Hồi bé tôi hay được gọi là tồ vì tôi chẳng biết cái gì cả. Tôi thấy cô bạn hàng xóm khó khăn, tôi lén lấy tiền trong ngăn của mẹ mang cho bạn ấy. Tết các cô các bác hỏi tôi thích gì, dù mẹ đã dặn tôi nói tôi muốn một cái xe đạp, tôi ước có con búp bê vải vài chục nghìn. Tôi yêu con búp bê đó lắm, tối nào cũng đem để cạnh gối mà ngủ cùng, tự hỏi nếu cô có mua cho tôi xe đạp thì làm sao có thể đem ngủ cùng được. Có lần tôi bị các em họ chôm hết tiền lì xì, thế mà mãi sau này mẹ kể lại tôi mới hay tại sao lúc về cái túi xách nhỏ tôi đeo theo lại rỗng. Tôi tồ.
Bé tồ, lớn hơn cũng tồ. Tôi bị tẩy chay trong lớp mà cũng không biết. Tôi bị đổ oan, cũng không biết nốt. Vài năm sau khi gặp lại những người bạn đó, thấy tôi tay bắt mặt mừng trông tội tội, họ mới xin lỗi hồi xưa đã sai. Tôi ngớ người, sao lúc đó tớ không rõ. Người chơi với tôi vì lợi dụng, hay người bắt nạt tôi, đọc nhật ký của tôi trước lớp, tới giờ tôi vẫn nói chuyện bình thường và xuề xòa nghĩ lúc ấy ai cũng còn bé. Hồi cấp 3 lúc chuyển vào lớp mới, bạn thân hồi đó lại tỏ ra không biết tôi tồn tại, mặc tôi chơi vơi không biết làm gì ở môi trường toàn người lạ.
Lên đại học, hai người anh tôi thân lúc đó có hôm dẫn tôi đi ăn lẩu. Anh bảo: bây giờ em là cừu, nhưng sau này em sẽ là cáo. Thế mà hôm đó anh trả hết tiền cả phần tôi, còn không ngại xa chở tôi về tận nhà. Tôi thầm chờ đợi mình hóa cáo, chờ đợi lúc tôi không còn là cô bé tồ.
Thế mà có lẽ tôi may mắn, đời chẳng giống với những gì bố hay "dọa" - bởi đời không toàn là trắng mà cũng chẳng toàn đen. Những người đến với tôi ngày càng nuôi tôi lớn thành con cừu béo ị: người bạn thân gặp ở đại học làm mọi thứ vì tôi, làm tôi tin vào cái gọi là "bạn bè" sau biết bao nhiêu chuyện; cách mẹ chịu thay đổi quá nhiều chỉ để tôi vui, để tôi yên bình lớn; những người bạn  giúp đỡ tôi quá nhiều; lòng tốt của người tôi không dám nghĩ tới; biết tôi bị trầm cảm, chị quản lý gọi gặp riêng chỉ để dặn nếu có bao giờ thấy nặng nề có thể chia sẻ với chị; và quá nhiều điều đã xảy ra từ lúc tôi mơ giấc mơ cáo đó—chỉ với mục đích làm tan nát nó. Cứ mỗi khi tôi có nhen nhóm một ý nghĩ cay nghiệt về cuộc đời, tôi lại thấy ai đó tới đem cho tôi sự dịu dàng. Cứ như thể tôi là con cừu béo lúc nào cũng nằm trên chiếc đệm êm ru, cứ như thể cứ mỗi khi tôi bắt đầu nghĩ tới việc trở nên gai góc, có điều nhẹ nhàng nào đó lại xoa lên vết thương trong lòng tôi.
Tôi cũng như tất cả, tự hỏi tại sao nhiều người thích làm cáo trong khi ai cũng luôn có một con cừu bông rất mềm. Ai cũng có vẻ nhiều góc cạnh, nhưng vẫn hằng mong có lúc nào đó và có một ai đó để dịu dàng với, để nhận sự dịu dàng bên mình. Một người để họ không cần lo toan, không cần tính đường đi nước bước. Có lẽ vì thế mà tôi với cô bạn thường hay nhận mình ngu: chúng tôi thấy hài lòng vì ý nghĩ chúng tôi là những người ngớ ngẩn. Ở cạnh cô bạn ấy, tôi có thể chẳng là ai, chẳng cần cố trở thành điều gì to lớn, chỉ cần nắm tay nhau và nói những chuyện nhảm nhí từ mỹ phẩm tới người yêu cũ tới hôm nay ăn gà thì còn bao nhiêu tiền. Có đôi lúc chúng tôi nói về Freud, về Adler hay Jung rồi lại tự cười cợt sự nhỏ nhoi của mình trước nhiều cái tên và nhiều đầu sách. Thật vui khi nói về Freud và việc mua cái váy này thì mặc trông béo trong cùng một lần chuyện: nghe cứ như những học giả uyên thâm tạm nghỉ khỏi sách vở một tí. Có những khi chúng tôi nói về những điều vốn dĩ nên làm chúng tôi căm ghét và cay nghiệt. Nhưng mà thực ra, có ai mà quan tâm chúng tôi quá. Mấy cái con cừu.
Tôi không nghĩ khi được dạy phải đề phòng với tất cả, phải sống chộp giật và so đo, phải trở thành con cáo tinh ranh chớp lấy cơ hội thì sẽ làm ai đó trở thành người thông thái. Một đứa bé chỉ có thể lớn lên khỏe mạnh khi nhận đủ tình yêu, nhận đủ sự dịu dàng. Một em bé và một người già thường có điểm chung: sự vô tư. Càng già, người ta càng sống vô tư hơn, cứ thích chơi thì chơi, học nhảy chachacha thì học, và có lúc nào thích đến gặp ai thì sẽ đến. Sự vô tư của cả hai chắc chắn sẽ khác nhau: sự vô tư của người từng trải là một lựa chọn.
Và tôi nghĩ đó là niềm an ủi lớn.