Chuyện bọc vở
Hồi xưa mình vô cùng thắc mắc tại sao lại phải bọc sách vở: sách vở nó sinh ra cái bìa lại có cả gáy sách để phân biệt rồi tại sao...
Hồi xưa mình vô cùng thắc mắc tại sao lại phải bọc sách vở: sách vở nó sinh ra cái bìa lại có cả gáy sách để phân biệt rồi tại sao lại bọc lại, rồi để mỗi lần soạn sách vở mang đi học lại phải khổ công tìm nó là quyển nào vào quyển nào. Và vì giống nhau như vậy nên phải sinh ra cái mà người ta thường gọi là nhãn vở, viết chữ bé tí vào đó để phân biệt – nhưng vì chữ quá bé nên rút cục cũng chả để làm gì.
Đấy là chuyện của đầu năm học. Còn sau đấy thì quen, nhớ luôn cả độ dày mỗi quyển nên nhắm mắt cũng soạn sách vở không cần nhin. Vì tự tin quá nên đôi khi cũng mang nhầm sách nọ với sách kia, nhưng túm lại thì cũng chẳng phải chuyện gì tày đình. Chỉ riêng cái chuyện bọc vở và cái nhãn vở đối với mình thì vẫn cực kỳ khó hiểu.
Công nghệ bọc vở hồi cấp một là bọc bằng bìa lịch. Tờ lịch tháng có một mặt trắng và một mặt màu, lại cứng cáp nên là mẹ hay bọc bằng lịch. Lịch nào mà có mặt màu đẹp thì bìa sách sẽ có hình kiểu hoa đào, hoa phượng, hay con thuyền gì đó. Còn không thì sẽ có màu trắng. Cuối cấp một công nghệ đột phá sang một bước mới là giấy bọc vở in hình nọ kia, có kèm luôn cả nhãn vở. Cái giầy này thì đẹp, nhưng mà chỉ sau 1 kỳ học là tan nát: góc sách thì nát, hình thì nhợt nhạt trông đến là kinh. Mà các thầy cô có vẻ chỉ để ý đến sách vở đầu năm học, còn cuối năm học thì thế nào cũng được thì phải, Nên là cuối năm sách của mình thường là vứt luôn bìa đi, cho dù hơi trần trụi nhưng được cái là cái bìa trông vẫn như mới.
Lên cấp hai công nghệ cải tiến thêm nữa, có cái bọc vở bằng nilon trong suốt nên sách vừa đẹp vừa giữ được lâu. Mỗi tội là hồi cấp hai thì mình học chương trình thí điểm, sách thì to mà năm sau cũng chỉ vứt đi nên là chả tội gì phải mặc áo cho nó làm gì. Trong sách thì toàn viết lung tung, tuy không giữ gìn lắm như hồi nhỏ hơn nhưng sách vở hồi đó có bao nhiêu là kỷ niệm, từ chat chit với các bạn đến nháp bài rồi đủ thứ hầm bà lằng.
Tuy không bọc sách nữa nhưng mình lại đi bọc truyện và mấy quyển sách khác mà mình muốn giữ lâu. Làm như thế để mép sách khỏi bị bong ra, có gì sau này để lại cho đẹp. Mình bọc gần hết bộ Conan, nhưng rồi sau này cũng để bán lỗ đi như thế. Nghĩ lại, chuyện bọc vở ngày xưa rồi bọc điện thoại bây giờ cũng giống như chuyện nâng niu cái gì thì cái đó nó quý, chứ cũng không hẳn vì nó có giá trị gì cả.
Nhân dịp xem phim(*) thấy em nhân vật chính đi bọc lại cái quyển sổ mà cậu bạn cùng bàn chép công thức toàn lý hoá cho (mà không biết sau này có đụng đến không) với cả một sự nâng niu – và nhớ đến mùa hè vừa rồi suy đi tính lại mình lại giữ lại mấy quyển sách này, chẳng qua cũng vì một cái nỗi niềm tương tự: chẳng phải vì gì đó ghê gớm, mà chỉ là muốn giữ lại một bầu trời kỉ niệm đó thôi.

-----
(*) Bộ phim ấy là Điều Tuyệt Vời Nhất Của Chúng Ta, chuyển thể từ truyện cùng tên của tác giả Bán Nguyệt Trường An

Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất