẳng có cái gì hết?
I. Những câu trả lời thường gặp   
Theo những quan điểm phổ biến trên Internet thì có vài phương án trả lời cho câu hỏi trên:
1. Có vô vàn thứ: người, vật, điện thoại, bàn ghế, muông thú, hành tinh, sóng, hạt, …. Mọi thứ là đối tượng nghiên cứu của Khoa học: Toán học, Vật lý, Tâm lý, Kinh tế, Xã hội học đều thật sự tồn tại. Nếu không tồn tại thì nghiên cứu chúng để làm gì, phải không? Phần lớn mọi người suy nghĩ theo nhóm và đương nhiên kế thừa loại quan điểm này. Thực tế hầu hết mọi người đương nhiên chấp nhận và không có nhu cầu xem xét thêm. Còn những người xem xét các khả năng ngoài quan điểm này thực chất đều ít nhiều có xu hướng tin vào những thực tại nào đó nằm ngoài khoa học. Những người như vậy có thể tạm coi là hầu hết có "xu hướng tâm linh", và họ sẽ chuyển sang các khả năng được đề cập ngay sau đây.
2. Không, chả có gì cả. Không có gì là thực có hết. Với kết luận như thế, thực chất ta chấp nhận quan điểm của chủ nghĩa hư vô cho rằng không có gì tồn tại hết. Cái này thuật ngữ gọi là “đoạn kiến”. Cũng có vài trường phái tâm linh chủ trương cái này.
3. Có, nhưng chỉ có một thứ duy nhất, chỉ có một thứ gọi là Cái Một. Cái Một bao trùm toàn bộ hiện hữu. Toàn bộ các thứ khả kiến, khả tri đều chỉ là một biểu hiện tạm thời của Cái Một này. Mọi thứ đều từ Cái Một này mà ra, mọi thứ đều tạm thời, điều biến đổi và chuyển hoá liên tục, nhưng bản thân Cái Một thì thường còn. Khi kết luận như thế, ta thừa nhận có một thứ Đại Ngã, một cái Ngã ở tầm toàn thể. Cái này thực chất là một “ngã kiến”. Có khá nhiều trường phái tâm linh rơi vào nhánh này. Làng Mai với tư tưởng Duy Biểu của nó đi theo quan điểm tương tự.
Thế còn Giáo pháp đạo Phật nói gì?
II. Thực tại tột cùng trong đạo Phật thì khác
Quan điểm về "cái gì thực sự tồn tại ở mức độ tột cùng" trong Giáo pháp của Đạo Phật thì không rơi vào nhánh nào trong ba khả năng trên. Không phải là không có gì tồn tại hết, mà cũng không phải thực chất chỉ có một Đại Ngã, cũng không phải có vô số thứ thực sự tồn tại.
Cái thực có không phải không, không phải một, mà là nhiều nhưng có số lượng hữu hạn và xác định. Tuy chúng là có thực nhưng (hiện tại) không có ai có khả năng kinh nghiệm trực tiếp chúng. 
Đó là một điểm kỳ ảo về các thực tại trong đạo Phật:
Trong khi ai cũng biết, ai cũng kinh nghiệm được các thực tại tục đế trong cuộc sống hằng ngày thì ngược lại, (hiện nay) không ai có khả năng kinh nghiệm (nhận biết/ cảm nhận) một cách trực tiếp các thực tại chân đế cả.
Đức Phật đặt tên cho các thực tại này là "pháp" (dhamma) hay "vi diệu pháp" hay "pháp chân đế". Có nhiều thực tại tột cùng tồn tại nhưng chúng chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi rồi lại diệt đi ngay, được tiếp nối ngay lập tức bởi các thực tại tột cùng khác cũng sinh lên rồi diệt đi ngay như vậy (trừ một ngoại lệ duy nhất). Các thực tại sinh lên rồi diệt đi ngay này là có thật vì chúng có các đặc tính riêng có, tuy nhiên chúng không trường tồn mà biến mất ngay không bao giờ quay trở lại, chúng cũng không có bất cứ hình tướng nào cả. Chúng ngắn ngủi nên chúng là vô thường, chúng không trường tồn nên chúng là vô ngã. Chúng là các “pháp hữu vi”. Pháp hữu vi còn hay được gọi bằng một tên khác là "uẩn". 
III. Uẩn và Khổ
— Dukkha và các thực tại tột cùng (pháp chân đế) —
Nói đến Đạo Phật là nhiều người liên hệ ngay với câu "Đời là bể khổ". Thực ra quan điểm này là một thành kiến không chính xác.
