Khi nghĩ đến hình ảnh của một người trưởng thành, bạn sẽ nghĩ đến điều gì đầu tiên?
Quần áo thẳng thớm
Túi xách cặp táp
Và đi làm

Trong tất cả các phương tiện truyền thông tôi dùng từ nhỏ đến lớn như phim ảnh, quảng cáo hay sách báo để định hình về cuộc sống này, và cả khi nhìn vào những “người lớn thực thụ” là bố mẹ, tôi đều thấy những hình ảnh như trên ở họ. Dường như khi người ta bước vào thế giới của người trưởng thành, đồng nghĩa với việc xã hội sẽ quy định họ có một công việc nào đó và đi làm. Nhưng phim ảnh chỉ phô bày một vài nét nhỏ, còn bố mẹ chỉ tiếp xúc với ta khi đã quay trở về nhà sau những lo toan bên ngoài, còn chẳng ai dạy ta Đi làm rốt cuộc là như thế nào?




Hồi năm nhất tôi từng đi làm rất nhiều việc. Đa phần là để trải nghiệm. Tôi đi chạy sự kiện, tôi đi phục vụ bàn ở nhà hàng, tôi làm thu ngân ở quán café, viết SEO 40k/bài. Khi đi làm những công việc này, nhiều khó khăn và thiệt thòi ngay từ những trải nghiệm đầu đời khiến tôi hoài nghi về cách làm người trưởng thành, rằng tôi có thực sự chỉ cần một công việc và đi làm hay còn cần nhiều yếu tố hơn thế để khiến mỗi ngày đi làm đều hạnh phúc hơn. Và mỗi lần như vậy, tôi đều quan sát những người làm việc cùng với mình. Họ có thái độ khác nhau với công việc, tùy vào sự nghiêm túc của họ đối với công việc đó. Tôi hỏi đồng nghiệp của mình, ở rất nhiều nơi, rằng “Anh/chị có vui khi đi làm không?”. Và chỉ được nhận lại được câu trả lời là ”Không, đi làm vì mưu sinh thôi em à.”

Sau này tôi đã đi làm những công việc nghiêm túc hơn, những nơi tôi dành một thời gian dài để làm việc, đều là những công việc văn phòng chứ không còn lông bông làm việc theo giờ như trước. Ở đó tôi gặp những đồng nghiệp sáng đến đã vội bật máy tính làm việc, trưa ăn cơm văn phòng rồi ngồi nói chuyện với nhau về cuộc sống, chiều tiếp tục ngồi máy tính và đến giờ sẽ ra về. Như công ty của tôi hiện tại, thậm chí mọi người còn tăng ca, rất nhiều. Đồng nghiệp của tôi trong những công việc này rõ ràng đã khác. Họ làm công việc đầu óc, được trả lương bằng trình độ học thuật và tính ổn định cũng cao hơn những công việc trước kia. Tôi lại tiếp tục hỏi câu hỏi của mình, ngoan cố vô cùng nhưng câu trả lời cũng chẳng khá hơn là bao ‘Không em ạ, chị chẳng thấy vui gì”.




Có một điều rất đặc biệt là hiện nay xã hội, ngành nghề phát triển rất vượt bậc, ngày một rộng mở và hiện đại hơn, nhưng người trẻ thường không vui vẻ với những công việc mình làm. Ta thường không thích đi làm hàng ngày, mở mắt dậy và rồi chọn cách nằm ì trên giường và không sao tìm thấy động lực để đến công ty. Ta ghét cuộc sống ngày 8 tiếng ở văn phòng và nghẹt thở với đống dữ liệu và công việc trên máy tính. Ta không thích phải đi làm tất cả các ngày một giờ dù đêm qua vẫn phải miệt mài deadline gửi khách trong đêm. Ta mệt mỏi với việc phải “nịnh” sếp trên, nói chuyện hòa nhập với đồng nghiệp nếu không sẽ bị gạt ra khỏi cái vòng tròn doanh nghiệp. Điểm xuyết trong những ngày mệt mỏi, thì thỉnh thoảng ta cũng có một chút động lực nhưng rồi lại quay về trạng thái cũ. Và khi cái mệt mỏi đã đến cùng cực, ta chọn cách xin nghỉ. Ở nhà. Và rồi lại xin việc. Một quy trình lặp đi lặp lại. 77% người trẻ cân nhắc đến việc nhảy việc nhiều lần trong suốt sự nghiệp*. Vậy, rốt cuộc, ta tìm kiếm gì trong công việc của mình?

Xã hội phát triển khiến người trẻ có ngày nay có nhiều cơ hội hơn trước rất nhiều. Nhìn ngược lại theo dòng thời gian, ông bà chúng ta lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, khi mà đất nước nghèo khó và tiếp cận kiến thức còn khó khăn, khi mà 95% dân số còn mù chữ thì việc học hành tử tế là một điều gì đó còn rất mơ hồ. Bố mẹ chúng ta, lớn lên trong giai đoạn cuối của chiến tranh, việc học lúc này đã được mở rộng để kiến thiết đất nước hậu chiến tranh, họ đã đến với các giảng đường đại học để tiếp thu tri thức mới. Song ảnh hưởng từ một tuổi thơ còn nghèo đói, họ mong mỏi một công việc ổn định danh giá, lúc này xin vào “Nhà nước” là một điều gì đó rất phù hợp với tiêu chí này. Nhưng tất cả đều chưa thể so sánh với một thế hệ trẻ ngày nay. Chúng ta được sinh ra trong sự phát triển của khoa học công nghệ, từng nhịp ta lớn lên là từng nhịp cuộc sống dần trở nên tiện nghi hơn. Cuộc sống của chúng ta dần trở nên đủ đầy. Việc học tập, nghiên cứu và làm việc đã được kết nối ở mức độ cao nhất. Bên cạnh đó, sự hội nhập quốc tế khiến những tri thức và quan điểm từ nhiều quốc gia trên thế giới trở nên rất dễ dàng để ta được tiếp cận. Ta cởi mở, tự tin, linh hoạt, chủ động, ta thành công sớm hơn những thế hệ khác và được trao quyền trong nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế để thay đổi thế giới này. Chính vì vậy, những đòi hỏi trong công việc của ta cũng dần khác với những thế hệ khác.

Theo một nghiên cứu của Wells Fargo vào năm 2017 khảo sát với 1771 người, những người trẻ trong độ tuổi từ 20-36 về những điều khiến họ cân nhắc một công việc. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy rằng có 88% người trẻ cho rằng điều quan trọng nhất trong công việc không phải là tiền bạc mà là công việc khiến họ hạnh phúc. Mặt khác, theo một nghiên cứu của tập đoàn Deloitte từ năm 2016, thì gần 75% thế hệ Millennial cho rằng chính sách "làm việc tại nhà" hoặc "làm việc từ xa" là quan trọng và lý tưởng. Rõ ràng, đọc đến đây bạn sẽ thấy mình không cô độc nếu đang mong muốn một môi trường làm viêc linh hoạt, nơi ta có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, một công việc khiến cho bạn thực sự hạnh phúc. Và rõ ràng trong tương lai, môi trường công việc sẽ càng phải phát triển hơn nữa để phù hợp với thời đại. Rồi những hình ảnh về người trưởng thành kiếm tiền sẽ thay đổi.





Tuy vậy, ta nên hiểu rằng không có gì là tuyệt đối. Tôi từng đọc một câu, đại ý như thế này “Hãy tìm một công việc mà bạn yêu thích để hạnh phúc để hạnh phúc nửa ngày đầu và tìm một người bạn đời hợp ý để hạnh phúc nửa ngày còn lại. Vậy thì chúng ta lúc nào cũng hạnh phúc”. Lúc đó đọc được câu này tôi thực sự rất tâm đắc, hy vọng sau này bản thân có thể làm được như vậy. Nhưng cuộc sống rõ là không phải tất cả đều hoàn hảo, và không có hạnh phúc nào là tuyệt đối hoàn toàn. Một công việc bạn yêu thích, một môi trường làm việc lý tưởng và chế độ lương thưởng lý tưởng thì không phải lúc nào cũng cho bạn niềm vui trong công việc. Vẫn có những lúc bạn đau đớn, khổ sở, bế tắc, không thoải mái khi làm việc. Cô bạn thân của tôi làm nghề makeup, đó vốn là ước mơ từ khi còn học cấp ba và bạn thực sự yêu thích công việc này. Sau tất cả những thử thách về một nghề nghiệp “không danh giá” trong mắt gia đình, cô bạn tôi rất thành công và được nhiều người book làm việc. Nhưng sau đó, cô bạn dần tâm sự với tôi những góc trái của nghề nghiệp và không phải cái gì cũng tuyệt đẹp như mọi người vẫn nghĩ.

Ta không thể mong cầu tất cả mọi thứ trong công việc đều hợp ý ta, ta chỉ có thể giảm bớt những điều bế tắc mà ta gặp phải mà thôi. Ta thích việc đó, ta có khả năng làm việc đó, thì ta cần phải làm dù cho nó còn nhiều khó khăn. Còn hơn ta phải làm một công việc khác, ta ghét bỏ và hoàn toàn không có kiến thức về nó. Điều quan trọng hơn, vẫn là ở chính bản thân mình. Điều đáng sợ nhất không phải những yếu tố ngoại cảnh, điều đáng sợ nhất là ta trở nên lười biếng, thiếu tính kiên trì, không chịu cố gắng vươn lên. Vậy nên đừng tìm hạnh phúc như một điểm đến, hãy tìm thấy phiên bản tốt nhất của bản thân trong hành trình và con đường làm việc để hạnh phúc.

Người trưởng thành phải đi làm, quan trọng là ta biết cách làm.



* Theo một nghiên cứu của Công ty Cornerstone International Group (Singapore) nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý nguồn nhân lực