Chuyện 7 ông Boyars!
Như đã nói trong bài trước về cuộc chiếm đóng Moscow của quân Ba Lan, chúng ta đã biết rằng kỳ thực cuộc chiếm đóng là chỉ là hình...
Như đã nói trong bài trước về cuộc chiếm đóng Moscow của quân Ba Lan, chúng ta đã biết rằng kỳ thực cuộc chiếm đóng là chỉ là hình thức, một sự bắt tay ngoài mặt giữa Ba Lan và các thế lực chính trị Nga để phục vụ lợi ích riêng của bản thân.
Còn về bản chất, quyền lực thực sự ở Nga lúc này nằm trong tay một nhóm các quý tộc (hay gọi là Boyars) đầu sỏ, mà lịch sử Nga gọi với cái tên "Hội đồng 7 Boyar" - Семибоярщина. Bài viết này sẽ tóm tắt ngắn gọn nhất để các bạn hiểu được sơ lược về câu chuyện này.
Quay lại với nước Nga năm 1610, nhà Rurik đang hấp hối những giờ phút cuối cùng. Sa hoàng Vasily IV đối mặt bốn bề kẻ thù: người dân Moscow mỏi mệt với tình cảnh đất nước, tập trung ngoài cung điện gọi Vua rời ngai. Khởi nghĩa nông dân của Ivan Bolotnikov vừa bị dập dập tắt nhưng gây thiệt hại hết sức nặng nề. Ở xa xôi phía Nam, quân du mục Crimea-Nogai nhấn chìm miền Nam nước Nga trong cướp bóc tan hoang. Quân Ba Lan cũng tiến vào Nga từ phía Tây. Dù Vasily IV đã gọi quân Thụy Điển từ phía Bắc vào giúp, nhưng đội quân Thụy Điển này cũng bị người Ba Lan đánh bại.
Tuy vậy, kẻ thù lớn nhất với Vasily IV - lại ngay bên ngoài thủ đô - kẻ giả danh "Sa hoàng" Dmitri II đang lãnh đạo một trong những cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất lịch sử Nga (mình sẽ viết kỹ hơn về 4 ông vua giả Dmitry trong bài ngay sau đây).
Cái nguy hiểm của Dmitry II, là ông được sự ủng hộ to lớn của dân chúng Nga, đặc biệt là những tầng lớp thấp kém ở tầng dưới xã hội. Có thể về những hứa hẹn của Dmitry II về một cuộc sống đỡ khốn khổ hơn cho tầng lớp nông nô, hoặc cũng có thể do cách sống gần gũi với binh lính, người dân của Dmitry II.
Thế nhưng, sự ủng hộ này của người dân với Dmitry II, tiếc thay lại không phải điều mà giới quý tộc Nga mong muốn. Trong mắt giới quý tộc Nga, Dmitry II là một kẻ xuất thân không rõ ràng (mà khả năng cao là nông nô hèn kém), giống với một kẻ đạo tặc hơn là một ông vua.
Nhưng họ cũng không thể giữ lại Vasily IV - người vị vua không còn một chút tin tưởng nào của người dân và gần như chắc chắn sẽ bị lật đổ. Trong tình cảnh đó, giới quý tộc Moscow đã nghĩ ra một cách: rước quân Ba Lan vào!
Quân Ba lan lúc này đã dẹp tan quân đội Nga-Thụy Điển cách Moscow không xa, việc Ba Lan có chiếm Moscow hay không phụ thuộc vào việc họ có muốn hay không, hay là đi chiếm các công quốc Nga khác mà lúc đó có vẻ "ngon ăn" hơn một Moscow tan hoang sau bao năm đói khổ chiến loạn. Thực tế lịch sử rằng vào thời điểm đó, quân đội của vua Sigismund III từ Ba Lan đã ưu tiên chiếm công quốc Smolensk ở phía Tây Moscow - lúc này còn trù phú hơn kinh đô nước Nga.
Dù vậy, cuối cùng thì giới quý tộc Nga cũng thuyết phục được người Ba Lan hãy chiếm Moscow, bằng cách tự tay lôi cổ Vasily IV xuống nộp cho quân Ba Lan. Bằng cách này, các quý tộc Nga muốn nói rằng: "chúng tôi dọn sẵn đường rồi, các ông cứ vào ngồi thôi!". Đó là năm 1610, quân Ba Lan vào chiếm Moscow và nhà Rurik chấm dứt sau gần 800 năm cai trị nước Nga.
