Cô bé Heidi - Những bài học tình thương và Giấc mơ Thụy Sỹ
“Người ta thường thích nói những điều không tốt, cháu phải quyết định xem nên tin vào tai, vào mắt của mình hay vào những gì người ta nói.”
Cuối tuần đang ngồi lăn tăn nên xem Squid Game hay một bộ phim nào đó, vì dạo này khá bận sợ xem Squid Game sẽ bị đắm chìm rồi quên luôn công việc mất, thế rồi vô tình xem một vlog về Thụy Sỹ và khung cảnh mê quá, lại nhớ đến bộ phim Cô bé Heidi, thế là mình quyết định xem lại. Nếu tính cả lần này chắc mình đã xem Heidi khoảng 4 lần, từ đọc truyện cho đến phim hoạt hình và phim người đóng. Những lần trước đều đã xem từ rất lâu, hồi cấp 1 hay cấp 2 gì đó, nên tất cả những gì mình nhớ chỉ còn là nội dung bộ phim chứ không còn nhớ rõ khung ảnh đồi núi Thụy Sĩ đẹp thế nào, cảm xúc của bộ phim ra sao. Và rồi xem lại lần thứ 4 nhưng cảm xúc vẫn như lần đầu với tâm trạng của một người “tập làm người lớn”.
Thực sự đây là một bộ phim rất đáng xem, không chỉ là ngắm vẻ đẹp vô cùng của đồi núi Thụy Sỹ, mà còn là bộ phim rất nhân văn phù hợp cho cả trẻ nhỏ và người lớn. Mọi người hãy thử xem ngay nếu chưa xem nhé.H
Những bài học từ “Cô bé Heidi”:
1, Tình cảm chân thành làm mềm một trái tim băng giá.
Thực sự viết xong title mình nghe cũng hơi sến, nhưng mà tìm mãi không được cụm từ nào phù hợp hơn.
Ông của Heidi là một người rất khô cằn và đáng sợ, mọi người trong làng đều sợ ông và đã có lúc Heidi cũng vậy. Nhưng đúng như hình ảnh của một em bé trong sáng và hồn nhiên, cô bé đơn giản luôn thể hiện những cử chỉ tình cảm nhẹ nhàng với ông như những cái ôm cảm ơn và chúc ngủ ngon, cho đến việc chủ động nắm tay ông trên đường khi mọi người đang dòm ngó và thì thầm.
Chỉ những hành động đơn giản nhưng hết sức chân thành, Heidi đã làm mềm trái tim khô cằn của ông nội. Từ việc muốn bán cô bé cho một gia đình khác, ông đã đồng ý cho Heidi ở lại, thay đổi đầu tiên đó là ông chủ động làm thêm một ghế bàn ăn cho Heidi. Rồi tiếp sau đó là những hành động đầy quan tâm như: Thấy Heidi buồn nên chở cô xuống núi vào giữa mùa đông để đến nhà Peter chơi, từ việc không cho Heidi đi học đến đồng ý chuyển vào thị trấn để cô bé được tiện đi học hơn.
Giây phút sau khi Heidi từ Frankfurt trở về, giây phút chạy lại ôm ông nội mình đã khóc như mưa, vì trông mọi thứ thật chân thật làm sao (thật ra cũng không xúc động lắm nhưng mình nhạy cảm hơn người bình thường)
Ở Việt Nam mình có câu: Người già là trở thành trẻ em thêm một lần. Chắc vì sự gần gũi đó mà ông Heidi cũng dễ dàng đón nhận cô bé hơn. Bởi vì họ là những con người đơn thuần nhất, sống với sự chân thành, không phải là những người tính toán như nhân vật dì Heidi hay những người lớn lúc nào cũng đối xử với nhau bằng phép tắc và quy chuẩn như cô gia sư.
