"Nó đâu có giống như người khác đâu. Nó bị khùng. Người ta có thể sẽ thương và chăm nó một ngày hai ngày. Nhưng cả đời thì sao? Có ai rảnh đâu mà chăm sóc nó cả đời?..."
Nguồn: Pinterest
Nguồn: Pinterest
Nếu như có ai đó hỏi tôi rằng hãy kể về một thứ "khó chịu" mà mỗi buổi sáng tôi phải luôn đối mặt với nó là điều gì, thì tôi sẽ không ngần ngại mà kể cho họ nghe về một khung cảnh buổi sáng lộn xộn, ngập tràn tiếng la mắng, chửi tục trong nhà mình:
"Mày cút ra khỏi cái nhà vệ sinh nhanh lên, cái con chó này!"
"Mẹ đợi con xíu! Chút chút nữa con mới ra!"
"Má mày! Mày nhanh lên coi! quá 8 giờ rồi, người ta đi làm hết mẹ rồi mà mày còn ngồi trong đó nữa. Mày mà không ra là tao đập chết mẹ mày bây giờ!"
...Giọng chửi thề tục tĩu đó là của bà tôi.
Bà tôi sống đến nay được 70 tuổi. Tóc bà đã bạc, làn da bà nhăn nheo, lưng khòm, hai chân đi đứng loạng choạng làm bà thường phải mất khá nhiều thời gian để có thể đứng lên, ngồi trên ghế hoặc nằm xuống giường. Bà bị chẩn đoán mắc bệnh Parkinston - một căn bệnh quái ác khiến bà mất ngủ hằng đêm. Để cố gắng đi ngủ, bà phải uống đến tận 3 viên thuốc ngủ nặng mặc dù bác sĩ cảnh báo rất nhiều lần là không được sử dụng quá liều.
Bà sử dụng thuốc ngủ nhiều đến mức mà các cô dược sĩ ở tiệm thuốc từ chối bán cho bà. Việc sử dụng thuốc ngủ quá liều cộng với việc bà bị bệnh Parkinston đã khiến cho não bà teo lại, không thể suy nghĩ tỉnh táo như người bình thường. Mặc dù vậy, gia đình chúng tôi luôn tin rằng bà là một con người hoàn toàn khỏe mạnh, vì sao ư?
Bởi vì tiếng mắng chửi của bà ắt thắng cả tiếng sóng biển ngoài đại dương.
Bà đủ khỏe để có thể tự mình nấu cơm tối cho gia đình chúng tôi mỗi ngày. Bà luôn tập thể dục buổi sáng và bà có thể lau dọn nhà cửa mà không cần có ai phụ giúp. Ở độ tuổi đó, rất khó có ai có thể làm được những điều bà đang làm. Tôi chắc chắn bà là một người rất khỏe mạnh. Và chắc hẳn rằng bà không phải là người bị tâm thần. Người bị tâm thần ở đây đó chính là con của bà - người phụ nữ trạc tuổi tứ tuần đang ngồi cố chấp, bám vào thành bồn cầu trong nhà vệ sinh:
"Mẹ đợi con xíu xíu nữa! Lát nữa con mới ra... Á! Mẹ đừng kéo con! Con chưa dội bồn cầu xong!"
"Má mày! Tao cho mày 5 phút! Mày mà không ra nữa là thằng Thịnh nó sùng lên, nó qua phòng đập chết mày bây giờ, mày liệu hồn đi."
"Mẹ xuống đi! Lát lát lát nữa con sẽ ra, mẹ cứ bình tĩnh." - Cô cười hí hí rồi tiếp tục ngồi lên bồn cầu.
10 phút đã trôi qua, người phụ nữ ấy cuối cùng mới ra khỏi nhà vệ sinh. Cô từ tốn mặc bộ đồ đi làm, cầm theo một cái bao trắng to tổ bố trong tay. Trong bao có chứa một chiếc điện thoại Nokia, một ít tiền mặt, và những thứ tùm lum tùm la như một bịch khăn giấy, một chai nước, hàng tá bọc ni lông, hai bịch bánh, một chiếc nón mũ tai bèo cỡ lớn, và tiếp tục là một đống bọc ni lông.
Sau khi chuẩn bị đồ đạc xong xuôi hết thì cô mới đi xuống lầu, mang dép rồi bước ra khỏi cửa nhà. Thế nhưng, cô đột ngột quay trở lại bất chấp tiếng la mắng của bà. Cô tháo dép, đi lên lầu và lại chui vào nhà vệ sinh.
Năm phút sau, cô bước ra, lấy đại hai chiếc tất khác màu rồi xuống lầu, đeo tất, xỏ dép và bước ra khỏi cửa lần nữa. Cuối cùng, cô nhảy lên chiếc xe máy của bác xe ôm đang chờ cô mòn mỏi rồi bức tốc phóng thẳng đến chỗ làm việc...
Người phụ nữ ấy là em gái ruột của ba tôi. Khi tôi còn nhỏ, bà nội thường kể cho tôi nghe về lý do tại sao cô mắc bệnh tâm thần. Khoảng 40 năm về trước, vào một buổi sáng mưa rào lất phất nhẹ, ba tôi lúc ấy lên 6 tuổi bị sốt rất nặng, cần phải đưa gắp vào bệnh viện nhi đồng để khám chữa trị.
Không có ai xung quanh giúp đỡ nên bà đành phải tự mình đưa ba tôi đi bệnh viện. Bà đội chiếc nón lá, hì hục ngồi trên chiếc xe đạp một tay bế ba tôi, một tay cầm tay lái, trong bụng còn mang thai một đứa con 8 tháng sắp chào đời.
Khi băng qua một đoạn nhỏ trên cầu Thị Nghè, bánh xe bất ngờ vấp phải một tảng đá khiến cho bà bị mất tay lái, ngã nhào về phía nền gạch. Theo phản xạ, bà dùng hai tay ôm ba tôi vào lòng, cố gắng che chở. Tuy nhiên, bụng bà bị va đập mạnh vào một mép gạch khiến bà đau đớn gào thét, nằm quằn quại ngay giữa đường. May mắn thay, có người chứng kiến sự việc nên đã kịp thời đưa bà đến bệnh viện. Sau vài ngày nằm trên giường bệnh, bác sĩ báo tin buồn là đứa con nằm trong bụng bà khi sinh ra sẽ không giống như người bình thường.
Ngay khi biết tin con mình sẽ phát triển không giống người bình thường, bà trở nên suy sụp nặng. Ý nghĩ phá thai thoáng qua trong đầu, len lỏi vào từng giấc ngủ khiến bà trằn trọc suốt nhiều đêm. Nằm trên chiếc chiếu cũ, bà khẽ đặt tay lên bụng và cảm nhận thấy từng chuyển động yếu ớt của đứa trẻ. Nó vẫn còn ở đó, trong bụng của bà. Đứa bé ấy mang giọt máu của bà, là một phần cơ thể bà, bỏ nó đi chẳng khác nào cắt đứt đi một phần của chính mình. Không chỉ thế, nó còn là con của bà. Làm sao bà có thể nỡ lòng nào vứt bỏ đứa con ruột thịt của mình được?
Bà biết rằng một khi nó chào đời, nó sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. Người người có thể sẽ quay lưng với nó, có thể cả thế giới sẽ quay lưng với nó. Nó sẽ không thể sống một cuộc sống bình thường như bao con người bình thường khác được. Nhưng dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, bà thề nguyện với ông trời là sẽ yêu thương nó, chăm sóc nó và bảo vệ nó cho đến giây phút bà trút hơi thở cuối cùng rời khỏi thế gian này...
