Hóa ra trên đời có nhiều các kiểu buôn bán kỳ lạ. Giờ mình mới biết là các hãng giày thường ra các phiên bản giày đặc biệt giá cả tương đối đắt hàng độc. Dĩ nhiên, để kích thích công chúng họ làm ra với số lượng rất có hạn và không làm thêm để số người thích lớn hơn rất nhiều số người mua được. Vì thế các mẫu giày này thường có một chợ để mọi người mua đi bán lại giày (mới) với nhau. Cái chợ này họ đứng ra làm chủ kèo kết nối người bán với người mua rồi làm đấu giá. Sau khi thắng đấu giá, người bán phải ship cho họ và họ sẽ kiểm định xem có phải giày xịn mới không, rồi ship tiếp cho người mua, rồi ăn một phần hoa hồng trong giao dịch đó. Trang nổi tiếng nhất để mua giày hàng độc kiểu này là StockX.
Vấn đề hay ở đây không phải là cái chợ giày trung gian này mà là thị trường này đẻ ra một lớp người thức thời đi thay vì "phe vé," họ đi "phe giày." Những người "phe giày" này thường sẽ thuê người và viết hay mua các công cụ để đặt hàng tự động trên các website. Họ sẽ rình lúc hàng mở bán là họ sẽ dùng người và máy hốt lập tức hết tất cả hàng để hy vọng bán lại với giá cao hơn khoảng 20%. Cộng lại là giá mua sẽ đội lên 50% so với giá gốc.
Có ý kiến phản đối kịch liệt những người "phe giày" thế này vì họ làm cho người bình thường không thể mua được với giá gốc, như thế là chơi bẩn.
Mình thì nghĩ việc "phe giày" này chỉ là hệ quả của việc các công ty giày cố tình làm giày với số lượng có hạn. Bao giờ khi cầu lớn hơn cung thì việc thị trường tự do sẽ điều chỉnh giá là việc dĩ nhiên. Hơn nữa giày hàng độc không phải là thứ không có thì chết, nên không thể nói là việc "phe giày" này ảnh hưởng xấu đến xã hội. Nó chỉ là một công cụ để điều chỉnh cán cân cung cầu. Nếu như có "phe giày" thì bạn bực mua được giá cao hơn giá gốc, nếu như không có "phe giày" thì bạn bực vì không thể mua được với bất cứ giá nào.
Với mình người Tây có câu "hate the game, don't hate the player" ý chỉ đừng có đổ tội cho người tham gia cuộc chơi không công bằng, hãy đổ tội cho cuộc chơi không công bằng. Theo mình cái cần lên án ở đây là trò của các công ty giày cố tình độ thị trường lên và cách giáo dục để mọi người tin rằng mình có cái giày hàng độc là đẳng cấp, chứ người "phe giày" chỉ là một con tốt trên bàn cờ. Việc họ chỉ làm một số lượng hữu hạn những đôi giày độc là hành vi cố tình chứ không có cản trở gì cả. Việc này khác với những tài nguyên hữu hạn khác, ví dụ như so sánh với trường hợp phe vé. Trong trường hợp phe vé, tài nguyên (số vé) là hữu hạn vì lý do khách quan (vì nó liên quan đến số ghế trong sân vận động). Nhưng về mặt bản chất, ngay cả việc phe vé mình cũng không thật sự phản đối vì trong trường hợp này, nó làm cho những người sẵn sàng trả tiền cao nhất (fan cứng) mới mua được vé thay vì là người may mắn.
Mình nghĩ việc có coi việc "phe giày" như thế này là một việc làm mất đạo đức hay không là câu hỏi thử thách sự tin tưởng của mỗi người vào thị trường tự do. Mình là người rất thích thị trường tự do nên không có vấn đề gì về mặt đạo đức với những người làm việc đó, mặc dù mình không ủng hộ. Mình tin rằng cách nhìn này của mình sẽ là điều làm cho nhiều người rất không đồng tình, nhưng mình tin vào sự tự do tranh luận.