2, Chia sẻ để làm bạn:
Trong các phân cảnh của Peter và Heidi, với mình phân cảnh ấn tượng nhất là khi Heidi đồng ý chia đôi thức ăn của mình cho Peter. Dù mục đích ban đầu của việc chia thức ăn là để bảo vệ đàn dê khỏi bị đánh, nhưng mình nghĩ vì Heidi biết Peter là một người ham ăn, nên đã chủ động chia thức ăn để làm bạn với Peter, và cũng từ phân cảnh đó nên hai đứa bé trở nên thân hơn.
Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, dường như chia sẻ đều giúp chúng ta trở nên gần gũi hơn.
Về sau này thì mình rất cảm động khi chỉ với một phân cảnh nhỏ ở nhà Peter, khi thấy bà Peter không còn ăn được đồ ăn cứng, mà sau này Heidi đã để dành rất nhiều bánh mì mềm về cho bà.
3, Động vật cũng là bạn:
Có vẻ như bộ phim được quay trên thảo nguyên và vùng núi của Thụy Sỹ nên làm mình cảm thấy con người gần gũi với thiên nhiên hơn. Dù là đàn dê hay những chú mèo con, Heidi luôn có biểu cảm rất chân thành khi thấy chúng.
Lạc đề một chút là dạo này mình cũng đang đọc lại cuốn “Lược sử loài người”, nên thấy rằng để con người có cuộc sống như hiện tại, thiên nhiên và trái đất đã phải đánh đổi rất nhiều. Có lẽ chúng ta nên biết ơn cả những loài vật, chúng đã mang đến cho chúng ta nguồn thức ăn và là một phần quan trọng trong hệ sinh thái.
4, Những bài học khác và câu nói đáng giá:
Trong suốt bộ phim có một câu nói được ông nội Heidi và bà nội Clara nhắc lại như một thông điệp đó là:
“Người ta thường thích nói những điều không tốt, cháu phải quyết định xem nên tin vào tai, vào mắt của mình hay vào những gì người ta nói.”
Mình là đứa rất dễ bị ảnh hưởng từ người khác, nên càng cảm thấy câu nói có giá trị hơn. Dường như cuộc sống của chúng ta đang ảnh hưởng rất nhiều từ mắt và miệng của người khác chứ không phải của riêng mình. Có lẽ đôi khi chúng ta nên sống như bài hát “Live a virgin” của Madonna để chính mình cảm nhận mọi điều.
Một câu nói khác của bà nội Clara ở gần cuối phim cũng rất giá trị:
“Trong cuộc sống, điều gì đem lại niềm vui cho cháu thì cháu cứ làm đi, mặc kệ người khác nói gì”
Mình cũng có giấc mơ như Heidi và ở cuối phim Heidi đã và đang làm, và mong rằng mình cũng làm được, có lẽ vũ trụ đã gửi thông điệp mình hãy xem Heidi đi.
Tại sao lại là Giấc mơ Thụy Sỹ:
Gần đây mình mê vlog của chị Diệp Minh quá, không chỉ đẹp mà còn đầy năng lượng vui vẻ. Được biết Thụy Sỹ là một đất nước chỉ nhỏ bằng Hà Nội, hơn nữa Thụy Sỹ chính là nơi có dãy núi ALPS xinh đẹp nổi tiếng mà chúng ta từng nghe rất nhiều, dù nhỏ xinh nhưng mức sống và sự phát triển không hề kém cạnh đất nước nào. Nhờ xem một vài vlog như thế này, mình cảm thấy có đam mê rất nhiều hơn về lịch sử và địa lý.
Trong bộ phim chắc hẳn còn rất nhiều bài học khác, mỗi người xem đều có những cảm nhận riêng, và trên đây là những cảm nhận mình thấy ấn tượng nhất về bộ phim. Phim cũng có rất nhiều phiên bản, nhưng sau khi lướt qua thì mình cảm nhận version này có nhân vật đáng yêu và đúng với chuyện nhất, nhưng version này thì lại không nói tiếng anh.
Chúc mọi người xem phim vui vẻ.
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất