Chuyện nghiên cứu khoa học sinh viên cho đến câu chuyện về đồ án và hết chuyện
Nếu chúng ta biết rằng chúng ta đã làm được gì thì chắc hẳn nó không được gọi là nghiên cứu đúng không? - Albert Einstein Chào...
Nếu chúng ta biết rằng chúng ta đã làm được gì thì chắc hẳn nó không được gọi là nghiên cứu đúng không? - Albert Einstein
Chào mọi người, mình là sinh viên năm cuối ngành công nghệ thông tin và cũng là chàng trai 23 tuổi. Nhân dịp tuần sau là mình bảo vệ phiên tiểu ban nghiên cứu khoa học cũng như cuối năm ra trường nên mình xin phép chia sẻ tý quan điểm về những project trong nhà trường từ nghiên cứu khoa học cho đến đồ án.
1. Nghiên cứu khoa học là gì?
Khoa học là quá trình nghiên cứu nhằm khám phá ra những kiến thức mới, học thuyết mới, … về tự nhiên và xã hội. Những kiến thức hay học thuyết mới nầy, tốt hơn, có thể thay thế dần những cái cũ, không còn phù hợp. Như vậy, khoa học bao gồm một hệ thống tri thức về qui luật của vật chất và sự vận động của vật chất, những qui luật của tự nhiên, xã hội, và tư duy.
Nghiên cứu khoa học là một họat động tìm kiếm, xem xét, điều tra, hoặc thử nghiệm. Dựa trên những số liệu, tài liệu, kiến thức,… đạt được từ các thí nghiệm NCKH để phát hiện ra những cái mới về bản chất sự vật, về thế giới tự nhiên và xã hội, và để sáng tạo phương pháp và phương tiện kỹ thuật mới cao hơn, giá trị hơn. Con người muốn làm NCKH phải có kiến thức nhất định về lãnh vực nghiên cứu và cái chính là phải rèn luyện cách làm việc tự lực, có phương pháp từ lúc ngồi trên ghế nhà trường. Nguồn: voer.edu.vn
Nghe thì cao siêu như vậy nhưng sinh viên nghiên cứu khoa học thì không nhất quyết phải gọi là phát kiến thay đổi thế giới, cũng không nhất quyết phải đăng lên các trang báo khoa học như IEEE, ResearchGate, arXiv,... mà chỉ đơn giản là làm một cái gì đó ngoài những thứ đang học, một thứ gì đó mới hay cố code giống như bài báo được công bố (đó là với ngành công nghệ thông tin như mình còn ngành khác thì mình không chắc).
2. Sinh viên nghiên cứu khoa học để làm gì?
Kiến thức: nghiên cứu khoa học là làm một cái gì đó bên ngoài cái đang học nên tất nhiên kiến thức thu được là điều hiển nhiên. Kiến thức này có thể do nhóm nghiên cứu tìm hiểu và tổng hợp, hoặc có thể do giáo viên hướng dẫn truyền đạt
Kỹ năng: kỹ năng lên kế hoạch, kỹ năng xây dựng đề cương nghiên cứu, xử lý tình huống ngoài dự tính, kỹ năng xây dựng bài thuyết trình, thuyết trình cũng như kỹ năng làm việc nhóm. Một kỹ năng mình thu được sau 3 năm làm nghiên cứu khoa học là kỹ năng tìm kiếm từ con số 0 và tổng hợp kiến thức. Mình là người quan điểm rằng nghiên cứu khoa học thì làm cái gì đó mình có khi không làm được, có khi không khả thi nên những nhiệm vụ nghiên cứu mình nhận toàn những cái dường như phải bắt đầu từ con số 0.
Mối quan hệ: nghiên cứu khoa học là cách tạo mối quan hệ tốt với thầy cô. Điều này khá là lợi ích vì sẽ có thể được thầy cô nhờ hỗ trợ trong những công việc khác, thậm chí là tham gia các dự án của các thầy cô.
Hạn chế nhàn cư vi bất thiện: nghiên cứu khoa học sẽ phải tốn thời gian, để hạn chế việc rảnh rỗi không biết làm gì lại giết thời gian vào những cái khác.
Thành tích: nhiều trường Đại học, trong đó có trường mình có áp dụng tiêu chí nghiên cứu khoa học vào tính thành tích và khen thưởng.
3. Đâu là phụ việc và đâu là làm nghiên cứu?
Đây là một câu hỏi lớn và cần có lời giải. Vì nhiều sinh viên khi nhận đề tài thường nghĩ là thầy cô lợi dụng mình để tìm hiểu và làm việc không công. Nên khi nhận đề tài nghiên cứu thì chúng ta cần xác định công việc có thực sự là nghiên cứu hay không, có mới không? Hay chỉ là đi label dữ liệu, hay crawl dữ liệu báo chí về thì cũng nên cân nhắc.
Nhưng cần phải hiểu rõ năng lực của mình tới đâu, nên có khi có một dự án to thì các giảng viên sẽ chia nhỏ ra cho nhiều nhóm nghiên cứu. Nhưng theo mình thấy thì nếu mình làm ổn thì các thầy cô sẽ duy trì công việc đó cho các bạn kèm theo "công tác phí"
4. Đề tài nghiên cứu như thế nào là hợp lý?
Đối với mình đề tài hợp lý là đề tài chưa có sản phẩm trước đây. Không nên làm lại một nghiên cứu có sẵn. Đề tài phù hợp với khả năng, đồng thời do giảng viên phù hợp hướng dẫn.
Trừ năm đầu là nhóm nckh của bọn mình làm đề tài có sẵn trong danh sách do trên gởi về. Còn sang năm thứ 2 và năm nay thì mình đề xuất đề tài và nghe phản biện đóng góp của người hướng dẫn để thu gọn đề tài cho phù hợp.
5. Nghệ thuật thuyết trình có phải là lừa dối?
Có khi giáo viên trong hội đồng chấm điểm bạn không làm về mảng bạn đang làm, không nghiên cứu mảng bạn đang nghiên cứu. Đồng thời có khi người ta không đọc báo cáo bạn đã in và trên bàn mỗi người. Đừng trách họ, đó có thể không phải là lỗi của họ mà vì nckh thượng vàng hạ cám, có những báo cáo viết cũng khá là chán nên việc đọc báo cáo trở thành cơn ác mộng.
Nên việc bạn thiết kế slide, trình bày ý tưởng là việc có khi quan trọng hơn cả báo cáo. Hãy xác định mục tiêu mình thuyết trình là ai. Nếu là người cùng mảng đó, chuyên gia thì mình nên nói kiến thực nặng yếu tố kỹ thuật. Còn nếu không thì nên nói về tầm nhìn, cách thức ứng dụng, hiệu quả. Một trong những sai lầm là chúng ta thường cố nói hết những gì chúng ta biết, những gì chúng ta làm. Không nên làm vậy. Chúng ta nên nói cái người khác muốn nghe và có thể hiểu.
Bạn có bao giờ cảm thấy ác mộng khi học một tiết học mà thầy nói gì mình cũng không hiểu chưa. Nếu có thì bạn nên hiểu tầm quan trọng của việc xác định đối tượng mình nghe và cách làm slide. Cách làm slide thì có quy tắc làm slide dễ hiểu trên Google khá nhiều nên mình không nhắc lại.
Đối với các sản phẩm có demo thì nên có kịch bản demo rõ ràng, không nên mở lên click click, gõ gõ và người chấm không hiểu bạn đang làm cái gì cả.
6. Sản phẩm phòng lab hay start-up?
Có nhiều người hay hỏi "cái này có gì mới hơn sản phẩm trên thị trường" khi bạn làm một cái mới. Nên bạn sẽ phải bình tĩnh mà phân tích, chứ đừng kiểu bố đời cái này là nhất, trên thị trường là rác. Mình chứng kiến nhiều nhóm khi bảo vệ tự tin theo kiểu đó. Họ không phân tích ưu nhược điểm, hạn chế. Có khi không dám nhận những hạn chế của mình.
Còn có những giáo viên cũng khá là khắm lọ khi yêu cầu sản phẩm hoàn hảo như sản phẩm thương mại. Những lúc như vậy không nên cay cú, phải bình tĩnh, nở nụ cười tự tin và trả lời: "Đây là một proof of concept, một demo hoặc một prototype chứ không phải là sản phẩm để bán nên hạn chế đó là lý do có thể hiểu. Đồng thời mục đích của em (nhóm) không phải là tạo ra sản phẩm để bán hay gọi vốn, vì nếu đúng là như vậy thì em không ở đây. Em xin ghi nhận những góp ý của thầy (cô) để hoàn thiện sản phẩm nhưng nó sẽ xuất hiện trong dịp khác" Đó là câu mình thường trả lời, không chỉ đối với nghiên cứu khoa học mà còn với một vài môn học, ý là bài tập lớn môn học.
Nhưng suy cho cùng, việc giáo viên hỏi như vậy cũng hay. Để sinh viên trong đó có mình bớt ảo tưởng về thay đổi thế giới và trở thành Bill Gate.
7. Đồ án là kết tinh trí tuệ hay chỉ là hình thức?
Theo thông lệ, muốn ra trường ngành kỹ thuật thì làm đồ án. Nhưng khi đó người sinh viên sẽ đối diện với việc lựa chọn đồ án như thế nào. Làm một cái gì đó bình thường, dễ dàng, theo đúng ý thầy cô. Hay cố nhét những kiến thức mình học, áp dụng nó để tạo ra một sản phẩm như là dấu ấn mấy năm học.
Có một hiện tượng ở trường mình trong một thời gian là học "công nghệ phần mềm", "công nghệ mạng" nhưng lại muốn đồ án "khoa học máy tính". Đó là chỉ những đề tài làm về AI thì mới điểm cao, còn web với app thì điểm bình thường. Mình không nói đúng sai ở đây, chỉ nói là nếu muốn điểm cao thì nên xem yêu cầu và tình hình cụ thể.
Riêng mình, đồ án vẫn cháy hết mình. Cơ mà cũng lươn lẹo hết sức vì mình dùng sản phẩm nghiên cứu khoa học này để làm đồ án.
Tóm lại:
1. Có nên tham gia sinh viên nghiên cứu khoa học không? Đây là câu hỏi khó, nên phải trả lời kiểu này. Tùy vào mục đích, nếu thấy nó thực sự đem lại lợi ích thì nên. Còn không thì cũng không nên lao thân vào làm gì, có nhiều cách để đem lại lợi ích tương tự.
2. Làm sản phẩm quan trọng, nhưng cách giới thiệu sản phẩm càng quan trọng hơn.
3. Đồ án không nói lên con người bạn.
Có thể những nội dung mình nói trên là phiến diện, sai và không hợp lý. Nên mình xin được nghe các ý kiến của mọi người ạ. Nếu ai đang là sinh viên công nghệ thông tin và đã đọc 2 bài trước của mình và thấy hợp lý thì kết bạn nhau nào.
CHÚC MỌI NGƯỜI CUỐI TUẦN VUI VẺ
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất