Trong lúc đề cập đến từ “dialectics” với một người bạn, tôi đã vất vả để tìm ví dụ minh họa cho cái ý “phủ định của phủ định không phải là khẳng định”. Tôi đã nghĩ đến các vụ biểu tình về mini-skirt của phụ nữ Mỹ thời kỳ phản văn hóa thập niên 60, phần nào gợi liên tưởng đến các bài xã luận trên mấy số đầu tờ Phong Hóa về những thay đổi trong lối sống của đàn bà An Nam, bài diễn thuyết của Lưu Trọng Lư và mấy dòng của Hoài Thanh về cái còn lại sau cuộc Âu hóa. Tất nhiên người ta có thể nhìn thấy một số tương đồng về tinh thần thời đại khi mà vào giai đoạn 1940 trở đi, sau hết một chu kỳ cách tân mở ra bởi nhóm Đông Tây của Hoàng Tích Chu và kế tục bởi Tự Lực Văn Đoàn, là giai đoạn của khuynh hướng phục cổ với hai tạp chí Tri Tân và Thanh Nghị. Nhưng có lẽ với tôi, không một ví dụ nào cho “the negation of the negation” riêng tư hơn và kiêng kị hơn là thái độ khi hát quốc ca.
Khi gặp đúng người, người ta sẽ hỏi “quốc ca là quốc ca nào”? Hỏi được câu đó, nghĩa là người ta đã chấp nhận sự thật rằng không có một Việt Nam. Như Tạ Chí Đại Trường đã nói, “lịch sử chỉ là những tiếp diễn của sự kiện mà không có cùng đích”. Tán dương những công trình thống nhất trong lịch sử Việt mang tính chất finaliste trong triết thuyết là thực hành tôn giáo chứ không phải của khoa học. Christopher Goscha, cũng là người đã viết một bài luận về Nguyễn Văn Vĩnh, đã viết cuốn Vietnam: A New History với một cách nhìn như vậy.
Sẽ có người hát quốc ca bắt đầu bằng câu “này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…”. Nhiều trong số họ có một thái độ vô cùng gay gắt khi ai đó nói rằng quốc ca phải là “đoàn quân việt nam đi, sao vàng phấp phới…”. Tôi tự hỏi họ sẽ cảm thấy thế nào khi có người thứ ba hát “Dậy dậy dậy mở mắt xem toàn châu, Đèn khai hóa rạng khắp hoàn cầu…”
Cách đây 5, 6 năm, khi còn đang là thực tập sinh ở một trường cấp ba, tôi đã bày tỏ sự ngượng ngùng của mình khi hát quốc ca, không như sự dõng dạc tự tin của tôi khi là một đứa trẻ tiểu học hay cấp hai. Tất nhiên tuổi thiếu niên của tôi cũng như bao thể loại thiếu niên ngày nay hát bài Lá cờ của Tạ Quang Thắng. Patriotism trong những đầu óc ấy nhiều nhiệt huyết nhưng cũng ấu trĩ, vì trong cái mental image đấy, chỉ có người giống mình về quan điểm chính trị mới là người Việt Nam, còn không thì sẽ là Việt gian. Lúc này mới lại thấy Nguyễn Bắc Sơn thật chí lý khi viết: “Bên cạnh nhà tôi / Sống một kẻ láng giềng / Y thường phóng uế trước nhà / Khi con gà nòi của y đi lạc / Y nhìn vào nhà tôi / Và chửi thề như máy /Tôi định đến mùa hè này / Sẽ đá y một đá / Nếu chúng ta tự đáy lòng / Không mảy may yêu người hàng xóm / Vậy hi sinh vì cách mệnh có nghĩa gì”. Yêu Tổ Quốc yêu đồng bào nghĩa là phải yêu cả cái thằng hàng xóm mất dạy kia. Phải vậy không? Nhưng đời đã chứng minh anh em cùng dòng máu còn tưới xăng nhau vì cuốn sổ đỏ thì hàng xóm với cả đồng bào đã là gì. Câu chuyện những người anh em trong nhà đó, Dương Nghiễm Mậu đã kể trong Gia tài người mẹ.
Nhưng thực sự nếu vì đứng về một phía mà chán ghét Tiến quân ca, người ta lại quên mất rằng ngay từ đầu nó được viết không phải để cổ xúy cho một sự chia cắt. Thậm chí người viết ra nó cũng không nghĩ rằng có một ngày nó được chọn làm quốc ca. Nhưng ca khúc đó đã được chép ra giấy và chuyền tay nhau, học thuộc và hát bởi Việt Minh. Mặc cho tính cách ấu trĩ lẫn Machiavellian trong hành động của Việt Minh, ta vẫn phải thừa nhận rằng Việt Minh đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Cũng như không phải ai dinh tê cũng là hèn nhát hay ích kỷ, những con người ở lại không phải đều là ngu ngốc. Ở thế cục đó, họ thậm chí còn không hình dung nỗi những gì sẽ diễn ra sau 1954. Với nhiều người lúc đó, chỉ có một con đường là tranh đấu, vì đó là ván cược cuối cùng. Trần Dần viết Người người lớp lớp, cũng Trần Dần đã viết Nhất định thắng, và cả hai lần đều là người thành thật. Chính Văn Cao đã chịu cái án 30 năm im lặng sau Nhân Văn Giai Phẩm, mà trong thời gian đó, thậm chí người ta còn làm đến những trò bỉ ổi như là cướp công sáng tác hay đòi bình chọn thay thế bài quốc ca.
Ngày nay hát quốc ca, mỗi người có thể tự hiểu rằng đó không nhất thiết phải là một thực hành củng cố một chính thể, mà là một thực hành necromancy. Hãy nghĩ rằng, có những người lính Việt Minh, ngay cả khi ám toán các đảng phái đối lập vì mệnh lệnh, cũng sẵn sàng chết vì quê hương, và trong những lúc thập tử nhất sinh, họ xốc lại tinh thần bằng câu hát. Hát quốc ca, cần hiểu rằng, nó chỉ là một bài hát trong vô vàn bài hát của xứ sở mà hình hài không hề bất biến từ thuở ra đời đến nay. Hát quốc ca như một nhà nhân chủng học, như Levi-Strauss chẳng hạn, đang hòa điệu cùng một tộc người da vàng trong nhiều tộc da vàng, và quan sát nó từ một khoảng cách. Hát quốc ca như nghe người Hồng Kông biểu tình hát Do you hear the people sing hay xem Les Misérables. Hát quốc ca để mình bớt cô đơn một chút. Với một kẻ luôn sẵn sàng nắm lấy tay thần chết không vì một lý tưởng gì, thì dân tộc, gia đình, hay nhân loại, cũng như nhau mà thôi.
Mai Duy Minh và bức tranh "Điện Biên Phủ"
Mai Duy Minh và bức tranh "Điện Biên Phủ"