Có một em bé biếng ăn là một điều đau đầu vô cùng đau đầu với các bà mẹ. Có một em bé đã biếng ăn mà lại còn táo bón thì nó lại còn đau đầu gấp bội. Và mình thì “may mắn” với bé Mèo có cả 2 điều này. Dù mình đã thử đủ các biện pháp để giúp con: cho con ăn rất nhiều rau, hoa quả, uống thuốc, thực phẩm chức năng….nhưng cũng không cải thiện nhiều. Mình hiểu rằng, nếu mình không tìm hiểu kĩ hơn về chú “táo” này, hai mẹ con sẽ rất khó để vượt qua được giai đoạn này. Đúng tinh thần, cái gì không biết thì phải học, mình đã tìm đến lớp học để hiểu thêm về bệnh táo bón này.
Mình đã được hướng dẫn cách nhận biết, theo dõi và xử trí táo bón mãn tính cho con bé một cách chi tiết. Mình hiểu rằng điều trị hoàn toàn táo bón cho con, hai mẹ con chắc chắn sẽ trải qua một quá trình dài để đánh giá hiệu quả của phương pháp bác sĩ hướng dẫn. Tuy nhiên, mình tin rằng những kiến thức này sẽ giúp mình có cái nhìn rõ ràng và giúp mình tự tin hơn khi đồng hành với tình trạng táo bón của con. Mình mong muốn chia sẻ bài viết này không nhằm mục đích khuyến khích bố mẹ tự điều trị táo bón cho con mà nhằm giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn đúng đắn về tình trạng táo bón và cảm thấy an tâm hơn khi đồng hành với con.
Yếu tố đầu tiên mà bố mẹ cần phải chuẩn bị khi có con bị táo bón mãn tính đó là: Chuẩn bị một tinh thần lớn. Có con bị táo bón nghĩa là bạn phải chuẩn bị tâm lí của mình và tâm lí cho con rằng đây sẽ là một hành trình dài đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và nỗ lực. Hành trình này sẽ phải tính bằng nửa năm, thậm chí hàng năm chứ không phải là tính bằng ngày hay bằng tháng.

Một số hiểu nhầm hay gặp phải khi điều trị táo bón cho con:

Hiểu nhầm 1: Trẻ cứ ị ít hơn 2 lần mỗi tuần thì bị cho là táo bón
⇒ Đúng: Đánh giá tình trạng táo bón dựa trên loại phân của trẻ, theo phân loại Bristol. Phân loại type 1, 2, 3 là táo bón, trong khi type 4 là phân bình thường.
Hiểu nhầm 2: Thuốc táo bón chữa được bệnh táo bón của trẻ
⇒ Đúng: Thuốc táo bón không thực sự chữa được bệnh táo bón của trẻ. Chúng chỉ giúp làm mềm phân hoặc tăng nhu động ruột. Khi dùng thuốc ngừng, tình trạng táo bón sẽ trở lại. Do đó, điều quan trọng là điều chỉnh chế độ ăn uống và đảm bảo trẻ tập đi cầu hàng ngày.
Hiểu nhầm 3: Khi thấy trẻ ị được phân mềm là khỏi bệnh và lập tức dừng thuốc
⇒ Đúng: Cần giảm dần liều thuốc và đồng thời tập đi cầu định kỳ cho bé. Nếu dừng thuốc ngay, trẻ có thể quay trở lại tình trạng trước đó.

KẾT LUẬN

Việc điều trị táo bón và vấn đề ăn uống cho bé Mèo không dễ dàng. Mình đã và đang tìm hiểu và áp dụng những kiến thức mới để giúp bé. Mặc dù không có phương pháp hoàn hảo, nhưng những hiểu biết này đã giúp mình tự tin hơn khi đối mặt với tình trạng táo bón của con. Thuốc táo bón chỉ là giải pháp tạm thời, điều chỉnh chế độ ăn uống và tạo thói quen đi cầu định kỳ cho bé cực kì quan trọng.