Tôi hay gọi cô với biệt danh là một người "đa nghề" hoặc nói đúng hơn là người hay "đổi nghề" bởi vì tính từ lúc cô bắt đầu tự đi làm cho đến thời điểm này thì cô đã trải qua hàng trăm công việc khác nhau. Cô làm những công việc lẻ tẻ như dán tem, làm bánh tráng, phát tờ rơi, nhặt rác, lắp ráp hộp sản phẩm, lắp ráp đồ chơi,... Và đôi khi tôi còn bắt gặp cô đi bán vé số ở ngoài đường.
Nhà chúng tôi không khá giả cho lắm, cũng không đến mức phải gọi là nghèo, chúng tôi có thừa tiền để nuôi cô ở nhà mà không đòi hỏi điều gì cả. Thế mà cô lại nhất quyết phải đi làm như thể đó là một nghĩa vụ mà cô buộc bản thân mình phải gánh vác trên vai.
Sở dĩ cô có thể trải qua hằng trăm công việc khác nhau như thế đơn giản là do cứ mỗi một hoặc hai tháng thì cô bị đuổi việc. Cô làm việc rất là chậm. Rất rất là chậm. Trong khi những công nhân khác đã lắp xong mười mẫu hộp sản phẩm rồi mà cô vẫn loay hoay chưa xong cái đầu tiên. Thế nên, việc nghe tin cô bị đuổi việc không có gì lạ lẫm đối với tôi, nó bình thường giống như việc đánh răng mỗi buổi sáng. Thỉnh thoảng, tôi cố gặng hỏi cô tại sao lại bất chấp đi làm mặc cho bị bà chủ la mắng và mấy cô công nhân khác bắt nạt, tẩy chay như vậy. Cô không trả lời, mà chỉ nở một nụ cười rạng rỡ cho tôi thấy.
Rất nhiều lần, gia đình chúng tôi không hiểu cô đang làm cái trò gì mà lúc nào cũng thích đi tè ngay giữa đường, gần lối ra vào của nhà hàng xóm.
Không biết bao nhiêu lần chúng tôi phải cúi đầu xin lỗi họ, mang quà cáp, đồ ăn đến biếu gia đình họ. Điều đó khiến tôi và ba tôi bực bội vô cùng. Không chỉ thế, nhà chúng tôi chỉ có duy nhất một cái toilet mà cô lúc nào cũng chui rú trong cái nhà vệ sinh chết tiệt đó hàng giờ liền, gia đình bảy thành viên chúng tôi không thể giải quyết nhu cầu ở nhà mình mà phải sang đi nhờ ở nhà hàng xóm.
Và cứ mỗi lần cả nhà chúng tôi có dịp đi chơi cùng nhau, dù là thuê một chiếc xe bảy chỗ ngồi để đi Vũng Tàu hay chỉ đơn giản là đi siêu thị mua sắm chuẩn bị cho lễ Tết, chúng tôi lúc nào cũng phải đợi cô "đi vệ sinh" xong thì mới có thể xuất phát. Lúc nào cũng vậy. Và lần nào cũng trễ giờ là do cô.
Đã là một người không bình thường thì bị trêu chọc và xúc phạm là điều không thể tránh khỏi. Từ nhỏ cho đến lớn, không thiếu gì mấy vụ cô bị người ta đánh đập, trấn lột tiền, quần áo ngay giữa đường. Cứ mỗi lần bị như vậy thì cô lại khóc lóc về nhà ôm chầm lấy bà tôi. Và cứ mỗi lần bị như vậy thì bà tôi lại xách cây, xách dép đi "hỏi thăm" thủ phạm vì đã làm cho con gái bà bị tổn thương.
Cô rất thích đi bộ ở ngoài đường. Sau khi bị đuổi việc, cô thỉnh thoảng sẽ giấu bà tôi đi bộ lòng vòng khắp nơi. Tôi không biết tại sao cô lại thích đi bộ và cũng không muốn biết lý do tại sao. Nhưng có nhiều lúc tôi đạp xe đạp ở trên đường và bắt gặp cô đang cho chó mèo ăn thịt thừa ở một tiệm tạp hóa gần trường, cho cá và chim ăn ổ bánh mì không tại Thảo Cầm Viên,... Cô luôn đối xử tốt với tất cả động vật. À Không. Cô luôn đối xử tốt với tất cả mọi người. Bất kể họ là người tốt hay người xấu thì đối với cô, ai cũng như ai cả.
Hễ đến tối mà cô chưa trở về, bà tôi sẽ sốt ruột, đi ra rồi đi vào nhà và bật khóc vì lo lắng. Cả nhà chúng tôi ai cũng bực bội nhưng cuối cùng thì ai nấy đều phải chia ra đi tìm cô khắp nơi. Việc đó thì chẳng có gì khó, tôi chỉ cần chọn một ngôi chùa nào đó bất kì ở gần nhà mình, chạy đến và y như rằng cô đang ngồi cầu nguyện trước tượng Phật. Tôi chỉ muốn quát mắng cô nhưng làm điều đó ở một nơi tôn nghiêm như thế này thì có tội mất.
Bà tôi rất yêu quý đứa con gái bị tâm thần của mình, yêu hơn cả ba tôi và những đứa con khác. Không ít lần, ba tôi cảm thấy ghen tị mỗi khi thấy bà lúi húi chuẩn bị cơm cho cô ăn, tỉ mỉ lựa từng miếng thịt ngon nhất, mặc quần áo cho cô đi làm, gọi điện hỏi thăm cô mỗi ngày,... Còn ba tôi thì không được như vậy. ông chưa từng được bà đối xử như vậy. Ngay từ khi còn nhỏ ba tôi đã phải tự lo cho chính bản thân mình, tự đến trường, tự làm mọi thứ. Bà thương cô tôi vì cô sinh ra bị thiệt thòi, nhưng cũng vô tình khiến cho ba tôi bị bỏ rơi. Thế là, những uất ức khó chịu trong lòng ấy càng tích tụ dần để rồi một ngày, sự ghen tị ấy đã lấn át hết thảy, khiến cho ông làm một điều mà không ai trong chúng tôi ngờ đến...
Một buổi sáng nọ, bà tôi đổ bệnh nặng. Mỗi cơn ho khiến họng bà quặn thắt, đau đến tái cả người. Thế nhưng, thay vì nghỉ ngơi thì bà phải lết cái thân mình đi lên cầu thang để gọi cô tôi đi làm. Leo đến trước nhà vệ sinh thì cửa bị khóa. Cô lại nhốt mình trong phòng vệ sinh. Cổ họng của bà đau đớn nhưng bà vẫn cố gắng hét lên, vừa mắng vừa thúc giục cô ra ngoài nhưng cô vẫn không chịu ra.
Bà ngồi bệt xuống sàn, dùng tay gõ cửa, cầu xin cô ra ngoài. Xui xẻo thay, ba tôi, vì nghe thấy tiếng hét của bà thì đã đi lên lầu và phát hiện bà nằm trên sàn. Mắt bà nhìn chăm chăm lên trần nhà, hơi thở gấp gáp, mồ hôi ướt đẫm trên trán, họng khàn đặc nhưng miệng vẫn rên rỉ kêu đứa con của mình ra ngoài.
Ông sững người một lúc. Rồi hai tay nắm thật chặt. Răng nghiến ken két, máu dồn lên não làm đỏ cả mặt. Cơn giận của ông bùng lên như lửa bén rơm. Ông lao tới như thục mạng, tiếng bước chân nện rầm rầm vang khắp nhà. Rồi đứng trước cửa, ông co chân lên dùng hết sức bình sinh đạp thật mạnh vào cánh cửa sắt. Một cái. Hai cái. Ba cái. Máu rỉ ra từ ngón chân của ông. Nhưng ông không quan tâm. Ông chỉ muốn dộng nắm đấm thật mạnh vào cái bản mặt khốn nạn đó. Đến cái thục thứ tư thì cánh cửa sắt bật tung, ịnh vào trong tường. Cô tôi, ngồi sợ hãi, run rẩy trên thành bồn cầu thì ông ấy lao tới, đấm một phát như trời giáng vào dưới khóe mũi cô. Máu ứa ra từ miệng, chảy như suối, dính vào áo của ông. Rồi ông liên tục nắm lấy tóc của cô, kéo giật lên rồi thục liên tiếp mấy cái vào mặt. Tiếng thịt va vào nắm đấm vang lên khô khốc, đầy ám ảnh. Bà tôi mếu máo, khóc lóc cầu xin ba tôi dừng lại. Phải đánh thêm vài cái nữa thì ông mới hất cô ra, thở hồng hộc rồi giận dữ bỏ xuống lầu.
