Champa nằm đâu?

Bản đồ Champa vào khoảng năm 1100.
Champa là một vương quốc độc lập nằm trên phần đất kéo dài từ Quảng Bình tới Vũng Tàu của Việt Nam ngày nay.  
Bản đồ Việt Nam hiện nay không chỉ bao gồm Champa mà còn có cả một “chiếc bụng” khác mang tên Tây Nguyên. Vậy thời đó, Tây Nguyên thuộc đất nước nào? Anh Huy nói với chúng mình, Tây Nguyên là vùng tự trị của dân tộc ít người, vùng đất đó không thuộc Champa mà chỉ có quan hệ chính trị giao thương với Champa. Tuy nhiên, có vẻ câu hỏi “Tây Nguyên có thuộc Champa?” vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong giới học thuật.
 Về mặt địa lý, Champa nằm ngay “mặt tiền” biển Đông. Đoán xem như vậy có nghĩa là gì? Yeah, đúng rồi, họ giỏi những ngành nghề liên quan tới biển – đánh cá, thủy chiến, và cả giao lưu kinh tế trên đường biển nữa. Thời kỳ hưng thịnh, người dân Champa còn đi thuyền khai thác các hòn đảo của The Philippines, và kiểm soát con đường tơ lụa trên biển nối từ Trung Quốc tới Ấn Độ. Họ xây dựng những thương cảng cung cấp nước ngọt và lương thực để tàu thuyền đi ngang ghé vào – và tất nhiên có hoạt động buôn bán giao thương.
 
Tuy nhiên, vị trí địa lý khiến người dân Champa phải gánh chịu khí hậu cực kỳ khắc nghiệt – chúng ta vẫn hay nghe thời sự nói “miền Trung oằn mình chịu bão” đó thôi. Dải đất Champa dài và hẹp, đêm ngày đón sóng Biển Đông nên đồng bằng của họ nhỏ bé lắm, không trồng đủ gạo ăn. Đó là lý do một trong những hoạt động giao thương chủ yếu của họ là nhập khẩulương thực.
 
Đổi lại, Champa được hưởng 2 điều từ thiên nhiên: Lâm sản và Khoáng sản. Những cánh rừng bạt ngàn, những mỏ vàng bạc đá quý. Thời hưng thịnh, những bức tượng thần của người Chăm đều được dát vàng, những món trang sức họ đeo được gia công từ đá quý và pha lê. Xui cho Champa, giàu mà khoe ra nên bị mấy nước khác nhòm ngó và cướp bóc. Nào Đại Việt, Khmer, Mã Lai... cứ vài chục năm lại có nước ngoài tới nhăm nhe kiếm miếng.
 
Người Champa có kỹ thuật cực kỳ điêu luyện– kỹ thuật rèn đồ đồng, đồ sắt, làm thủy tinh, xây dựng, hay thậm chí tìm mạch nước ngọt của họ đều có vẻ vượt qua Việt Nam nếu so sánh cùng thời điểm. Nhờ vậy mà những đền tháp của dải đất Champa vẫn còn trụ vững tới ngày nay, sau bao nhiêu cuộc thảm sát, cướp bóc và phá hoại.

Vương quốc Champa ngày đó ra sao?

Lịch sử Champa là một bí ẩn với chúng ta, bởi hiện tại không có một cuốn sử nào do người Chăm chép được lưu truyền. Để nghiên cứu về Champa ngày trước, người ta dựa vào hai cách:
  • Dựa trên những điều mà sử nước khác chép về Champa
  • Dựa trên tư liệu khảo cổ học – đào được gì từ đất thì phân tích và suy đoán trên cái đó. 
Champa có vua và theo chế độ chuyên chế, tuy nhiên cáchquản lý hành chính lại khác so với Trung Hoa và Đại Việt. Họ chia bang như Ấn Độ vậy. Thời đó, Champa là sự hợp thành của 5 tiểu vương quốc. Về sau, khi người Việt mình chiếm Champa đã Việt hóa những cái tên của các tiểu vương quốc thành tên tỉnh/thành phố: Kauthara là Khánh Hòa, Panduranga là Phan Rang,... Một yếu tố thú vị nữa là có vẻ Champa chia tiểu bang theo sự chia cắt địa lý tự nhiên – những con đèo. Hai bên bờ đèo thường là hai tiểu vương quốc khác nhau. 
Kết quả hình ảnh cho bản đồ champa

Thánh địa Mỹ Sơn 
Champa tính ra có tổng cộng 6 ông vua –1 ông vua lớn thống trị cả đất nước và 5 ông vua thống trị 5 tiểu vương quốc. Những ông vua này cũng không phải họ hàng thân thích mà thuộc những thị tộc khác nhau (Champa theo chế độ mẫu hệ). Có lẽ vì vậy mà tính thống nhất của đất nước Champa cũng không mạnh mẽ.
 
Champa trở thành một quốc gia độc lập khỏi Trung Hoa từ thế kỷ thứ II – trong khi Việt Nam phải tới thế kỷ thứ X mới bắt đầu độc lập. Lý do chính có lẽ là do Champa xa quá, quân Tàu không tới chinh phạt nổi. Khoảng thời gian từ thế kỷ II tới thế kỷ X là thời đại phát triển hưng thịnh của Champa. Từ thế kỷ X, Đại Việt lập quốc khiến Champa phải chịu thêm sức ép rất lớn từ phía Bắc, cộng thêm Khmer ở phía Tây và “mặt tiền” biển Đông mời gọi quân cướp phá. Đất nước Champa suy yếu dần từ đó.
 
Bạn biết đâu là lý do Champa bị tuyệt diệt không? Chắc là bạn biết hả - Việt Nam tàn sát họ đó. Thời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông tới du ngoạn Champa tận 9 tháng, khi trở về đã quyết định gả con gái là Huyền Trân công chúa cho vua Chế Mân để đổi hai châu Ô, Lý – vùng đất từ Quảng Trị tới Huế ngày nay. Thời nhà Lê, LêThánh Tông chinh phạt tới tận kinh đô của Champa, bắt về ba vạn tù binh. Champa sống lay lắt qua thời chúa Nguyễn, tới thời vua Minh Mạng thì bị tàn sát (Nguyên do: Dân Champa nổi dậy khởi nghĩa cùng Lê Văn Khôi nên triều Nguyễn ra tay chinh phạt). Vùng đất ghi dấu sự kiện tàn sát người Champa được đặt tên là Bình Thuận – với ý nghĩa "Bình định để được quy Thuận".
 
Những người Champa còn sống sót qua sự kiện thảm sát đó được chia làm 2 nhóm – một nhóm di cư tới những đất nước khác (Tới Sài Gòn, Trung Hoa,..) và một nhóm vẫn ở lại nước Champa. Trong nhóm ở lại Champa, người Chăm theo hai tôn giáo chính: Hồi giáo bản địa (Còn gọi là Chăm Bà Ni) và Ấn Độ giáo. Điều hay ho là nhánh người này, dù số lượng rất nhỏ, nhưng đã hòa hợp Tôn giáo tới mức cho phép Tu sĩ được cầu nguyện cho cả hai bên Hồi giáo và Ấn độ giáo. Chuyện hai tôn giáo hòa hợp đã là khó, mà ở đây lại còn là một tôn giáo Độc thần và một tôn giáo Đa thần. Hay ha?

Champa đóng góp gì cho Việt Nam?

Đóng góp đầu tiên là ảnh hưởng của tiếng Chăm lên phương ngữ và cách phát âm của người Việt ở các tỉnh miền Trung.
Những ai từng tới Quảng Nam chắc dễ dàng nhận ra, người Quảng Nam thường phát âm /a/ thành /oa/. Đó chỉ là một trong số nhiều đặc điểm khác biệt trong cách phát âm của cư dân vùng đất này.
Thực ra, lượng sách vở mà người Chăm lưu truyền được tới hiện nay rất hiếm nên số người biết đọc tiếng Chăm cổ cũng hiếm theo - chúng ta rất khó biết được mặt chữ và cách phát âm của người Chăm xưa kia như thế nào. Tuy nhiên, dựa vào cách phát âm đặc biệt của người Nam Trung Bộ hiện nay, có nhiều giả thuyết được đưa ra và nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu ảnh hưởng của tiếng Chăm lên tiếng Việt. 

Bạn có thể tìm đọc cuốn này để hiểu kỹ hơn về phương ngữ Quảng Nam:
Giọng nói của người Việt mình hiện nay ở dải đất từ Quảng Nam trở vào được ví như "Giọng bà mẹ Chàm dạy con nói Tiếng Việt". Trong lịch sử, đã bao lần Đại Việt đem quân chinh phạt Chiêm Thành, lượng quân lính Đại Việt và người Việt đổ về Champa nhiều lên theo năm tháng. Những cô gái Chàm lấy chống người Việt và ở trong một cộng đồng mà người Việt nhiều ngang ngửa người Chàm bắt đầu phải học tiếng Việt và dạy lại cho con cái mình. Trải qua vài trăm năm, hai ngôn ngữ hòa quyện lại, tạo ra một thứ ngôn ngữ gần như mới lạ - thứ ngôn ngữ được ký âm bằng tiếng Việt nhưng rất hack não để hiểu ngữ nghĩa, ít nhất với một đứa miền Bắc như mình. 
Một bài thơ bằng tiếng Quảng Trị
... Nhớ nhích buổi chự bò chơi xán đất
Chia 2 phe đánh trận xáp lá cà
Khi xong trận thằng mô cũng nhớp
Lấm lòa lấm luện nhận khôông ra.

Cũng thiệt nhớ bựa đầu tiên đi họọc
Đứng vùng vằng bị cha truết vô khu
Khi quen lớp bạn bè ôi răng loạn
Hết bắn bi lại chơi cột, chơi ù.

Ngày 3 bựa, hết 2 toàn khoai sắn
Sắn cổ bưa, tới sắn lát, khoai chen
May còn có dưa môn keng mít
Cứu cả nhà qua đói nhiều phen....
Kế đến, có những giả thuyết cho rằng Champa giúp Việt Nam có thêm lý lẽ để tuyên bố chủ quyền tại hai hòn đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Xưa kia, các nước không có hệ thống biên giới rõ ràng như hiện nay - đặc biệt là trên biển. Mấy hòn đảo xa xôi, nước nào tới khai thác được thì nghiễm nhiên đảo ấy thuộc nước đó - hệt như ngày xưa mình có khái niệm "đất chiếm" ấy.  Người Chăm vốn giỏi vượt sóng ra khơi - họ tìm tới khai thác những hòn đảo xa xôi, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa - từ rất sớm.  Di chỉ của người Chăm được tìm thấy dưới tầng sâu nhất của đất Trường Sa - Hoàng Sa. Vì vậy nếu tính theo "luật rừng" ngày xưa thì Hoàng Sa- Trường Sa thuộc Champa. Mà giờ Champa thuộc Việt Nam, suy ra... (tự điền vô chỗ trống haha).
Những đóng góp khác của người Chàm trong ẩm thực và văn hóa Việt chắc chắn rất nhiều, mà mình chưa tìm hiểu hết. Khi nào được đi bụi tới Nam Trung Bộ, sẽ ăn cả thế giới ở đó và viết tiếp phần 2 cho chủ đề Champa vừa mới lạ, vừa quen thuộc này.