(Bài viết chia sẻ dựa trên quan điểm cá nhân)
Chúng ta có cần tình yêu đôi lứa hay không? Có lẽ phần lớn câu trả lời là CÓ. Nhưng đối với một số cá nhân ương bướng hay đang trong một giai đoạn tâm lý bất ổn nào đó, đôi khi câu trả lời là KHÔNG? Mình là một ví dụ. Mình đã từng nhiều lần tự hỏi "Bản thân có thực sự cần tình yêu từ người khác giới?"
Sau một vài năm không thấy bóng dáng nàng Bân thì năm nay Nàng quay lại mang đông đến làm khách trong những ngày tưởng hạ đã sang. 
Để giải thích cho chuyện nàng Bân xuất hiện, có một câu chuyện thế này:
“Nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng, nhưng khác với nhiều chị em của mình, nàng Bân chậm chạp và có phần vụng về. Tuy nhiên, nàng vẫn được cha mẹ yêu chiều. Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu thương con thua em kém chị nhưng không biết làm cách nào, mới bàn nhau lấy chồng cho nàng để nàng biết thêm công việc nội trợ trong gia đình. Chồng nàng Bân cũng là một người trên thế giới nhà trời.
Nàng yêu chồng lắm. Thấy mùa rét đã đến, nàng định tâm may cho chồng một cái áo ngự hàn. Nhưng nàng vụng về quá, khi bắt đầu rét, nàng Bân đã bắt đầu công việc song cứ loay hoay mãi, tìm được cái nọ thì thiếu cái kia, xe được chỉ thì chưa có kim, đưa sợi vào dệt thì thoi, suốt lại hỏng. Đến nỗi trời đã sắp sang xuân rồi mà chỉ mới may trọn được đôi cổ tay... Nhưng nàng Bân vẫn không nản chí. Nàng may mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Nàng buồn lắm.
Thấy con âu sầu, Ngọc Hoàng gạn hỏi. Khi biết chuyện, Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo. Từ đó thành lệ, hàng năm vào khoảng tháng Ba tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm, người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân”.
Câu chuyện trên thì có liên quan gì đến Chúng ta có cần tình yêu đôi lứa hay không?
Theo cách hiểu của mình, có rét nàng Bân là vì có tình yêu của nàng Bân với chồng, tình yêu của Ngọc Hoàng với con. Tình yêu là ngọn nguồn.
Câu chuyện cổ tích trên lý giải hiện tượng tự nhiên lạnh vào tháng 3 với cơ sở chính là dựa trên tình yêu - một câu chuyện hợp tình, hợp lý. Và nếu để ý, khá nhiều các tác phẩm văn học dân gian mà cốt truyện, nội dung được xây dựng trên tình yêu, các hiện tượng được lý giải dưới góc độ tình yêu. Đó có thể là tình yêu quê hương, tình yêu thiên nhiên và tình yêu đôi lứa.
Trong số đó, chủ đề tình yêu đôi lứa là khá phổ biến thể hiện qua số lượng truyện cổ tích, ca dao, dân ca,... về chủ đề này. Để chứng minh sự phổ biến của các tác phẩm văn học dân gian về chủ đề tình yêu đôi lứa, mình ví dụ cụ thể về ca dao. 
Trong cuốn Tục ngữ cao dao Việt Nam (NXB VH-TT) ca dao về chủ đề tình cảm gia đình - bạn bè chiếm khoảng 30 trang, ca dao về chủ đề tình yêu quê hương chiếm 25 trang, trong khi ca dao về tình yêu nam nữ và hôn nhân là 85 trang. Số lượng nhiều cũng có thể hiểu từ xa xưa, tình yêu đó đã tồn tại, được nhắc đến nhiều, được coi trọng. Tình yêu đôi lứa gắn liền với xã hội, với từng cá nhân trong từng suy tưởng. 
Nếu không tồn tại, không là một phần quan trọng trong đời sống của mọi người thì hẳn ông cha ta không thể nói nhiều về chủ đề này đến như vậy.
Một cách giải thích ngô nghê, xét trên khía cạnh văn học dân gian là thế. Và tất nhiên ở các giai đoạn văn học khác, chủ đề này ngày càng được tiếp cận trực tiếp hơn, những lời văn có thể chạm đến lòng trắc ẩn của mỗi người, chạm đến những nỗi niềm tình yêu thầm kín nhất. 
Những lý lẽ trên chứng minh rằng từ thời xa xưa, tình yêu đôi lứa đã tồn tại, nảy sinh trong các cá nhân.
Xét trên khía cạnh hiện thực thì sao? Tình yêu phải chăng chỉ là những thứ ảo mộng và không có chúng ta ở đó. 
Chúng ta có thật sự cần tình yêu đôi lứa hay không?
Có lẽ phần lớn câu trả lời là . Nhưng đối với một số cá nhân ương bướng hay đang trong một giai đoạn tâm lý bất ổn nào đó, đôi khi câu trả lời là KHÔNG? 
Nhưng vấn đề điều này có thực sự quan trọng không? 