Phân tích bản chất để hiểu ở đây rằng: giới quý tộc Nga lúc này đã chắc chắn Vasily IV sẽ bị lật đổ. Nhưng nếu ông bị lật đổ và thủ đô bị chiếm bởi một lực lượng nông dân (như Vasily II), hay một lực lượng đồng minh cuả Vasily II (như Thụy Điển), thì quyền lợi của họ sẽ bị mất.
Do vậy, người chiếm Moscow phải là một lực lượng sẽ đảm bảo lợi ích cho các quý tộc Nga, đồng thời sẽ đàn áp các lực lượng khởi nghĩa của dân chúng - đó chính là quân Ba Lan.
Các quý tộc Nga sau khi mời quân Ba Lan vào lật Vasily IV, thì chỉ dựng một hoàng tử Ba Lan tên Vladislav lên làm Sa hoàng bù nhìn. Đây chỉ là "sa hoàng" danh nghĩa để che mắt dân chúng, và sẽ rất nhanh chóng bị hất cẳng do đổ vỡ liên minh Nga-Ba Lan. Về vấn đề này, có thể sẽ cần một bài khác nữa giải đáp.
Còn trên thực tế, quyền lực chính ở Nga thời này nằm trong tay một nhóm các Boyar quyền lực nhất của đất nước, mà lịch sử gọi là "Hội đồng 7 Boyar" (Семибоярщина).
Tình hình lúc này vẫn chưa hoàn toàn thuận lợi cho giới quý tộc Nga - vẫn còn lừng lững ở đó một Dmitry II được người dân Nga yêu quý ủng hộ. Các quý tộc Nga (hay rõ hơn là trùm cuối Romanov) lo ngại rằng bản thân lực lượng của họ không đủ để chống Dmitry II. Chính vì lẽ đó, họ quyết định: mời lực lượng quân sự Ba Lan ở lại Nga, giúp sức đánh Dmitry II.
Các bạn chỉ cần biết là tới cuối cùng, quân Ba Lan sát cánh với quân của nhà Romanov đã đánh bại Dmitry II. Tới đây, quyền lực của "7 Boyar" đã được thiết lập chắc chắn. Đoạn sau câu chuyện chắc các bạn đã biết: ngắn gọn là giới quý tộc Nga lật kèo trở mặt, đánh đuổi luôn của quân Ba Lan, từ đó lập ra triều Romanov tới năm 1917 mới chấm dứt. Khởi phát của triều Romanov, có thể coi là từ "hội đồng 7 Boyars" này.
Về tổng quan, hành động của "Hội đồng 7 boyar" năm xưa mời quân Ba Lan vào thành, lịch sử Nga vẫn tồn tại nhiều tranh cãi. Những người bênh nhà Romanov thì không nói, vẫn còn những ý kiến khác chỉ trích thẳng hành động của "7 boyar" là tồi tệ.
Ở đây chưa nói gì tới chuyện thâm thù dân tộc Nga-Ba Lan, "cõng rắn cắn gà nhà" - mà chỉ nói riêng về việc các Boyar mời một vị vua từ xa tới để bảo toàn quyền lợi cho giới quý tộc thượng tầng, trong khi chống lại vị "sa hoàng" được các tầng lớp dân chúng thấp hơn ủng hộ (tức Dmitry II) - đã bị coi là bán đứng lợi ích của phần lớn dân chúng, phục vụ ích kỷ cho một nhóm người trên cao.
Do vậy, hình tượng "7 boyar" sau này nó đã trở thành một hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa tiêu cực trong xã hội Nga, để nói về một tầng lớp thượng tầng thâu tóm quyền lực nhưng chỉ tìm cách thu lợi cho bản thân, không quan tâm tới dân chúng.
Tiêu biểu nhất, ở nước Nga thập niên 90s giới chủ ngân hàng có 7 nhà tài phiệt thâu tóm, gây nhiễu loạn nền kinh tế đất nước (theo một số cách tính khác thì có tới 9 người). Năm 1996, 7 nhà tài phiệt này bị cho là đứng ra giàn xếp chi phối kết quả bầu cử tổng thống Nga, mà cuối cùng tổng thống Yeltsin được giữ lại bất chấp sự thất vọng của người dân.
Dân Nga gọi họ với cái tên "Hội đồng 7 ngân hàng" (Семибанкирщина) để nhại lại "Hội đồng 7 Boyar" (Семибоярщина) năm xưa - dĩ nhiên với ý nghĩa tiêu cực, chỉ trích và châm biếm.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất