Đây không phải cây trà. Đây là minh hoạ cho câu chuyện "cái cây cô đơn, và kiên định".
Phần 1 từ nhật ký trong những ngày mình bắt đầu học về Trà, được viết hồi tháng 11/2017.
---------------
Đây là lần đầu tiên mình nghe về những cây trà cao đến cả chục mét, thân to hơn vòng tay con trai.
Trà cổ (thành phẩm) nhìn khác với những loại trà (chủ yếu là trà hoa và trà mạn) mình được thấy trước đó. Đoạn mô tả dưới đây là wording lại, mình cảm thấy chưa đủ từ ngữ và cảm nhận để tự tin viết về trà.
- Lá trà giòn và xốp, từng cánh trà rời nhau nhứ không bện vào nhau như trà Thái Nguyên
- Búp trà trắng như được bao phủ bới 1 lớp tuyết mỏng (thực tế là lông mao - khá dày), cánh trà dài, mỏng, màu nâu trắng chứ không có màu xanh lá thẫm như trà mạn.
- (Đây là phần mình thích nhất) Trà có vị mà mùi thơm nguyên thủy của cây cỏ.
Chiều qua mình đã thử 1 ấm Hồng trà khá đặc. Chủ quan mà nói, mùi thơm không khiến mình rung động, vị cũng không "ngọt" đến mức trầm trồ. Hương - vị rất gần với trà Assam (trà túi lọc) nhưng cũng rất xa. Quả thực rất khó tả.
Anh Hậu bảo, đấy là mùi Mộc, mùi của cỏ cây, núi rừng.
Sau chiều hôm đó, mình đọc được 1 bài báo viết về trà Shan tuyết như thế này.
"Thưởng thức chén trà cổ thụ như nhấp trọn được cái không khí trong lành, dễ chịu của vùng cao Tây Bắc, lại vừa như cảm giác được hơi thở của nhịp sống đang thật gần. Chén trà ngon mà gần gũi, thân tình, như chính cái bụng của bà con nơi đây thật thà mà chân chất".
Trà có nhiều loại. Phần lớn mọi người (giống như mình) uống trà vì không muốn uống một cốc nước hoàn toàn không có vị. Vậy nên trà xuất hiện ở khắp mọi nơi. Trà đá, trà nóng vỉa hè. Trà đá trong quán ăn. Trà trở thành thức uống phổ biến thứ 2 trên thế giới, sau nước lọc.
Lần nào uống được cốc trà có thêm mùi lá dứa hay thuần vị lá chè tươi thì vui lắm. Cái hương, cái vị nó thật hơn hẳn.
Chén trà - hơn nhau, nhớ nhau ở hương, ở vị.
Câu chuyện - chia sẻ, nhớ nhau vì cái duyên.
Con người - gặp nhau, nhớ nhau vì cái tình, cái nghĩa.
Chén trà là đầu câu chuyện.
Trà hết, chuyện hết, người đi. Nhưng dư âm của chuyện vẫn còn ở lại cùng hậu vị của trà. Trà cổ, khác tất cả vì cái hương của đất, của núi rừng, cái vị mộc của cỏ cây. Chuyện với trà cổ, thật tình như cỏ cây, mênh mang, sâu thẳm như núi rừng. Hậu vị còn lại cũng dai dẳng, khó quên.
Cốt lõi của sự Khác biệt, hóa ra chỉ là sự chân chất, mộc mạc. 
Vậy mới thấy, con người ta sống phù hoa đẹp đẽ thì dễ, nhưng để thành thật với nhau từ những điều nhỏ mới là chuyện khó.
Giống như hôm qua, khi mới nhấp Hồng trà, chẳng có gì lạ, chẳng có ấn tượng gì đặc biệt. Nhưng khi anh quay sang cười và hỏi "Em có thấy vị Mộc không?", biểu cảm hạnh phúc của anh lúc đó mang tới 1 câu chuyện hoàn toàn khác.
Cây trà Shan Tuyết cô đơn, sinh tồn gian nan ở độ cao 2000m, bộ đồ thổ cẩm, chiếc gùi, mặt trời ló rạng theo nhịp đôi chân trần... tất cả cũng theo ánh mắt anh mà xuất hiện.
...
Mọi thứ đều là 1 hành trình.
Và kiên định cho sự mộc mạc ấy vốn chẳng dễ dàng.
------
Update 05.10.2018.
Mình quyết định đăng lại bài viết này (và một số bài viết khác) lên Spiderum để tiếp tục hành trình học và viết, viết lại tất cả những điều được học.
Sẽ là một hành trình dài.
Cố gắng.
Q.
Ảnh: Mình không cách nào tìm được minh hoạ ưng ý về cây trà Shan tuyết nên dùng ảnh về "một cái cây cô độc". Nguồn từ Unsplash.