Họ hàng bên nội của mình thì hầu hết mọi người theo đạo Thiên Chúa, nhiều cô chú của mình đã đi tu, người thì làm Sơ người thì làm Cha xứ giảng đạo. Việc theo đạo đã trở thành truyền thống trong gia đình bên nội từ rất lâu rồi trước khi ba mình sinh ra vì vậy mà ba mình hồi nhỏ được làm lễ rửa tội và mỗi chủ nhật đều bị bà nội bắt đi học giáo lí đều đặn. Đến khi 18 tuổi thì ba vào Sài Gòn học đại học, tốt nghiệp xong thì ba ở lại Sài Gòn làm việc và sau vài năm thì về quê và mở cửa hàng nho nhỏ kinh doanh buôn bán. Từ khi vào Sài Gòn là ba không còn đi đến nhà thờ mỗi chủ nhật để đọc kinh nữa và lúc nào không hay ba không theo đạo nữa. Vì chuyện này mà ba bị gia đình họ hàng phản đối và mối quan hệ giữa ba và gia đình không còn thân thiết nữa. Cộng thêm chuyện ba kết hôn với mẹ mình, một người không theo tôn giáo nào cả (gia đình bên ngoại thì chỉ theo phong tục thờ cúng tổ tiên, vào những dịp lễ lịch âm thì sẽ thắp nhang làm một mâm cơm nho nhỏ để cúng thần linh hay người đã khuất). Hồi xưa nếu người trong gia đình mà kết hôn với người ngoại đạo thì vợ hoặc chồng sau đó bắt buộc phải theo đạo Thiên Chúa. Theo ba mình kể thì phải đi học giáo lí trong ba tháng , làm lễ rửa tội và mỗi chủ nhật đến nhà thờ làm lễ là đã trở thành người theo đạo rồi. Bây giờ thì tư tưởng của mọi người có vẻ thoáng hơn nên việc kết hôn với người theo đạo trở nên dễ dàng hơn. Mình không biết ở những nơi khác thì thế nào nhưng quê mình ở Khánh Hòa thì gia đình mà theo đạo Thiên Chúa thì sẽ gặp trường hợp này.
Gia đình bên ngoại thì thấy ba thương mẹ nên đã cho cả hai kết hôn. Vì thế mà ba mình thân thiết với bên ngoại hơn là bên nội. Ba hay đi nhậu với mấy cậu trong nhà và hay đến nhà bên ngoại chơi, còn bên nội thì chỉ khi có dịp lễ tết hay đám giỗ thì ba mới lui tới. Sau này khi mình và em gái được sinh ra thì mối quan hệ giữa ba với bên nội có tốt lên một tí nhưng vì không còn theo đạo nữa nên vẫn có khoảng cách gì đó, một vết nứt không thể lành được.
Mình có hỏi ba tại sao ba không theo đạo nữa thì ba chỉ trả lời là ba cảm thấy mệt mỏi vì phải đi đọc kinh làm lễ mỗi ngày chủ nhật. Ba mình chỉ nói lí do đơn giản vậy thôi chứ mình chưa bao giờ nghe ba nói ba không còn tin vào Chúa nữa. Ngược lại đôi lúc ba còn bảo mình nếu con có điều gì lo lắng thì hãy cầu nguyện Chúa, cầu xin bà nội đã mất phù hộ cho con. Mình đã làm như ba bảo dù đôi lúc những điều mình cầu xin không thành hiện thực nhưng tự trong thâm tâm mình cảm thấy bớt lo và nhẹ nhõm hơn.
Nhà mình đi bộ đến nhà thờ chỉ có hai phút nên hồi còn bé thấy nhiều bạn nhỏ lứa tuổi mình đi học giáo lí với các cô chú ông bà đi ngang nhà mình vào mỗi sáng chủ nhật để tham dự ngày Lễ Chúa Nhật là mình cảm thấy rất tò mò. Vì vậy mà mình đã kêu ba dẫn mình đi đọc kinh xem thử sao. Nhưng chỉ sau vài lần là mình bỏ tại mình không hiểu mọi người đang đọc kinh gì, ý nghĩa ra sao và cái quan trọng nữa là buổi lễ khá dài và với cái tính mau chán của mình thì thật sự không hợp tí nào. Từ đó ba cũng không dẫn mình đi nữa và mình cũng không tìm hiểu thêm về đạo nữa.
Lên cấp 3 thì mình có tình cờ đọc được vài trang quyển Tân Ước ở nhà cô mình, thấy cũng khá hay và mình mượn về đọc. Ba mẹ mình cũng không phản đối việc mình đọc kinh thánh mà còn ủng hộ( mình là đứa không thích đọc sách lắm còn ba thì muốn mình đọc nhiều hơn nên việc mình đọc kinh thánh thì ba rất ủng hộ) . Sau đó ba còn mua sách về đạo Phật về thiền của thiền sư Thích Nhât Hạnh cho mình đọc. Ba có từng nói là : “Con đọc nhiều sách để tìm ra niềm tin của mình, dù con không tin vào Chúa hay Phật thì ba cũng để con tự do tin vào điều mình chọn. Đạo giúp con người bớt làm việc xấu hay giúp tâm được thanh thản hơn. Có người tin chết là hết nhưng không có gì xác nhận điều đó là tuyệt đối vì vậy nếu lỡ may có thiên đường hay địa ngục thì còn sống không nên làm điều tội lỗi. Cho nên dù không còn theo đạo nữa nhưng ba vẫn tin vào Chúa.”
Tro cốt của bà nội mình được đặt ở mộ phần của gia đình trong nhà thờ. Ba mẹ, mình với em gái hay đến thắp nhang cho bà mỗi dịp lễ tết. Mình để ý trên tấm bia ghi năm sinh của ông bà là lâu lắm rồi, chắc cũng từ thời Pháp thuộc. Thì ra nhà nội mình theo đạo Thiên Chúa lâu đến như vậy và mình chợt nghĩ là nếu mình theo đạo thì cảm giác sẽ như thế nào . Với suy nghĩ đó thì sau khi tốt nghiệp cấp ba và dành 1 năm ở nhà tự học tiếng Nhật để chuẩn bị đi du học thì mình cũng đã siêng đọc sách về đạo hơn. Mình nhớ trong buổi ăn tối mình đã nói với cả nhà là mình muốn học giáo lí thử nhưng cần một ai đó đi học chung cho vui. Ba thì nói nếu con thích học để ba hỏi cô năm xem (cô năm là sơ ở nhà thờ). Mình rủ em mình học chung cho vui nhưng em mình thì không hào hứng nên mình cũng thôi luôn không đề cập đến chuyện học giáo lí nữa.
Nhà mấy cô chú họ thì nằm sát ngay nhà mình. Ba ngôi nhà của cô chú họ đều được xây trên cùng một mảnh đất thiệt rộng không có hàng rào ngăn lại giữa ba nhà nên cả ba gia đình khá là thân thiết. Nhà của chú H thì là nhà từ xưa, bên trong có hẳn một phòng để cầu nguyện và có bàn thờ của tổ tiên. Phòng khá rộng chứa được khoảng 50 người. Mỗi lần đám giỗ thì họ hàng sẽ tập trung lại và làm lễ cầu nguyện tại đó. Mình không thích đọc kinh nhưng rất thích nghe mọi người hát thánh ca. Mình thích nhất những lúc đọc kinh mà kèm theo hát và bài mình thích nhất là bài Cầu xin Chúa Thánh Thần. “Cầu xin Chúa Thánh Thần. Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa. Trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.” Mình vẫn nhớ mãi cái cảm xúc ấy khi mỗi lần có dịp lễ tới, mình không tham gia nhưng ngồi bên cửa sổ hướng tai lắng nghe điệu nhạc du dương, lời ca nhẹ nhàng mà mọi người đồng thanh hát.
Thời gian đầu mình học tiếng Nhật thì tình cờ xem được bài thuyết trình về tư tưởng tôn giáo của người Nhật trên ted talk của sư Daiko Matsuyama. Ông sinh ra và lớn lên trong đền thờ Thần đạo nhưng từ khi vào trung học thì ông được ba mẹ cho theo học trường Công giáo. Ông đã nói thế này: 日本人の宗教観は非常に独特なものがあります。例えば多くの日本人はキリストの誕生日であるクリスマスをお祝いし、年末にはお寺で除夜の鐘を聞いて、そしてお正月には神社に初詣に行きます。日本以外の方からは「なんて節操のない」という風に言われることもあるんですけれども、しかしここ日本では非常にこういった宗教の寛容性というのは一般的です。( Tư tưởng tôn giáo của người Nhật rất đặc biệt. Ví dụ đa số người Nhật tổ chức sinh nhật vào ngày dương, ăn mừng lễ noel, ngày giao thừa thì đi chùa để nghe tiếng chuông ngày đầu năm mới, hay là vào dịp lễ tết thì đi đến đền thờ Thần đạo để thăm mộ tổ tiên. Những người không phải là người Nhật thì có thể thắc mắc là tại sao tư tưởng tôn giáo lại không kiên định như thế nhưng đối với người Nhật thì tư tưởng rộng rãi về tín ngưỡng là chuyện bình thường). 日本人の宗教観というのはBelieve in somthing(何かを信じる)ではなくてRespect for something(何かを敬う)もしくは Respect for other (他者を敬う)。ですから日本では色んな宗教を信じている方がいらっしゃいますが、お互いに尊重しております( Tư tưởng tôn giáo của người Nhật không phải là tin vào thứ gì đó mà là tôn trọng lẫn nhau)

 Xem xong video thì mình chợt thấy may mắn khi sinh ra trong gia đình có tư tưởng tôn giáo khá rộng rãi. Và mình nghĩ mình như ba mình: lí trí thì bảo là không có thần thánh nhưng trái tim vẫn tin vào chúa.
 Hy vọng mọi người tìm thấy niềm tin của chính mình.