Theo mình thì là quan trọng, vì đôi khi sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận cuộc sống và vấn đề liên quan khác. Để thuyết phục bản thân là Chúng ta cần tình yêu đôi lứa, mình đưa ra 2 dẫn chứng:
1. Tháp nhu cầu maslow
Tháp nhu cầu Maslow là một trong những học thuyết nổi tiếng của nhà tâm lý học  Abraham Maslow được đưa ra vào năm 1943. Tháp này không chỉ được áp dụng trong kinh doanh, marketing, nhân sự mà còn được sử dụng để phân tích các nhu cầu trong cuộc sống của con người. Cho đến nay tháp nhu cầu Maslow vẫn được coi là kinh điển và vận dụng rộng rãi.

Cấu trúc của Tháp nhu cầu có 5 tầng, trong đó, những nhu cầu con người được liệt kê theo một trật tự thứ bậc hình tháp kiểu kim tự tháp. Và nhu cầu tình yêu đôi lứa nằm ở tầng thứ 3 của tháp.
Nhu cầu này gọi là Social Needs: mong muốn thuộc về một bộ phận, một tổ chức nào đó (belonging needs) hoặc nhu cầu về tình cảm, tình thương (needs of love), tình yêu, thể hiện qua quá trình giao tiếp như việc tìm kiếm, kết bạn, tìm người yêu, lập gia đình, tham gia một cộng đồng nào đó, đi làm việc, đi chơi picnic, tham gia các câu lạc bộ, làm việc nhóm,… 
Tình yêu đôi lứa chỉ là một nhu cầu trong nấc thang thứ 3 nhưng cũng thể hiện rằng đó là nhu cầu của loài người, của mỗi cá nhân. 
Bạn có thể nghĩ rằng, mình không có nhu cầu - nhưng thực chất là bạn chưa có vì nó nằm ở nấc thang thứ 3. Khi bạn thỏa mãn được các nhu cầu ở nấc 1 và 2, phần nhiều bạn sẽ cần các nhu cầu ở nấc 3. 
Nếu bạn đã thỏa mãn nhu cầu nấc 1 và 2 nhưng bạn vẫn cho rằng mình không cần tình yêu đôi lứa là khi bạn không biết nhu cầu thực sự mình cần là gì? Có thể trong sâu thẳm tâm hồn, vào một vài khoảnh khắc bạn thực sự muốn được chia sẻ và thấu hiểu, được yêu thương và trân trọng, một sự quan tâm đặc biệt khác ngoài tình yêu gia đình, tình bạn bè. 
2. Cuối thế kỷ 18, tình yêu là quy luật nằm trong hệ thống xã hội. Nhưng tình yêu là cảm xúc và có thể mạnh mẽ nhất là tình yêu đôi lứa. Mà cảm xúc là khoa học, đã được nghiên cứu từ nửa sau thế kỷ 19, với một số kết quả như:
Cảm xúc xuất hiện bởi “sự trợ giúp của các hóa chất cấp lệnh... cảm xúc phụ thuộc và chịu sự điều khiển của hóa học thần kinh”, là “sự hợp tác của nhiều thành tố gồm vùng, trung khu não nhất định, công năng truyền tin, tế bào thần kinh, chất truyền tin thần kinh như Acetylcholine, Dopamine, Serotonin và Noradrenalin; kích thích từ môi trường,...” (Trích Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu)
Mỗi vùng, tế bào thần kinh và chất truyền tin,... sẽ có một chức năng nhất định, gây ra các phản ứng, cảm xúc của con người. 
Ví dụ như "Serotonin là nhà ngoại giao và trung gian. Nó tác động trong tuần hoàn máu và điều chỉnh huyết áp. Trong phổi và thận, Serotonin giúp làm co hẹp mạch máu, ngược lại trong toàn bộ bắp thịt bám vào xương nó làm giãn nở mạch máu. Chất truyền tin này điều chỉnh nhịp điệu ngủ - thức và lấy lại cân bằng khi cơ thể bị stress. Nếu hoạt động của Serotonin bị xáo trộn sẽ gây hệ quả tích cực hoặc tiêu cực đi. Người ta cho rằng, những người đang yêu sở hữu Serotonin cao giúp họ thỏa mãn và hài lòng." (Trích Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu)
“Tại sao một số người thích mùi vị của con hàu trong khi một số người khác lại thấy tanh lòm?” Những điều này không phải tự nhiên mà có, đó là sự kết hợp phức tạp của hệ thống cảm xúc. 
Cảm xúc tồn tại là một phần của não bộ. Mà tình yêu là cảm xúc, tình yêu là một phần được nảy sinh trong bộ não hoàn chỉnh, là hệ thống thần kinh, “là phản ứng hóa học” tồn tại trong mỗi người, không thể phủ nhận tình yêu hay cảm xúc. Điều này có thể hiểu rằng, chúng ta sinh ra với hệ thống não bộ hoàn chỉnh đã có sẵn tình yêu. 
Với những thông tin trên, chúng ta sẽ có cơ sở nào đó để trả lời Bản thân có thực sự cần tình yêu đôi lứa hay không?