Cô tôi, vẫn ngồi đó, bất động trên thành bồn cầu, rên rỉ. Khuôn mặt sưng vù, méo mó như bị biến dạng, máu thấm đẫm trên mặt, không nhìn thấy gì ngoài một màu đen và đỏ. Bà tôi lết người đến bên cô, quần áo ướt nhẹp vì nước. Bà run rẩy đưa tay đỡ đứa con gái yêu dấu của mình xuống, rồi ôm chặt cô vào lòng, nghẹn ngào nói xin lỗi. Cô cũng bật khóc, nước mắt chào ra, òa lên như một đứa trẻ mới chào đời rồi ôm chầm lấy người mẹ kế bên...
Và rồi, hai mẹ con ngồi khóc suốt cả buổi sáng hôm đó.
Ngày hôm sau, tan học trở về nhà, mặt tôi đơ ra khi nhìn thấy khuôn mặt của cô. Mặt mũi bầm dập, nhìn chả giống ai. Nhưng còn một điều tệ hơn nữa khiến tôi chết lặng. Tóc cô đâu rồi? Đầu cô trọc lóc, không có một sợi tóc nào cả. Tôi không dám tin vào mắt mình nên cất tiếng hỏi bà:
"Tóc... Tóc của cô bị sao vậy?"
Bà tôi đang nằm dài trên chiếc chiếu, thở dài, giọng khàn đặc:
"Nó buồn quá nên tự cạo trọc đầu rồi."
"Trời ơi!" - Tôi ngước nhìn bà rồi, rồi quay sang cô, rồi lại ngước nhìn bà. Tôi có thể nhìn thấy một nỗi buồn đau đáu thấp thoáng trên gương mặt của bà. Bà quay lưng lại về phía tôi, giọng lẩm bẩm một điều gì đó...
Kể từ ngày hôm ấy, cô ta lúc nào cũng đeo chiếc mũ tai bèo và khẩu trang ở nhà. Ở ngoài đường, trong nhà tắm, trong phòng ngủ, ở bất kì đâu thì chiếc mũ tai bèo và khẩu trang đó vẫn khư khư ở trên đầu và mặt cô. Người ngoài nhìn vào thì cho rằng vốn dĩ cô bị điên nên mới có sở thích kì lạ như vậy. Nhưng mà tôi biết rằng: cô đội nón là để che đi cái đầu trọc của mình. Cô đeo khẩu trang là để che đi cái khuôn mặt xấu xí bị biến dạng của mình. Cô che giấu nó như một cách để bảo vệ bản thân khỏi ánh mắt của người đời, để che giấu đi cái nỗi đau đớn đến tuyệt vọng khi bị chính người thân trong gia đình mình tấn công. Ngoài đường bị người ta hắt hủi đuổi đi đã đủ rồi, ở nhà còn bị đánh nữa. Chẳng có nơi nào là an toàn đối với cô cả. Và thế là một ngày, cô đột ngột tự nhốt bản thân mình ở trong phòng ngủ. Không bắt chuyện với ai. Không làm phiền đến ai. Bà tôi cố gắng khuyên nhủ cô ra ngoài nhưng cô không chịu nghe. Ba tôi dọa sẽ đập toanh cánh cửa lôi cô ra ngoài nhưng cô không quan tâm. Chẳng nói chẳng rằng, cô cứ thể như một người không tồn tại.
