Ảnh bởi
Bud Helisson
trên
Unsplash
Đợt vừa rồi mình có đi khám mắt. Bác sĩ bảo mắt tăng số một chút, em nên thay mắt kính mới. Cũng nhiều năm rồi mình chưa đổi mắt kính. Thế là mình chột dạ, tự hỏi rằng mình đã đeo kính bao lâu rồi nhỉ. Cũng mười mấy năm rồi. Đủ dài để mình nghĩ lại về quãng thời gian bị cận với những kỷ niệm linh tinh không đầu không đuôi.
Với mình, bị cận là một trải nghiệm kỳ lạ và oái oăm.
Ngày nhỏ, nghe người lớn nói, hễ ai đeo kính là trông có vẻ trí thức. Bố mẹ ông bà nhìn thấy bạn cùng lớp hay anh chị hàng xóm đeo kính là sẽ trầm trồ đoán già đoán non rằng đứa này con nhà gia giáo, học hành tử tế, ngoan hiền, lành tính. Lúc lớn, xem Big Bang Theory, có cảnh Penny đeo kính chỉ để trông tri thức hơn trong mắt anh bạn trai tiến sĩ, hoá ra tây hay tàu hay ta đều có khái niệm này.
Ấy vậy mà điều này chỉ áp dụng cho người ngoài chứ tuyệt nhiên không phải con cháu trong nhà. Trẻ con mà, đứa nào chả thích đọc truyện tranh, xem tivi, ngồi máy tính, và sau này là bấm điện thoại. Thích biến thành ham. Ham biến thành nghiện. Ngày mà trong nhà có đứa con bị cận cũng là lúc bố mẹ nhận ra tình trạng nghiện truyện nghiện tivi nghiện máy tính nghiện điện thoại đã trở thành vấn nạn to to trong gia đình nho nhỏ.
Thế là cấm.
Cơ mà trẻ con mà: càng cấm càng làm. Trẻ con như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan. Cơ mà chỉ ngoan không thì chán ngắt, phải có chơi thì mới vui. Trùm chăn đọc truyện. Lén xem tivi. Nghịch máy tính lúc bố mẹ đi làm. Bấm điện thoại bất kể ngày đêm. Thế là cận. Cận lòi mắt. Thế là sự cận của con nhà mình đồng nghĩa với sự ham chơi không nghe lời. Còn con nhà người ta cận thì vẫn cứ là ngoan ngoãn giỏi giang. Khái niệm con nhà người ta trong mình đã nhen nhóm như vậy.
Xin chúc mừng, con của cô chú đã bị cận. Vậy giờ sao? Đi khám mắt chứ sao. Khám mắt luôn là một trong những trải nghiệm đầy lo lắng của mình thời niên thiếu. Một sự thật hiển nhiên rằng đã đi khám mắt thì độ cận chỉ có tăng với lần trước chứ không giảm. Mà tăng số đồng nghĩa với nhiều thứ: những trận mắng inh ỏi, hạn chế các hoạt động giải trí, bố mẹ tốn tiền cắt mắt kính mới và lại mắng inh ỏi thêm.
Thế là sợ. Sợ vã mồ hôi. Sợ như thể đang thi học kỳ. Sợ như thể trượt đại học. Sợ như thể cuộc đời phía trước của mình xuôi chèo hay gian truân sẽ phụ thuộc vào mấy con số lạnh lùng mà bác sĩ viết nguệch ngoạc trên tờ giấy nhỏ bằng hai bàn tay.
Hẳn nhiều người đã biết, lúc khám, đầu tiên mình sẽ phải che một trong hai bên mắt, nhìn lên một cái bảng trắng có viết các chữ cái a bờ cờ hay số má một hai ba, từ cỡ to ở trên cùng đến cỡ nhỏ ở dưới. Còn trong ký ức của mình, bảng trắng hồi mình bé là một loạt những chữ C được xoay 4 góc, để phần hở ra của chữ C sẽ nằm ở trên, dưới, trái, phải. Bác sĩ ra hiệu, thế là mình bắt đầu đọc. Lên lên xuống xuống trái phải trái phải, hoạ chăng chỉ đọc thêm B A Start là mình sẽ được cộng 30 mạng trong Contra. Vài ba dòng đầu mình không có vấn đề gì, nhưng dần dần mình cảm nhận được sự mờ ảo trong con chữ. Chữ nào cũng na ná nhau, chả còn nhận ra khoảng trắng quen thuộc đang chỉ về đâu. Mình chột dạ, thấy cuộc đời mình lúc đấy cũng mất phương hướng như khoảng trắng ấy vậy.
Thế là ngay lập tức, mình mở khoá kĩ năng mang tên bệnh thành tích.
Mình biết rằng, mình gục ngã càng sớm, thì lượng giải trí bị cấm càng tăng. Vã cả mồ hôi. Mình thử đủ cách để vượt qua giới hạn bản thân. Mình nghĩ rằng, mỗi chữ mình đọc đúng sẽ kiếm thêm cho mình vài quyển truyện hay vài tiếng chơi máy tính. Lùi bước về sau thì chẳng thấy rõ hơn được, mà phải nheo mắt, thưa anh Soobin ạ. Nheo mắt hết mức cũng chỉ vớt vát được thêm một dòng chữ. Rồi thì đọc sai và xin bác sĩ cho đọc lại. Rồi thì đọc là trái, xong rồi bác sĩ bảo là sai rồi, là trên, thế là cãi, bảo là ơ cháu đọc là trên mà, bác nghe nhầm à. Gân cổ lên cãi. Mới tí tuổi đã gaslight bác sĩ. Có vài phút khám mắt mà bi hài đủ cả, thật là hoành tráng cao độ.
Rồi đến lúc mình phải đặt mắt vào máy để bác sĩ đo đo ướm ướm độ cận theo sự chính xác của công nghệ khoa học tối tân, mình cảm thấy được có chút nhếch mép hả hê từ bác sĩ, như đọc vị xuyên thấu trò lừa non nớt của đứa nhóc con đang cố hết sức tranh đấu cho quyền mưu cầu hạnh phúc. Và kết quả vẫn chỉ có một. Tăng số, cắt mắt kính mới, bị mắng, bị cấm chơi, tìm cách chơi lén, và rồi lại tăng số. Một vòng tuần hoàn luẩn quẩn của những năm tháng lớn lên. Mình nghĩ lại thấy quá trình lớn lên được kết hợp nhịp nhàng giữa sự nghe lời và sự chống đối bố mẹ, thấy thú vị vô cùng.
Lần đầu đeo kính luôn là một trong những kỷ niệm mà mình tin là ai đeo kính cũng sẽ nhớ rõ. Cảm giác lần đầu nhìn thế giới qua mắt kính, mọi thứ trở nên rõ ràng và thấu suốt, người trở nên hơi nôn nao hồi hộp, thậm chí là có chút đau đầu, hiện tượng mà bác sĩ đã nói dăm lần bảy lượt trước khi ra về. Với lũ trẻ con lần đầu đeo kính, đứa nào đứa nấy nâng niu kính cẩn thận hết nấc. Tối đi ngủ còn cẩn trọng lau lau chùi chùi rồi cho vào hộp. Và có một cách nhận diện những đứa lần đầu đeo kính vô cùng dễ dàng, đó là cái dây được gắn sau gọng kính, quàng qua sau đầu, vắt lên gáy. Cứ đến lớp mà thấy đứa nào có cái dây đấy thì y như rằng vừa mới bị cận lần đầu. Theo một lẽ tự nhiên, với sự vướng víu và ngứa ngáy khi mà cái dây cứ cạ cạ vào gáy, thêm vài lời móc mỉa của mấy đứa khác rằng cái dây trông ngu vl, dần dà bọn trẻ con quẳng hẳn cái dây đi, để rồi tiến lên một bậc trong cộng đồng những người đeo kính.
Rồi thì ngày còn đi học, mình nhớ rằng bộ giáo dục có chủ trương chống cận thị học đường. Thế là cứ vài tháng, thầy cô lại rục rịch cho cả lớp chuyển chỗ ngồi. Đứa nào cũng được trải nghiệm đủ vị trí trong lớp, từ hậm hực phải ngồi sát bàn giáo viên đến khoan khoái ngồi tít cuối lớp, thoải mái đọc truyện gầm bàn hay ăn vặt trong giờ. Mỗi lần chuyển chỗ là một lần lâm li bi đát. Những nhóm bạn gần nhau đang trên đà thân thiết bỗng phải nói lời ly biệt. Với mình, hồi tiểu học, chỉ cần chuyển tổ thôi đã là một sự cách trở xa xôi ngàn trùng. Có vài đứa được chuyển xuống cuối, nhưng nhị vị phụ huynh lo lắng rằng nó sẽ bị thầy cô ngó lơ, do xa trung ương thì khó quản, nên lại đi xin cô xin thầy cho cháu nó được lên bàn trên. Học sinh cấp 1 cấp 2 còn sợ thầy cô, nên ngồi răm rắp theo vị trí, thầy cô đặt đâu trò ngồi đấy. Lên cấp 3, dần cứng đầu khó bảo hơn, chúng nó ngồi vô tội vạ, thầy cô cũng chả buồn xếp chỗ nữa, đánh dấu một bước tiến trong quá trình trưởng thành và tự lập, tự chịu trách nhiệm với chính mình của những cô cậu chuẩn bị làm người lớn.
Người bị cận có những thứ mà ai không cận sẽ chẳng mấy khi hiểu. Người cận sẽ phát rồ phát dại khi ai đó đưa kính cho họ mà cầm vào mặt kính. Dầu từ ngón tay sẽ chẳng thể lau sạch nổi bằng áo hay khăn, mà phải có xà phòng mới bay được. Hóa học cơ bản, thưa quý vị và các bạn. Ai không cận sẽ luôn có trò giơ 2 ngón tay và mong chờ người cận trả lời là thấy 4 ngón. Xin thưa là không, người cận vẫn thấy 2 ngón, chỉ là mờ ảo hơn chút thôi. Người cận mất kính là một cực hình, trong tim hụt hẫng như mất một thứ gì, thế giới xung quanh bỗng chốc hoá sương khói mờ nhân ảnh. Mình đã có bài học về sự cảm thông, khi mà nhận ra rằng, nhiều khi mình cần đặt mình vào mắt kính của người khác để hiểu được cảm nhận của họ.
Với người cận, kính của họ như người bạn đời, khi mà họ lớn lên cùng nhau, trải qua mọi thứ cùng nhau, ngủ dậy là thấy nhau, và sẽ còn đồng hành lâu dài ở quãng đời phía trước.
Trừ khi đi mổ mắt. Đấy sẽ là tờ đơn ly dị cho cuộc hôn nhân giữa người và kính =))))