Đức Phật không nói “Đời là bể khổ”, hay “Đời là dukkha (khổ)”. Chính xác hơn là Đức Phật đã nói như sau trong Kinh Chuyển pháp luân:

“Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỳ-khưu. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.”

Ở đây chúng ta có thể suy ngẫm sâu hơn:
. Trong Thánh đế về Khổ (Khố đế) Đức Phật không đề cập đến Cuộc đời hay Đời sống. Thực chất không có Đời sống, chỉ có các khoảnh khắc của đời sống nối tiếp nhau: khoảnh khắc của sanh, lão, bệnh, tử, khoảnh khắc của sầu, bi ….
. Khổ đế cũng không đặt trọng tâm vào Đời sống mang tính lý thuyết chung chung, Khổ đế nhìn dukkha từ góc độ các khoảnh khắc cá biệt của từng cá nhân. Các khoảnh khắc này được tóm tắt bằng từ “năm thủ uẩn”.
. ”Năm thủ uẩn” nói đến toàn bộ các “uẩn”. Từ này là từ khoá riêng của đạo Phật, nó có nghĩa là “các thực tại sinh lên và rồi diệt đi ngay lập tức bởi các điều kiện (= duyên hệ, tiếng Pali là paccaya). “Uẩn” cũng tương đương với từ “pháp hữu vi” (sankhara).
. Sự thật rằng ”Năm thủ uẩn là khổ” vì thế tương đồng và thống nhất với một câu nói khác của Đức Phật: “Toàn bộ các pháp hữu vi là dukkha” (Sabbe sankhara dukkha) . Toàn bộ các pháp hữu vi là dukkha vì thế cũng là một câu tóm tắt ý nghĩa của Khổ đế
Chìa khoá để thực sự hiểu Khổ đế là hiểu đúng về pháp hữu vi. Các pháp hữu vi không dễ để hiểu, chúng là các thực tại tột cùng hay còn gọi là các “pháp chân đế” - paramattha dhammas.
IV. "Sống trong hiện tại" nhưng đó không phải là điều mà bạn đã biết hay có thể tập để biết
Trên cơ sở pháp chân đế như đã giải thích ở trên, chúng ta có thể xem xét lại một câu chuyện, một myth (thần thoại) khá phổ biến
— Tôi biết tôi đang nghĩ —
“Khi bạn có thể quan sát suy nghĩ với trạng thái trung lập nhất, khi bạn có thể tách bản thân ra khỏi drama đang diễn ra trong đầu bạn, đó chính là thiền chánh niệm”
Trong câu nói trên, thực chất chỉ có suy nghĩ là thực tại, biết là thực tại. Từ góc độ pháp chân đế, suy nghĩ là vô thường, biết cũng là vô thường, chúng chỉ xuất hiện trong các khoảnh khắc cá biệt có thứ tự. Chúng là các pháp hữu vi sinh lên rồi diệt đi ngay.
Vậy còn “tôi”? Có cái tôi tồn tại kéo dài và “tách khỏi” suy nghĩ, tách khỏi cái biết không? Có cái tôi tồn tại kéo dài và độc lập với các pháp hữu vi không? Nếu bạn trả lời là có, thì nghĩa là có một tự ngã tồn tại ở bên ngoài các uẩn (pháp hữu vi), đó là một dạng tà kiến về ngã, tà kiến ấy là bất thiện pháp.
Như vậy, nếu trong lúc bạn “thực hành chánh niệm” như trên, có sinh khởi ý nghĩ có cái tôi tách ra khỏi suy nghĩ và làm cái việc quan sát suy nghĩ như thế, đó là pháp bất thiện. Ở khoảnh khắc đó không có chánh niệm (một pháp thiện). 
Còn khi bạn không có ý nghĩ như trên, chỉ đơn thuần "thực hành" thả lỏng, relax, không buồn bã lo lắng, ở đó không có tà kiến về ngã, không có các pháp bất thiện với đặc tính lo lắng, buồn bã, nhưng cũng không có các pháp thiện với đặc tính quảng đại hay tiết chế.... Khi không có pháp bất thiện lo lắng/ buồn bã và cũng không có pháp thiện, ắt có pháp bất thiện căn tham với cảm giác vui vẻ hoặc quân bình và cũng không có chánh niệm, vì chánh niệm là một pháp thiện.
Thực chất, cái có thực ở khoảnh khắc suy nghĩ trên chỉ là:
.(Tưởng) đánh dấu (hình tướng của suy nghĩ) (với tham và không có niệm)
Như thế, xin nhắc lại:
 .Nếu không hiểu đúng về pháp hữu vi, không thể thực sự hiểu Khổ đế, 
.Nếu không biết đến các thực tại tột cùng, không đủ duyên cho Chánh niệm vipassanā sinh khởi