Cứ mỗi lần đến giờ ăn, bà tôi, hai tay cầm cái mâm cơm đem lên lầu rồi đặt kế bên phòng. Hễ cô đói bụng thì mở cửa lấy, còn không thì thôi. Nhìn bà đổ mồ hôi trên trán, giọng khàn khàn, hai chân đi đứng khó khăn khiến tôi không thể chịu được nên buổi tối hôm đó, tôi đã tự mình vào bếp, xới cơm đặt vào mâm và giúp bà đem nó lên lầu. Bà nhìn tôi, đôi mắt của bà ướt lệ như muốn nói lên một điều gì. Bà đặt nhẹ bàn tay nhăn nheo lên vai tôi, giọng khàn khàn: "Bà già quá rồi. 70 tuổi rồi. Kiểu gì cũng chỉ sống được vài tháng hoặc cùng lắm là vài năm nữa thôi thì bà sẽ chết. Nhưng bà không sợ chết, bà chỉ sợ là sau khi bà qua đời, không biết có ai chịu chăm sóc cho đứa con gái của bà không nữa. Bà biết mà. Nó đâu có giống như người khác đâu. Nó bị khùng. Người ta có thể sẽ thương và chăm nó một ngày hai ngày. Nhưng cả đời thì sao? Có ai rảnh đâu mà chăm sóc nó cả đời? Bà chỉ có mình con là đứa cháu đích tôn của bà. Bà thực sự không muốn làm phiền con đâu. Con còn phải đi học, đi làm kiếm tiền rồi cưới vợ, lo cho gia đình riêng của mình. Thời gian đâu mà con có thể chăm sóc cho cô đây? Bà hiểu điều đó. Cho nên bà có một nguyện vọng. Một nguyện vọng cuối cùng là sau khi bà chết, con có thể nào theo dõi nó giúp bà được không? Con không cần phải chăm sóc nó, cũng không cần con phải cắn răng cắn cổ chịu đựng để mà thương yêu nó như cách bà đã từng. Bà chỉ cần con để mắt đến nó, để chắc chắn rằng nó không bị người ta ức hiếp, không bị ai đánh đập. Chỉ vậy thôi, bà cũng đủ mãn nguyện để ra đi."
Bà kéo tay tôi, dìu tôi ngồi xuống đất. Không nói một lời, bà lặng lẽ lục trong một cái thùng gạo, lấy ra một chiếc hộp bánh quy hiệu Danisa. Bà mở nắp hộp, không có bánh quy nào hết, mà bên trong hộp bánh là toàn bộ số tiền mà cô tôi đã đi làm bấy lâu nay kiếm được. Hóa ra, bao nhiêu năm nay, cô đi làm không phải vì muốn thoát khỏi cái danh "ăn bám gia đình" như tôi từng nghĩ. Cô làm, dù chậm chạp, dù bị la rầy, bị đuổi hết lần này đến lần khác chỉ để kiếm từng đồng bạc lẻ mang về cho bà.
"Con thấy không?" - Bà nói.
"Nó khùng nhưng nó biết thương bà. Nó chả biết giữ tiền hay biết tiêu xài cái gì. Mỗi đồng nó kiếm được, nó đều đem về cho bà hết." - Xong rồi, bà cầm hộp bánh, dúi vào tay tôi.
"Con cầm số tiền này và giữ nó giúp bà cho cô. Khi nào bà qua đời rồi thì hãy đưa cho nó nghe. Bà cảm ơn con nhiều lắm."
Tiếng ho khụ khụ của bà dần trở nên lớn hơn...
Đám tang của bà tôi được tổ chức vào một buổi sáng cuối thu. Khi không khí bắt đầu trở nên se lạnh, khi cơn gió nhẹ thổi qua cuốn theo những chiếc lá vàng rơi lác đác trên con đường dẫn vào nhà, tôi đứng ở đó, lặng lẽ ngắm nhìn làn khói nhang mỏng manh bay lên trời. Trên chiếc bàn thờ phủ tấm khăn trắng tinh là tấm di ảnh của bà – một người đàn bà đáng mến đã dành phần lớn cả cuộc đời chăm lo cho gia đình mình.
Trừ cô tôi ra thì xung quanh tôi có những người hàng xóm, họ hàng và cả những người tôi chưa hề gặp mặt bao giờ đều tụ tập đông đủ. Ai nấy đều mặc lên cho mình một bộ đồ màu đen, nét mặt hiện lên dáng vẻ trầm ngâm cùng với đôi mắt ứa lệ. Tất cả bọn họ đều có mặt ở đây để chia buồn cho bà và cho gia đình tôi.
Tôi sực nhớ ra là buổi sáng hôm nay cô tôi chưa ăn cái gì nên đã xách xe đạp đi mua hủ tiếu đem về. Tôi đặt cái tô và bịch hủ tiếu ngay kế bên phòng cô, gõ cửa kêu cô ra ngoài lấy ăn, thế nhưng tôi không nghe cô trả lời. Tôi gõ thêm một lần nữa, nhưng cũng không thấy cô chịu ra. Rồi tôi quát lên:
"Ra ngoài ăn đi! Không là nguội hết bây giờ đó!" - Vẫn không có tiếng trả lời. Cơn giận dữ của tôi bùng lên, tôi hét lớn, giọng nghẹn lại nơi cổ họng:
"Mẹ của cô chết rồi đó! Cô nghe chưa hả? Mẹ cô chết rồi! Bà mất rồi! Bà không còn trên đời này nữa! Cô còn định ở trong cái căn phòng chết tiệt đó đến bao giờ? Định trốn tránh đến bao giờ hả? Cô nghe đi! Nghe cho rõ đi! Người duy nhất yêu thương cô trên thế gian này đã không còn nữa rồi! Cô có biết không!?"
Tôi hét lớn đến khàn cả cổ họng, từng câu từng chữ như vỡ ra trong lòng ngực, vậy mà tôi chẳng nghe thấy một tiếng động nào phát ra từ đằng sau cánh cửa đó. Tôi đứng đó, đối diện cánh cửa, thở dốc rồi bực tức định bỏ xuống lầu. Thế nhưng ngay khi vừa nhấc chân bước đi, một âm thanh nhỏ vang lên từ phía sau cánh cửa.
"Mẹ ơi..."
Giọng cô khàn đặc, vỡ vụn thành từng tiếng rời rạc. Những cái nấc nghẹn ngào rồi đứt quãng, run rẩy yếu ớt như thể đang cố gắng kìm nén lại. Rồi chẳng bao lâu sau, tiếng khóc ấy vỡ òa, nức nở như dòng nước lũ bị dồn nén quá lâu cuối cùng cũng tràn ra bờ. Cô cất tiếng gọi bà. Gào lên, không còn nhận thức được gì. Cô lặp đi lặp lại cái tên người đã khuất như một đứa trẻ lạc đường gọi mẹ trong vô vọng. Bà không còn nữa. Không thể trả lời. Không thể ôm cô vào lòng mà vỗ về như trước kia nữa. Giờ đây, cô chỉ còn có một mình...
Tôi đứng chết lặng, đôi mắt cay xè nhìn vào một khoảng không. Tôi nghĩ về bà, rồi lại về cô, rồi về những đồng tiền bạc lẻ mà cô đã kiếm được. Và rồi, tôi bật khóc. À thì ra là vậy, ngay cả những người bị tâm thần cũng biết yêu thương. Con xin lỗi bà, bà ơi. Con không thể thực hiện nguyện vọng theo dõi con gái của bà được. Từ nay về sau, con sẽ chăm sóc con của bà. Con sẽ bảo vệ con của bà như cách bà đã từng làm. Con sẽ ở bên cạnh cô cho đến khi nào cô trút hơi thở cuối cùng rời khỏi thế gian này.
Hết
- Truyện ngắn này được viết bởi Fujisaki Haruto.